Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

4/8/12

"SỰ BIẾN THÁI ĐÁNG SỢ CỦA NGÔN NGỮ" - MỘT BÀI VIẾT THIẾU THUYẾT PHỤC

tienglong
Nguồn ảnh: Nguyễn Trọng Tạo blog
Hồ Như Hiển
1. Trong khi tác giả phê phán các người khác làm hỏng tiếng Việt thì chính tác giả lại mắc những lỗi sơ đẳng khi hành văn:
Sai lỗi chính tả:
Phải chăng đây cũng là nguyên nhân sâu sa tạo ra sự biến thái đáng ngại của ngôn ngữ.”. Lẽ ra phải là “sâu xa”.
“...đại từ nhân xưng đa dạng của tiếng Việt có đầy đủ các thang bậc từ ông bà bố mẹ, cô gì, chú bác...”.  Đúng ra phải là “cô dì, chú bác”.
Viết hoa tuỳ tiện:Hà nội” nhưng lại “Hà Thành”, vừa “Việt nam” lại vừa “Việt Nam” rồi lại “ Liên xô, Trung quốc”;” Trung Văn” nhưng lại ” Nga văn”.
Câu thừa từ:
- “Chính vì thế nên ngôn ngữ luôn luôn tồn tại hai trạng thái.”. Thừa từ “nên”.
- “Vì quan niệm này nên trong ngôn ngữ dậy con thời này có câu răn dậy ”mày không học hành tử tế lớn lên cũng chỉ làm đồ đều cảng thôi”. Thừa từ “răn dậy”.
- “Có thể nói sự biến thái này như một tiếng chuông báo động về nền văn hoá nứơc ta đang bị xâm thực, cưỡng dâm một cách vô lối, đang mất dần bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ, tiếng nói mà cha ông ta dầy công xây dựng và giữ gìn suốt cả chiều dài phát triển của nền văn hoá Việt nam”. Thừa từ “một cách vô lối(chẳng nhẽ lại có sự xâm thực, cưỡng dâm một cách “có lối”?).
- “Giới trẻ không chỉ đàm thoại với nhau bằng thức thứ ngôn ngữ biến dạng bất chấp tất cả qui luật của ngôn ngữ mà còn đua nhau biến tấu, trình diễn, xem đó như một thứ mốt thời thượng”. Thừa từ “thức”.
 -Tôi tình cờ biết được một số từ vựng của kiểu nhắn tin trao đổi cho nhau giữa các bạn trẻ ”. Thừa từ “trao đổi” hoặc “cho nhau”. Thậm chí bỏ cả cụm từ “trao đổi cho nhau” câu văn vẫn sáng nghĩa.
- “Trong sự mở cửa chấp nhận sự hoà đồng thì bên cạnh những cái hay, cái tốt của các nền, các trào lưu văn hoá trên thế giới chúng ta cũng phải đối đầu với những gì độc hại, những gì không phù hợp với truyền thống, tập tục  tính cách của dân tộc ta”. Thừa từ “thì”.
Câu cụt , lủng củng, rối rắm:
“(1) Nếu trong thời kì bao cấp dân ta chỉ được tiếp xúc với văn hoá cộng đồng các nứơc XHCN trong đó chủ yếu là văn hoá Liên xô, Trung quốc . (2) Ngoại ngữ được học trong trường từ hệ phổ thổng đến đại học là Trung Văn, Nga văn thì đến giai đoạn này… (3) Nền văn hoá thế giới tràn ngập vào nứơc ta, trong đó với thế mạnh tiếng Anh là ngôn ngữ đựơc xử dụng phổ cập trong giao tiếp và trong nhiều lĩnh vực toàn cầu đã dần dần có có vị trí quan trọng trong sự đào tạo, giáo dục của nứơc.
(1): câu sử dụng mệnh đề “Nếu... ” nhưng lại thiếu mệnh đề “thì...”.
(2): thiếu mệnh đề “Nếu”. Có lẽ hai câu này là một, bỏ dấu chấm (.) cuối câu (1) để ghép với câu (2); mà câu (2) sau cụm từ “thì đến giai đoạn này..." lại bỏ dấu ba chấm (...) thành ra câu cụt (thì đến giai đoạn này làm sao?). Hay là phải nối với cả câu (3) mới thành ý?
Câu (3) lủng củng và cụt: cụm từ “nền văn hoá thế giới” và “trong đó với thế mạnh tiếng Anh” để cách xa nhau quá làm câu văn tối nghĩa (lại thừa từ “trong đó”). Tôi không hiểu tác giả định nói gì trong mệnh đề “... dần dần có vị trí quan trọng trong sự đào tạo, giáo dục của nứơc.
“Nếu như ở một số ngoại ngữ phương tây, ngữ điệu trong giọng nói khi dùng đại từ nhân xưng khẳng định thái độ tình cảm và cả thứ bậc xưng hô khác hẳn đại từ nhân xưng đa dạng của tiếng Việt có đầy đủ các thang bậc từ ông bà bố mẹ, cô gì, chú bác.. đến cả những đại từ nói lên sự khinh miệt hay tôn kính, gần gụi hay xa lạ...”: Thừa từ “Nếu như” hoặc thiếu từ “thì” để thành câu dạng “nếu... thì”; câu dài và rối.
Lặp từ: Từ “bên cạnh” được sử dụng đến 5 lần trong toàn bài, có những đoạn hai câu liền nhau dùng đều dùng từ “bên cạnh”: “Trong sự mở cửa chấp nhận sự hoà đồng thì bên cạnh những cái hay, cái tốt của các nền, các trào lưu văn hoá trên thế giới chúng ta cũng phải đối đầu với những gì độc hại, những gì không phù hợp với truyền thống, tập tục  tính cách của dân tộc ta. Bên cạnh đó nền đào tạo giáo dục nước trong thời gian qua dường như còn có lỗ hổng rất lớn trong giáo trình đào tạo học sinh các cấp”.
Có đoạn dùng đến ba lần từ “thông dụng”: “Thời bao cấp việc có một điện thoại để bàn ở gia đình được qui định từ cấp vụ trở lên, thì nay chẳng những điện thoại để bàn đã trở thành phương tiện thông dụng cho mỗi gia đình Việt nam mà cùng với sự phát triển nhẩy vọt của công nghệ thông tin , người Việt ta cũng tiến nhanh từ chỗ dùng máy nhắn tin đến điện thoại di động. Bên cạnh đó máy tính để bàn, máy tính xách tay cũng dần dần trở nên thông dụng cho hầu hết gia đình và cho đa số dân chúng nhất là giới trẻ…Điện thoại di động, máy tính kèm theo hàng loạt những ứng dụng của các phương tiện này là in te nét, nhắn tin, chát , trò chơi điện tử .. đã trở thành thông dụng đựơc ngưòi việt nam và đặc biệt giới trẻ ưa thích”.

2. Lỗi lập luận:
Không minh định các tiêu chí:
 - “Ngày này dân tộc ta trong giao tiếp hàng ngày đã xử dụng thành thạo vốn ngôn từ có những từ xuất phát từ tiếng Hán chiếm đến trên dưới 67% trong ngôn ngữ nứơc ta , và hàng loạt tiếng có gốc tiếng Pháp đã đựơc Việt hoá một cách tài ba như” xà phòng, tăm, xích, líp, xích lô, ba gác…”.. Tất cả sự chuyển hoá đều có qui luật trong ngôn ngữ… .
 - “Giới trẻ không chỉ đàm thoại với nhau bằng thức thứ ngôn ngữ biến dạng bất chấp tất cả qui luật của ngôn ngữ mà còn đua nhau biến tấu, trình diễn, xem đó như một thứ mốt thời thượng”.
 - “Có thể nói sự biến thái này như một tiếng chuông báo động về nền văn hoá nứơc ta đang bị xâm thực, cưỡng dâm một cách vô lối, đang mất dần bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ, tiếng nói mà cha ông ta dầy công xây dựng và giữ gìn suốt cả chiều dài phát triển của nền văn hoá Việt nam”.
Tác giả không chỉ ra đâu là “qui luật chuyển hoá trong ngôn ngữ”; không nêu ra một số “qui luật của ngôn ngữ”; không nêu các thuộc tính, các tiêu chí của “bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ, tiếng nói của cha ông” để người đọc so sánh, đối chiếu xem những cách nói mà tác giả phê phán giới trẻ, phê phán ngôn ngữ trong quán bia, phê phán ngôn ngữ trong cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” có đúng không, có đủ sức thuyết phục không.
Phân chia không triệt để, nhầm lần giữa bộ phận và toàn thể:
“Chính vì thế nên ngôn ngữ luôn luôn tồn tại hai trạng thái. Một là tử ngữ( những tiếng mất đi), hai là sinh ngữ (những tiếng phát sinh). Bên cạnh đó ngôn ngữ còn có sự biến thái - hiện trạng biến đổi nhóm ngôn ngữ của nhóm người theo từng nghề nghiệp, tầng lớp xã hội chịu tác động của hoàn cảnh xã hội, quan niệm, trình độ văn hoá giáo dục".
 - “ Bên cạnh sự biến thái đó thì các nhà ngôn ngữ học luôn luôn khẳng định ngôn ngữ Việt Nam là một trong những ngôn ngữ thuộc vào loại có sức sống nhất trên thế giới. Trải qua mọi thăng trầm, biến động của lịch sử, ngôn ngữ Việt nam chẳng những không mất đi, bị nghèo nàn, biến dạng mà còn ngày càng phong phú, sinh động vì biết chọn lọc, hoà đồng và du nhập một cách hợp lý mọi loại ngôn ngữ ngoại lai khi du nhập vào nứơc ta”.
Ngôn ngữ có sự biến đổi theo thời gian, theo vùng miền, theo từng tầng lớp lao động, theo từng lứa tuổi... nên mới ngày càng phong phú, đa dạng. Do đó, sự biến thái của ngôn ngữ chỉ là một trạng thái của sinh ngữ. Trong lập luận ở hai đoạn trên không thể dùng từ “Bên cạnh vì dùng từ đó, nghĩa là tác giả đã coi “biến thái” là một trạng thái nữa của ngôn ngữ, ngoài sinh ngữ và tử ngữ.
Mâu thuẫn trong lập luận:
Tác giả cho rằng: “Bên cạnh đó ngôn ngữ còn có sự biến thái- hiện trạng biến đổi nhóm ngôn ngữ của nhóm người theo từng nghề nghiệp, tầng lớp xã hội chịu tác động của hoàn cảnh xã hội, quan niệm, trình độ văn hoá giáo dục”, và cuối bài có dẫn câu nói của một nhà văn Mỹ “các nhà văn chúng ta là nhà văn Mỹ… Thất bại trong việc sáng tạo ra cái độc đáo vẫn tốt hơn là thành công trong việc bắt chước” nhưng chính tác giả lại phê phán gay gắt ngôn ngữ sử dụng trong quán bia, ngôn ngữ của giới trẻ khi nhắn tin (cần nhanh để đỡ tốn thời gian/pin điện thoại; cần ít kí tự để đỡ tốn tiền cước), phê phán ngôn ngữ bông đùa lúc trà dư tửu hậu của cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ". Chẳng phải họ đang sáng tạo đấy ư (cho dù họ có thất bại)? Hay chỉ nhà văn, nhà báo... mới có quyền sáng tạo ngôn ngữ, còn tầng lớp khác thì không?

3. Đặc biệt, tác giả thể hiện thái độ kẻ cả, chụp mũ khi dùng rất nhiều từ ngữ nặng nề, mạt sát, dè bỉu như: phụt ra câu chào..., ...Và đứa trẻ như một con vẹt bập bẹ..., ...các bia sĩ nói với nhau, tệ hại hơn thứ ngôn ngữ ma muội cần lên án..., ...trong tác phẩm” khủng khiếp này các “nhà văn hoáđã liều lĩnh đưa ra những mẫu câu đáng sợ, không hiểu nối nếu không nắm được loại từ điển quái dị này..., ...làm hỏng tiếng Việt thân yêu của chúng ta bằng những trò ảo thuật bậy bạ trong ngôn ngữ của họ...

Tác giả cho rằng ngôn ngữ trong quán bia là sự biến thái ghê gớm của ngôn ngữ. Tôi thì không thấy có gì đáng phải báo động, phải hoảng hốt khi nghe những từ/cụm từ như: Nông quốc Chấn, Juven tút, livécphun... Bạn bè, đồng nghiệp, người thân gặp nhau ở quán bia, họ hàn huyên tâm sự, cùng nhau giải toả những bức xúc trong công việc, trong cuộc sống. Họ tếu táo, trêu đùa nhau bằng ngôn ngữ bình dân, hóm hỉnh, hài hước thì có sao đâu. Rất phù hợp là đằng khác. Bắt ngôn ngữ phải chỉn chu, mũ cao áo dài thắt càvạt đi giày Tây vào nơi dân dã mới chính là sự cưỡng dâm. Đấy mới chính là phản văn hoá, vì nó lệch pha, quan liêu, trưởng giả, kệch cỡm.
Tác giả đã quy chụp, rằng nhà xuất bản Mỹ Thuật cho ra đời cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” nhân sự kiện Lê Văn Luyện giết người. Có chăng, vụ án chỉ tác động đến những người làm sách khi họ đặt tên cho tác phẩm. Và tôi cũng không thấy họ có gì gọi là "liều lĩnh" khi cho ra mắt cuốn sách đó. Dù còn một vài hạt sạn như tên sách, hình ảnh sát thủ tay cầm súng, đầu trọc lốc ghẻ lở (trong câu: sát thủ đầu mưng mủ), hình ảnh hai anh bộ đội đá lựu đạn như đá cầu (trong câu: bộ đội phải chơi trội), một số câu phản cảm như: hận đời cắt tóc đi tu nghĩ đi nghĩ lại ở tù sướng hơn, tự nhiên như thằng điên, không phải chú dốt chỉ vì mẹ chú quên cho iốt vào canh thì những câu còn lại, trong đó có cả những câu mà tác giả Nguyễn Hiếu trích dẫn: tự nhiên như cô tiên, ngất ngây con gà tây, tào lao bí đao, đã xấu lại còn xa... tôi cũng không thấy có gì gọi là “đáng sợ”, “ma muội” hay “đáng lên án”. Những câu nói vần vè được sưu tầm trong sách được lưu truyền rất nhiều trên các trang mạng, trong thực tế đời sống trước khi cuốn sách ra đời. Chỉ vì một vài hạt sạn mà tác giả kêu cuốn sách là “tác phẩm khủng khiếp” thì hơi quá. Hơn nữa, trong cuốn sách này có rất nhiều câu có thể coi là tục ngữ thời hiện đại.  Chẳng hạn, câu ác ôn vùng nông thôn phản ánh tình trạng trai làng này đe doạ, bao vây, đánh, không cho trai làng khác đến tìm hiểu gái làng mình, nó cũng phản ánh tình trạng quan chức ở địa phương cấu kết với các chủ đầu tư chiếm đất của nông dân. Hoặc câu yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối chẳng là phản ánh mối quan hệ của các sếp trong các cơ quan công quyền... ngoài mặt thì đồng chí trong bụng thì đồng tiền, ngấm ngầm đấu đá, hạ bệ nhau...  Câu từ từ rồi khoai nó nhừ là một hình thức diễn đạt mới mẻ/hài hước của câu tục ngữ quen thuộc quá mù ra mưa, câu chim cú đú phượng hoàng/cống rãnh sóng sánh với đại dương là phiên bản thời công nghệ thông tin của đũa mốc chòi mâm son; câu đã xấu mà lại còn xa đã siđa lại còn xông pha hiến máu là cách nói khác của câu châm ngôn nhiệt tình cộng dốt nát bằng phá hoại... Rồi những câu triết lí rất hay, mà cũng rất sâu sắc như: sống đơn giản cho đời thanh thản, đời rất dở nhưng phải biết niềm nở, thất bại vì ngại thành công, vạn sự khởi đầu nan gian nan bắt đầu nản, đâu có đó thịt chó có mắm tôm... Hoặc những nhận xét rất chính xác phản ánh một xã hội thực dụng, chạy theo vật chất, ích kỉ như: trăm lời anh nói không bằng làn khói a còng, một con ngựa đau cả tàu được thêm cỏ...  hoặc câu nghèo vẫn phải cho Tèo đi học lột tả tình cảnh khốn cùng của người dân nghèo. Rồi những câu chế giễu, lên án bọn quan lại thiếu trình độ nhưng lại thừa mánh khoé như: đầu to óc bằng quả nho, nhan sắc có hạn thủ đoạn vô biên... Đến cả những cụm từ tưởng chừng vô thưởng vô phạt: ngon lành cành đào, tụ tập con cá mập, đơn giản đan rổ, dở hơi biết bơi, ngất trên cành quất... thì cũng chẳng chết ai. Tôi không cho rằng những cụm từ như vậy sẽ góp phần làm tiếng Việt thoái hoá, mà ngược lại chính vài trong số chúng, qua thời gian sẽ ở lại trong kho tàng ngôn ngữ của dân tộc, làm phong phú, đa dạng thêm vốn từ ngữ của ta. Đơn cử như cụm từ ngon lành cành đào, chuẩn không cần chỉnh, kết nổ đĩa, oách xà lách, tinh tướng ăn khoai nướng, tuyệt vời ông mặt giời... xuất hiện với tần suất rất cao trong đời sinh hoạt đời thường của người dân.
Tóm lại, một bài viết có nhiều sai sót tối thiểu trong hành văn, mắc lỗi trong lập luận, thành kiến trong nhận xét  thì không thể thuyết phục được người đọc.
2h30, ngày 04/8/2012
HNH
Xin tham khảo:
Tâm tình với ông Quách
Khoái cảm ngôn ngữ và tinh thần trong "Sát thủ đầu mưng mủ"
Cuốn sách ảnh "Sát thủ đầu mưng mủ": Có gì mà ầm ĩ thế?
Sức nén của ngôn từ
Tiếng lóng Sài Gòn xưa
--------------------------------

Sự biến thái đáng sợ của ngôn ngữ

Nhà văn Nguyễn Hiếu

Ngôn ngữ - tiếng nói- phương tiện giao tiếp chủ yếu của con người. Đứng về mặt nào đó ngôn ngữ là một tấm lăng kính phản ảnh khá trung thực hình thái xã hội con người. Nhìn 
 vào thực trạng ngôn ngữ trên bình diện là một đối tượng nghiên cứu, và nghe tiếng nói có thể nhận ra xã hội đó đang ở giai đoạn nào, những hình thái chính trị , kinh tế , xã hội của giai đoạn đó ra sao. Thầy tôi giáo sư Đinh Gia Khánh từng nhấn mạnh ngôn ngữ cũng như một sinh vật có thể sinh ra và mất đi. Chính vì thế nên ngôn ngữ luôn luôn tồn tại hai trạng thái. Một là tử ngữ( những tiếng mất đi), hai là sinh ngữ (những tiếng phát sinh). Bên cạnh đó ngôn ngữ còn có sự biến thái- hiện trạng biến đổi nhóm ngôn ngữ của nhóm người theo từng nghề nghiệp, tầng lớp xã hội chịu tác động của hoàn cảnh xã hội, quan niệm, trình độ văn hoá giáo dục.
         
Cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 kinh thành Thăng Long dần dần được đô thị hoá, tầng lớp quí tộc mới, thương gia hình thành. Phương tiện giao thông hồi đó dành cho tầng lớp này ngoài ngựa, còn có các loại cáng, đểu ( một thứ giống như kiệu ). Những người phục vụ hai phương tiện này gọi là phu cáng, phu đểu bị coi là tầng lớp thấp hèn, bị khinh miệt nhất xã hội dạo đó. Vì quan niệm này nên trong ngôn ngữ dậy con thời này có câu răn dậy ”mày không học hành tử tế lớn lên cũng chỉ làm đồ đều cảng thôi”. Lâu dần danh từ chỉ hai nghề này đựơc ghép lại thành một tính từ miệt thị” đồ đểu cáng”. Hà nội vốn là thành phố nhiều cây me, cây sấu, khi mùa hè về xuất hiện nhóm thanh, thiếu niên trèo me trèo sấu để hái, lượm hai loại quả này. Thời Pháp thuộc quan niệm những người làm nghề này “trèo me trèo sấu” là hạng cùng đinh, mạt hàng trong xã hội. Danh từ này lâu dần trở nên duy danh để chỉ những kẻ ăn cắp vặt, lang thang, lưu manh, vô giáo dục, cơ nhỡ chốn Hà Thành “đồ trèo me trèo sấu”… Dẫn hai ví dụ về sự biến thái, chuyển hoá ngữ nghĩa của ngôn ngữ để càng thấy rõ tác động của hoàn cảnh xã hội lớn lao như thế nào trong việc làm thay đổi trạng thái ngôn ngữ.
      
Bên cạnh sự biến thái đó thì các nhà ngôn ngữ học luôn luôn khẳng định ngôn ngữ Việt Nam là một trong những ngôn ngữ thuộc vào loại có sức sống nhất trên thế giới. Trải qua mọi thăng trầm, biến động của lịch sử, ngôn ngữ Việt nam chẳng những không mất đi, bị nghèo nàn, biến dạng mà còn ngày càng phong phú, sinh động vì biết chọn lọc, hoà đồng và du nhập một cách hợp lý mọi loại ngôn ngữ ngoại lai khi du nhập vào nứơc ta. Sự biến hoá của tiếng Hán trở thành tiếng Hán Việt nhập vào hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt Mường cổ (ngôn ngữ gốc của tiếng Việt), rồi sự du nhập của tiếng Pháp đựơc chuyển hoá vào dòng chảy tiếng Việt là những ví dụ sinh động . Ngày này dân tộc ta trong giao tiếp hàng ngày đã xử dụng thành thạo vốn ngôn từ có những từ xuất phát từ tiếng Hán chiếm đến trên dưới 67% trong ngôn ngữ nứơc ta , và hàng loạt tiếng có gốc tiếng Pháp đã đựơc Việt hoá một cách tài ba như” xà phòng, tăm, xích, líp, xích lô, ba gác…”.. Tất cả sự chuyển hoá đều có qui luật trong ngôn ngữ…
            
Nhưng đến giai đoạn hiện nay nghe cách nói thường ngày của một số tầng lớp, nhất là giới tuổi trẻ thì có thể nhận ra tình trạng ngôn ngữ nước ta hay nói cụ thể hơn là tiếng Việt của chúng ta đang bị biến thái theo hứơng thoái hoá  đáng báo động. Có thể nói sự biến thái này như một tiếng chuông báo động về nền văn hoá nứơc ta đang bị xâm thực, cưỡng dâm một cách vô lối, đang mất dần bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ, tiếng nói mà cha ông ta dầy công xây dựng và giữ gìn suốt cả chiều dài phát triển của nền văn hoá Việt nam
           
Thực trạng của sự biến thái này ra sao ?
        
Chỉ cần nghe qua trong giao tiếp hàng ngày đã thấy. Một ông, một bà ở thành phố hay phụ cận cả đời không biết một chút tiếng Anh nào nhưng gặp nhau là phụt ra câu chào như  người  Mỹ “hê lô”. Để biểu hiện sự ưng thuận sau khi bàn bạc một công việc gì đấy bất kể trong lĩnh vực nào cũng hạ một câu” ô kê”, rồi “Ô kê nhé”. “Ô kê đi “,”ô kê ạ”. Một đứa trẻ lên ba tuổi tập nói khi ra về chào ông bà nội, ngoại cũng đựơc bố mẹ nhắc” con bai ông bà đi” Và đứa trẻ như một con vẹt bập bẹ” bai bai ông. Bai bai bà”.
     
Trong quán bia nơi ngôn ngữ được thả phanh sự biến thái này càng được gia tăng đến ghê gớm. Các bia sĩ nói với nhau” cậu phải Nông quốc Chấn thằng cha ấy đi. Không, hết tiền thì anh em mình phải Juven tút đấy. Còn tao, uống thế thôi , không tao lại ác dê nôn xong livécphun một trận thì mệt lắm”.
      
Trong lớp học. Học sinh thì thào với nhau khi thầy giáo vắng mặt “Thầy đi đâu mà đầu lâu thế. Đã vậy thì bọn mình cứ thoải con gà mái đi”. Giới trẻ không chỉ đàm thoại với nhau bằng thức thứ ngôn ngữ biến dạng bất chấp tất cả qui luật của ngôn ngữ mà còn đua nhau biến tấu, trình diễn, xem đó như một thứ mốt thời thượng. Tệ hại hơn thứ ngôn ngữ ma muội cần lên án này lại còn được nhà xuất bản Mỹ Thuật thuộc ngành văn hoá sưu tầm, tập hợp trong một cuốn sách mang tên “ Sát thủ đầu mưng mủ” nhân vụ án về tên sát nhân ngàn lần đáng lên án Lê Văn Luyện khi sát hại cả một gia đình lương thiện. Trong “tác phẩm” khủng khiếp này các “nhà văn hoá” đã liều lĩnh đưa ra những mẫu câu đáng sợ như “tự nhiên như cô tiên”,”ngất ngây con gà tây”, tào lao bí đao”, “đã xấu lại còn xa”…
         
Sự biến thái, phá vỡ mọi qui luật của ngôn ngữ này càng có đất tung hoành dụng võ hơn trong các tin nhắn, trong chát, trong thư điện tử của lứa tuổi trẻ . Tôi tình cờ biết được một số từ vựng của kiểu nhắn tin trao đổi cho nhau giữa các bạn trẻ . Xin đưa ra đây một số trong hàng trăm, nghìn từ vựng các bạn trẻ đã xử dụng mà nếu tình cờ chúng ta đọc được thì cũng chịu, không hiểu nối nếu không nắm được loại từ điển quái dị này.
     
 Oki được hiểu là đồng ý. Li chào . Del sửa bỏ, gạt đi. Ngơi ngăn lại. Humni hôm nay.Iu yêu. No table không bàn “… Xin được trích một câu nhắn tin của bạn trẻ khi xử dụng loại ngôn ngữ đặc chủng này” tối này go uot nhé. Nếu OK thì phone cho tui . Đồn có địch , no table “( tạm dịch “ tối này đi nhé. Nếu được thì gọi điện cho tôi .Nhà đang có khách. Không bàn tiếp”
        
Đó là chưa kể việc ưa nói tục, nói trống không theo kiểu ngoại ngữ càng làm cho sự biến thái ngôn ngữ phát triển theo chiều hướng đáng ngại.

     Nguyên nhân của sự biến thái đáng sợ này
           
Nhờ sự đổi mới của nhà nứơc nên hơn hai chục năm nay Việt Nam  bứơc vào giai đoạn mở cửa trong mọi lĩnh vực từ kinh tế đến văn hoá. Nếu trong thời kì bao cấp dân ta chỉ được tiếp xúc với văn hoá cộng đồng các nứơc XHCN trong đó chủ yếu là văn hoá Liên xô, Trung quốc . Ngoại ngữ được học trong trường từ hệ phổ thổng đến đại học là Trung Văn, Nga văn thì đến giai đoạn này … Nền văn hoá thế giới tràn ngập vào nứơc ta, trong đó với thế mạnh tiếng Anh là ngôn ngữ đựơc xử dụng phổ cập trong giao tiếp và trong nhiều lĩnh vực toàn cầu đã dần dần có có vị trí quan trọng trong sự đào tạo, giáo dục của nứơc. Điều này cắt nghĩa vì sao tiếng Anh lại có ảnh hưởng mạng mẽ ở nứơc ta cả mặt tốt lẫn mặt chưa tốt như vậy .
     
Thời bao cấp việc có một điện thoại để bàn ở gia đình được qui định từ cấp vụ trở lên, thì nay chẳng những điện thoại để bàn đã trở thành phương tiện thông dụng cho mỗi gia đình Việt nam mà cùng với sự phát triển nhẩy vọt của công nghệ thông tin , người Việt ta cũng tiến nhanh từ chỗ dùng máy nhắn tin đến điện thoại di động. Bên cạnh đó máy tính để bàn, máy tính xách tay cũng dần dần trở nên thông dụng cho hầu hết gia đình và cho đa số dân chúng nhất là giới trẻ…Điện thoại di động, máy tính kèm theo hàng loạt những ứng dụng của các phương tiện này là in te nét, nhắn tin, chát , trò chơi điện tử .. đã trở thành thông dụng đựơc ngưòi việt nam và đặc biệt giới trẻ ưa thích. Một trong những ứng dụng quan trọng ra đời là nhắn tin tất phải có một công nghệ nhắn tin kèm theo. Làm sao trong khoảng thời gian ngắn chuyển tải được lượng thông tin cần thiết đến ngưòi nhận là một yêu cầu . Đây chính là cơ sở để tạo ra số từ vựng “nhắn tin” cũng đồng thời sinh ra sự biến thái của ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ nứơc ta. Sự chế biến vô tội vạ cách viết trong nhắn tin cộng với sự sùng tiếng Anh coi đó như một sự chơi , sự khẳng định giá trị con người đã thêm một lần làm gia tăng biến thái ngôn ngữ. Ở bài viết này tôi chưa nói nhiều đến sự ưa nói tục của giới bạn trẻ như một mốt sành điệu mà tôi nói đến ảnh hưởng của lối nói trống không, cụt lủn không chỉ trong nhắn tin mà còn trong giao tiếp hàng ngày của giới trẻ. Nếu như ở một số ngoại ngữ phương tây, ngữ điệu trong giọng nói khi dùng đại từ nhân xưng khẳng định thái độ tình cảm và cả thứ bậc xưng hô khác hẳn đại từ nhân xưng đa dạng của tiếng Việt có đầy đủ các thang bậc từ ông bà bố mẹ, cô gì, chú bác.. đến cả những đại từ nói lên sự khinh miệt hay tôn kính, gần gụi hay xa lạ... Đáng tiếc các bạn trẻ ít nhiều biết ngoại ngữ lại bị ảnh hưởng lỗi diễn đạt “ vô nhân xưng” này nên thường đổ đồng cá mè một lứa trong xưng hô thường nhật.
        
Trong sự mở cửa chấp nhận sự hoà đồng thì bên cạnh những cái hay, cái tốt của các nền, các trào lưu văn hoá trên thế giới chúng ta cũng phải đối đầu với những gì độc hại, những gì không phù hợp với truyền thống, tập tục  tính cách của dân tộc ta. Bên cạnh đó nền đào tạo giáo dục nước trong thời gian qua dường như còn có lỗ hổng rất lớn trong giáo trình đào tạo học sinh các cấp. Gíáo trình giáo dục các cấp của ta còn nặng về giáo dục kiến thức mà quên đi việc gíáo dục truyền thống, lịch sử, nhân cách đến đạo đức làm người cho học sinh…Các quan niệm sai trái về gía trị con người cũng vì thế lan toả. Phải chăng đây cũng là nguyên nhân sâu sa tạo ra sự biến thái đáng ngại của ngôn ngữ.
      
Cách đây gần một thế kỉ Chí sĩ Phạm Quỳnh đã có câu nói nổi tiếng đại ý “ Truyện Kiều còn thì tiếng Việt còn , tiếng Việt còn thì nứơc Việt tồn tại”. Sự biến thái về ngôn ngữ đáng lo hiện nay chứng tỏ các nhà quản lý của nứoc ta chưa biết khơi gợi niềm tự hào về tiếng Việt, bảo tồn vốn quí báu của ngôn ngữ dân tộc. Sự chế biến vô tội vạ tiếng Việt như hiện nay đâu chỉ thuần tuý ở sự băng hoại trong ngôn ngữ mà nó còn là sự băng hoại trong lối sống của một tỉ lệ không nhỏ ngưòi Việt trẻ.
       
Đáng buồn thay trong sự tác động để làm biến thái tiếng Việt lại có tác động không nhỏ của các nhà làm văn hoá. Ngoài trường hợp nhà XB Mỹ thuật cho ra ấn phẩm nhố nhăng” sát thủ đầu mưng mủ” thì gần đây việc không ít ngưòi cổ vũ cho thứ thơ viết và nghĩ lai căng rập theo cách viết và lối tư duy nước ngoài của đôi ba nhà thơ thạo ngoại ngữ cũng thật đáng giận. Đáng ra nhà thơ hơn ai hết phải làm cho ngôn ngữ dân tộc ngày càng trong sáng hơn, dân tộc hơn vậy mà .. Tôi nhớ trong tiểu luận “Hawthor và tiểu thuyết Rêu trên nhà mục sư” nhà văn Mỹ nổi tiếng Herman Melville tác giả hai tiểu thuyết lừng danh thế giới “Typee”,” Omoo” ngưòi cùng thời với Whitsman tác giả tập thơ Lá cỏ lá khuyên các nhà văn, nhà thơ Hoa Kì không nên viết như một người Ạnh, người Pháp. Ông khẳng định “ các nhà văn chúng ta là nhà văn Mỹ… Thất bại trong việc sáng tạo ra cái độc đáo vẫn tốt hơn là thành công trong việc bắt chước”
         
Vậy mà những câu thơ loằng ngoằng, bất chấp ngữ điệu, ngôn từ nhịp điệu của tiếng Việt, cách nghĩ của dân tộc ta đã từng sáng bừng trong những trang viết của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính….lại được ca ngợi, tán thưởng thì trách chi các cháu thanh, thiếu niên không từ tấm gương mờ đó mà làm hỏng tiếng Việt thân yêu của chúng ta bằng những trò ảo thuật bậy bạ trong ngôn ngữ của họ.
                                                                        
Quỳnh Mai tháng 7/2012   Nhà văn Nguyễn Hiếu

VIỆT NAM YÊU DẤU