Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

2/11/11

GS TRẦN VĂN KHÊ: DẠY CON CŨNG LÀ NGHỆ THUẬT

Biết được bài báo này là nhờ đọc trang điểm tin của anh Ba Sàm. Xin cảm ơn anh và ban biên tập! - Hồ Như Hiển.
-------------
Việc nuôi dạy con sẽ không khó nếu cha mẹ quan sát và đối xử với các con công bằng, khéo léo. Rèn lòng nhân bằng chữ nhẫn.

Sáng 30-10, hơn 500 phụ huynh Trường THCS Minh Đức đã tham dự buổi giao lưu, chia sẻ về cách nuôi dạy con cái với GS Trần Văn Khê trong chuyên đề Kỹ năng ứng xử với con em trong gia đình.
Chị Lan, phụ huynh một học sinh lớp 9 của trường, hỏi: “Hai con của cháu không hòa thuận, em thì hay chọc ghẹo chị và so bì mẹ thương chị nhiều hơn. Cháu cố gắng dạy dỗ nhưng không hiệu quả. Có lần cháu trai (học lớp 5) phân bì: “Mẹ cho chị Hai (học lớp 9) học thêm hai môn, trong khi con chỉ được học thêm một môn. Chị Hai làm mẹ tốn nhiều tiền hơn con, sao mẹ cứ thương chị Hai ?”. Nghe vậy cháu không biết trả lời thế nào, đôi khi cháu bất lực…”.
GS Khê đã chia sẻ bằng câu chuyện từ gia đình mình: “Khi tôi mang hai con sang nước ngoài sống, cậu anh có tài học đàn còn cô em có tài nấu ăn. Vì cô em học đàn chậm nên hay bị anh la mắng, quát nạt. Riết rồi con bé không thèm học đàn từ anh nữa, mang cây đàn tới trả cho tôi. Tôi cười và nói với con gái rằng thôi để ba dạy. Sau đó, tôi gọi con trai ra nói rằng trời phú cho con trí thông minh, tiếp thu nhanh nên con phải biết thương những người học chậm hơn mình. Sau này con có làm thầy dạy đàn, học trò con có đứa này đứa nọ, con phải đối xử công bằng và chỉ dạy cho chúng tận tình, khéo léo để không làm chúng tự ái. Con trai tôi nghe xong hứa sẽ không quát nạt em nữa. Tôi cũng khuyên con gái, con có tài nấu ăn thì cũng từ tốn nói lại với anh, rằng anh dạy em thì em sẽ nấu món ngon cho anh ăn. Từ đó, tình cảm hai anh em gắn bó hẳn. Làm cha mẹ thấy con yêu thương, gắn bó ai cũng vui”.

Cha mẹ và con cái cùng xúc động khi chia sẻ tình cảm để hiểu nhau hơn. (Ảnh chụp tại một buổi giao lưu của phụ huynh với GS Trần Văn Khê tại một trường THCS quận 12, năm 2011). Ảnh: QV
Kể xong GS Khê kết luận: “Cha mẹ đừng lấy cái quyền áp đặt, bắt con phải thế này thế kia và dùng đòn roi để trừng phạt vì sẽ gây phản tác dụng mà phải giải thích cho chúng hiểu. Ví dụ như chị Hai học hai môn là vì chị Hai sắp thi tốt nghiệp THCS, khi nào con lên lớp 9 mẹ cũng cho con học như vậy. Tôi nghĩ rằng khi cha mẹ giải thích hợp tình, hợp lý và dùng những lời lẽ nhẹ nhàng, các cháu sẽ nghe lời. Nếu chúng ta khen, thưởng trẻ đúng lúc thì việc dạy dỗ con không mấy khó khăn.
Còn rất nhiều câu chuyện thực tế từ gia đình GS Trần Văn Khê khiến nhiều phụ huynh chợt nhận ra việc nuôi dạy con không khó, chỉ cần cha mẹ quan sát và đối xử với các con công bằng, khéo léo. Đơn cử như giáo sư có một cháu nội, khi cả nhà đang ăn uống, vui chơi, cháu thường tỏ ra bực tức và kiếm một góc ngồi, không thèm nói chuyện với ai nếu thấy ông nội nựng nịu, nói chuyện nhiều với đứa khác. “Tôi hỏi cháu: “Con giận ông hay giận ai?”, cháu không trả lời. Thấy vậy, cha mẹ chúng nói: “Thôi, ông nội làm hòa, xin lỗi cháu đi!”. Thấy con mình thật vô lý vì tôi đâu có lỗi, tôi liền vào nhà lấy hộp kẹo ra chia đều cho mấy cháu còn lại. Điều này càng khiến cháu kia ấm ức. Tôi biết cháu đang tức tối cao độ và bảo cả nhà để mặc. Từ đó, cháu nội tôi rất sợ khi bị người lớn dùng hình phạt bỏ rơi vì giận dỗi vô cớ” - GS Khê chia sẻ.

Trong hai ngày 30 và 31-10, chương trình Văn hóa ứng xử lần lượt diễn ra tại Trường THCS Minh Đức (quận 1, TP.HCM) và Trường THCS Châu Văn Liêm (quận Phú Nhuận, TP.HCM) với các chủ đề Kỹ năng ứng xử với con em trong gia đìnhKỹ năng ứng xử trong học đường. Chương trình do GS-TS Trần Văn Khê và một số báo cáo viên trình bày. Đây là chuỗi chương trình do Hội quán Các bà mẹ tổ chức nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong ứng xử, giáo dục con cái, học trò hằng ngày.
Rèn lòng nhân bằng chữ nhẫn
Hơn 30 năm qua, tôi thường giáo dục con, cháu mình bằng cách kể chuyện đêm khuya cho các cháu nghe. Ngày hôm sau, tôi yêu cầu các cháu thuật lại câu chuyện và cảm nhận điều nào tốt, điều nào chưa tốt vào cuốn sổ của chúng rồi đưa tôi chấm điểm. Tôi cũng thường xuyên bắt con, cháu mình viết nhật ký những chuyện xảy ra trong trường học, xóm giềng mà chúng thấy được để gợi ý chúng biết điều phải, điều trái. Đó chính là những bài học rèn lòng nhân, trí thông minh, cách ứng xử tình huống nhanh nhạy cho các cháu. Không chỉ vậy, tôi còn kiên trì dõi theo đến khi chúng trưởng thành, biết ứng xử thế nào cho hài hòa.
Cô ĐÀM LÊ ĐỨC, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, quận 1, TP.HCM
QUỐC VIỆT
Nguồn: PLTP

VIỆT NAM YÊU DẤU