Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

30/9/11

BẢN LĨNH

Hồ Như Hiển
Trong đời dạy học, hầu như ông thầy nào cũng gặp tình huống: Một hôm nào đó, ông thầy nhận được mẩu giấy ghi câu hỏi của học trò lớp mình đang dạy mà không biết là của học trò nào. Tất nhiên, đó là một câu hỏi khó.
Ông thầy sẽ có các phương án sau để ứng xử.

Phương án 1. Coi như không nhận được câu hỏi đó và lờ tịt đi.
Phương án 2. Dùng quyền lực của ông thầy, "truy" xem học sinh nào dám "cả gan" hỏi vấn đề rất hóc búa đối với thầy. Rồi mạt sát, trù dập học sinh đó, học sinh khác thấy vậy không bao giờ dám "trêu" thầy nữa.
Phương án 3. Không cần biết học trò nào hỏi, dành thời gian nghiên cứu câu hỏi sau đó trả lời trước lớp. Cái gì biết thì nói là biết, cái gì không biết thì nói rõ là vượt quá khả năng của thầy.

Chọn phương án 1, ông thầy sẽ không tự tin khi lên lớp. Học trò biết, ông thầy vừa dốt về kiến thức, vừa hèn về tinh thần. Chúng biết, ông lên lớp, cố nói dăm câu ba điều để kiếm miếng cơm nuôi thân. Trong mắt học trò, ông thầy thật đáng thương hại.
Chọn phương án 2, ông thầy vẫn giữ được quyền uy thét ra lửa của một người độc quyền chân lí. Nhưng với học trò, ông thầy đó không những đáng thương mà còn đáng khinh. Một ông thầy độc tài và ngu dốt.
Chọn phương án 3, ông thầy sẽ vất vả, lao tâm khổ tứ để tìm hiểu vấn đề mà học trò băn khoăn, thắc mắc. Bù lại, ông thầy cảm nhận được sự vui sướng khi đã làm việc hết sức mình, đã dũng cảm đối mặt với những điều mình chưa biết. Đặc biệt, ông thầy sẽ nhận được sự kính trọng của học trò vì đã thẳng thắn trao đổi, đối thoại với thế hệ trẻ cho dù ông thầy chỉ giải đáp được một phần, thậm chí không giải đáp được bất kì phần nào vấn đề học trò hỏi. Học trò biết, đó là một ông thầy sống thật. Đó là ông thầy bản lĩnh.

Nhưng thường gặp hơn cả là tình huống học trò đứng trước lớp, "danh chính ngôn thuận" hỏi thầy. Lúc này, ông thầy chỉ còn một trong hai cách ứng xử như trong phương án 2 hoặc phương án 3. Đấy cũng là lúc, khả năng sư phạm, trình độ chuyên môn, tính cách, văn hoá và bản lĩnh của ông thầy hiện ra thật rõ ràng, chân thực trước mắt học trò.
Suy rộng ra, cách ứng xử của một thủ trưởng đơn vị đối với nhân viên, của một "lãnh đạo" đối với "quần chúng", của một chính quyền đối với người dân cũng vậy.
Nhưng ở cấp độ này mà chọn phương án 1 hoặc phương án 2 thì đấy là điều bất hạnh cho một cơ quan, một đất nước!
HNH

VIỆT NAM YÊU DẤU