Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

18/2/12

HỌC TRƯỚC LỚP 1: LỢI BẤT CẬP HẠI

Giáp Văn Dương
Vì sao các bậc phụ huynh lại đua nhau cho con đi luyện chữ trước khi vào lớp 1? Câu trả lời có lẽ nằm ở những điều sau:
- Phụ huynh sợ con mình đuối khi vào lớp 1.
- Phụ huynh láu cá, muốn dùng việc cho con đi luyện chữ để tiếp cận các thầy cô giỏi, tiện việc xin cho con vào lớp của các thầy cô đó sau này.
- Phụ huynh muốn con mình viết giỏi ngay khi vào lớp để thỏa mãn sĩ diện của mình.
- Phụ huynh a dua theo đám đông: thấy người ta cho con đi luyện chữ thì mình cũng làm theo đuôi như vậy.
- Phụ huynh thiếu hiểu biết, không biết rõ cái hại của việc luyện chữ trước khi vào lớp 1.
Lợi ảo hại thật
Cái lợi của việc học trước khi vào lớp 1 hoàn toàn là ảo đối với trẻ. Cùng lắm, nó chỉ thỏa mãn một số toan tính, sự sĩ diện hoặc tính a dua của các bậc phụ huynh. Nhưng cái hại của việc này là có thật, và rất nghiêm trọng. Cụ thể:
Hại thể chất: Tôi đồng ý với ý kiến của ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, Bộ GD&ĐT (báo Tiền Phong Online ngày 6-8), các nước, bao gồm cả Việt Nam, có căn cứ khoa học khi quy định tuổi đi học đối với trẻ là 6 tuổi, đó là dựa vào sự phát triển tâm sinh lý và thể chất của trẻ. Nếu phụ huynh cho trẻ học trước, khớp tay trẻ chưa đủ cứng, đầu óc chưa đủ tập trung trong khoảng thời gian kéo dài, dẫn đến việc mệt mỏi, sợ học. Ngoài ra, sự phát triển về xương sống và cổ của trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng.
Các bậc phụ huynh có thể lý luận rằng: Nếu chỉ cho trẻ đi học trước một vài tháng thì không ảnh hưởng gì, vì trên thực tế, trong một lớp, các trẻ có thể chênh nhau đến 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, việc học trước có một cái hại khác rất lớn về mặt tư duy mà hầu hết các bậc phụ huynh, và cả thầy cô, đều không ý thức được.
Phá vỡ tư duy: Trẻ ở tuổi này khả năng tập trung chưa cao. Nếu cho trẻ luyện chữ trước khi đi học, thậm chí trong suốt quá trình học tiểu học, thì trẻ sẽ dồn hết tâm trí để vẽ lại những mẫu chữ đẹp mà không phát triển tư duy logic, tư duy phân tích - tổng hợp, khả năng suy luận, khả năng diễn đạt… trong quá trình học.
Với trẻ học lớp 1 đến lớp 3, việc quan trọng là viết được một câu có nghĩa chứ không phải một hàng kí tự đẹp mắt theo mẫu cho sẵn.
Trẻ cần học được kĩ năng mô tả thế giới xung quanh theo ngôn ngữ của mình, tự tin khi phát biểu, khi tư duy, khi suy luận, khi biểu đạt cảm xúc… chứ không phải chỉ chăm chúi tập luyện sao cho chữ viết thật đẹp, thật hoàn hảo.
Học sinh ở những nước có nền giáo dục phát triển như Âu-Mỹ đều có chữ viết rất xấu, thậm chí nguệch ngoạc không thành kí tự rõ ràng. Vậy thì vì sao các bậc phụ huynh và các thầy cô ở đây không dành thời gian luyện chữ cho trẻ trong quá trình học? Vì họ ý thức được cái giá phải trả, bằng sự phát triển tư duy của trẻ, của việc luyện chữ.
Nói cách khác, họ ưu tiên việc con cái mình phát triển tư duy hơn việc viết được những kí tự đẹp theo mẫu. Điều này giải thích một phần vì sao học sinh ở những nước này thường có khả năng tư duy logic, tư duy phân tích - tổng hợp, tư duy sáng tạo và khả năng biểu đạt tốt hơn so với trẻ ở những nền “giáo dục viết chữ đẹp”.
Lựa chọn của phụ huynh
Suy cho cùng, không ai có thể giỏi mọi thứ cùng một lúc. Các trẻ cũng vậy, hoặc dành thời gian và tâm trí để phát triển tư duy trong quá trình học, hoặc chăm chỉ tập viết để có chữ đẹp theo những mẫu cho sẵn. Việc lựa chọn cho trẻ phát triển theo hướng nào, nhất là với các trẻ trước khi vào lớp 1, là do phụ huynh và thầy cô quyết định.
Chỉ tiếc rằng, trẻ không được quyền lựa chọn cho sự phát triển của mình, nhưng lại gánh trọn hậu quả do những quyết định thiếu hiểu biết của người lớn.
Nếu người lớn thực sự vì sự phát triển lành mạnh, đặc biệt về mặt tư duy của trẻ, mà bỏ qua những lợi ích hoặc ganh đua trước mắt, thì sẽ không cho trẻ đi luyện chữ trước khi đi học. Trẻ vì thế mà phát triển tư duy tốt hơn, gia đình đỡ mệt mỏi hơn và xã hội cũng lành mạnh hơn.
Hãy lựa chọn vì quyền lợi của trẻ, không vì lợi lích, ở bất cứ dạng nào, của người lớn.
TS Giáp Văn Dương (ĐH Quốc gia Singapore)

VIỆT NAM YÊU DẤU