Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

20/4/11

LUẬT TỐ TỤNG, TỐ TỤNG HÌNH SỰ, TỐ TỤNG DÂN SỰ LÀ GÌ?

http://nguoibaovequyenloi.com/Images/TinTuc/2009/07156/LUAT%20CAC%20NUOC%20BAC%20AU.JPG
Anh Phó - Chuyện Xưa chuyện Nay  

Luật tố tụng
Độc giả: Tôi có đọc Luật Tố tụng hình sự Việt Nam và Luật tố tụng dân sự Việt Nam nhưng không hiểu rõ hai chữ "tố tụng" có nghĩa thực là gì. Xem trong Từ điển tiếng Việt thấy giải nghĩa "tố tụng" là thưa kiện tại tòa án; còn hỏi những người am hiểu pháp luật thì được giải thích "tố tụng" là quy trình, trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án hay một vụ việc nào đó. Vậy Anh Phó có thể giúp tôi hiểu thêm về ý nghĩa gốc của hai từ ấy là gì?
Anh Phó: Trong Hán Việt từ điển, học giả Đào Duy Anh có giải thích: "tố tụng" là việc thưa kiện (procès), "tố tụng pháp lý" là pháp luật quy định những thủ tục về cách tố tụng (code deprocédure)". (Trường Thi xuất bản, Sài Gòn, 1957, tr. 302). Sách Tiếng nói nôm na của Lê Gia, dẫn giải 30.000 từ tiếng Việt thường dùng có liên quan đến từ Hán Việt (NXB Văn Nghệ TP HCM, 1999) giải thích chi tiết hơn: "Tố tụng" là vạch tội và đưa ra cửa công để phân giải phải trái do chữ "tố" là vạch tội; chữ "tụng" là thưa kiện ở cửa công để xin phân phải trái" (trang 1027-1028).
Như vậy, nguồn gốc hai chữ "tố tụng" nghĩa là "việc thưa kiện ở tòa án" như bạn đã dẫn từ sách Từ điển tiếng Việt. Nhưng khi "vận dụng" hai từ đó vào lĩnh vực pháp luật để đặt tên cho hai ngành luật, hai đạo luật quan trọng của nhà nước thì người ta lại hiểu đó là pháp luật quy định về thủ tục giải quyết các vụ án, vụ kiện ở tòa án.
Dưới thời quân chủ, có thể nói bộ luật tố tụng đầu tiên ở nước ta ra đời vào thế kỷ XV (thời nhà Lê) nhan đề là Lê triều khám tụng điều lệ. Đến thời Pháp thuộc, người ta bắt đầu dùng hai chữ "tố tụng" để dịch chữ "procédure" (chữ Pháp procédure hay chữ Anh procedure đều bắt nguồn từ chữ La tinh processus nghĩa là quá trình, trình tự, thủ tục), như hai bộ luật Bắc kỳ dân sự, thương sự tố tụng; Trung kỳ dân sự, thương sự tố tụng... Dưới chế độ cũ ở miền Nam trước năm 1975, cũng có Bộ luật Hình sự tố tụng, Bộ luật Dân sự và Thương sự tố tụng (năm 1972).
Nói chung, các bộ luật tố tụng (Code de procédure) dù là Bộ luật tố tụng hình sự (Code de procédure pesnale hoặc Code de procédure criminelle) hay Bộ luật tố tụng dân sự (Code de procédure civile) đều là những hình thức pháp luật quy định về thủ tục làm việc của các cơ quan Nhà nước và những người có liên quan khi giải quyết, xử lý một vụ án. Sách Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam của Trường Đại học luật Hà Nội định nghĩa: "Tố tụng hình sự là trình tự (quá trình) tiến hành giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. Tố tụng hình sự bao gồm toàn bộ hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án), người tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân và thư ký phiên tòa), người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo, người bào chữa...), của cá nhân, cơ quan nhà nước khác và tổ chức xã hội góp phần vào việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật Tố tụng hình sự" (Sđd , NXB Công an Nhân dân, 2000, trang 7-8). Còn tố tụng dân sự thì Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt nam cũng định nghĩa: "Luật tố tụng dân sự là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa tòa án, viện kiểm sát với các đương sự, những người tham gia tố tụng khác trong quá trình tòa án giải quyết vụ án dân sự..." (Sđd, NXB Công an Nhân dân, 1998, trang 11).
Nguyệt san Pháp luật TP. HCM số 74, tháng 2/2003
Tố tụng Hình sự - Hình sự Tố tụng
Độc giả: Trong số rồi, ông có trả lời một bạn ở Trà Vinh, rằng "bộ luật tố tụng" là một bộ luật quy định cách thức, thủ tục làm việc của các cơ quan nhà nước và những người có liên quan, khi giải quyết, xử lý một vụ án. Nhưng tôi chưa rõ sao là "tố tụng hình sự", sao là "tố tụng dân sự"?
- Trước ngày giải phóng 1975, tôi thường nghe nói "Bộ luật Hình sự tố tụng", còn bây giờ thì nói "Bộ luật Tố tụng hình sự". Cách nói nào đúng? Tại sao có sự khác nhau như vậy?
Anh Phó: Những việc các bạn thắc mắc đều nằm trong lĩnh vực chuyên môn pháp luật, người ta thường nói đó là những "thuật ngữ pháp lý" mà người nghiên cứu, làm việc trong ngành pháp luật thì dễ hiểu hơn.
Khi nói đến hai chữ 'hình sự" (tiếng Pháp viết là "pénale" hay "criminelle") thì được hiểu đó là những việc liên quan đến tội phạm và hình phạt, tức là việc trị tội một người có hành vi nguy hiểm cho xã hội (như: cướp của, giết người, hiếp dâm, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy... ). Còn chữ "dân sự" (tiếng Pháp viết là "civille") được hiểu đó là việc liên quan đến vấn đề tài sản, danh dự, nhân phẩm của con người, những giao dịch trong xã hội có liên quan đến nhân thân, tài sản (gọi là "giao dịch dân sự" như: mua bán, trao đổi, cho thuê, di chúc, ủy quyền...). Cho nên, trong pháp luật tố tụng, người ta chia ra lĩnh vực khác nhau: hình sự là việc nhà nước trị tội một người vi phạm pháp luật, có hành vi nguy hiểm cho xã hội; còn dân sự là việc phân xử tranh chấp quyền lợi, nghĩa vụ giữa công dân với nhau (như tranh chấp đòi nợ, đòi nhà cho thuê, đòi bồi thường thiệt hại vật chất do bị xe đụng hay thiệt hại tinh thần do bị vu khống, nói sai, nói xấu cho nhau, việc vợ chồng kiện nhau xin ly hôn, chia của, giao giành nuôi con,...). Trước kia người ta thường gọi "việc hình sự" là "việc hình"; còn "việc dân sự" là "việc dân", "việc hộ".
Vì thế mà trong hệ thống các văn bản pháp luật của nhà nước quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án. Có hai thứ luật khác nhau (luật tố tụng hình sựluật tố tụng dân sự), có hai bộ luật khác nhau (Bộ luật Tố tụng hình sựBộ luật Tố tụng dân sự).
Còn tại sao có khi gọi là "tố tụng hình sự", có khi gọi là "hình sự tố tụng", thì trong ngôn ngữ Việt Nam, chúng ta có hai cách nói đều phổ biến, mọi người dều hiểu: Một là cách nói theo Hán Việt thì tính từ đặt trước danh từ. Thí dụ: phi cơ (máy bay), hiền nhân (người hiền), bộ trưởng (người đứng đầu một bộ)... Còn nói theo Nôm, theo tiếng Việt thuần túy thì tính từ đặt sau danh từ. Thí dụ: chiếc áo đỏ, bình mực xanh, con người tốt, quan tham. Qua hai thí dụ trên, khi nói "hiền nhân" người ta cũng hiểu, mà nói "người hiền" thì cũng hiểu giống như vậy; cũng như khi nói "tham quan" hay "quan tham" cũng hiểu đồng một nghĩa là ông quan xấu, tham lam, hay ăn hối lộ... Có khác chăng là cách nói thôi, cách nào cũng đúng.
Vì vậy, "Bộ luật Tố tụng hình sự" hay "Bộ luật Hình sự tố tụng" đều có chung một ý nghĩa là bộ luật quy định cách thức tố tụng trong lĩnh vực hình sự, thế thôi. Đặt hai chữ "tố tụng" trước là cách nói theo tiếng Việt; còn đặt hai chữ "hình sự" trước là cách nói theo ngôn ngữ Hán Việt ("hình sự" là tính từ, "tố tụng" là danh từ). Cách nào cũng đúng nhưng theo tôi một khi nhà nước đã chọn cách nói nào, nhiều người nói thế nào, ta nên theo cách đó thì đúng hơn...
Nguyệt san Pháp luật TP. HCM số 75, tháng 3/2003
Nguồn: chungta.com

VIỆT NAM YÊU DẤU