Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

5/6/10

VÀI NHẬN XÉT VÀ GIẢI PHÁP TRONG GIÁO DỤC

Hồ Như Hiển

Ca khúc Khát vọng mùa xuân, nhạc Mozart.
  1. "Chạy án" là hiện tượng phổ biến trong giáo giới. Hệ luỵ của nó là, hầu hết giáo viên mắc bệnh "đao". Bệnh này đặc biệt nghiêm trọng khi có đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở Giáo dục, Bộ Giáo dục về kiểm tra hồ sơ, giáo  án ("Chạy án": soạn giáo án gấp rút, "đao": download).
  2. Giáo viên thuộc dạng sinh vật đặc biệt, càng nhiều "tiết", mặt mày càng xanh xao vàng vọt. Vì thế, bị "cắt tiết" lại càng thích, trừ giáo viên hợp đồng ("tiết": giờ dạy, "cắt tiết": giảm giờ dạy)
  3. Phần lớn giáo viên giống như các bà mẹ chồng cay nghiệt. Họ lí luận, ngày trước ta đi học cũng khổ trăm đường: Nào tiền học phí, học thêm... ; nào tiền xây dựng, tiền tu sửa cơ sở vật chất (tu sửa vật chất không nằm trong lĩnh vực xây dựng à nha!), tiền điện nước, tiền vệ sinh, tiền quĩ Đoàn (cái từ "Đoàn" bao giờ thì được viết thường chữ "Đ" vậy nhỉ?), quĩ hội, quĩ tài năng,... Nào học sáng, nào học chiều, nào ca một, ca hai, ca ba... ; nào chính khoá, nào đề cao, nào phụ đạo, nào bồi giỏi, nào nâng yếu... bây giờ ta cứ yên tâm bắt chúng nó (học sinh) cũng như ta ngày xưa.
  4. Các ông bố bà mẹ có con làm nghề dạy học, nhất là dạy hợp đồng thường động viên con cái : Con ạ, ngày trước bố mẹ có thể cố nuôi con đi học, thì nay bố mẹ hoàn toàn có thể gắng sức nuôi con đi dạy học. Con cứ yên tâm, yên tâm, yên tâm,... yên... tâm... phù... phù... phù, yên... tâm... con... nhé... (Cái này dựa nhận xét của một đồng nghiệp).
  5. Giống như chiếc xe đạp của một thời chưa xa (thời đấy vẫn hiện hữu quanh ta thì phải?), mọi bộ phận đều kêu, trừ... cái chuông, nghề giáo làm không mở mắt được trừ...đêm khuya. Lẽ ra phải ngủ thì chong mắt, chong đèn với câu hỏi: Mai dạy gì? Dạy như thế nào? Xử lí ra sao với mấy học sinh trong lớp có tình cảm đặc biệt với nhau?.... (Vậy nên có đôi lời thế này : Năm năm, tháng tháng lại ngày ngày/ Cuộc đời nhà giáo đến là hay/ Mai này nhắn nhủ con cùng cháu/ Vết đổ xe này - phải tránh ngay).
  6. Công việc của người giáo viên và người nông dân gắn bó mật thiết với nhau. Đặc biệt là việc làm điểm và việc cấy hái (Mới đây nhất, Cục trưởng cục điểm số của Bộ Giáo dục được điều sang làm Cục trưởng cục Cấy hái của Bộ Nông nghiệp còn Cục trưởng cục Cấy hái của Bộ Nông nghiệp lại được điều sang để thay thế vị trí của Cục trưởng cục trưởng cục Điểm số của Bộ Giáo dục. Hai ông này đều có những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực mình phụ trách).
  7. Trong nhiều kì thi tốt nghiệp, đặc biệt là tốt nghiệp THPT, dòng chữ "Giám thị", "Thư kí", "Thanh tra", "Phó Chủ tịch hội đồng", "Chủ tịch hội đồng" trên thẻ của các vị này nên thay bằng dòng chữ "BÙ NHÌN" cho thống nhất, đồng thuận và đúng bản chất.
  8. Nhà Phật có câu "Buông dao xuống thành Phật", áp dụng vào một số (tương đối) giáo viên trong tình hình giáo dục hiện nay thành "Buông phấn xuống thành Phật" ("Trong những cái mất mát của đời người thì mất mát về thời gian là tuyệt đối nhất. Bằng cách nhồi nhét kiến thức, nhà trường, các bậc phụ huynh đang cướp đi tuổi thơ - thời kì đẹp nhất của các em. Đó không chỉ là sự lãng phí thời gian mà thực sự là một tội ác" - GS Hồ Ngọc Đại trả lời phỏng vấn Vietnamnet).
  9. Nên bố trí các giờ thao giảng vào ngày trời có mưa dông hoặc bố trí các phòng học  ở gần nguồn nước để kịp ứng phó khi xảy ra tình huống cháy giáo án.
  10. Hiện nay, việc đánh giá chất lượng giáo dục chủ yếu dựa vào điểm số của học sinh. Muốn có chất lượng giáo dục cao phải nâng cao điểm số của học sinh. Do vậy, nếu ai muốn làm nghề dạy học, điều kiện đầu tiên là phải có nhà cao tầng để khi chấm bài cho học sinh, họ mang bài lên tầng cao nhất chấm. Tin chắc rằng điểm số của học sinh sẽ cao đến chóng mặt.
  11. "Dạy học không phải là chất đầy vào một cái thùng rỗng mà là làm bừng sáng lên các ngọn lửa" - ai đó đã nói như thế, do đó đồ dùng dạy học không thể thiếu của một người giáo viên là các vật liệu gây cháy như: bùi nhùi, diêm, máy lửa, xăng, dầu,... (À, nhưng lại sợ cháy giáo án thì sao nhỉ. Mâu thuẫn này giải quyết sao đây? Ôi, nền giáo dục đất nước tôi!).
HNH

VIỆT NAM YÊU DẤU