Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

4/1/12

XIN LỖI CON VÌ BỐ ĐÃ KHÔNG BẢO VỆ ĐƯỢC CON

K. C.

Ngày đầu năm mới, nhận được bài viết này của một bác sĩ trẻ, như một lời tâm sự gửi tới để chia sẻ hơn là để được một lời khuyên. Tâm sự này, xuất phát chỉ là câu chuyện con trẻ phải đi học thêm, một trong những cái nạn kỳ quặc chỉ có ở nước ta mà không sao xóa nổi, là tiếng lòng chân thực không chỉ riêng em mà có lẽ của rất nhiều rất nhiều người trẻ có lương tâm đang tự vấn, tự trách về sự bất lực của mình trước thực trạng đen tối của xã hội, mà trong đó mỗi người đều là thủ phạm kiêm nạn nhân. Vậy nên tôi xin phép người viết (và đã được đồng ý) công bố lên mạng boxitvn. Còn lời nhắn của tôi cho riêng em: rất cảm thông, nhưng xin em chớ dừng ở chỗ xin lỗi, thở than, vì nếu không kiên quyết vượt qua làn ranh giữa sự chấp nhận và sự dấn thân, ta sẽ bị kéo lùi lúc nào không hay về sự thỏa hiệp, đồng lõa, rồi trượt dài trên con đường tha hóa như nhãn tiền bao kẻ hôm nay. Và những đứa con của chúng ta rồi sẽ không dễ dàng tha lỗi nữa đâu.
Hoàng Hưng

Kết thúc năm học, sau một tuần về nhà ông bà nội cùng với sách vở và bài tập gọi là để “duy trì tinh thần học tập”, con trở lại với bố mẹ. Được một người giới thiệu, bà và mẹ tìm lại địa chỉ của ông thầy đã dạy mẹ con, cậu con, và cả các anh các chị họ của mẹ. Bố chưa bao giờ tán thành việc “học thêm” đang là tình trạng hết sức phổ biến từ lâu nay ở cả nước ta, bố thật sự đã phải cố gắng thật nhiều để không phản đối mẹ và bà một cách gay gắt. Vì bố hiếu rằng cũng vì mẹ và bà lo cho con quá thôi. Con ngồi trên xe, nghe mẹ con nói về mục đích của học tập là để sau này khi nóng con có điều hòa mát, con có xe ôtô đi, con có thức ăn ngon, có nhà cửa đàng hoàng sạch sẽ, con cũng không nói gì. Khi biết rằng con được dẫn đi tới nhà thầy giáo, con chỉ bảo là sao các bạn con được nghỉ cơ mà, sao con vừa nghỉ học lại phải đi học. Nghe con nói mà bố thấy có lỗi với con quá. Thật tội cho con, thật khốn nạn cho bố đã không bảo vệ được con. Trông thấy trí óc và thân xác non nớt của con bị hành hạ mà bố không làm gì được. Mẹ con muốn con đi học, chắc chắn cũng chẳng phải muốn làm khổ con đâu, có thể mẹ con có lòng tin mãnh liệt vào các việc học thêm này nên mẹ muốn con đi học. Giá mà bố cũng có cái đức tin như thế để bố động viên con, mắng mỏ con, biết đâu như thế lại hay hơn cho con.
Tìm đến nhà thầy giáo trong một cái ngõ ngoằn ngoèo, vợ thầy ra tiếp ngay trước cửa, cũng chẳng thèm mở cửa, cũng chẳng thèm hỏi han gì nhiều. Mẹ của con muốn xin gặp thầy cũng để tỏ lòng mình là học trò cũ; thầy giáo quần đùi, áo sơ mi mặc vội chạy ra, viết nguệch ngoạc vào mẩu giấy hẹn ngày con tới học.
Đáng ra bố phải phản đối quyết liệt chứ, đáng ra bố phải bảo vệ con trai của bố chứ, nhưng bố không bảo vệ nổi, vì khi người ta nghi ngờ chính bản thân mình, chính suy nghĩ của mình thì người ta làm sao có thể đấu tranh gì được. Có thể mẹ con đúng, có thể ông thầy này tuyệt vời lắm chứ, học thầy sẽ giúp con trở nên giỏi giang hơn, chương trình học ở trường có thể quá đơn giản hoặc không phù hợp, thầy giáo này sẽ làm con trai bố giỏi giang hơn. Cần gì môi trường sư phạm hay những con người sư phạm, bản thân cô ruột bố, em họ bố, những người làm việc ở những ngôi trường có tiếng ở Hà Nội, cũng phải dạy thêm ngày đêm để tăng thu nhập để có thể theo kịp được nhip sống hàng ngày.
Mà xét đến cùng thì cuộc đời thật công bằng, sức mạnh công bằng của nó thể hiện ra ở mọi nơi. Trách sao được những thầy cô giáo đang lao vào dạy thêm, trong khi bố là một người thầy thuốc, nhưng bố không làm đầy đủ cũng như không có cơ hội đề mà làm đầy đủ trách nhiệm của mình. Bố cũng nhận những thu nhập ngoài lương một cách gián tiếp hay trực tiếp từ túi tiền của người bệnh. Cuộc đời, xã hội sẽ lấy lại của bố, sẽ lấy lại. Nó không thèm đánh vào bố mà đánh vào con trai bố, nó bắt bố phải hiểu, phải chấp nhận, phải tự tay móc túi, bỏ tiền ra cho nó hành hạ thể xác và tinh thần đứa con mình.
7 tuổi, con đâu cần gì nhiều những bài toán lắt léo hay những câu văn vẻ, cái con cần là cảm nhận cuộc sống xung quanh bằng cái hồn tinh khiết của con, bố không tìm được cách, được cơ hội để giúp con làm như vậy.
Một xã hội mà sự gian dối đựợc che đậy dưới những cải vỏ mỹ miều của giáo dục và y tế, hai ngành nghề đáng được tôn vinh nhất nhưng cũng mang tội ác xấu xa nhất khi nó đã và đang đánh cắp, giết chết những tuổi thơ, làm ngắn lại những cuộc đời xã hội hoặc đôi khi cuộc đời sinh học của người bệnh.
Đã chấp nhận cái xấu cái ác của bản thân thì thật nực cười khi người ta lại mong điều xấu điều ác không xảy đến với mình. Khi mà cả xã hội chấp nhận như vậy thì cái sự không chấp nhận của anh đồng nghĩa với việc anh là một thằng điên.
Viết đến đây tôi nhận ra là mình đang cố gắng tìm một cái lý do gì đó bao biện cho việc hành hạ con tôi mà không sao tìm ra được. Tôi chỉ biết cầu mong: “Con tha thứ cho bố”.
K. C.

VIỆT NAM YÊU DẤU