Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

5/11/11

KHOÁI CẢM NGÔN NGỮ VÀ TINH THẦN TRONG SÁT THỦ ĐẦU MƯNG MỦ

Biết được bài báo này là nhờ đọc trang điểm tin của anh Ba Sàm. Xin cảm ơn anh và ban biên tập! - Hồ Như Hiển.
-----------------------
Nhà văn Di Li
Để phê phán, dân gian dùng nhiều câu thâm thúy và không kém phần ngoa: Ăn cây táo, rào cây lê (phê phán kẻ vừa vô ơn lại vừa nịnh hót); Nếu… mà không dính da, thì một ngày mất bảy mươi ba cái… (Chê cười cô gái đểnh đoảng, vụng về, đi đâu quên đấy – Hic bổ sung, nhà văn Di Li để dấu 3 chấm thì quả là đánh đố, vanchuongPlus điền vào chỗ trống, đó là L của chị em ah). Thành ngữ, tục ngữ phải được đặt trong ngữ cảnh mới thấy hết được sự thâm thúy và hài hước. (Di Li)
Nhà văn Di Li
Trong tuần vừa qua, sự việc cuốn sách tranh “Sát thủ đầu mưng mủ” bị thu hồi đã gây nên dư luận nhiều chiều. Nhiều độc giả nói rằng cuốn sách có nhiều thành ngữ phản cảm và làm mất sự trong sáng của tiếng Việt, nhưng tôi cho rằng cuốn sách một phần đã đóng góp thêm cho sự phong phú của tiếng Việt.
So với nhiều ngôn ngữ trên thế giới thì tiếng Việt là một ngôn ngữ vô cùng giàu có vì tính đa thanh, đa điệu, cách diễn đạt động từ và tính từ phong phú cùng các lối nói lái, nói điệp vần, lối thậm xưng khiến cho mỗi một người dân Việt đều có thể trở thành một nhà sáng tạo ngôn ngữ khi sử dụng nghệ thuật chơi chữ dân gian đầy biến ảo.
Ngôn ngữ của một dân tộc có giàu có hay không cũng là nhờ một phần lớn sự đa dạng của thành ngữ, tục ngữ. Mà thành ngữ Việt thì nhiều vô kể. Thành ngữ tạm được phân thành ba loại chính là nhận định hiện tượng, khuyên răn, và phê phán. Chúng ta vốn chỉ quen chấp nhận trên văn bản những thành ngữ đã được sử dụng một cách chính thống, đưa vào giáo khoa, giáo trình như “Lời nói không mất tiền mua”, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”… Trong khi đó có rất nhiều thành ngữ, tục ngữ được sử dụng trong dân gian qua nhiều thế kỷ thì nghe có vẻ khó chấp nhận hơn trên văn bản.
Ví dụ như để nhận định và bình luận về hiện tượng thì có nhiều câu như: Vơ bèo gạt tép, Méo mó có hơn không, Hết nạc vạc đến xương, Làm tớ thằng khôn hơn làm thấy thằng dại, Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, Ngu si hưởng thái bình, Ăn bữa cỗ chạy ba cánh đồng. Để phê phán, dân gian dùng nhiều câu thâm thúy và không kém phần ngoa: Ăn cây táo, rào cây lê (phê phán kẻ vừa vô ơn lại vừa nịnh hót); Nếu… mà không dính da, thì một ngày mất bảy mươi ba cái… (Chê cười cô gái đểnh đoảng, vụng về, đi đâu quên đấy). Thành ngữ, tục ngữ phải được đặt trong ngữ cảnh mới thấy hết được sự thâm thúy và hài hước.
Cuốn thành ngữ, tục ngữ hiện đại bằng tranh thú vị, thâm thúy và hài hước vì nó cũng được họa sỹ đặt trong ngữ cảnh minh họa bằng hình ảnh. Trong cuốn sách này, hầu hết các thành ngữ được để ở hai dạng là nhận định hiện tượng và phê phán. Rất nhiều câu sáng tạo về mặt ngữ nghĩa như: Chim cú đú phượng hoàng/ Cố quá thành quá cố (sự đua tranh mà không biết mình biết người); Nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên (phê phán kẻ xấu mặt, xấu lòng); Sống đơn giản cho đời thanh thản (một kiểu triết lý sống); Tay nhặt lá, chân đá ống bơ (Ám chỉ kẻ ẩm ương mà tôi còn nghe một câu đầy đủ hơn là Tay nhặt lá, chân đá ống bơ, làm thơ giữa chợ); Thú vui tao nhã, giặt tã cho con (một cách tự an ủi theo kiểu AQ); Tiền thì anh không thiếu, nhưng nhiều thì anh không có (một kiểu chơi chữ hài hước và vẫn đưa ra bản chất của vấn đề); Ăn chơi sợ gì mưa rơi (muốn ăn chơi, sành điệu thì phải nghiến răng chịu đựng hoàn cảnh); Đâu có đó, thịt chó có mắm tôm/ Từ từ rồi khoai sẽ nhừ (mọi sự rồi sẽ diễn biến tuần tự, xin đừng có giục)
Ngoài ra cuốn sách còn có những tập hợp thành ngữ cải biên mang một nghĩa khác có tính phê phán hoặc chỉ đơn giản hài hước như: Cái khó ló cái ngu (tương tự như câu Túng quá hóa liều), Thất bại vì ngại thành công, Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt quá, Môi hở răng hô…Về câu “Một điều nhịn là chín điều nhục” thì PGS-TS Phạm Văn Tình, hiện đang công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cũng trong một bài viết về cuốn sách này cho rằng đó là “Một cách nhận thức về chữ nhẫn. Bởi nhẫn nại là một biểu hiện tích cực của chữ nhẫn. Nhưng không khéo thì cái nhẫn tiêu cực “cúi đầu, ngậm miệng ăn tiền” lại là sự nhẫn nhục đáng chê trách.”. Cũng theo ông thì câu “Một con ngựa đau cả tàu ăn thêm cỏ” không phải là thiếu tính nhân văn vì “cũng không thiếu những “con ngựa” thiếu tình nghĩa, coi chuyện đồng loại bị đau là cơ hội có lợi cho mình”. Như vậy câu này hàm nghĩa phê phán.
Nhiều người cho rằng biết đâu các em thiếu niên không hiểu lại nghĩ nên học theo như thế. Vậy thì những câu trong dân gian như “Ăn cây táo, rào cây lê”, “Ăn cháo, đá bát” chẳng nhẽ cũng được hiểu lầm là được khuyên nên làm theo như thế.
Lối nói ví von dường như được coi là sở trường của người Việt, đặc biệt là khi câu phải có vần cho thuận miệng, vì thế thành ngữ so sánh chiếm đa số trong cuốn sách này. Ngoài nhiều câu sát nghĩa như Đầu to óc bằng quả nho; Đơn giản như đan rổ; Dốt như con tốt; Nhí nhảnh như con cá cảnh; Đói như con chó sói; Xinh như con tinh tinh (lối nói ngược)… thì có nhiều câu không hẳn được ví đúng nghĩa. Chúng ta vốn đã quá quen với “Khỏe như voi”, “Nhanh như (chim) cắt”, “Hỗn như gấu”, “Nhục như chó”, “Ngu như bò/lợn/chó”… nhưng giờ sự ví von tính cách của con người với loài vật đã trở nên vô cùng ngộ nghĩnh chỉ vì cho nó có vần: Chán như con gián, Ác như con tê giác, Buồn như con chuồn chuồn, Bực như con mực, Im như con chim, Chuyện nhỏ như con thỏ… Thực ra thì con tê giác không ác, con mực cũng không bực, chim chóc thì chẳng mấy khi im bao giờ và có vẻ như còn nhiều con vật khác bé hơn con thỏ, nhưng quan trọng là khi thốt ra điều đó, cả người nói và người nghe điều hiểu được cái sự bực mình, buồn bã hay tính lầm lì ít nói.
Trong dân gian xưa cũng có những câu được sử dụng rất nhiều như “Đầu tắt mặt tối”, “Chạy đôn chạy đáo”, nhưng từ “đôn, đáo” hay “đầu tắt” để riêng cũng không có nghĩa. Thành ngữ còn có đặc tính là nói nhiều lâu ngày đâm thấy thành… có lý. “Hồn nhiên như cô tiên”, chưa ai nhìn thấy cô tiên bao giờ nhưng cứ nghe mãi không dưng thấy cô tiên cũng… hồn nhiên thật. Cô tiên ở tận trên trời không vướng bụi trần chẳng hồn nhiên thì sao.
Thành ngữ, theo thời gian và sự sàng lọc trong dân gian, những thế hệ sau sẽ tự quyết định có nên sử dụng tiếp hay không. Những thành ngữ tôi vừa nhắc đến ở trên hoàn toàn không có sự vi phạm về thuần phong mỹ tục hay làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Thậm chí trong chương trình Đuổi hình bắt chữ phát mỗi tuần trên toàn quốc, chủ nhiệm chương trình vẫn sử dụng những cụm từ như “Phi công trẻ lái máy bay bà già” để đố hình.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng “Mỗi thời đại có một số thành ngữ riêng. Thành ngữ sành điệu phần nào hé lộ người Việt ở thế kỷ 21 có cuộc sống sôi nổi hơn, nhộn nhịp hơn, dí dỏm hơn. Mặt khác, thành ngữ sành điệu còn có tính chất châm biếm, giễu nhại, cợt đùa. Một con người biết tự cười mình là một con người đang trưởng thành, và một dân tộc đang biết tự cười mình cũng là một dân tộc đang trưởng thành.”
Tuy nhiên điều đặc sắc nhất ở cuốn sách này lại là những hình ảnh minh họa cho thành ngữ. Như ở trên đã nói, thành ngữ và tục ngữ phải rơi đúng vào hoàn cảnh mới “đắc địa”, sâu xa, thâm thúy và hài hước. Họa sỹ Thành Phong đã rất xuất sắc trong việc sáng tạo ra những hình ảnh có tính nhân văn và phê phán về mặt xã hội như “Đau khổ như con hổ”, tác giả đã vẽ một con hổ mặt mũi đau khổ đang thắp hương vái bố hổ giờ được hiện thân trong gói cao hổ cốt, hoặc “Ác như con tê giác”, anh vẽ hai bố con tê giác đang hỏi nhau về chiến lợi phẩm và trên tường là những hình đầu người được treo lẫn với đầu hươu, nai. Bức tranh cho thấy một ý nghĩa ngược lại về sự độc ác của con người khi đưa hết các loài thú quý vào danh mục săn bắn.
Trong “Cái khó ló cái ngu”, hình ảnh hai anh chàng ngồi cưa bom và hai chú bé khuân thêm bom đến khiến người xem thấy rõ sự khó ló sự liều và cả sự yếu kém về nhận thức. Trên tất cả, các hình ảnh đều mang lại một sự gây cười vô cùng thông minh. Người đọc bật cười vì những bức tranh và ngữ cảnh chứ không phải vì những câu thành ngữ hiện đại mà ai cũng biết và nghe thấy hàng ngày. Hài hước là thứ vô cùng thiếu trong sáng tạo của người Việt. Vì vậy chúng ta nên trân trọng sự xuất hiện của những bức tranh hài hước thay vì dập tắt ngay từ khi mới phát hành.
Cuốn sách này không chỉ để vui như nhiều người nhận xét mà có một giá trị độc đáo và sáng tạo nhất định về mặt sưu tầm ngôn ngữ và hình ảnh. Công bằng mà nói, tôi cũng đồng ý với quan điểm của TS. Phạm Văn Tình rằng trong cuốn sách có nhiều câu còn thiếu tính chọn lọc như “Thanh kiu Vina Miu”, “Thoải con gà mái”, “Đau sờ cau”…; Rồi nhiều câu hơi gây phản cảm như “Hận đời cắt tóc đi tu, nghĩ đi nghĩ lại đi tù sướng hơn”, “Không mày đố thầy dạy ai”, “Bộ đội phải chơi trội”…
Việc bỏ đi những câu này không những khiến cuốn sách chẳng thiệt hại gì mà lại còn hoàn thiện hơn, và ban biên tập sẽ không phải khuyến cáo thêm chữ “15+” ngoài bìa sách. Đặc biệt là cái vế sau của nhan đề “Sát thủ đầu mưng mủ” gợi lên một hình ảnh sẽ khiến người ta ăn mất ngon, nhìn mất cảm tình và nghe sờ sợ lỗ tai. Văn bản chính thống đặc biệt rất coi trọng về tính thẩm mỹ. Rất tiếc rằng chỉ vì một sơ suất nhỏ của ban biên tập mà đã làm mất đi tính mỹ học trong ngôn từ của bìa ngoài, đặc biệt là khi gần đây dư luận trong nước đang kinh khiếp về hàng loạt sát thủ đã gây ra những vụ án rùng rợn.
Khi tôi đề cập điều này với công ty Nhã Nam, đơn vị phát hành cuốn sách, anh Vũ Hoàng Giang, phó giám đốc, cũng công nhận sự sơ suất này và mong muốn được chỉnh sửa để cuốn thành ngữ hiện đại sẽ quay trở lại thị trường sách trong thời gian sớm nhất đáp ứng snự hưởng ứng của độc giả, mà đặc biệt là độc giả trẻ. Tôi cũng đồng quan điểm như vậy, mong cho cuốn sách sẽ được ra mắt trở lại sau khi chỉnh sửa.
Chúng ta vẫn quen theo cách những gì khó quản lý hoặc gây nhiều dư luận thì cấm luôn cho an toàn thay vì để cho các đơn vị có cơ hội rút kinh nghiệm và sửa sai. Như vậy các sản phẩm văn hóa nghệ thuật sẽ rất khó phát triển trong khi công chúng luôn thiếu những sản phẩm tinh thần độc đáo và sáng tạo mà theo như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội thì “Thú thực, đọc những câu thành ngữ mới đó, với nhiều người, trong đó có tôi, còn thấy khoái cảm về ngôn ngữ và tinh thần hơn đọc nhiều bài viết xơ cứng nội dung và nghèo nàn câu chữ.”
Di Li

VIỆT NAM YÊU DẤU