Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

23/12/12

CHÚC GÌ CHO GIÁNG SINH?

Hồ Như Hiển


Chiều nay, hai vợ chồng đi dự đám cưới một người bạn thời sinh viên của vợ.
Nhà cô dâu có bốn anh chị em. Chị cả đã lập gia đình. Anh thứ hai còn độc thân trước làm bảo vệ ở bên Lào, nhưng công việc không ổn định nên quyết định về nhà tìm việc khác. Anh thứ ba học xong ĐH GTVT đã hơn một năm nhưng chưa xin được việc làm. Cô dâu là út, học xong may mắn tha hương tìm được việc đúng ngành học của mình trên Gia Lâm, Hà Nội. Lương ba triệu một tháng. Nhà đi thuê.
Bố cô dâu mất sớm. Mẹ cô dâu gần sáu mươi mà khắc khổ như bà lão tám mươi. Thật không may, mấy hôm trước ra đồng, bác chẳng may bị ngã, tay bó bột.

Chú rể làm điện nước, quê mãi tận Duy Tiên, Hà Nam. Họ gặp nhau trên bước đường mưu sinh. Nhà chú rể cũng đông người. Đến tám anh em. Chú rể là thứ năm. Cô dâu chú rể không làm an bum ảnh cưới. Chỉ có tấm ảnh phóng to để ở sân khấu và ảnh ở đĩa CD.
Thấy nhà cô dâu còn nguyên vữa mới trát, chưa vôi ve gì cả, vợ mình hỏi cô dâu nhà mới làm lại à. Cô dâu bảo, làm được ba năm rồi.
Vợ chồng mình gặp được tất cả người thân của cô dâu. Nét mặc, vóc người ai cũng giống nhau. Ai cũng hiền lành, chất phác gầy và buồn phảng phất. Nỗi cực nhọc vất vả hằn khóe mắt.

Hôm qua, lúc đi làm về, vợ mình kể. Lúc trưa, khi cả nhà ăn cơm xong, đang thu dọn thì thấy một bác gái vác một chiếc bao tải đứng ở cổng. Vợ mình tưởng là khách, đến hỏi bác và mời bác vào nhà uống nước. Bác bảo, cám ơn cô, tôi là người ăn xin. Cô có gạo hay cái gì đó thì cho tôi xin. Vợ mình biếu bác 10.000đ và hỏi bác quê ở đâu. Bác bảo, quê ở Thái Nguyên, bác vác bao tải để đựng quần áo và gạo hoặc đồ đạc gì mà mọi người cho.
Chao ôi, nghe xong mà rùng mình. Vẫn biết rằng, quanh mình còn nhiều cảnh cực khổ, thì hàng ngày mình vẫn gặp trên đường đấy thôi. Những cụ già bán rau, những em bé bán vé số đánh giầy, những người tật nguyền hát rong... Nhưng phải đến hơn hai chục năm nay, mình ít thấy những người ăn xin vào tận ngõ, tận nhà. Nhớ lại thời mình còn nhỏ, người hành khất đến tận nhà là hình ảnh quen thuộc, nhiều nhất là những người ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An bị mất mùa, bị thiên tai... Vậy mà, thời nay, thời i-phôn, i-phát...

Rồi mình nhớ lại những buổi tối của một hai năm trước, có dịp đi xuống các vùng quê, hai bên đường, giữa những nơi đồng không mông quạnh, thi thoảng vẫn gặp một hai anh nông dân đi soi ếch soi cá. Xa xa, những ánh đèn com pắc nhợt nhạt và lạnh lẽo. Buồn hiu hắt. Cũng chẳng xa xôi gì, mới Tết năm ngoái thôi, về quê chúc Tết, mọi người vẫn biếu nhau tấm bánh chưng, cân đường hay gói mì chính... Ôi chao, mình nghĩ mà rưng rưng nước mắt. Quê hương mình sau bao năm “đổi mới” vẫn là đây. Làm nên đất nước là họ, hồn dân tộc là ở những con người chân lấm tay bùn ấy mà sao họ nhận được sự đối đãi “xứng đáng” đến vậy?
Chúc gì cho Giáng sinh?
Mong sao sự an lành ấp áp thực sự đến với người dân đất nước mình, ai ai cũng thực sự được làm Người như mọi dân tộc văn minh khác trên thế giới này!
NHN

VIỆT NAM YÊU DẤU