Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

17/1/13

Kiến thức pháp luật: TÒA XỬ CÔNG KHAI NHƯNG...KÍN!

Nguồn: Tuổi trẻ Online
TÂM LỤA | 17/01/2013 09:50 (GMT + 7)
TT - Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Luật hành chính đều có điều khoản quy định các phiên tòa được xét xử công khai, mọi công dân đều có quyền tham dự phiên tòa. Thế nhưng thực tế có những phiên tòa đóng kín cửa không lý do.
  • Hình ảnh thường thấy hằng ngày ở cổng TAND TP Hà Nội: người dân chờ đợi, năn nỉ bảo vệ cho vào tòa - Ảnh: Tâm Lụa
 "Việc người dân tham dự phiên tòa chính là giám sát cán bộ tòa án tuân thủ, thực thi pháp luật"
Ngồi bệt ở cổng tòa
Tại phiên tòa xét xử vụ côn đồ hành hung người dân Văn Giang (sáng 30-11-2012, TAND huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), rất đông người dân muốn tham dự phiên tòa nhưng đều phải đứng bên ngoài. Lực lượng bảo vệ tòa án thường không giải thích, không đưa được lý do chính đáng tại sao không cho người dân vào xem xét xử. Nhiều người sau khi xin vào không được đã ngồi bệt ở cổng tòa khóc.
Hàng chục người dân tập trung trước cổng TAND TP Hà Nội (43 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm) xin vào xem xét xử. Trước cổng tòa, hai bảo vệ của tòa án và 4-5 người mặc cảnh phục đứng chắn ngay lối vào. Họ kiểm tra rất gắt gao. Ai có giấy triệu tập của tòa mới được qua cổng. Đó là những hình ảnh diễn ra thường ngày ở TAND TP Hà Nội.
Một phụ nữ với gương mặt khắc khổ chen vào xin bảo vệ cho vào xem xét xử cháu ruột nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Bà bị đẩy ra ngoài mặc dù đã hết lời năn nỉ rằng bà đã đi mấy trăm cây số giữa trời lạnh buốt từ 3g sáng mới tới được đây.
Trong tòa án, trước cửa phòng xử 104B, một người đàn ông đứng xin hai công an cho vào trong xem xét xử nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Năn nỉ mãi không được, người đàn ông văng tục, chửi bới ầm ĩ cả dãy hành lang. Khi đó lực lượng công an mới cho ông vào phòng.
Vi phạm pháp luật ngay tòa án
Qua được cổng bảo vệ chưa xong, trước cửa phòng xét xử luôn có nhiều công an đứng canh gác để kiểm tra giấy tờ của người đến xem xét xử. Mặc dù các phiên xét xử đều là các vụ án dân sự, hình sự bình thường, không phải các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia hoặc các vụ hiếp dâm mà bị hại yêu cầu xử kín, thế nhưng lực lượng bảo vệ vẫn cương quyết không cho người dân vào xem xét xử.
Ở TAND TP.HCM, việc người dân vào tòa xem xét xử dễ dàng hơn khi cánh cổng vào tòa luôn mở rộng. Nhưng ở tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM trên tầng 2, mọi việc có vẻ khó khăn hơn. Người đến đây đều phải xuất trình giấy tờ cho bảo vệ. Một số sinh viên luật đến dự phiên tòa để học tập, có chứng minh nhân dân nhưng không có giấy giới thiệu của trường cũng bị bảo vệ không cho vào.
Việc không cho người dân vào tòa xem xét xử không những vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, mà còn làm nảy sinh tiêu cực. Theo phản ảnh của một số người dân, ai có tiền cho lực lượng bảo vệ ở cổng TAND TP Hà Nội sẽ được vào tòa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hội - thẩm phán, chánh văn phòng TAND TP Hà Nội - khẳng định lãnh đạo TAND TP Hà Nội chưa bao giờ cấm người dân vào xem xét xử mà chỉ hạn chế. Theo ông Hội, TAND TP Hà Nội đang sửa chữa trụ sở, diện tích chật chội, phòng xử nhỏ hẹp, mỗi phòng xử chỉ ngồi được 15-20 người nên phải hạn chế người dân vào xem. Việc hạn chế người ra vào tòa để “bảo vệ thẩm phán, viện kiểm sát và những người tiến hành tố tụng. Chúng tôi sợ một số đối tượng lưu manh côn đồ vào tòa án rồi lợi dụng ngủ lại để phá cơ sở vật chất, lấy cắp tài liệu hồ sơ...”.
Lý do ông chánh văn phòng TAND TP Hà Nội đưa ra là không thuyết phục vì ngay cả khi chưa sửa chữa trụ sở, TAND TP Hà Nội cũng kiểm soát rất gắt gao việc người dân vào xem xét xử. Vụ án được xử ở phòng lớn hay bé, phòng xử có còn chỗ hay không thì mỗi sáng lực lượng bảo vệ ở cổng TAND TP Hà Nội vẫn ngăn cản người dân vào tòa.
Trả lời về việc dân phải đưa tiền cho bảo vệ mới được vào tòa án, ông Hội cho biết: “Trước đây chúng tôi có nhận được đơn tố cáo của người dân về vấn đề này, qua xác minh cũng đã cho thôi việc một bảo vệ. Người dân bảo có đưa tiền, bảo vệ lại nói không nên rất khó xử lý. Chúng tôi đã đặt camera ở cổng tòa để theo dõi bảo vệ tiếp xúc với dân ra làm sao, có tiêu cực xảy ra hay không. Lãnh đạo TAND Hà Nội rất mong dân chụp ảnh, quay phim hay có những bằng chứng xác thực về việc bảo vệ nhận tiền, chúng tôi sẽ xử lý các trường hợp vi phạm”.
Đổi quyền hợp pháp của dân để lấy sự nhàn hạ?
Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn luật sư TP Nam Định) cho rằng một số tòa án không cho người dân vào xem xét xử lấy lý do “bảo vệ trật tự phiên tòa” là bao biện, không thuyết phục. Luật sư Trai cho biết: “Nhiều phiên tòa còn chỗ trống rất nhiều nhưng bảo vệ không cho dân vào xem. Trách nhiệm của lực lượng hỗ trợ tư pháp là giữ gìn trật tự phiên tòa, nhưng thay vì làm nhiệm vụ của mình thì họ cấm không cho dân vào phòng xử. Căn cứ điều 18 Bộ luật tố tụng hình sự, mọi người dân đều được quyền tham dự phiên tòa. Một người đi đường tránh mưa cũng có quyền tạt vào xem tòa hôm nay xử gì. Những hành vi ngăn cản người dân vào phòng xử nghe tòa xử án đều vi phạm pháp luật”.
Luật sư Ngô Ngọc Trai nói: “Luật tổ chức tòa án nhân dân điều 38 quy định: thẩm phán, hội thẩm phải tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Việc người dân tham dự phiên tòa chính là giám sát cán bộ tòa án tuân thủ, thực thi pháp luật. Đây cũng là một phương thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sinh động”.
Luật sư Trai là người đã gửi bản kiến nghị tới chánh án TAND tối cao để phản ảnh về việc người dân bị ngăn trở khi đến xem xét xử, nhưng tới nay không nhận được phản hồi. Luật sư cho biết sắp tới sẽ tiếp tục gửi kiến nghị tới Quốc hội và Chủ tịch nước.

VIỆT NAM YÊU DẤU