Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

19/12/11

CÂU CHUYỆN BÊN BÀN CỜ

Phan Chí Thắng
Nhà cu Bi phun thuốc muỗi nên Bi phải sơ tán sang nhà ông ngoại. Biết là ông ngoại Hâm không thích chơi các trò trẻ con nên Bi mang theo hộp cờ vua, bắt ông phải chơi cờ với nó.
Bi bày quân, trịnh trọng nhường cho ông ngoại Hâm chơi quân trắng. Liếc thấy bên quân trắng chỉ còn có sáu quân: Tướng, hậu, xe, voi và hai tốt, còn bên đen thì thiếu có hai con tốt, lão Hâm hỏi ông cháu láu lỉnh:
- Con có biết là quân trắng được đi truớc không? Vậy là con nhường ông đi truớc?
Ông cháu tám tuổi tuy khôn vặt nhưng vẫn thật thà:
- Vâng, nhưng nếu quân trắng nhiều hơn thì con sẽ chơi quân trắng.
OK, ăn thua gì đâu, chỉ là một trò chơi thôi mà! Hai ông cháu chơi được một lúc thì lão Hâm chịu thua. Bi khoái chí kết luận:
- Ông phải chịu khó học lý thuyết cờ. Ông thua là vì ông chưa học chơi cờ như con.
- Con nói rất đúng, làm việc gì cũng phải học thì mới làm tốt được. Thế con có biết chơi cờ tướng không? Ông có bộ cờ tướng đấy?
Thế là hai ông cháu chuyển sang chơi cờ tướng. Tất nhiên là với biên chế đầy đủ, ông ngoại dễ dàng thắng Bi sau năm phút.
Không chấp nhận thất bại, cu Bi làu bàu là cờ tướng rắc rối hơn cờ vua, chơi không sướng.
Ông ngoại hỏi:
- Con có thấy cả hai loại cờ đều có 32 quân, các quân khá giống nhau? Nghe nói cờ vua cũng xuất xứ từ phương Đông, du nhập sang phương Tây rồi biến tướng thành cờ vua hiện nay. Con có thể đưa ra nhận xét gì về sự khác biệt rõ rệt giữa cờ vua và cờ tướng?
Chú bé suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Cờ vua có con hậu, không có hai con sĩ, nhưng lại có cặp voi. Mã thì không bị cản.
- Con giỏi lắm. Đó là những khác biệt về quy định chức năng nhiệm vụ các quân cờ. Bây giờ ông phân tích thêm cho con thấy những khác biệt về nhận thức nhé?
Thứ nhất là tính quần chúng. Trong cờ tướng, vua được gọi là tướng. Đó là một tay hèn nhát và lười biếng, luôn phải có hai con sĩ bảo vệ sát sườn, ông ta chỉ đi lại loanh quanh trong một khoảng không gian hẹp, bắt tất cả phục vụ mình. Vua trong cờ vua tuy vẫn là vua nhưng phải làm việc nhiều hơn, ông ta có thể đi khắp bàn cờ, tham gia chiến đấu mà không đòi hỏi có vệ sĩ cặp kè.
Con tốt là quân cờ có vị trí xã hội thấp nhất. Con tốt trong cờ tướng tiến lên tiêu diệt quân thù song nếu đi đến tận cùng thì nó thành con tốt lụt, không còn khả năng gì nữa, rất vô vị. Đó là kiểu vắt chanh bỏ vỏ đó con. Trong khi đó, con tốt trong cờ vua sau khi đã phấn đấu tích cực, đi đến tận cùng đẩt địch thì lại được tôn vinh công trạng và đãi ngộ xứng đáng bằng cách có quyền biến thành bất kỳ quân cờ nào có đẳng cấp cao hơn, trừ vua, tất nhiên! Rõ ràng là người châu Âu có quan điểm quần chúng hơn hẳn người châu Á? Họ biết động viên quần chúng tốt hơn và quần chúng có cơ hội thăng tiến nếu chịu phấn đấu hy sinh?
Thứ hai là tính tự do. Trong cờ vua, các quân pháo không cần ngòi, quân mã không bị cản, quân tượng đi khắp bàn cờ. Rõ ràng là trong cờ vua các loại lực lượng cơ động hơn, tự do hơn, ít bị gò bó như trong cờ tướng?
Thứ ba, điều thú vị nhất, đó là chỉ trong cờ vua mới có nhân vật nữ - con Hậu. Không những thế con Hậu là nhân vật có sức mạnh to lớn nhất. Đó thực chất là tôn trọng phụ nữ, là đánh giá đúng vai trò và tài năng của người phụ nữ trong xã hội chứ không phải là cái trò cơ cấu vớ vẩn, cho vài bà ngu lâu dễ bảo ngồi vào chính quyền để làm dáng như ở một số nơi đâu con.
Cu Bi há mồm nghe. Chắc là nó chưa hiểu gì nhiều về dân chủ và tự do.
Lão Hâm đoán vậy, khi nghe nó hỏi sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ:
- Ông ơi, thế trong nhà con, mẹ con có phải là Hoàng hậu thật không, hay cũng chỉ là cơ cấu?
Nguồn: Lão Hâm

VIỆT NAM YÊU DẤU