Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

18/9/11

LẬP LUẬN TRONG TRANH LUẬN

TS Nguyễn Sĩ Dũng
Lập luận dựa vào chứng cử và lôgíc là thiết thực nhất và đúng đắn nhất. Với cách lập luận này, chúng ta không chỉ tiết kiệm được thời gian, tránh được việc công kích lẫn nhau, mà còn tìm ra được giải pháp phù hợp nhất để giải quyết những vấn đề đang phát sinh trong cuộc sống. Chất vấn và trả lời chất vấn của các ĐBQH tại Hội trường Quốc hội cũng nhằm mục đích ấy. 
Chân lý sinh ra trong tranh luận”… và chết đi cũng ở trong đó. Nếu như người ta hiểu biết về cách thức lập luận và vận dụng nó phù hợp, thì quả thật tranh luận có thể làm sáng tỏ chân lý. Ngược lại, nếu người ta lập luận bằng mọi cách chỉ cốt để bảo vệ những định kiến đã có sẵn, thì chân lý sẽ chết chìm trong những trận luận chiến kéo dài.
Có thể, trong trường hợp thứ hai nói trên, tranh luận cũng sinh ra “chân lý”, nhưng mỗi người sẽ được sinh hạ một “chân lý” của riêng mình.
Quốc hội là một thiết chế được loài người sáng tạo ra để tranh luận nhằm tìm kiếm chân lý. Đối với quốc hội một số nước, đây thậm chí là chức năng cơ bản nhất. (Mặc dù, cũng phải thấy rằng, ở ta thuật ngữ thường được sử dụng là thảo luận, chứ chưa phải tranh luận). Trong tranh luận, kỹ năng lập luận là quan trọng nhất. Chính vì vậy, đây cũng là kỹ năng không thể thiếu để làm người đại biểu Quốc hội (kể cả để làm đại biểu Hội đồng nhân dân
Trên thực tế, có ba cách lập luận: 1. Lập luận dựa vào hệ thống giá trị chung; 2. Lập luận dựa vào quyền thế; 3. Lập luận dựa vào chứng cứ và lôgíc.

Trước hết là về việc lập luận dựa vào hệ thống giá trị chung. Đây là việc các vị đại biểu căn cứ vào các giá trị đã được ghi nhận để tranh luận. Xin lấy lập luận sau đây làm ví dụ: Chúng ta đang đấu tranh cho bình đẳng xã hội, vì vậy không thể có hai chính sách hạn điền khác nhau trong một đất nước. Lập luận như vậy chỉ bảo vệ được một giá trị tương đối trừu tượng, nhưng không giải quyết được vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong cuộc sống. Trong cuộc sống, đất đai và dân cư ở những vùng, miền khác nhau là rất khác nhau. Một chính sách hạn điền cứng nhắc có thể dẫn đến tình trạng có nơi đất đai sẽ không đủ cho những người có nhu cầu và có kỹ năng, nhưng có nơi đất đai sẽ bị bỏ hoang.
Hai là về việc lập luận dựa vào quyền thế. Đây là cách dùng quyền thế để áp đặt chính kiến của mình. Ví dụ, một vị bộ trưởng đã từng từ chối báo cáo với Quốc hội về một số vụ việc của mình bằng lập luận rằng ông thuộc diện Bộ chính trị quản lý nên không có trách nhiệm báo cáo với Quốc hội. Cách lập luận này có thể chấm dứt cuộc tranh luận, nhưng việc vị Bộ trưởng này có để xảy ra sai phạm không, trách nhiệm của ông đến đâu thì sẽ không được làm rõ.
Ba là về việc lập luận dựa vào chứng cứ và lôgíc. Đây là cách lập luận dựa vào những điều được lôgíc dẫn đắt và được thực tế xác nhận. Ví dụ như lập luận: Sự thất thoát năng lực thế chế của Quốc hội là một vấn đề cần được quan tâm, bởi vì rằng tỷ lệ các vị đại biểu tái cử là rất thấp. Tỷ lệ này trong cuộc bầu cử vừa qua chỉ là chưa đầy 29%. Như vậy, vấn đề thất thoát năng lực thể chế là có thật và được xác nhận bằng số liệu.  
Trong ba cách lập luận nói trên, lập luận dựa vào chứng cứ và lôgíc là thiết thực nhất và đúng đắn nhất. Với cách lập luận này, chúng ta không chỉ tiết kiệm được thời gian, tránh được việc công kích lẫn nhau, mà còn tìm ra được giải pháp phù hợp nhất để giải quyết những vấn đề đang phát sinh trong cuộc sống.
Tranh luận dựa vào chứng cứ thì phải có thông tin và phải có nghiên cứu. Hai thứ này rất cần cho các vị đại biểu Quốc hội của chúng ta.

VIỆT NAM YÊU DẤU