Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

30/9/12

DẠY CON THEO TỪNG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TÂM LÝ

Nguồn: Petrotimes
(Petrotimes) - Không ít gia đình từng cười ồ lên thích thú, thậm chí là hào hứng dạy trẻ đang độ tuổi tập nói những câu chửi bậy, nói láo.
Cũng không hiếm ông bố bà mẹ lại thấy thú vị khi khoe với bạn bè mình rằng “cậu ấm” hay “cô chiêu” nhà mình mới 12-13 tuổi đã ngấp nghé yêu đương. Và các vị phụ huynh thường chủ trương quán triệt với các con rằng: “Điều 1: Bố mẹ luôn đúng. Điều 2: Khi định cãi thì xem lại điều 1”… Đó hoàn toàn là những sai lầm.

21/9/12

Văn hóa nơi… pháp đình

Anh Huy
Thẩm phán quát nạt bị cáo, luật sư tranh luận như gây gổ, đương sự "tự xử" nhau bằng cách hành hung, chửi mắng nhau ngay sau phiên tòa, người nhà bị cáo "quậy tưng" vì không bằng lòng với bản án Tòa vừa phán quyết…
101 chuyện bi hài trong phòng xử
Dẫn chứng sống động tại buổi tọa đàm, các phóng viên đã đưa ra thực tế nhiều phiên xử đã xảy ra những chuyện oái oăm như thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên nạt nộ trấn áp, có trường hợp còn xưng "mày tao mi tớ" với bị cáo.
Từng có trường hợp sau khi vị đại diện Viện Kiểm sát đọc phần luận tội, một bị cáo không nắm được trình tự phiên tòa nên xin được phát biểu. Hội đồng xét xử chưa kịp giải thích thì vị đại diện Viện Kiểm sát đã lớn tiếng quát bị cáo: "Câm mồm"… Đó là phiên tòa hình sự, còn ở phiên tòa dân sự, lắm lúc tòa cũng xuề xòa đôi co với đương sự, làm mất tính trang nghiêm của chốn pháp đình.
Một tình huống khá khôi hài mà một đồng nghiệp từng chứng kiến tại một phiên xử TAND cấp tỉnh, chủ tọa phiên tòa gắt lên với đương sự: "Trời ơi, anh đợi tui nói xong rồi hãy nói. Tui đang nói mà anh cứ nhảy vô họng tui hoài, làm sao tui nói được!". Đương sự "độp" lại: "Vậy chớ sao tui nói tòa cũng nhảy vô họng tui vậy. Sao tòa nhảy vô họng tui được mà tui nhảy vô họng tòa không được?". Thẩm phán bèn trả lời: "Cái đó không phải là nhảy vô họng anh, tại anh lan man nhiều quá nên tui cắt. Để anh nói vậy, biết chừng nào xử mới xong"...
Kiểm sát viên (đứng) đang luận tội tại một phiên tòa xét xử lưu động.
Nhiều phiên xử để khống chế thời gian bào chữa của luật sư, Chủ tọa phiên tòa không nhắc khéo mà chặn ngang: "Luật sư dừng lại đi, nói gì mà lắm thế. Xét xử ra sao đã có viện, có tòa lo rồi".  Không ít lần công tố viên và luật sư vì hăng say bảo vệ quan điểm của mình mà dùng những lời lẽ mạt sát, thiếu tôn trọng lẫn nhau. Bất chấp nội quy phiên tòa yêu cầu tất cả những người tham dự tắt máy ĐTDĐ, thế nhưng không ít lần chuông điện thoại vang lên những khúc nhạc vui bắt đầu từ phía… dãy bàn cao nhất trong phòng xử án.
Chuyện HĐXX đập bàn, lớn tiếng mắng nhiếc, quát nạt bị cáo là "quân lừa đảo", thậm chí cắt ngang hay bảo các bị cáo "câm ngay!" thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Mới đây, tại phiên tòa phúc thẩm TAND Tối cao, khi bị cáo đang nói lời sau cùng, không biết vì còn phải xét xử 4 vụ án tiếp theo nữa hay sao mà vị thẩm phán tỏ vẻ khó chịu ra mặt khi bị cáo dài dòng xin lỗi gia đình bị hại và gia đình mình. Rồi như không thể "chịu đựng" hơn nữa, vị thẩm phán đã nạt ngang: "Bị cáo xin giảm nhẹ chứ gì? Sao nãy giờ lôi thôi, dài dòng quá vậy?".
Một chuyện mà nhóm phóng viên pháp đình cứ nhắc mãi. Số là vị thẩm phán xét hỏi thường hay mắng bị cáo: "Bị cáo có tâm thần hay không mà khai vậy?". Rồi đến một ngày, ông gặp một bị cáo "điên" thật khi hỏi gì anh ta cũng chỉ nhăn răng cười (anh ta từng điều trị tâm thần nhiều năm trước khi đưa ra xét xử). Gương mặt ông thể hiện sự bất mãn, nhưng lần này không thấy ông mắng bị cáo "điên" nữa.
Điều thường xuyên xảy ra nhất chính là việc Hội đồng xét xử thiếu tôn trọng người dân khi tự cho phép khai mạc phiên tòa hoặc tuyên án trễ hàng giờ, thậm chí hoãn phiên xử mà không cần báo lại cho đương sự, người liên quan trong vụ án.
Hội đồng xét xử giữ vai trò quyết định
Tại buổi tọa đàm "Văn hóa pháp đình - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" do TAND quận 5, TP HCM tổ chức ngày 16/9  các đại biểu đều có chung nhận định, trong phạm vi phòng xử thì vai trò của HĐXX rất lớn, tác động trực tiếp đến hành vi ứng xử của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng.
Ông Trần Vi Hải, Phó Viện trưởng VKSND quận 5 cho rằng, trong phiên tòa xét xử các vụ án, không thể chấp nhận những câu thẩm vấn, những lý lẽ tranh tụng xúc phạm đến nhân cách con người. Về phần xét hỏi tại phiên tòa, theo ông Hải, làm rõ chứng cứ buộc tội là trách nhiệm của kiểm sát viên. Làm rõ chứng cứ gỡ tội là trách nhiệm của luật sư. HĐXX có nhiệm vụ đưa ra phán quyết cuối cùng nên chỉ cần hỏi thêm về những tình tiết chưa rõ. Nếu HĐXX sa đà vào việc xét hỏi thì không thể làm tốt được vai trò của người Chủ tọa. Chưa kể, việc này sẽ khiến phiên tòa trở thành phiên tòa buộc tội, không phải là phiên tòa tranh tụng mà chúng ta đang hướng tới.
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, Kiểm sát viên Nguyễn Hồng Sơn (Trưởng phòng Kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm VKSND TP HCM) cho rằng, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác xét xử như phòng xử án, bàn ghế, trang thiết bị… cũng thể hiện văn hóa. Phòng xử hẹp, nóng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, tính cách của những người tham gia phiên tòa hay micro không tốt cũng làm cho việc xét hỏi và trả lời không đạt chất lượng, gây phản ứng không tốt.
Cùng quan điểm với ông Sơn, ông Nguyễn Văn Tùng, kiểm sát viên, VKSND Tối cao cho rằng, trong quá trình xét hỏi những người tiến hành tố tụng phải chú ý lắng nghe, giọng điệu hỏi phải đúng mực, không nhẹ nhàng, không mạnh mẽ quá. Đặc biệt là trong quá trình đối đáp với luật sư, kiểm sát viên phải thực sự bình tĩnh, có thái độ đúng mực, không nổi nóng, mất bình tỉnh. Bên cạnh đó, ánh mắt, cử chỉ, ngôn từ trong tranh luận với luật sư, bị cáo nên chọn lọc kỹ, các viện dẫn pháp lý phải đảm bảo chính xác. Trong quá trình xét xử, kiểm sát viên nên tập trung lắng nghe để tranh luận lại đầy đủ nhằm tạo sức thuyết phục cao.
Nói thêm về văn hóa tranh tụng, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng, mục đích cuối cùng của tranh tụng là nâng cao chất lượng xét xử, tuy nhiên tại tòa án, thẩm phán, kiểm sát viên làm việc nhân danh Nhà nước thì luật sư chỉ làm việc với tư cách cá nhân. Luật sư không có sức mạnh quyền lực mà chỉ biết dựa trên những luận lý để bảo vệ thân chủ nên thật sự không muốn làm mất lòng tòa, viện. Nhưng để tìm ra sự thật của vụ án, luật sư và kiểm sát viên phải tranh luận trên cơ sở pháp lý, trên tình tiết của vụ án, biết tôn trọng, lắng nghe nhau.
Nói về việc nhìn nhận vai trò, vị trí của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương (Đại học Luật TP HCM) nhận xét nếu những người tiến hành tố tụng như thẩm phán, kiểm sát viên tự cho mình có quyền quá cao so với nhiệm vụ thì dễ dẫn đến những biểu hiện thái quá. Khi ấy, họ dễ trở thành người thiếu văn hóa.
Tiến sĩ Phương cho rằng, ngoài việc tự xác định đúng vị trí và quyền lực, quyền hạn và nghĩa vụ của mình, khả năng ứng xử có văn hóa nơi chốn pháp đình của mỗi người có vai trò quan trọng. Nhìn nhận thêm về vai trò của thẩm phán và HĐXX, theo luật sư Nguyễn Đức, HĐXX phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của mọi người, thái độ ứng xử điềm đạm nhưng cương quyết, nghiêm khắc.
Thẩm phán Lê Thị Minh Loan (TAND quận 5) nhìn nhận vai trò của thẩm phán, để có cách ứng xử đúng, người thẩm phán ngoài tác phong, còn phải có trình độ chuyên môn tốt, khả năng giao tiếp, khéo léo kết hợp vận dụng giải thích pháp luật để thuyết phục đương sự, ứng xử khi thẩm vấn, thái độ phản ứng, văn phong bản án, cách tuyên đọc bản án và các hoạt động của những người có trách nhiệm trước và sau phiên tòa. Bên cạnh đó, trang phục của những người tiến hành tố tụng cũng rất quan trọng.
Chánh án TAND quận 5, ông Trần Ba, cho rằng "Văn hóa pháp đình" là một đề tài rất rộng có nhiều người tìm hiểu và đề cập đến nhiều góc độ khác nhau. Buổi tọa đàm này nhằm tập hợp những ý kiến đóng góp của các đại biểu, để từ đó có những định hướng cụ thể trong việc tổ chức xây dựng và thực hiện "Văn hóa pháp đình" trong các đơn vị phục vụ công tác xét xử, đồng thời góp phần thực hiện cuộc cải cách theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cũng tại buổi tọa đàm này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương có ý kiến đề xuất các cơ quan chức năng nên nghiên cứu đề tài này ở cấp Bộ, để có thể giải quyết rốt ráo vấn đề văn hóa pháp đình, tạo tính uy nghiêm của pháp luật
Anh Huy

VIỆT NAM YÊU DẤU