Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

30/9/12

DẠY CON THEO TỪNG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TÂM LÝ

Nguồn: Petrotimes
(Petrotimes) - Không ít gia đình từng cười ồ lên thích thú, thậm chí là hào hứng dạy trẻ đang độ tuổi tập nói những câu chửi bậy, nói láo.
Cũng không hiếm ông bố bà mẹ lại thấy thú vị khi khoe với bạn bè mình rằng “cậu ấm” hay “cô chiêu” nhà mình mới 12-13 tuổi đã ngấp nghé yêu đương. Và các vị phụ huynh thường chủ trương quán triệt với các con rằng: “Điều 1: Bố mẹ luôn đúng. Điều 2: Khi định cãi thì xem lại điều 1”… Đó hoàn toàn là những sai lầm.
Người đời vẫn có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, nhưng không thể phủ nhận rằng nhân cách và đạo đức của đứa trẻ được hình thành từ những tháng ngày chăm sóc, nuôi dạy của bố mẹ, ông bà từ lúc chúng mới lọt lòng cho đến giai đoạn trưởng thành. Các chuyên gia đã tư vấn: Lúc mới biết nói, biết đi, trẻ thường học theo những hoạt động của bố mẹ, bởi vậy ở giai đoạn này bố mẹ cần dạy cho con những điều được phép và những điều không được phép. Ví dụ, lúc trẻ giận và đánh mẹ thì phải phân tích rõ không được đánh mẹ, thậm chí người mẹ phải giả vờ tỏ ra đau đớn và khóc để biểu lộ hành động đó của con đã làm mẹ đau.
Có một khuyến cáo dành cho các vị phụ huynh: Tuyệt đối không được nuông chiều trẻ một cách thái quá và không được để trẻ có quyền lực trong nhà. Khi trẻ lên 4, 5 tuổi, phụ huynh cần điều chỉnh lại toàn bộ hành vi cho trẻ: Cái nào được, không được; gặp người lớn phải chào, phải dạ thưa... Quan trọng nhất là phải dạy trẻ cách chịu đựng, không được cho qua dễ dàng các đòi hỏi của trẻ. Phải thường xuyên kiểm soát và sòng phẳng với trẻ. Nếu được giáo dục tốt, trẻ sẽ biết lắng nghe và điều chỉnh hành vi theo mong muốn của phụ huynh…
Đối với trẻ trong giai đoạn định hình tính cách, đặc biệt là lứa tuổi “ương ương dở dở” của trẻ 14-15 tuổi thường là khó dạy bảo nhất. Trẻ ở giai đoạn này thường bướng bỉnh, hay phản ứng lại với cha mẹ. Nhưng theo các chuyên gia tâm lý, nhiều khi sai lầm lại nghiêng về phía phụ huynh hơn là con cái. Các sai lầm mà các bậc phụ huynh hay mắc phải trong việc dạy con có thể kể ra là: Nhiều người không chấp nhận sự thực là con mình xấu, con mình sai. Họ tự lừa dối, biện minh rằng con mình chỉ bị bạn bè lôi kéo…; Hay so sánh rằng “bằng tuổi con, ngày xưa bố mẹ đã…” với đủ các việc làm, hành động tốt. Lối so sánh này chẳng giúp trẻ nhận ra khuyết điểm của mình; Không bao giờ, hoặc rất ít xin lỗi và nhận với con rằng bố mẹ đã sai. Trẻ rất ức chế khi bị bố mẹ nói oan; Không điều tra mọi việc rõ ràng trước khi la mắng, đánh đòn con; Coi chuyện chỉ có ăn và học của con là một việc đơn giản, dễ thực hiện; Ít quan tâm đến bạn bè của con, hoặc cấm con không chơi với nhiều bạn; Ít lắng nghe con, nhưng đến khi nghe con nói lại không có kỹ năng gợi mở, chỉ nặng về áp đặt, tra hỏi…
Đinh Hương

VIỆT NAM YÊU DẤU