Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

30/11/10

Chỉ có ở Việt Nam







Hồ Như Hiển
Hồi còn nhỏ, mình được học rằng, người Việt Nam ta rất anh hùng, thông minh, giỏi giang, cần cù... đất nước mình “rừng vàng biển bạc”. Thơ Tố Hữu còn ca ngợi “Ôi Việt Nam, xứ sở diệu kì”. Lớn lên, đi làm, tiếp xúc, va chạm, đi và ngẫm; so sánh, đối chiếu, cảm nhận mình mới tá hoả, hoá ra những điều mình được học... thôi rồi Lượm ơi! Nhất là từ khi có mạng Internet, được nghe tiếng nói đa chiều, mình bỏ hẳn thói quen nghe Đài tiếng nói Việt Nam, xem Truyền hình Việt Nam, đọc các loại báo “lề phải” (Tiền phong, Thanh niên, Công An Nhân Dân, nhất là tờ An ninh cuối tháng...). Nghiệm ra mới thấy, nước mình đúng là xứ sở “nói một đằng làm một nẻo”, xứ sở “lạ kì”.

Bạn hãy ngẫm xem, vì sao biết rằng công chức, không ai sống được bằng lương mà ai cũng nhà lầu xe hơi?
Bạn hãy vào các quán cafe, quán nhậu, nhà hàng, khu vui chơi giải trí..., và xem có bao nhiêu người nông dân, người lao động chân chính có mặt ở đó?
Buổi chiều nào đó, bạn đứng một bên đường, nhìn những người công nhân giờ tan tầm. Họ là những ai? Họ đi xe gì? Họ mặc gì? Họ béo gầy? Họ là con tầng lớp nào? Bạn hãy hỏi họ. Một ngày họ làm mấy tiếng? Một tháng được nghỉ mấy ngày? Điều kiện làm việc của họ ra sao? Họ được trả lương thế nào?
Có khi nào bạn nhìn thấy những bức tranh thêu “Vụ mùa bội thu” vẽ lên cảnh trù phú no ấm trên cánh đồng quê Việt Nam. Thật đẹp và xúc động phải không bạn? Nhưng bạn có thấy, những bức tranh ca ngợi người nông dân lại được mua bằng mồ hôi, nước mắt của họ và được treo ở nhà những vị quan chức lắm tiền nhiều của, những người không gắn bó với ruộng đồng. Có phải họ tôn vinh người nông dân đấy không?
Bạn hãy so sánh, những tên quan chức, gọi là công bộc của dân, là đầy tớ của dân, mà tên nào cũng bụng phệ, mặt nhờn nhờn những mỡ là mỡ. Còn ông chủ nông dân mặt mũi quắt queo, héo hắt, gầy rạc. Có phải là lộn sòng không bạn?
Bạn có thấy lớp học ở Việt Nam chúng ta giống như một giáo đường không? Ông thầy đứng trên bục, thao thao bất tuyệt... Ở dưới, các em như những con chiên ngoan đạo, căm cúi ghi chép. Mòn mỏi tháng ngày?
Bạn có biết thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người dũng cảm chống tiêu cực? Bây giờ cuộc sống của thầy ra sao?
Bạn có biết vụ tham nhũng PMU 18? Vụ Đại lộ Đông Tây? Vụ Nguyễn Trường Tô? Những vụ đó được xử thế nào? Hay lại chìm xuồng? Gần đây nhất là vụ Đường sắt cao tốc, Vinashin, boxit Tây Nguyên?
Bạn có biết ngư dân của ta vẫn ngày đêm bám biển để có cái mưu sinh. Họ phải đối mặt với “người lạ” ngay trên vùng biển thiêng liêng của cha ông ta?
...

Bạn có biết những câu này không? Của dân đấy bạn ạ. Nó phản ánh đất nước mình đấy.
-         Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền. (câu này nguyên là của tên trùm tội phạm Năm Cam)
-         Miệng quan trôn trẻ.
-         Việc dễ không làm cho khó làm gì có thịt chó mà ăn.
-         Thanh tra, thanh mẹ thanh gì... Cứ có phong bì là nó thanh kiu...
-         Ghế thì ít, đít thì nhiều. Cho nên đấu đá là điều tất nhiên.
-         Để lâu cứt trâu hoá bùn.
-         Nhân phẩm toàn dân mất sạch rồi/ Chỉ còn lương thực giá cao thôi/ Lương tâm giá rẻ hơn lương thực/ Chân lí, chân giò cũng thế thôi...
-         Lương chồng, lương vợ, lương con/ Đi ba buổi chợ chỉ còn lương tâm/ Lương tâm đem chặt ra hầm/ Với rau muống luộc khen thầm là ngon
-         Thằng làm thì đói/ Thằng nói thì no/ Thằng bò thì sướng/ Thằng bướng thì chết/ Thằng bết thì tôn/ Thằng khôn thì đập.
-         Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho cán bộ mua đài, tậu xe/ Mỗi người làm việc bằng ba/ Để cho cán bộ sửa nhà lát sân.
-         Thi đua ta quyết thi đua/ Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu/ Hàng đầu rồi biết đi đâu/ Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi.
-         Phong lan, phong chức, phong bì/ Trong ba phong ấy phong gì quí hơn/ Phong lan ngắm mãi cũng buồn/ Phong chức thì phải cúi luồn vào ra/ Chỉ còn cái phong thứ ba/ Mở ra thơm phức cả nhà đều vui...
...

Bạn hãy nghĩ xem...
...
Bạn có biết những điều này từ đâu mà ra không? Tại... Tại... Tại... Ừ, lí do bạn nêu ra đều đúng. Nhưng theo mình, "gom lại", chỉ có một lí do duy nhất...
Bạn bảo đấy là chuyện xã hội. Chẳng lẽ  xã hội không liên quan đến cơm ăn nước uống, đến cơm áo gạo tiền, liên quan đến suy nghĩ, thái độ, tình cảm của bạn ư?
Bạn bảo mình tiêu cực. Ừ, thì đành vậy. Mỗi người có một quan điểm, một góc nhìn. Mình tôn trọng quan điểm của bạn!




VIỆT NAM YÊU DẤU