Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

12/3/10

ĐI VỀ ĐÂU?

Hồ Như Hiển

Đọc các mẩu chuyện Trạng ta đối đáp với sứ thần Trung Quốc, là người Việt, chắc hẳn trong lòng ai cũng hả hê... 

Một ví dụ mà tôi nhớ mãi, đó là cuộc thi vẽ con vật giữa Trạng và sứ thần Trung Quốc. Trong cuộc thi vẽ đó, giữa triều đình, trước văn võ bá quan, sứ thần Trung Quốc trong thời gian ba tiếng trống vẽ xong một con hổ. Đến lượt bên Trạng của ta, chỉ trong một tiếng trống, Trạng vẽ được... mười con giun. Về thời gian, Trạng đã hơn đứt sứ thần Trung Quốc ; về số lượng, sứ thần Trung Quốc rõ ràng thua đứt đuôi con nòng nọc (một so với mười mà, viết đến đây tôi lại nhớ đến câu thơ của Hồ chủ tịch "Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mĩ ta sẽ xây bằng mười ngày nay"). Phải công nhận Trạng đối đáp rất nhanh trí, thông minh và có thể nói là tài tình nữa.
Nhưng, ngẫm lại chúng ta phải thấy rằng, về mặt nghệ thuật, vẽ một con hổ bằng bút khó hơn rất nhiều so với vẽ mười con giun bằng... mười đầu ngón tay. Cái tài của Trạng có gì đó mang tâm tính của dân tộc ta, giỏi ứng phó, giỏi làm ra cái nho nhỏ xinh xinh chứ chưa làm được một cái gì đó to lớn, mang tầm vóc (nói theo cách bây giờ là... hoành tráng).


Và chuyện giáo dục của ta. Một học sinh phải học cùng lúc hơn chục môn, môn nào cũng "quan trọng", môn nào cũng "thiết yếu"... thế nên mới có "hội chứng quả mít". Đấy là về số lượng môn học. Trong mỗi môn ta lại thấy có lắm điều giống như câu chuyện trên. Môn Văn, học sinh được học theo những "barem cảm xúc", khô cứng và đơn điệu, không có góc nhìn cá nhân... Học sinh phải viết theo những gì thầy cô (cao hơn nữa là Bộ giáo dục) cảm nhận, định hướng. Còn trong các môn KHTN như Toán, Lí Hoá, Sinh học sinh được học hết dạng toán này  đến dạng toán khác. Các thầy thi nhau đưa ra thực nhiều mẹo mực, càng lắt léo càng tốt để đánh đố học trò, để được tiếng là ôn không thiếu dạng nào.. Các em học ngày học đêm, vắt kiệt sức để nhớ được càng nhiều dạng càng tốt. Cố nhiên, luyện như vậy, không phải không có cái tốt, nhưng lợi bất cập hại. Bởi lẽ, cả thầy lẫn trò  sẽ hình thành nên tư duy đối phó. Trò đối phó với thầy, với các kì thi, thầy đối phó với cơm áo gạo tiền, với xã hội, với các cập quản lí (để được tiếng dạy tốt)...

Đất nước, dân tộc sẽ đi về đâu với một nền giáo dục như vậy? Một nền giáo dục từ chương như thời phong kiến, có chăng, "chiếc bình" đã mới mà "rượu"...

Lại nhớ đến câu thơ của ai đó
"Ôi, bốn ngàn năm ta lại là ta
Từ trong hang hốc chui ra
Vươn vai một cái rồi ta... chui vào"

Không muốn bi quan nhưng... 

Buồn thay!

HNH

VIỆT NAM YÊU DẤU