Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

17/11/11

CHÚNG TA ĐANG DẠY TRẺ HOẶC TRỞ THÀNH QUAN HOẶC TRỞ THÀNH NÔ LỆ

Biết được bài này là nhờ đọc trang điểm tin của anh Ba Sàm. Cám ơn anh và BBT! - Hồ Như Hiển
---------
Dù cố gắng trả lời suốt gần 3 giờ liên tục, các vị khách mời cũng chỉ đáp ứng được phần nào mong muốn của độc giả. Báo Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn bộ nội dung cuộc giao lưu.

Buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề "Kinh nghiệm dạy con cả các GS - TS nổi tiếng" có sự tham dự của các khách mời:

- GS Hồ Ngọc Đại

- GS. NGND Nguyễn Lân Dũng

- PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp y dược Lê Hữu Trác, mẹ GS Ngô Bảo Châu

- Nhà thơ Vũ Quần Phương

Phan Hải (23 tuổi, Thanh Hoá) Thưa GS. Nguyễn Lân Dũng, là thành viên trong một gia đình có truyền thống học hành, đỗ đạt. Ông có thể chia sẻ cách dạy con của những người cha - người thầy trong gia đình?

- GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Điều đầu tiên phải nói là bố tôi nuôi 8 người con trong điều kiện 2 cuộc kháng chiến rất vất vả. Có thể nói, nhà rất khó khăn về kinh tế, vì trong kháng chiến chống Pháp, bố tôi là Giám đốc Giáo dục liên khu 10 rồi liên khu Việt Bắc nhưng lương chỉ được phát bằng mấy chục cân gạo. Bố tôi phải dành một nửa để đi kinh lý các trường trên một chiếc xe đạp, một nửa số gạo mẹ tôi phải lo để nuôi cả một đàn con. Chúng tôi học tập trong những điều kiện rất khó khăn, chân đi đất đến trường, thắp sáng bằng những ngọn đèn dầu tự tạo, bằng hộp thuốc đánh răng tròn, bằng ruột của cây guột. Có thời gian, cơ quan bố tôi ở Yên Bái, cả nhà phải ăn bằng sắn lưu niên (sắn bà con bỏ quên lâu năm trên rừng), không thể luộc được mà phải nạo ra thành sợi rồi hấp chín. Bố tôi chấm muối ớt vừa khen ngon để động viên cả nhà.

Chính tinh thần làm việc và vượt qua gian khổ của bố mẹ có tác dụng giáo dục chúng tôi hơn rất nhiều những lời khuyên bảo. Chưa bao giờ bố tôi đánh mắng con cái mà chỉ là những lời khuyên nhẹ nhàng, những lời động viên kịp thời. Đến thế hệ chúng tôi cũng vậy. Tôi cho rằng: Đánh mắng con cái là hạ sách và rất ít tác dụng. Trẻ em cần sự yêu mến, sự động viên và rất kỵ sự ghét bỏ, sự đánh mắng.

Bùi Hải Hoa (Thái Bình): Thưa cô Hiền, cô có thể tiết lộ nho nhỏ với độc giả về cách giáo dục của nhà giáo Trần Lưu Hân - người cha đẻ của mình - với những người con của mình, cũng như với người cháu ngoại Ngô Bảo Châu được học không ạ?

PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi nghĩ truyền thống của gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển nhân cách của mỗi người. Gia đình tôi là một gia đình Hà Nội gốc, với cuộc sống thường ngày rất giản dị và sự học ấy cũng là một điều giản dị. Cụ Trần Lưu Hân là cựu học sinh của trường Bưởi, trong những năm Kháng chiến chống Pháp Cụ đã rời bỏ trường Tư thục đầu tiên do Cụ xây dựng. Nhưng trong suốt thời gian đó Cụ vẫn tiếp tục con đường học tập và sau khi Hòa Bình lập lại Cụ đã vào học khóa đầu tiên của ĐH Bách Khoa và Cụ đã viết và dịch rất nhiều sách kỹ thuật. Bản thân chúng tôi cũng sống và làm theo những điều mà cha mình đã làm. Chúng tôi từ nhỏ đã quen với việc học, yêu thích việc học, không chỉ học văn hóa mà còn học âm nhạc, hội họa. Thời ấy nhiều gia đình ở Hà Nội cũng làm như vậy. Sau này Châu lớn lên trong gia đình ông bà ngoại, bản thân Châu cũng từng nói là: “Châu rất yêu ông ngoại, rất thân ông ngoại”. Trước khi Châu đi Pháp học Châu chỉ có một thời gian rất ngắn để kiểm tra tiếng Pháp ở Sứ quán Pháp và chính ông ngoại là người thầy duy nhất dạy Châu tiếng Pháp.

Đình Hậu (dinhhauhhl@gmail.com): Kính thưa Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Giáo sư có bao giờ nghĩ, mình luôn là một "gánh nặng" lên vai những đứa con của mình. Bởi khi người con sinh ra, cha mình là một người tài giỏi, vậy con cái phải học làm sao để giỏi đựơc như cha.

GS Hồ Ngọc Đại:
Không có gì đặc biệt. Tôi không bao giờ có sức ép nào lên con  mình. Trong hoàn cảnh gia đình tôi, với những đứa trẻ khác có thể rất đặc biệt nhưng với con tôi thì không. Nó không để ý đến điều đó và nó không bị sức ép từ điều đó.

Thậm chí, nó rất ngại những cái gì có tính chất ưu tiên, ví dụ: Hồi nhỏ, ông ngoại cho xe đưa đi học nhưng nó không chịu. Nếu trời mưa buộc phải đi thì xe  của ông ngoại thì xe phải dừng đỗ cách rất xa trường học, để các bạn không ai nhìn thấy…

Hồi con tôi còn nhỏ, tôi rất bận rộn. Mẹ cháu có nói một điều: “Có một đứa con thôi mà anh cũng không chăm sóc, dạy dỗ được nó”. Tôi bảo: “Tôi lo cho hàng vạn, hàng triệu đứa trẻ như nó chứ đâu phải một mình nó…”
Huỳnh Thi (TP.HCM): Thưa nhà thơ, con tôi mới học lớp 6, bây giờ về nhà là rất hay nói xấu thầy giáo rằng, thầy mượn cớ là thầy vay tiền gia đình bạn nọ, bạn kia, nếu không đi học thêm là thầy cho điểm kém, thường xuyên bị thầy sai đi mua thuốc lá nhưng không bao giờ đưa tiền…. Tôi rất lo lắng và các bạn cùng lớp của con tôi thì ai cũng xác nhận chuyện đó. Vậy tôi có nên chuyển trường con tôi để có một môi trường giáo dục khác tốt hơn không?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Trước tiên tôi khuyên bạn nên chuyển trường cho con. Còn hiện nay, khi chưa chuyển trường được thì cần phải biến yêu cầu của thầy thành sự tự nguyện chăm sóc thấy của mình sao cho cháu bé không cảm thấy áp lực về vật chất của thầy. Mặt khác bạn cũng cần thân ái trò chuyện với thầy để tình cảm thầy trò của con bạn tốt đẹp hơn.

Hà Huy (Phan Thiết): Ông từng chia sẻ với bạn đọc: "Trong suốt cuộc đời, bố tôi (cố Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân) không bao giờ đánh chúng tôi một cái tát bao giờ. Đánh mắng không giải quyết được vấn đề mà phải làm cho con cái nhận ra điều sai sót và có quyết tâm sửa chữa". Vậy khi có những điều không hài lòng về các con, cố Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân đã dạy bảo thế nào?

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Trẻ em thường hiếu động và thiếu gì lúc có những lầm lạc trong hành xử, trong những trường hợp đó, bố tôi rất nghiêm khắc nhưng không có nghĩa là đánh mắng mà chỉ là nhắc nhở và phân tích điều hay, lẽ phải.

Bố tôi thường lấy những gương tốt của các trẻ em khác để giáo dục chúng tôi, chính vì cuộc sống và sự làm việc nghiêm túc của cả bố và mẹ đã làm chúng tôi tự giác nghe theo những lời khuyên bảo của bố mẹ. Nhất là trong những thời gian kinh tế gia đình rất eo hẹp. Sau ngày hòa bình lặp lại, mặc dù bố tôi là chủ nhiệm khoa ở ĐH Sư Phạm nhưng để nuôi cả một đàn con, mẹ tôi đã phải nhận bán đường cho mậu dịch.

Ngoài giờ học, anh em chúng tôi xúm vào cân đường và gói đường giúp mẹ, ngoài thời gian giúp mẹ, chúng tôi phải cố tranh thủ thời gian để học tập. Tôi tốt nghiệp ĐH sớm, khi mới 18 tuổi. Lương sau khi ra trường rất ít nhưng tôi đã cố gắng gửi về giúp mẹ nuôi 2 em Lân Việt và Lân Trung. Tôi không nhớ chuyện này nhưng 2 em tôi thường hay nhắc đến. Sự thương yêu và gương mẫu của bố mẹ có hiệu quả giáo dục tốt hơn rất nhiều so với sự đánh mắng nặng nề.

Nguyễn Trọng Tuấn (Phú Thọ): Như cô từng chia sẻ, do bận bịu công tác và làm nghiên cứu sinh, nên GS.TSKH. Ngô Huy Cẩn thường vắng nhà và ít có thời gian gần gũi con. Như vậy, gánh nặng gia đình như dồn hết lên vai cô. Có bao giờ GS Châu khiến cô phải mệt mỏi và cáu gắt không?


PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Trong thời gian Châu học Tiểu học thì bố Châu đi làm Tiến sĩ ở nước ngoài chúng tôi vẫn sống trong gia đình ông bà ngoại. Nói chung trong thời gian đất nước đang chiến tranh các gia đình đều gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi nghĩ chúng tôi vượt qua những ngày tháng khó khăn đặc biệt về mặt kinh tế cũng dễ dàng vì truyền thống sống giản dị của gia đình. Chúng tôi vẫn tạo mọi điều kiện tốt nhất để Châu học văn hóa, học nhạc, học vẽ. Những năm tháng ấy khác nhiều so với bây giờ, gia đình và bạn bè chúng tôi dễ chia sẻ với nhau, giúp đỡ nhau. Có lẽ tôi hiền (nhiều người bảo thế) nên không bao giờ tôi cảm thấy cuộc sống quá mệt mỏi.
Thu Hà (thuha1889@gmail.com) : Kính thưa nhà thơ, rất nhiều phụ huynh có điều kiện ở Việt Nam hiện nay đều cho con em mình đi học trường quốc tế, nhưng phụ huynh cần phải quan tâm tới con cái như thế nào để các em ko bị "Tây hóa"?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Đây là mối lo của rất nhiều gia đình sống ở nước ngoài. Gia đình cần phải cân bằng văn hóa của dân tộc với các nền văn hóa khác. Nhất là duy trì nói tiếng Việt trong gia đình. Tiếp đó là để tâm hồn trẻ được tắm mình trong văn hóa Việt như âm nhạc, văn học, nghệ thuật... Có những cuộc đi thăm khu di tích lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp có sự chuẩn bị kiến thức của bố mẹ về những địa điểm này để nói với trẻ. Việc đưa trẻ đi dự một đám giỗ trong dòng họ cũng có những ý nghĩa tích cực giúp trẻ hòa nhập văn hóa truyền thống Việt.

Nguyễn Bùi Phương Hà (Thanh Xuân, Hà Nội): Cháu chào PGS Trần Lưu Vân Hiền. Cháu hiện đang là một bà mẹ trẻ. Cháu rất hâm mộ cô vì cô đã cho đất nước Việt Nam một niềm tự hào lớn là Ngô Bảo Châu. Cháu rất mong cô chia sẻ cho cháu cách dạy con thế nào cho hợp lý?

PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền:
Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi như thế này. Tôi cũng nuôi dạy con như nhiều gia đình khác. Tôi luôn nghĩ rằng con cái lớn lên với cách sống, cách suy nghĩ thường ngày của bố mẹ. Tôi có may mắn là Châu rất thích học vì vậy chúng tôi thường tìm kiếm những điều kiện tốt nhất về tài liệu và sự giúp đỡ của các thầy để Châu học được càng nhiều càng tốt. Có điều giúp con cách sống để trở thành người tử tế là điều rất quan trọng. Gần đây Châu có nhắc đến một câu chuyện là “ Hồi nhỏ mẹ tôi bảo tôi nói dối là tội lớn nhất trên đời. Lúc đấy tôi cũng không hiểu tại sao tội nói dối lại to như thế, nhưng vẫn phải chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh thôi. Sau này tôi càng hiểu điều đó càng quan trọng với những người làm nghiên cứu khoa học như thế nào.”

Phải
rèn những nhân cách chứ không phải tạo ra những quyển sách!

Phan Hải Trang (Bình Phước): Ông có nghĩ rằng, với cách chăm sóc con và chương trình học như hiện nay, những đứa trẻ không còn được "được hoàn toàn tự nguyện học và lựa chọn con đường của mình" và nguy hiểm hơn, những đứa trẻ đang trở thành "gà công nghiệp"?


- GS. NGND Nguyễn Lân Dũng:
Đúng như vậy đấy và yêu cầu tất yếu là cần sửa đổi gấp chương trình của sách giáo khoa, chúng ta cần đào tạo những nhân cách, những bộ óc chứ không phải đào tạo những quyển sách. Đây là thời đại phổ cập internet toàn cầu, nếu bắt học sinh nhớ cả sản lượng than ở Balan thì thật vô nghĩa. Tôi rất buồn khi thấy chương trình sinh học ở phổ thông chẳng giống nước nào. Sau những lần đi công tác nước ngoài, tôi đã mua về 75 cuốn sách sinh học phổ thông của các nước khác nhau và giật mình khi thấy chương trình dạy ở nước ta chẳng giống nước nào.

Tất cả các môn học ở khoa sinh ĐH Sư Phạm đều được thu gọn lại để dạy ở bậc phổ thông. Một nước có nền giáo dục phát triển như nước Pháp mà không có môn sinh học Biology (mà chỉ có môn khoa học về sự sống và trái đất –Sciences de la Vie et de la Terre). Có nghĩa là: Học các khái niệm tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh chung cho mọi sinh vật, từ vi khuẩn tới người, chứ không đi sâu quá chi tiết vào từng nhóm sinh vật như chúng ta đang dạy.

Một chuyện đáng ngạc nhiên là ở Nepan, một nước nghèo vào loại nhất thế giới nhưng sách giáo khoa sinh học ở lớp 11 hay lớp 12 đều dày trên 700 trang. Tôi hỏi thì được biết họ quan niệm hết lớp 10 là đủ trang bị kiến thức phổ thông. 2 lớp 11 và 12 chia thành 4 chuyên bán sâu: Quản trị kinh doanh, khoa học Xã hội, khoa học Toán Lý, khoa học Hóa Sinh. Mỗi chuyên ban chỉ học có 4 môn, vì vậy, mỗi môn mới có sách giáo khoa dày đến như vậy. Làm như vậy, học sinh cần gì phải học thêm nữa. Mặt khác rất dễ khi vào các trường theo đúng chuyên ngành khoa học hoặc ra đời với những lĩnh vực mà mình đã có sự chuẩn bị về kiến thức.

Ở Nepan có 2 hệ học: 1 hệ học hoàn toàn bằng tiếng Anh từ lớp 1, số này về sau rất dễ làm tiến sĩ ở nước ngoài và trở thành lực lượng chuyên gia đông đảo của liên hiệp quốc. Hệ thứ 2, học bằng tiếng Nepan nhưng có môn tiếng Anh dạy liên thông từ lớp 1 đến lớp 12, loại này rất dễ được nhận làm lao động xuất khẩu ở nước ngoài vì thừa đủ trình độ tiếng Anh giao tiếp.

Số người làm việc đông đảo ở nước ngoài đã giúp cho các gia đình của người dân Nepan thoát được nghèo khổ nhờ số tiền con em họ thường xuyên gửi về hỗ trợ cho gia đình.

Theo tôi, đổi mới giáo dục đâu cần nhiều tiền. Trước hết cần có một chương trình chuẩn đủ năng lực hội nhập quốc tế và phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Sao không giao nhiệm vụ này cho các Hội chuyên ngành kết hợp với các giáo viên có kinh nghiệm đứng lớp lâu năm? Nhà nước chỉ cần xin chương trình của nước ngoài thông qua các Sứ quán. Chỉ là chương trình chứ không cần sách giáo khoa – Tôi chắc rằng chẳng Sứ quán nào không sẵn lòng giúp đỡ ta.

Còn sách giáo khoa giống như ở nhiều nước khác là chuyện của các nhóm tác giả và các nhà xuất bản, nhà nước cần gì phải chi ra một khoản tiền lớn cho việc in sách giáo khoa.

Khi thông qua luật Giáo dục, các đại biểu Quốc hội phản đối nhiều bộ sách giáo khoa chỉ vì đơn giản nghĩ rằng: Một bộ còn chẳng ra gì nữa là nhiều bộ. Thật ra không phải như vậy, càng có nhiều bộ sách càng có sự cạnh tranh để có những bộ thích hợp nhất. Thầy giáo, học sinh và phụ huynh đều toàn quyền lựa chọn bộ sách nào hay thì sẽ được bán nhiều, bộ nào không thích hợp thì có thể lỗ vốn.

Chương trình là cái quyết định, còn thể hiện trên sách giáo khoa thì mỗi nhóm tác giả có thể có một kiểu khác nhau. Tôi thấy trong sách giáo khoa ở Nhật Bản có rất nhiều tranh biếm họa, đâu có vi phạm gì tới nội dung chương trình nhưng lại giúp học sinh thêm hứng thú và dễ nhớ nội dung bài học. Sách giáo khoa của Pháp quy định nội dung mỗi bài học chỉ có 1,5 trang nhưng lại có nhiều trang để mở rộng kiến thức hoặc để tự trả lời các câu hỏi. Bộ sách nào cũng có nhiều tranh ảnh rất đẹp. Học sinh thường không phải mua mà mượn ở Thư viện nhưng phải giữ sạch sẽ để cuối năm có thể trả lại cho thư viện. Nếu làm bẩn thì phải trả tiền. Tôi không rõ lắm, cần gì phải có dự án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa nhiều đến 70.000 tỷ đồng (!).

Chọn lấy cái ít tồi tệ nhất trong những cái tồi tệ


Nguyễn Hoàng Long (30 tuổi, Nghệ An): Hiện nay, nhiều bạn trẻ ra trường chưa tìm được việc làm thì dành thời gian đó học thạc sĩ. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó không lý giải được vì sao lại học Thạc sĩ, mà chỉ trả lời đơn giản: Đằng nào cũng phải học. Như vậy là họ học mà không có mục đích rõ ràng. GS có lời khuyên gì cho họ?

GS Hồ Ngọc Đại:
Đó là một giải pháp có thể chấp nhận được theo nguyên tắc: Chọn lấy cái ít tồi tệ nhất trong những cái tồi tệ. Giải pháp ấy tương đối phổ biến trong xã hội hiện đại, trong những tư tưởng giáo dục đương thời vốn từ xưa để lại, tuy đã lỗi thời nhưng, vẫn còn tồn tại một thời gian khá dài nữa, khi nền giáo dục mới với những tư tưởng giáo dục mới, thể chế giáo dục mới đã có sức mạnh cần thiết

Nói rõ hơn, khi nào việc học chưa trở thành việc thực học và khi nào việc thực học chưa mang lại những lợi ích thực tế trần gian. Rồi cũng có ngày, người đời sẽ coi trọng việc thực học, vì lợi ích thiết thực trần thế, vượt qua mọi ảo tưởng do việc học thời trước để lại. Thử xem những vị tiến sỹ có bia ở Văn miếu đã làm ra được những lợi ích gì thiết thực cho đất nước, cho đời sống của đại đa số nhân dân?

Nhưng hồi đó, người ta vẫn tôn trọng những người “văn chương chữ nghĩa bề bề…”. Ngày nay, người đời ngày càng tôn trọng việc “thực học” vì cuộc sống thực trần gian. Cần phải có thêm thời gian nữa, cũng nhanh thôi. Nhìn các cô gái hiện đại thì biết (trang phục, tóc tai, bạn trai,…) đang thay đổi từng ngày, từng giờ chứ đâu như mẹ tôi cả một đời mỗi khi có dịp trang trọng thì mang “áo cưới” ra mặc.

Việc thực học chỉ thực sự có thật khi nào không học thì không thể sống như mình mong muốn trong cuộc sống thực hằng ngày. Những người đi đầu trong việc này là những người đi “học nghề”: kể cả nghề làm báo, không học thì không thể làm được hoặc làm không bằng người ta.

Nguyễn Tuyết (nguyentuyet9091@gmail.com): Kính thưa nhà thơ Vũ Quần Phương, cháu thấy trẻ nhỏ hiện nay ngoài chương trình học rất nặng lại cộng thêm các loại trò chơi điện tử, tivi rất hấp dẫn nên đa phần các cháu đều rất lười đọc sách. Ngay như nhà cháu có mấy đứa cháu con nhỏ của anh chị, dù đã cố gắng đưa những cuốn sách hay cho các cháu đọc. Nhưng có mình ở đó thì nó đọc còn vắng là nó vứt sách đó chạy đi xem tivi, chơi điện tử. Từ thực tế này, cháu muốn xin bác chia sẻ một số kinh nghiệm của mình trong việc hướng dẫn và tạo thói quen đọc sách cho anh nhà trước đây. Cháu cảm ơn bác.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Đối với các con tôi khi còn nhỏ xã hội chưa phát triển nhiều phương tiện nghe nhìn nên chưa phải nỗi lo của tôi. Trong gia đình có ý thức thì cần hạn chế không để các loại phương tiện kia xuất hiện nhiều. Nếu đã có sẵn rồi, đi đâu cháu cũng có thể chơi game, xem tivi được thì cần hạn chế thời gian xem của các cháu. Bố mẹ phải kiên trì không được nổi nóng, bố mẹ cũng phải làm gương cho các cháu.

Trước tiên cần cho các cháu đọc theo thị hướng của cháu. Tạo không gian sách hay bao vây các cháu thay cho các công cụ nghe nhìn. Việc này rất dễ nhưng không có nhiều người thực hiện. Bố mẹ và con cái cùng tranh luận về một cuốn sách cũng là một kích thích cho trẻ.

Phương châm: Sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, nhiều người thương tiếc


Ông từng kể: "Từ lúc con rất nhỏ, tôi khá chịu khó đi đón con từ Nhà trẻ 20 tháng 10. Khi đó Hà Nội không như bây giờ, yên tĩnh hơn và ít xe cộ hơn. Từ nhà trẻ, trên đường về tôi hay đưa con ra Bờ Hồ, cho con ăn kem và nói chuyện với con". Nhưng đó là ngày xưa, còn nếu ở thời điểm này, nếu là một ông bố trẻ, ông có làm những việc như thế nữa không? Trong khi đường phố HN giờ tan tầm không đường nào là không tắc? Để vượt hết đoạn đường từ trường về nhà là cả một gian nan với cả bố và con rồi, thì lấy đâu ra thời gian đi dạo Bờ Hồ, lấy đâu ra thời gian trò chuyện với con khi đi trên đường?

- GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Đúng vậy, bây giờ đón được con và về được nhà một cách an toàn đã là tốt lắm rồi!

Tôi rất lo nếu đổi giờ làm việc thì nhiều khi đưa con xong, bố mẹ phải lang thang hàng tiếng mới đến giờ làm việc. Hoặc khi con đã tan trường rồi mà bố mẹ vẫn chưa hết giờ làm việc. Đổi giờ là cần thiết để giảm sự quá tải giao thông nhưng đổi như thế nào để phù hợp với việc đưa và đón con, nhất là với nhi đồng sẽ là chuyện cần nghiên cứu kỹ để sao cho thích hợp. Tuy nhiên, thời gian bố mẹ gần gũi, trò chuyện, hỏi han, động viên con cái thì thời nào cũng cần thiết. Không nên vì chạy theo sự làm ăn mà quên mất tài sản quý nhất của mình đâu phải là nhà cửa, ruộng đất, vàng bạc mà chính là 1 – 2 đứa con yêu quý của mình.

Tôi rất thích một phương châm: Sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, nhiều người thương tiếc. Nhiều người đã nhầm lẫn khi tích lũy rất nhiều của cải mong để lại cho con cháu. Họ không hiểu rằng: Khi đã có sẵn của cải thì con cái cần gì phấn đấu học hành. Hãy noi gương tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates. Vợ chồng ông có tài sản lên đến 53 tỷ USD nhưng trong di chúc viết sẵn chỉ dành cho mỗi con 10 triệu USD, phần còn lại ông bà dành cho công tác từ thiện đối với toàn nhân loại. Chắc chắn con cái ông bà sẽ noi gương và trở thành những người có ích cho xã hội.

Học nhạc sẽ giúp mình sống có văn hóa hơn

Lê Thị Hợp (Hà Đông, Hà Nội): Thưa PGS Hiền, tôi thấy hiện nay, báo chí đang lên án chuyện các bậc phụ huynh "chạy đua" cho con đi học thêm quá nhiều. Vậy không biết ngày xưâ GS Ngô Bảo Châu có đi học thêm không? Ở góc độ một người mẹ, một nhà giáo, bà nhìn nhận việc dạy và học thêm thế nào?
PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền:
Khi Châu học cấp 1 và cấp 2 ở nước mình chưa có phong trào học thêm. Chỉ đến khi Châu học chuyên Toán thì Châu có học thêm về Toán. Nhân chuyện này tôi nghĩ nhiều đến tình thầy trò của những ngày trước. Các thầy đến tận nhà dạy Châu với một niềm vui là gặp được một học sinh giỏi và ham học. Trong thành công của Châu, Châu và gia đình chúng tôi nhớ đến các công lao của các thầy trước tiên. Tôi nghĩ việc học thêm hiện nay cũng chưa hẳn là chuyện tiêu cực. Học sinh cũng cần được hiểu kỹ càng hơn, rộng hơn những kiến thức đã học được trong những giờ chính khóa.

Hiện nay các con của Châu vẫn đi học thêm tiếng Anh, đặc biệt là dành nhiều thời gian để học đàn. Việc học thêm văn hóa, âm nhạc sẽ giúp giảm tải những nặng nề của việc học tập, và làm cho cuộc sống của các bạn trẻ có ý nghĩa hơn. Một người thầy của tôi đã cho tôi điểm rất cao trong kỳ thi nghiên cứu sinh khi biết trước khi học dược tôi đã học trường nhạc. Thầy bảo tôi: “Người học nhạc sẽ giúp mình sống có văn hóa hơn”.

Thưa các vị, tôi có con 7 tuổi, giờ khi về nhà làm được điều gì tốt là lại xin 2 nghìn. Hỏi ra mới biết cô giáo ở lớp vẫn thường thưởng cho các cháu như thế. Theo các vị, có nên không? Cũng xin nói thêm là, từ ngày có biện pháp này, con tôi chăm làm việc tốt hơn hẳn.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Theo tôi nghĩ thì việc khuyến khích nên có những phần thưởng về vật chất. Hiện nay vật chất quy ra tiền cũng không vấn đề gì. Ở Mỹ họ cũng hay dùng tiền để thưởng cho trẻ con. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần phải định hướng cho các cháu tiêu tiền như thế nào cho hợp lý nhất. Các bạn cũng phải giáo dục các cháu rằng thành công mới là điều quan trọng chứ không phải đồng tiền. Vì nếu chỉ quan tâm đến phần thưởng thì các cháu sẽ dễ bắt chước người lớn là tạo thành công giả để lấy tiền thật.

Con tôi bây giờ cha mẹ dạy bảo thì rất khó, nhưng cháu lại rất nghe lời bạn bè. Tôi rất khó khăn để chọn lọc bạn cho con tôi và cũng không thể kiểm soát được các mối quan hệ của con ở ngoài trường lớp. Xin hỏi GS Nguyễn Lân Dũng, các cụ bảo “học thày không tày học bạn” với thời nay còn đúng hay không?


- GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Chọn bạn cho con là việc rất cần làm, nhưng điều này không dễ gì khi không nâng cao được chất lượng học sinh ở bậc phổ thông.

Con trai tôi rất may mắn được học khóa đầu tại trường Thực nghiệm của người bạn học cũ của tôi – GS. Hồ Ngọc Đại. Tôi rất mừng vì các bạn của cháu đều rất xuất sắc, không chỉ có Ngô Bảo Châu mà các bạn khác đều rất hay, mỗi đứa một vẻ và đều thành đạt. Cho đến nay, các bạn trẻ này vẫn chơi với nhau rất thân thiết, mặc dầu đều rất bận rộn với công việc. Không phải chỉ là nhà khoa học, nhiều cháu là nhà doanh nghiệp, mỗi đứa một vẻ nhưng đều rất đáng yêu.

 Con gái tôi có 2 người bạn từ cấp II mà đến nay vẫn gắn bó với nhau như chị em ruột. Bạn bè có tác động rất lớn tới nhân cách của con cái mình. Các cụ thường dạy: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Bố mẹ không có quyền chọn bạn nhưng chính sự giáo dục con cái khiến chúng tự biết chọn bạn. Đứa hư sẽ chọn bạn hư. Con mình ngoan thì đâu lo gì kết thân với bạn hư.

Tất nhiên, môi trường xã hội có ảnh hưởng rất lớn, không phải chỉ từ bạn bè mà từ ngay thầy cô giáo, những nhà quản lý xã hội. Họ đều có tác động rất lớn đến nhân cách của lớp trẻ. Tôi rất buồn khi thấy hàng ngày trên báo viết, báo mạng thấy không thiếu gì những chuyện đau lòng. Chủ tịch tỉnh đồi trụy như Nguyễn Trường Tô, vợ đốt chồng là nhà báo, hiệu trưởng đối xử đến nỗi nữ giáo viên phải tự tử ngay trước ngày về hưu, chồng đánh vợ và bắt mẹ vợ quỳ xem clip sex; lái xe, phụ xe buộc hành khách quỳ xin mở cửa, cha tẩm xăng đốt con 3 tuổi, Thứ trưởng gian dối bằng Tiến sĩ, Lê Văn Luyện chưa thành niên mà đã giết dã man 3 mạng người,…

Con tôi về nhà nói: “Phụ huynh là cánh đồng màu mỡ để thầy cô tăng gia sản xuất”. Tôi giật mình và nghĩ học sinh bây giờ không còn sự tôn trọng và yêu quý thầy cô như thế hệ chúng tôi? Vậy xin hỏi GS Nguyễn Lân Dũng, cách nghĩ của học sinh bây giờ như thế thì tại gia đình, Nhà trường, hay xã hội?

- GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Đương thời, bố tôi rất phản cảm với việc thầy cô nhận tiền từ học sinh hay gia đình. Ngành giáo dục đã có nhiều quy định chặt chẽ về việc thu tiền từ phụ huynh học sinh nhưng, nhiều Hội cha mẹ học sinh chịu áp lực của nhà trường mà đã thu tiền vượt mức quy định.

Ngoài ra, việc dạy thêm, học thêm không đàng hoàng đã gây phản cảm cho toàn xã hội. Tôi có một thầy giáo cũ dạy toán từ ngày xưa là thầy Nguyễn Thương, sau này, con cái thầy rất thành đạt, nhưng thầy vẫn thích đi dạy thêm, không phải vì tiền. Con gái tôi và các bạn cháu được thầy đến nhà dạy thêm. Thầy đi xe đạp trong tay không có sách vở gì nhưng với kinh nghiệm nhiều năm, thầy giảng lại từng phần và ra bài tập cho các cháu làm ngay tại chỗ để rồi uốn nắn và giảng giải thêm. Những người thầy như thế nhẽ ra phải được tham gia viết sách giáo khoa và việc học thêm ở các thầy giỏi giang và đức độ như thầy Thương đâu có gì sai trái.

Buồn nhất là những thầy cô không dạy những phần quan trọng mà để dành cho các lớp học thêm đại trà khiến không em nào dám bỏ lớp dạy thêm. Tuổi trẻ phải nhìn vào thầy cô như những tấm gương sáng, kể từ lời ăn, tiếng nói tới phong cách đạo đức. Rất buồn khi nghe tin ngay ở Hà Nội mà có những trường mẫu giáo cả hiệu trưởng lẫn cô giáo đều nói ngọng, làm sao trẻ em chữa được tật nói ngọng. Nhất là lẫn lộn âm “l” và “n”.

Chào PGS Vân Hiền. Trong một bài báo, bà từng tâm sự, đã có những lúc sợ GS Châu học toán nhiều quá dẫn đến... lẩn thẩn. Vậy những lúc con học nhiều quá, bà có ngăn lại không?

PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi đã có dịp gặp một số người nổi tiếng rồi trở thành người không bình thường. Nhất là những người làm toán. Là người mẹ tôi quan tâm nhiều đến sức khỏe của Châu. Khi có dịp nói chuyện điện thoại với Châu bố của Châu thường hỏi: “Châu có làm thêm được bài toán nào nữa không?”. Còn tôi chỉ hỏi: “Con có khỏe không?”. Và thường nhắc Châu dành thời gian đưa các cháu đi nghỉ. Châu cũng thường nói rằng chính gia đình với các bé gái nhỏ giúp Châu cần bằng lại cuộc sống.

Bùi Quyết Chiến (Kim Hoa, Hà Nội): Mỗi thế hệ có một cách sống và suy nghĩ khác nhau. Vậy làm thế nào để bà vẫn có hiểu, thông cảm với người con trai, con dâu, và những cháu nội đang sống ở một phương trời khác? Có bao giờ bà không hài lòng với cách dạy con của GS Ngô Bảo Châu không?

PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Châu sống ở nước ngoài lâu năm nhưng Châu cũng không thay đổi nhiều về cách sống cách nghĩ. Tôi nghĩ gia đình chúng tôi cũng may mắn là có Châu. Châu làm toán nhưng cũng sống nặng về tình cảm. Nhiều năm ở xa nhưng Châu luôn nhớ về ông bà, bố mẹ.

Về cách Châu và Thanh nuôi dạy con cái  tôi thấy cũng là một kinh nghiệm muốn trao đổi với gia đình các bạn trẻ. Các cháu sống rất tự lập, không được chiều chuộng nhiều như các cháu bé ở Việt Nam. Các cháu cũng ham học, tự hoàn thành việc học của mình, nhiều khi còn ngại tìm kiếm sự trợ giúp của bố mẹ vì sợ làm phiền bố mẹ. Châu cũng dạy con biết quý công sức lao động của bố mẹ và bản thân mình. Vào những lúc rảnh, cháu lớn của Châu thường tìm những công việc làm thêm. Hai cháu bé tìm những việc làm giúp bố mẹ tại nhà để được nhận những khoản tiền nhỏ đóng góp vào các quỹ giúp đỡ các bạn nghèo tại trường học của mình.

Nguyễn Huyền Trang ( 25 tuổi, Thái Bình): Thưa các bác, nên phải giáo dục con cái như thế nào đây khi ngày ngày truyền hình vẫn ra rả những hình ảnh ôm ấp nồng nàn, báo chí thì đăng tràn ngập những hình ảnh lộ chỗ nọ, cắt chỗ kia của các ngôi sao?


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi cũng rất lúng túng trong vấn đề này. Trong gia đình tôi rất hạn chế sự xuất hiện của các phương tiện đó mà khuyến khích các cháu nghe nhạc, đọc sách. Các bạn cần biết rằng xã hội càng phát triển thì thị hiếu tầm thường dễ tràn ngập. Mà luật pháp chưa đủ lý để cấm được điều đó. Nên từng gia đình cần tạo những không gian lành mạnh cho con em mình.

Trong cuộc sống, mỗi một người chỉ cần “giỏi nhất” một việc

Thưa các vị, tôi biết, giáo dục con cái là vô cùng hệ trọng. Nhưng trong hệ thống giáo dục hiện nay, những môn liên quan đến giáo dục công dân lại bị quá xem nhẹ. Tất cả dồn vào toán, lý, hóa, văn ... còn những môn liên quan đến uốn nắn, giáo dục nhân cách sống thì lèo tèo tiết học. Tại sao như vậy? Liệu đó có phải là nguyên nhân lý giải cho việc xuất hiện ngày càng nhiều những kẻ tàn ác như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa…?

GS. Hồ Ngọc Đại: Đó là hậu quả của một nền giáo dục đã từng tồn tại hàng nghìn năm nay kể từ “Khổng tử”, một nền giáo dục cho người này làm quan, người kia làm nô lệ, một “nền giáo dục chỉ dành cho 5% dân cư”.

Nền giáo dục dành cả cho 100% dân cư thì nó phải thay đổi, như Nghị quyết XI nói: “Đổi mới căn bản, toàn diện…” Thời hiện đại cần phải “đổi mới căn bản và toàn diện” đời sống xã hội. Trong khi đó, những cái cũ thì vẫn còn sức mạnh của cái cũ. Những cái mới thì chưa có đủ sức mạnh như nó cần có. Trong khi đó, những trẻ em rất thật trong những gia đình rất thật thì sống trong xã hội hiện đại còn chưa kịp định hình.

Sự xen kẽ ấy tạo ra những sự lộn xộn trong đời sống xã hội và nhiều người đã nhận ra mọi sự tiêu cực ấy. Điều đó chứng tỏ sức mạnh của đời sống xã hội hiện đại chứ không phải chỉ tiêu cực là tiêu cực.

Nếu nhiều người cùng nhận thức ra những tiêu cực ấy thì mới có cơ hội để “vượt bỏ” nó. Trước hết, cần phải vượt bỏ nền giáo dục hiện nay, vượt bỏ “căn bản và toàn diện”.  Nền giáo dục hiện đại không phải đào tạo 5% dân cư để làm quan mà đào tạo cả 100% dân cư để cho học sống được bình thường trong cuộc đời thật hiện đại.

Cuộc đời thật ấy cần rất nhiều thứ, chứ không phải chỉ có “chữ” và mỗi một người chỉ cần “giỏi nhất” một việc cần cho cuộc sống thực của mình. Nay mai, người ta sẽ coi trọng những người có bằng cấp cao cũng như những người làm những việc thông thường hằng ngày, vì ai cũng cần sống như mình cần phải sống chứ không có đặc biệt.

Nền giáo dục mới giúp cho người ta “sống bình thương” như cuộc sống thật của mỗi người. Lúc ấy, cuộc sống đi vào ổn định hơn thì những cái tiêu cực ấy rồi cùng biến dần đi (có thể thay bằng những tiêu cực mới). Theo ý nghĩa đó, có thể nói, chính nền giáo dục cũ đã tạo ra những tiêu cực và tích cực trong xã hội hiện đại.

Việc có thể làm được ngay là thay đổi “căn bản và toàn diện” nền giáo dục hiện nay. Mặc dù vậy, tôi không tin rằng, những người đã từng đổi mới giáo dục trong thời gian qua lại có thể làm được sự đổi mới “căn bản và toàn diện” này vì họ không có tư tưởng mới, không có phương pháp mới. Nói chung là họ “tư duy rất cũ”.

Có thể dùng họ với tư cách là những người “thực thi”, những người để “sai vặt” chứ không thể “chỉ huy được”. Vai trò chỉ huy thuộc về, ví dụ: Bộ trưởng, người thực thi Nghị quyết XI.

Tôi tin tưởng chắc chắn sẽ có một nền giáo dục mới vì cuộc sống cần phải tiếp tục sống theo cách sống mới phù hợp với thời đại mới đang biến động từng ngày, từng giờ và có tính toàn cầu. Cũng nên “biết chờ đợi” đừng quá sốt ruột, bi quan.

Xin hỏi GS Nguyễn Lân Dũng, giữa người cha và người thầy có điểm gì giống và khác nhau?

- GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Giống nhau phải ở chỗ thương yêu con trẻ, không có lòng thương yêu thật sự thì làm sao có thể tận tụy với sự nghiệp giáo dục.

Điều thứ hai là phải làm gương cho con trẻ. Thế hệ chúng tôi trưởng thành và nhiều người có những đóng góp tốt một phần vì ngay từ bậc phổ thông chúng tôi đã được học với những thầy giáo giỏi giang, mẫu mực. Tôi nhớ ngay từ cấp II, chúng tôi đã được học tại Khu học xá Trung ương với các thầy Hoàng Tụy, Hoàng Như Mai, Lê Bá Thảo, Trần Văn Khang,… Sau này, các thầy đều là những đỉnh cao trong giáo dục và khoa học.

Điểm khác nhau là bố mẹ chỉ chăm lo cho 1 – 2 đứa con còn thầy cô giáo phải chăm lo cho rất nhiều trẻ em. Ngày xưa, 95% dân ta không được đi học, ngày nay, mỗi năm, có tới 20 triệu học sinh – sinh viên đến trường. Tôi nhớ thời chống Pháp mỗi tỉnh chỉ có nhiều nhất 1 trường cấp III. Bây giờ, huyện nào cũng đều có một vài trường. Với 1 triệu giáo viên làm sao có thể đủ sức tạo lương bổng thỏa mãn nhu cầu để giáo viên có thể toàn tâm, toàn ý lo cho sự nghiệp trồng người. Đây là một vấn đề vừa bức xúc vừa rất khó giải quyết. Giáo viên cũng như cán bộ mọi ngành nghề khác đều vừa phải lo cho sự nghiệp của mình nhưng cũng không thể không làm thêm để bảo đảm ngân sách gia đình.

Vừa qua, tôi về dự Đại hội Khuyến học ở quê nhà (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên), ông bí thư Huyện ủy nói với tôi: “Vào dịp Tết, tôi chỉ tặng được mỗi thầy cô giáo có 100.000 đồng. Vậy mà, phải chạy cho có được 100 triệu đồng, vì huyện nhà có đến 1.000 thầy cô giáo”. Có nhiều huyện đông đến 2.000 thầy cô giáo, chạy cho có được 200 triệu đồng đâu có dễ. Vậy mà, với 100.000 đồng, theo thời giá hiện nay, thầy cô giáo liệu mua được gì cho ngày Tết của gia đình?!

Giáo sư có nghĩ rằng sẽ cho con vào học trường quốc tế thì con sẽ được phát triển về tư duy tốt hơn không? Vì cách dạy học của nhà trường mình bây giờ vẫn theo lối thụ động, thầy đọc trò chép? (Bảo Anh, Ô chợ Dừa, Đống Đa).

GS. Hồ Ngọc Đại: “Trong giáo dục, phải vì lợi ích của trẻ con, đó là nguyên tắc cao nhất. Tôi đã từng mở trường quốc tế đầu tiên ở Hà Nội, cốt để biết người ta làm gì, làm như thế nào. Do đó, tôi biết cái gì tốt, cái gì không tốt lắm đối với trẻ em Việt Nam.

Với tiểu học (6-12 tuổi), trẻ em Việt Nam nên hưởng một “nền giáo dục Việt Nam chính cống” (có khi tôi gọi đó là nền giáo dục thuần Việt). Từ 13 tuổi trở đi, do sự phát triển tự nhiên của trẻ em hiện đại, cần tạo điều kiện cho các em giao lưu rộng rãi hơn, đa dạng hơn, thậm chí chứa nhiều nhân tố mâu thuẫn nhau như bản thân cuộc sống thật của em. Lúc ấy, trường Quốc tế có thể có ích cho em.

Thưa các bác, nên phải giáo dục con cái như thế nào đây khi ngày ngày truyền hình vẫn ra rả những hình ảnh ôm ấp nồng nàn, báo chí thì đăng tràn ngập những hình ảnh lộ chỗ nọ, cắt chỗ kia của các ngôi sao?

Nhà thơ Vũ Quần Phương:
Tôi cũng rất lúng túng trong vấn đề này. Trong gia đình tôi rất hạn chế sự xuất hiện của các phương tiện đó mà khuyến khích các cháu nghe nhạc, đọc sách. Các bạn cần biết rằng xã hội càng phát triển thì thị hiếu tầm thường dễ tràn ngập. Mà luật pháp chưa đủ lý để cấm được điều đó. Nên từng gia đình cần tạo những không gian lành mạnh cho con em mình.

Giả sử bây giờ được hướng đạo nghề nghiệp cho một cháu bé nào đó, nhà thơ Vũ Quân Phương có "dám" cho cháu bé ấy theo nghiệp văn thơ không, trong khi nhà văn nhà thơ bây giờ bị coi là khó kiếm sống? (Đào Anh Chiến, Phú Xuyên, Hà Nội)

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Nói đến các môn nghệ thuật thì cần phải có năng khiếu. Nếu ai có năng khiếu tốt thì cũng đủ sống mặc dù không thể giàu có được. Nhưng được bù đắp rất lớn là có cảm giác như được nếm cái hạnh phúc ở trên đời (hạnh phúc của sự sáng tạo). Nếu con của bạn thực sự có năng khiếu thì tôi nhất định sẽ định hướng cho cháu theo nghề thơ ca. Mà cả kể chúng ta có cấm thì cháu cũng vẫn sẽ trở thành nhà thơ nếu cháu thực sự mong muốn.

Thưa PGS Vân Hiền, bà nghĩ sao khi những trường hợp như cậu học trò nghèo trường Ams nhịn ăn sáng để giành tiền giúp mẹ chạy thận chữa bệnh ngày càng ít, còn những trường hợp học trò đánh nhau, quay clip rồi tung lên mạng thì ngày càng nhiều?

PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi cũng là một nhà giáo. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy thất vọng khi nhìn thấy, nghe thấy những câu chuyện như trên. Đã đến lúc xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến việc cha mẹ giáo dục lối sống cho con cái mình. Cuộc sống lương thiện của cha mẹ sẽ là tấm gương sáng nhất trực tiếp nhất ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ. Chúng ta đừng đổ lỗi nhiều cho việc giáo dục nhân cách tại trường học. Khi Châu còn nhỏ mặc dù Châu rất chăm học nhưng tôi vẫn đưa Châu đi học nhiều thứ khác vì nghĩ rằng càng giảm những thời gian rảnh rỗi càng không cho trẻ có điều kiện để tìm đến những thú vui, những hoạt động vô bổ.

Ở trường Trung cấp Y dược Lê Hữu Trác, khi có dịp nói chuyện với sinh viên tôi thường nói lại với các em về những câu chuyện nhỏ của Châu. Không phải ai cũng thành đạt, cũng được giải thưởng gì đó, nhưng ai cũng có thể làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa. Để cuộc sống của mình có ý nghĩa thì việc học là điều kiện đầu tiên, tôi luôn cố gắng để các em học sinh của trường mình say mê với các bài giảng, ngày càng yêu quý nghề nghiệp mình đã lựa chọn. Bằng cách nào đó chúng ta thắp sáng ngọn lửa hiếu học, chứ không thể bắt ép các em tự nâng cao hiểu biết của mình. Thời gian là hữu hạn, nếu có nhiều thời gian say mê với việc học tập thì sẽ bớt đi thời gian làm những việc vô bổ như quay clip rồi tung lên mạng.

Con tôi học lớp 11 mà trong cuộc họp phụ huynh vừa rồi thầy giáo chủ nhiệm gợi ý chúng tôi phải đóng một số tiền khá lớn để “bồi dưỡng” các thầy cô bộ môn chuẩn bị cho các cháu năm sau thi ĐH (không phải là tiền dạy thêm mà chỉ là bồi dưỡng thôi). Tôi có đi hỏi bạn bè có con cùng lứa tuổi thì ai cũng phải đóng khoản tiền này. Vậy xin hỏi GS Nguyễn Lân Dũng là Đại biểu Quốc hội, vậy thầy cô bây giờ là được Nhà nước nuôi? Phụ huynh nuôi? hay “nhà nước và phụ huynh cùng nuôi”? Sự "gợi ý" của các thầy cô như thế có khác nào đã gieo vào đầu trẻ thói quen xấu?

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Ngành giáo dục đã được ưu tiên bằng phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên, cán bộ các ngành khác đâu kém vất vả hơn nhưng vẫn phải nhận những đồng lương rất ít ỏi (trừ những ngành liên quan tới tài chính). Rõ ràng là việc nâng cao đời sống cho giáo viên phải giải quyết đồng thời với việc cải cách tiền lương của toàn xã hội. Đúng là đời sống của giáo viên hiện nay rất khó khăn, bởi vì khó tìm được việc làm thêm do ít thời gian rảnh rỗi và cũng khó tìm được việc gì thích hợp hơn là việc dạy thêm.

Tuy nhiên, dạy thêm tràn lan là rất có hại như chúng ta đều biết. Vậy thì nhà trường phải nghĩ cách gì để nâng cao mức sống cho giáo viên. Nếu ở nông thôn, giáo viên có thể tự cải thiện bằng việc trồng trọt, chăn nuôi như các gia đình nông thôn khác hoặc nhận thêm việc khuyến nông để có thêm thu nhập. Ở thành phố thì đúng là khó khăn hơn, nhưng các cán bộ các ngành khác cũng vậy thôi. Học sinh có thể góp phần hỗ trợ thầy cô giáo nếu như đổi lại thầy cô giáo có nỗ lực tăng cường thật sự kiến thức bổ sung cho học sinh. Dạy thêm với chất lượng tốt và không đại trà theo tôi không nên cấm đoán. Quan trọng là tư cách của người thầy khi đề ra các yêu cầu thỏa đáng về tiền bạc. Các Hội cha mẹ học sinh không nên chịu áp lực của nhà trường để rồi ép phụ huynh phải đóng góp những khoản tiền không hợp lý.

Bà có nghĩ rằng, xã hội đang tập trung quá nhiều vào việc chạy chữ cho thế hệ trẻ, mà quên đi việc dạy nhân cách cho trẻ không, thưa PGS Vân Hiền. Điển hình là, việc dạy kỹ năng sống trong nhà trường không vẫn chưa được chú trọng? Các tiết học đạo đức còn quá ít so với các môn học Toán, Văn, Anh...

PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên. Nhưng tôi cũng chưa rõ nội dung dạy kỹ năng sống trong nhà trường như thế nào. Theo tôi, việc dạy nhân cách cho trẻ rất quan trọng. Ngoài nhà trường, gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng hơn trong việc dạy dỗ để hình thành nhân cách cho trẻ. Nội dung chính trong vấn đề này theo tôi phải hướng tới việc dạy để trẻ trở nên một người lương thiện, biết yêu gia đình, sẵn sàng chia sẻ với những người ít may mắn hơn mình, không coi vật chất là tiêu chuẩn thành đạt trong cuộc sống.

Lan Anh (lananh1191991@gmail.com): Kính thưa GS Nguyễn Lân Dũng. Có thể thấy lượng kiến thức ở bậc tiểu học và trung học cơ sở hiện nay là quá nhiều đối với một học sinh, đó là một áp lực rất lớn với những đứa trẻ mới lớn. Vậy GS có nghĩ đây là nguyên nhân trực tiếp  dẫn tới những tính cách thất thường của trẻ như có lúc buồn, cãi lại lời cha mẹ, hoặc có những biểu hiện của bệnh trầm cảm?

- GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Đáng buồn là trẻ em Việt Nam đang phải học với nội dung vừa quá nặng nhưng lại vừa quá thấp. Lớp 11 và lớp 12 mỗi em phải học tới 13 môn, trong khi, ở Nepan như trên tôi đã nói, chỉ học có 4 môn.

Thế hệ chúng tôi và GS. Đại chỉ học có 9 năm nhưng chúng tôi đều trưởng thành. Trường học nhồi không phải nhét kiến thức mà chỉ cần cung cấp những hiểu biết cơ bản giúp ích cho việc tự học. Quan trọng hơn là bồi dưỡng cho học sinh ham sống, biết sống và đủ sức tự nâng cao kiến thức khi vào đời hoặc học lên các bậc cao hơn.

Chính vì vậy, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là yêu cầu rất bức xúc hiện nay. Cần làm ngay, không nên chậm chễ. Nhưng đã đổi thì phải thỏa đáng, nghĩa là có thể dùng ổn định nhiều năm mà vẫn phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, cũng như thích hợp với hoàn cảnh nước ta.

Tôi thấy không có lý do gì phải đợi đến 2015. Sau đó, còn phải đổi sách giáo khoa và thí điểm giảng dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới, thế thì quá lâu.

Tôi có đứa con gái đang học cấp III. Xin GS chia sẻ chút ít kinh nghiệm dạy con gái tuổi dở dở, ngang ngang này với. Khi con gái GS ở độ tuổi này, GS đã dạy con thế nào?

- GS. NGND Nguyễn Lân Dũng:
Ở cấp III, các cháu đã khá trưởng thành rồi. “Dạy con từ thuở còn thơ” chứ đâu phải đợi đến cấp III mới dạy. Thực ra, nhân cách của trẻ quyết định bởi tình trạng toàn xã hội và sự gương mẫu cùng tình thương yêu của bố mẹ, thầy cô.

Con gái tôi thời học cấp III được học ở khoa chuyên của ĐH Khoa học Tự nhiên nên khá thuận lợi. Khi đang học lớp 12, cháu đã cùng vài bạn dịch một tác phẩm tiếng Anh khá dày và khá khó cho NXB Tri thức. Cháu rất thích thú với công việc này và nhờ đó khi sang Mỹ học Tiến sĩ về ngoại ngữ chuyên ngành, cháu rất thuận lợi.

Tôi nghĩ ở tuổi các cháu thì sự động viên, tạo điều kiện, thời gian cho học tập là quan trọng hơn so với sự theo dõi quá chặt chẽ để uốn nắn. Khi con mình đủ lớn cần tôn trọng, đừng gò ép theo tư duy có thể không còn thích hợp của mình.

Có lẽ, bố mẹ nên khuyên con gái mình chưa nên nghĩ đến chuyện yêu đương khi đang học phổ thông. Bởi vì, lên Đại học, các cháu mới đủ trưởng thành cả về sinh lý lẫn tư duy, hơn nữa, tình yêu học trò rất ít khi đem lại hạnh phúc dài lâu.

Việc quyết định chọn bạn đời là hết sức quan trọng. Tôi thấy rất buồn khi hiện nay, các bạn trẻ yêu nhau và bỏ nhau quá dễ dàng. Thế hệ bố mẹ chúng tôi hầu như ít ai bỏ nhau và điều này có ảnh hưởng rất lớn tới con cái.

Rõ ràng là không nên yêu nhau quá sớm và không nên dễ dàng quá trong quan hệ lứa đôi. Việc nam nữ sinh viên thuê chung phòng để tiết kiệm chi phí là chuyện rất bất bình thường. Bố mẹ nên khuyên bảo bằng tình thương chứ không phải bằng những áp lực nghiệt ngã.

Người ta vẫn nói, "cha phải nghiêm, mẹ phải hiền". Trong gia đình bà thì sao ạ?

PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Đúng vậy ạ.

Con tôi học hết cấp III được đánh giá là học sinh ngoan hiền nhất lớp, rất nghe lời cha mẹ nhưng khi cháu vào Đại học đến năm thứ 2 thì bị đuổi học vì tội đánh người khác gây thương tích. Xin hỏi PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, ở môi trường ĐH xa gia đình, vai trò các thầy cô ngoài truyền giảng văn hóa thì có thể là người cha, người mẹ thứ hai định hướng tính cách cho sinh viên không?


PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền:
Các bạn trẻ rất dễ thay đổi, sự thay đổi của con bạn chắc chắn do ảnh hưởng của môi trường cháu đang học. Tôi không hy vọng nhiều rằng các thầy cô ở các trường ĐH có thể là những người cha, người mẹ thứ hai định hướng nhân cách cho sinh viên.  Tôi cũng muốn nhắc lại một ý mà tôi có nói ở trên, nếu các thầy cô bằng cách nào đó cuốn hút các em vào việc học, cùng gia đình tạo điều kiện vật chất tạm đủ để các em tập trung vào chuyện học, thì các em sẽ bớt bị lôi cuốn vào những việc khác. Trong tương lai mọi việc có thể khác đi theo chiều hướng tốt lên trong giáo dục ĐH. Sinh viên có điều kiện tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học cùng với các giáo viên hướng dẫn tâm huyết của mình, long ham mê học hỏi từ những năm học phổ thông chắc chắn sẽ không bị mờ nhạt đi.

Giáo dục Việt Nam là một nền giáo dục "may rủi"

Thưa giáo sư Hồ Ngọc Đại, GS có ý kiến gì khi bố mẹ bây giờ đều chạy trường chọn, lớp chọn cho con từ khi con vào lớp 1? (Lan Hương, Hoàng Cầu, Hà Nội).

GS. Hồ Ngọc Đại: Điều đó chỉ chứng tỏ một nền giáo dục còn dựa vào “may rủi”, dựa vào những đặc điểm riêng biệt, như: nông dân dựa vào các thửa ruộng.

Trẻ em hiện đại sinh ra đã có đến 99,9% số gen giống nhau (trời cho tất cả các em một bộ óc như nhau). Vậy thì nền giáo dục hiện đại phải tạo điều kiện cho tất cả các em được hưởng một nền giáo dục giống nhau. Điều đó hiện nay còn chưa có. Các trường còn chênh lệch nhau quá lớn, chủ yếu dựa trên nội dung và phương pháp giáo dục cũ, tùy thuộc vào những đặc điểm riêng lẻ của nhà trường và thầy giáo.

Trẻ em may thì gặp thầy này, trường này, trẻ em khác không may… Nếu có một phương thức giáo dục mới đảm bảo cho từng em “học gì được đấy, học đâu chắc đấy” thì mọi trường cụ thể đều không chệnh lệch nhau bao nhiêu. Học trường nào cũng được, học thầy nào cũng được. Đó là điều kiện tối thiểu của nền giáo dục hiện đại, một nền giáo dục cho cả 100% trẻ em, không  phân biệt nguồn gốc xuất thân hay nơi sinh sống.

Trên thực tế, đã có phương pháp như vậy, có những trường như vậy, không những ở Hà Nội mà hiện nay đã có thật ở ở 16 tỉnh dọc biên giới nước ta, dành cho trẻ em khó khăn nhất về điều kiện vật chất, sinh sống.

Tôi đã đến tận lớp học sinh đang học ở Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Kom Tum, Tây Ninh, Kiên Giang, Cà Mau… Ở đó, tất cả các em học sinh dân tộc thiểu số (có em bố mẹ còn chưa nói được tiếng Việt) học môn Tiếng Việt lớp 1 theo phương án Công nghệ giáo dục, từng bị Nghị quyết 40 của Quốc hội loại bỏ năm 2001.

Thưa các vị, chúng ta luôn nói: "Giáo dục là quốc sách hàng đầu". Tôi không nghi ngờ gì quyết tâm của Chính phủ việc thực hiện chủ trương này nhưng sao thấy buồn, vì ngành giáo dục hiện nay có quá nhiều vết đen: chạy trường, chạy lớp, giáo viên thì đòi dạy thêm để tăng thu nhập... Xin các vị đừng nói với tôi rằng chuyện đó là cá biệt. Xin thưa là ở đâu cũng có. Vậy tôi phải giáo dục con tôi ra sao đây, khi ngày ngày nó được sống trong môi trường như thế?


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Dạy con thế nào là câu hỏi khó trả lời. Dạy con đúng đạo lý thì thường bị thất bại trong cuộc đời. Dạy mưu mẹo để thành đạt thì lại khiếm khuyến lương tâm. Chúng ta chỉ có thể đề ra được những nguyên tắc sống là trông cậy vào chính mình. Ví dụ như học giỏi là bản thân các cháu quyết định được. Nhưng để lên được chức vụ cao thì cá thể đó không thể quyết định được. Vậy chỉ tiêu bố mẹ hướng cho con phấn đấu cũng phải phù hợp với nguyên lý đó. Tôi có bài thơ ngắn tặng các bạn:

Dầu bấc cạn rồi/ Mặt trời thì vẫn ngủ/ Biết tìm đâu ra lửa/ Thì lấy đêm mà soi. 

Xin chào mẹ GS Ngô Bảo Châu, cháu nghĩ rằng cô là người mẹ hạnh phúc nhất vì có một người con như GS, vậy cô cho cháu hỏi, nếu muốn con học tốt môn toán thì người mẹ cần dạy con điều gì? cháu cảm ơn cô và chúc cô mạnh khỏe ạ!

PGS.TS Trần Vân Hiền: Trước tiên bạn cần biết con bạn có thích học toán không. Khi con bạn thích học toán thì sẽ có nhiều người giúp đấy! Còn vai trò của người mẹ không nhiều đâu. Nếu như hình ảnh anh Châu có mang đến cho con bạn một niềm tin, một niềm say mê với toán học thì tôi rất vui được chia sẻ với bạn.

Gửi nhà thơ Vũ Quần Phương, xin hỏi nhà thơ khi con còn bé và đi học bác có hướng cho con làm... nhà thơ như mình không hay bác để con tự phát triển khả năng từ nhỏ? Theo cháu thì bố mẹ nên định hướng nghề nghiệp cho con cái, nhưng định hướng từ lúc nào, theo cách nào thì xin nhà thơ chia sẻ với độc giả? (Thanh Hằng, Hà Đông, Hà Nội)


Nhà thơ Vũ Quần Phương:
Khi các cháu còn bé cho đến cấp 3 tôi đều ghi nhật kí hàng ngày cho các cháu. Xem cháu có tiến triển gì, những câu nói, hành động của các con để xem chúng có khuynh hướng như thế nào. Với sự góp ý của thầy cô tôi nhận thấy cháu có khả năng về toán học nên định hướng cho cháu học về chuyên về toán. Nhưng khi vào ĐH cháu thích học môn gì là ở lựa chọn của các cháu.

Cháu nghe nói GS Hồ Ngọc Đại có một trường học với phương pháp dạy mới, nhưng nhiều thông tin quá nên cũng mông lung. Xin Giáo sư nói ngắn gọn vài câu về phương pháp dạy mới của mình để người khác hiểu, kiểu như một slogan ấy ạ! (Phí Huyền Nga, Văn Lâm, Hưng Yên).


GS. Hồ Ngọc Đại: Phương pháp của tôi dành cho từng học sinh một (chứ không phải cho cả lớp) sao cho ai cũng như ai đều học được, học gì được đấy, học đâu chắc đấy để cho mỗi người tự trở thành chính mình, xứng đáng với chính mình.

Ngẫm về tiền "chống trượt" trong thi cử của giáo dục VN

Tôi là Phóng viên, tôi đã từng phỏng vấn GS Vũ Hà Văn tại Hội nghị  Trí tuệ nhân tạoPRICAI 2009 : “ Anh có ý định trở về VN cống hiến hay ko?” thì được GS Văn trả lời: “ Tôi luôn khát khao về VN công tác cống hiên nhưng môi trường và cơ sở vật chất không đảm bảo cho tôi thực hiện các dự định khoa học của mình”. Xin hỏi GS Nguyễn Lân Dũng nước mình thiếu thốn về phương tiện nghiên cứu khoa học đến thế không ? Và xin hỏi Nhà thơ Vũ Quần Phương, ông có định hướng cho con mình về nước công tác và cống hiến hay ko?
Nhà thơ Vũ Quần Phương
: Tôi biết con trai tôi có ý định về nước khi khoảng 50 tuổi. Vì khi ấy Văn chỉ phải đứng lớp thời gian ngắn và cũng vì tuổi lớn nhu cầu "cố quốc" cũng lớn theo. Tôi nghĩ việc đó thì Văn làm được. Nhưng để về làm chính thức hòan toàn thì Văn cần một môi trường làm việc hợp lí đảm bảo sự tìm tòi sáng tạo của từng nhà khoa học được phát huy. Tôi cũng rất mong được sống gần bên các con cháu của mình.

Xin hỏi GS Nguyễn Lân Dũng nước mình thiếu thốn về phương tiện nghiên cứu khoa học đến thế không?


- GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Đảng và Nhà nước đã xác định Giáo dục và khoa học là Quốc sách hàng đầu. Quốc hội đã dành cho sự nghiệp phát triển khoa học tới 600 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, theo tôi, việc phân bổ số kinh phí này còn quá tràn lan. Do đó, đem lại hiệu quả chưa lớn lắm. Tại nhiều nước tôi đã đi qua các Viện nghiên cứu thường đều nằm trong các trường Đại học. Làm như vậy sinh viên có điều kiện tham gia nghiên cứu khoa học và các nhà khoa học vẫn có thể vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy. Ta còn nghèo mà lại tách rời Viện với Trường thì thật là vô lý.

Hơn nữa, các nước coi rất trọng khoa học cơ bản vì đó là xương sống của cả nền khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, tại các trường dạy học khoa học cơ bản cần có chính sách riêng để thu hút những học sinh giỏi.

Ví dụ, sinh viên các trường này được nhận học bổng và sau khi tốt nghiệp nếu giỏi giang sẽ được học tiếp sau Đại học ở trong hay ngoài nước. Các Viện nghiên cứu trong các trường đại học cần được trang bị đủ tầm để đủ sức tạo ra những sáng tạo có giá trị thiết thực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Việc phân bổ kinh phí nghiên cứu khoa học không nên cào bằng, giống như là một biện pháp xóa đói, giảm nghèo cho các cán bộ nghiên cứu.

Cần có các phân xưởng, bên cạnh các Viện nghiên cứu để có thể đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất, mặt khác, tạo điều kiện tăng thêm thu nhập hàng tháng cho người làm khoa học.

Tôi là sinh viên năm cuối một trường ĐH tại Hà Nội. Vừa qua tôi phải làm luận văn Tốt nghiệp, bạn bè cùng lớp tôi có đề nghị mỗi người nộp số tiền 1 triệu để đi thầy cô gọi là “chống trượt”. Tôi không phải là sinh viên kém, tôi đã rất nhiều lần đạt học bổng qua các kỳ học. Nhưng thấy các bạn nói vậy, tôi vẫn về xin tiền mặc dù nhà tôi rất nghèo. Bố mẹ không tin, và không cho, bắt tôi dẫn bố mẹ đến nhà cô giáo đó nhưng không có quà cáp gì. Cô giáo tiếp đón rất niềm nở còn hướng dẫn tôi cách làm. Nhưng sau đó, tôi vẫn bị trượt và phải bảo vệ lại. Khi tôi kể chuyện cho các bạn trong lớp nghe thì họ bảo tôi là... đần, là không theo kịp thời đại. Vậy xin hỏi PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, là người từng gắn bó lâu năm trong ngành giáo dục, bà đã bao giờ thấy trường hợp sinh viên phải... "chống trượt" chưa? Trường hợp của tôi là do tôi kém năng lực hay do tôi... không theo kịp thời đại?
PSG.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi không tin là văn hóa phong bì đến với tất cả mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực giáo dục. Tự trọng là cái chất đầu tiên của người thầy, từ xưa đến nay, là cái bất biến. Cũng là một người thầy chúng tôi thực sự đau xót khi nghe và phải trả lời câu hỏi của bạn. Cô giáo của bạn chắc cũng buồn lắm.

Tuy nhiên điều này có thể xẩy ra ở đâu đó với một vài thầy nào đó. Nhưng chắc với bạn bạn đã trượt không phải vì cái phong bì đó đâu. Chúng ta cứ tin vào những điều tốt đẹp bạn nhé!

Tiền "chống trượt" đó nghành Giáo dục có biết hay không? Hay là biết nhưng vẫn làm ngơ? Không biết khi biết được những "điểm tối" của ngành giáo dục Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu có còn muốn quay trở lại VN dạy học không nữa!(?)


PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền: Tôi được biết nhiều lần Châu đã khuyến cáo với lãnh đạo ngành giáo dục và Nhà nước là làm sao phải tạo cho những người thầy một vị trí xứng đáng trong cuộc sống. Lương giáo viên phải được ưu tiên lên hàng đầu trong các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển giáo dục. Trong năm nay Châu đã giành 3 tháng hè về làm việc tại Viện nghiên cứu Toán cấp cao. Một trong những hướng hoạt động chính của Viện là tổ chức môi trường khoa học thích hợp cho các giáo viên các trường làm việc, các thầy sẽ có những khoảng thời gian nhất định tập trung cho công tác nghiên cứu và nâng cao trình độ giảng dạy của mình khi tiếp xúc với cộng đồng khoa học trong và ngoài nước. Châu rất tin tưởng sự nghiệp giáo dục Việt Nam sẽ có thay đổi.
Ban Giáo dục

VIỆT NAM YÊU DẤU