Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

15/2/13

HỌC NHIỀU ĐỂ BIẾT ÍT - HỌC ÍT ĐỂ BIẾT NHIỀU

Thứ bảy 09/02/2013 06:39
PHAN CẨM THƯỢNG
Nguồn: Tuổi trẻ

Nhà văn hiện sinh Pháp Albert Camus có nói: “Người ta không thể chọn được xã hội, mà chỉ có thể chọn mình trong xã hội”.
Nơi ta sinh ra, thời điểm ta sinh ra, cha mẹ sinh ra ta là ba thứ bất biến với mọi con người, còn các thứ khác người ta có thể tự quyết định cho mình.
Học hành vốn là thứ con người tưởng như có thể tự lựa chọn, hóa ra lại là không. Một đứa bé đến trường, nhà trường dạy gì nó tiếp thu nấy, hoặc tiếp thu tốt, hoặc tiếp thu tồi. Nếu một nền giáo dục tồi, đôi khi tiếp thu tồi lại có cơ hội làm lại và trưởng thành theo cách khác. Đó chính là cách các thiên tài hay làm, họ thường đạt kết quả kém ở phổ thông để sau này tự học thành tài năng, dù ngay lúc đó họ chỉ lờ mờ dự cảm là môn này môn kia không có ích với mình và lờ mờ dự cảm về khuynh hướng của mình.
Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Học nhiều để biết ít là phương châm (tức là cho một chuyên môn). Học ít để biết nhiều là phương pháp. Vậy đầu càng trống rỗng, càng sáng thì học ít khả năng biết càng nhiều. Học đến đâu thực hành đến đó thì kiến thức mới thật sự là của mình.
Đại bộ phận học sinh đều không phải là thiên tài, sau này là những người lao động bình thường cũng cần có dự cảm theo cách ấy - tức là nên suy nghĩ về sau này mình làm gì cho hợp với khả năng, sở trường của mình mà học. Ở nhiều nơi, ngay ở ta, có thời người ta tổ chức các lớp vừa học vừa làm thành ra rất hiệu quả, những ngành nghề trong xã hội được học sinh sớm tiếp xúc, lại học luôn lý thuyết, nên học xong là cơ bản có nghề nghiệp.
Khi phần lớn chúng ta sẽ là người lao động bình thường thì cần học tập trung cho một ngành nghề sau này mình sẽ làm. Do đó việc học tập trung càng sớm ngay từ phổ thông càng có lợi cho việc giỏi một nghề về sau. Nên quan niệm lại, học sinh giỏi không phải là giỏi toàn diện nhiều môn, mà giỏi một môn, còn các môn khác chỉ cần đạt trung bình.
Đó chính là cách mà nhiều người như chúng tôi đã từng làm. Trong thời bao cấp và chiến tranh, một vài lứa chúng tôi sinh ra trong hoàn cảnh đói nghèo, thất học, hay rất khó khăn để được đi học. Nhiều người tự nuôi thân từ 11, 12 tuổi, nên ngay từ cấp II chúng tôi đã bàn với nhau làm sao có một nghề nghiệp sau này, khỏi lo đói, túng thiếu và học một môn theo sở trường, cầm cự cho qua từng lớp, đã làm cho tất cả chúng tôi đứng vững từ hai bàn tay trắng. Nhiều người trở thành có tài năng, có tay nghề bậc bảy.
Cuộc sống ngày nay đã khác nhiều. Kiến thức cũng đầy ắp và rộng rãi hơn trước, qua Internet, người ta có thể giỏi mà không cần học ở trường, cái khó vẫn là lựa chọn cho mình những kiến thức thích hợp. Các bạn chớ có tin lời những nhà khoa học cho rằng mỗi con người mang trong mình một Raphael, trên thực tế dù não người còn nhiều tiềm năng, nhưng khả năng kiến thức của mỗi người trung bình chỉ như một cái máy tính dung lượng có hạn. Ta đã nạp linh tinh mọi thông tin rác rưởi, tức là làm mất chỗ trống cho những thông tin cần thiết, và sau này thông tin rác, không cần thiết làm méo mó chính ta, hạn chế ta có một chuyên môn tập trung mà ta cũng không vứt đi đâu được.
Học nhiều để biết ít là phương châm (tức là cho một chuyên môn). Học ít để biết nhiều là phương pháp. Vậy đầu càng trống rỗng, càng sáng thì học ít khả năng biết càng nhiều. Học đến đâu thực hành đến đó thì kiến thức mới thật sự là của mình. Hơn nữa còn dành thời gian học một môn quan trọng nhất: con người chính mình là ai, tức là mỗi người phải hiểu tim gan thận, đầu óc của mình, năng lực trí tuệ của mình là quan trọng nhất, tức là tự giác ngộ mình.
Ở chỗ này người ta luôn khỏe mạnh, không phải viếng thăm bác sĩ, không lo ẩn ức, đố kỵ, tranh giành, hiểu được cái tất yếu của mình trong cuộc đời. Và chỉ có như thế mới có thể đi hết cuộc đời có chất lượng.
Nếu nền giáo dục không thể thay đổi được thì thay đổi mình trong nền giáo dục ấy. Người ta không thể để bị đánh giá bằng điểm số, điểm cao thì mừng, điểm thấp thì buồn, có bằng cấp thì thấy hơn người khác, ngày càng muốn bằng cấp cao hơn nữa, trong khi kiến thức thật sự lại không tương xứng. Nếu như vậy, chính là một con người thất bại, bị thủ tiêu cái cá nhân ngay từ trường phổ thông.
Trí tuệ của ta vui đùa với kiến thức, tự do sử dụng nó, biến nó từng phần thành những bậc thang nâng cao tâm hồn mình. Đi học do đó mới là lựa chọn, phủ nhận và sáng tạo, là niềm vui khi tìm thấy cái chìa khóa mở kho trí tuệ của chính mình.
Phan Cẩm Thượng/Tuổi Trẻ

VIỆT NAM YÊU DẤU