Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

10/1/12

TỪ NGỮ NHẠY CẢM: DÂN CHỦ!

Một trong những chức năng của ngôn ngữ là nhằm để diễn tả những ý niệm, sự vật hay tư tưởng. Vì tính cách “trung gian” này, ngôn ngữ vừa có khả năng chuyển tải cách trong sáng luận đề cần trao đổi trong trường đối thoại, nhưng nó cũng có thể là tác nhân làm méo mó cũng chính những luận điểm ấy nếu bị cắt nghĩa một cách hời hợt, cẩu thả hay thậm chí bóp méo ngôn ngữ. Tùy theo cấp độ từ mập mờ đánh lận ý niệm, đến ngụy biện hay thậm chí cưỡng tình đoạt lý mà ngôn ngữ có thể biến chất.
Trong số những khái niệm đang sống dở chết dở trong tình trạng này, phải kể đến danh từ “dân chủ”.
Không phải cần đến những định nghĩa có tính cách hàn lâm, một cách cắt nghĩa rất bình dân, giản dị cũng đủ cho ý niệm này, dân chủ có nghĩa là người dân làm chủ. Mà đã làm chủ, thì cũng bao hàm những quyền lợi. Sẽ không tồn tại một “chủ nhân ông” không có quyền lợi, hay nói cách khác, tước đoạt những quyền lợi cơ bản bất khả khuyết của người dân, là sự vi phạm dân chủ trắng trợn nhất.
Những quyền lợi cơ bản của người dân được đề cập trong Hiến Chương nhân quyền của Liên hiệp quốc từ năm 1948. Nền tảng của hiến chương này dựa trên nhân phẩm và nhân vị của một con người, vì thế khó có thể chấp nhận quan niệm rằng nhân quyền của quốc gia hay chủng tộc này khác với nhân quyền của đất nước hay xã hội kia. Làm gì có chuyện bạn không phải là con người, hay thậm chí xấu hơn, ở một vị thế thấp hơn khi bạn sống trong những vùng địa lý khác nhau. Đúng ra, cần phải xác tín rõ ràng rằng, sự hạn chế quyền lợi chính đáng và cơ bản của người dân là một hình thức độc tài và chuyên quyền. Nó cũng là một sự phỉ báng tàn nhẫn trên một dân tộc khi tước bỏ những quyền căn bản của người dân với chiêu bài “dân trí còn thấp”. Hãy tưởng tượng điều này chẳng khác gì một người bạn đồng môn ném vào mặt bạn một câu nói “vì mày ngu, nên mày không được quyền nói”.
Vì dân chủ là thể chế được xây dựng trên nhân quyền, nên xây dựng một xã hội dân chủ, điều này cũng đồng nghĩa với việc xiển dương và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có thể sống và thực thi những quyền lợi tròn đầy xứng đáng với nhân phẩm của họ.
Hiểu như thế, dân chủ là một quyền lợi, là một tài sản của người dân mà chính quyền, được trao những chức năng đặc biệt, phải tôn trọng và xây dựng pháp điển nhằm bảo đảm quyền của công dân. Nói cách khác, vì dân chủ là quyền lợi của người dân, nó cũng trở thành một một hàn thử biểu tính chính nghĩa hay phi nghĩa của chính quyền: Chính quyền độc tài sẽ tìm mọi cách hạn chế tính dân chủ và quyền công dân dưới mọi hình thức, trong khi đó, các chính thể dân chủ sẽ tìm mọi cách để phát huy tính dân chủ và nhân quyền.
Như vậy, dân chủ là một khái niệm, một tình huống chính trị rất gần gũi và cần thiết. Thậm chí xa hơn, có thể nói dân chủ như là một môi trường công bằng trong xã hội, nơi đó, tình trạng bóc lột sẽ bị khống chế bởi sự kiểm soát thực thụ của người dân.
Liệu bạn có thể tin rằng con cái của bạn sẽ là thiên tài xuất chúng để trở thành đại gia trong một xã hội nhù nhòa bị điều khiển bởi nhóm lợi ích chính trị, kinh tế? Nếu chúng không có khả năng trở thành lãnh đạo thiên tài, điều này cũng có nghĩa là chúng tiếp tục kiếp “công nhân, lao động phổ thông”, và phải cung phụng, chung chi cho nhóm lợi ích độc tài như hiện nay.
Có thể bạn đang mải mê làm việc kiếm tiền để dành dụm cho tương lai con cái của bạn, nhưng liệu những di sản vật chất ấy có làm cho các thế hệ mai sau sống đúng nhân phẩm là một con người ?
Và liệu bạn đó bảo đảm rằng con cái mình sẽ hưởng trọn vẹn những di sản ấy, những di sản mà bạn đã đổ mồi hôi nước mắt để gầy dựng khi mà bỗng nhiên một ngày nó trở thành “quy hoạch, trưng dụng” hay đại loại một từ ngữ nào đó mà nhóm lợi ích dùng để chiếm đoạt. Nhìn cái cách mà chính quyền khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho đến kiệt quệ, liệu bạn có niềm tin vào di sản trao tay cho con cái chăng?
Tôi muốn di sản dành cho con mình sẽ là tính dân chủ, vì tôi tin rằng, trong đó, con cái mình sẽ hưởng đủ những quyền lợi và phẩm giá của một con người. Và tôi cũng hiểu, dân chủ không thể xin xỏ, nhưng phải đòi lại : đòi những quyền lợi của một công dân và một con người được hưởng.

VIỆT NAM YÊU DẤU