Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

6/5/11

CON NGƯỜI VỚI LỜI NÓI

http://www.saga.vn/Saga_Gallery/CuocSong/elephantguests.jpg
Phan Khôi
Từ ngày nước ta có báo chí, mới thấy có nhiều người nhờ đó phát biểu được đôi chút ý kiến của mình. Tuy báo chưa được tự do, nên ý kiến chưa được phát lộ ra cho hết, chớ còn phát lộ lấy đôi chút mà thôi, thì vẫn có. Đừng nói nhiều, nội một đôi chút đó cũng đủ thấy trái phải ra sao rồi.
Thế mà tôi coi hình như trong xã hội ta, ai nấy ít trọng về lời nói, mà chỉ chú trọng về con người. Cái chỗ đó, tôi không dám giấu đi, thật là một chỗ nhược điểm của người mình vậy.
Theo đúng lẽ thì, ở đâu kia, chớ còn ở trên tờ báo, chỉ nên lấy lời nói làm cái đối tượng (objet) cho sự bình luận, chớ không nên lấy con người làm đối tượng.
Đọc một bài báo thấy bàn về cái gì đó, ta chỉ nên nghĩ, xem lời bàn ấy phải trái ra sao, chớ lọ là phải hỏi cho được người nào viết bài ấy làm chi? Vậy mà nhiều khi ta chỉ chăm vào người nào viết, chớ không kể gì cái bài.
Cái cách ấy đôi khi có thể làm hại cho ta được, là vì gặp người nào ta yêu ta kính thuở nay, mà rủi họ nói sai nói bậy, ta cũng vì cái thành kiến (préjugé) mà cho phải nhầu đi. Lấy trái làm phải như vậy, ai dám bảo là không có hại?
Về lời nói với con người, tôi thấy có đức Khổng phân biệt rõ ràng lắm. Ngài chia ra hai cái ca: một là một người nào tự đối với lời nói và con người của mình; một là một người nào đối với lời nói và con người của kẻ khác.
Cái ca trước, đối với mình, Ngài dạy rằng: lời “ngôn cố hạnh, hạnh cố ngôn”. Nghĩa là: lời nói phải ngó lại nết làm, nết làm phải ngó lại lời nói. Nói nôm ra là: Nói thế nào, làm thế ấy; đừng có nói một đàng làm một ngả; đừng có nói ròng những lời phải mà làm ròng những việc quấy.
Cái ca sau, đối với kẻ khác, ngài dạy rằng: “Chẳng vì lời nói mà cất người lên, cũng chẳng vì con người mà bỏ lời nói đi”. Theo nguyên văn là: “Bất dĩ ngôn cử nhân, bất dĩ nhân phế ngôn”. Câu ấy tỏ ra rằng: Một lời nói phải, chưa chắc làm chứng cho người ấy là người phải; và người dẫu bậy chăng nữa, lời nói phải của họ cũng có ích cho đời.
Theo ý ngài, đối với mình, lời nói với việc làm phải đối chiếu nhau, như câu trên; còn đối với người, phải trịnh trọng và phải khoan thứ về con người và lời nói của họ, như câu dưới; được vậy là quân tử.
Đó, coi đó thì hai cái ca ấy ta không nên đánh xô bồ làm một. Ta phải chia ra sự đối với mình và đối với người, hai cái cho phân minh.
Về sự ta sửa mình ta, ta phải cho gắt. Nếu ta nói đánh bạc là bậy thì ta đừng đánh bạc; nếu ta nói hút á phiện là hư, thì ta đừng hút. Nhược bằng ta cũng hút, cũng đánh bạc, ấy là ta tiểu nhân rồi.
Nhưng đối với người lại không nên như vậy. Họ đánh bạc luôn, họ hút ghiền cụp, nhưng họ mở miệng ra, lại khuyên người khác dừng làm như họ. Thế thì họ cũng là tiểu nhân. Nhưng cái tiểu nhân ấy mặc họ, chớ có hại gì cho ta đâu? Miễn là lời nói của họ phải, có ích cho ta, thì ta nên nghe lấy. Ta nên nhận lời họ là phải mà đừng chấp cái nết xấu của họ làm chi. Ấy là ý đức Khổng nói: bất dĩ nhân phế ngôn.
Những lời nói trên báo ở trước mắt độc giả là thuộc về ca sau. Nghĩa là trong khi độc giả đọc báo, tức là đối với lời nói của kẻ khác. Ta chỉ nên nghĩ lời nói của họ phải hay trái mà thôi; nếu lời họ là phải thì ta cứ nghe, chớ đừng kể đến người viết ra lời ấy, sở hành có đúng với lời nói mình cùng chẳng đúng. Vì việc nầy để riêng cho cái người cầm viết viết ra đó họ tự nghĩ lấy, nếu không đúng thì họ thành ra tiểu nhân, họ phải tự lấy làm xấu hổ vậy.
Đừng nói ai, như tôi, tôi ở trong làng báo bấy lâu, độc giả đối với tôi, cũng có người yêu, cũng có người ghét. Yêu tôi thì tôi cảm ơn, mà ghét tôi thì tôi cũng vui lòng, vì tôi biết cái ghét đó là tạm; chúng ta có phải giành hương hỏa phượng tự chi đây mà sợ ghét luôn! Chỉ duy có một điều tôi phải nói ra đây, là sự yêu sự ghét ấy đều không được chánh đáng. Tôi coi ra những người nào có tánh lung lăng hay nói lý như tôi thì họ yêu tôi, yêu tôi vì có cái tánh hạp với họ, còn người nào trọng hậu, chuyện ai mặc ai, không hề đặt miệng đến, thấy tôi có cái tánh trái với họ thì họ ghét tôi. Mấy lời trên đây là tôi xét kỹ lắm mới nói, nó đúng đà hết cớ!
Tóm lại, thế là họ yêu họ ghét vì con người của tôi mà thôi, chớ không phải vì lời nói đâu! Họa chăng có một vài người đọc kỹ những bài của tôi mà tìm ra chỗ nào là phải, chỗ nào là quấy. Còn phần nhiều thì chỉ khoái hay không khoái về cái người của tôi, có phải không?
Người ghét tôi, họ không hề tỏ ý trước mặt tôi, cho nên tôi không nghe được họ nói thế nào. Chớ có một vài người họ đồng ý với tôi, họ gặp tôi hay nói câu nầy: “Ông dám lắm! ông công kích sướng lắm! cứ làm tới đi!” Coi đó thì biết người ta vì tánh ưa công kích cho nên thấy ai hay công kích thì khoái người ấy, bất luận công kích nhằm hay bậy.
Sự ấy thật không nên. Mỗi khi ta đọc báo, chỉ coi lời nói mà phán đoán phải hay quấy mà thôi, chớ đừng kể đến người. Có vậy thì chơn lý mới phơi bày ra được.
PHAN KHÔI
Trung lập, Sài Gòn, s.6550
(Phụ trương văn chương số 22, thứ bảy 26.9.1931)

VIỆT NAM YÊU DẤU