Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

9/11/11

HÃY TỰ TRÁCH MÌNH

TS Trần Nam Dũng
Mục tiêu của việc học không chỉ là những kiến thức, những sự kiện được ghi nhớ một cách máy móc mà còn là con đường tư duy để đi đến kiến thức đó. Albert Einstein từng nói: “Giá trị của giáo dục đại học không phải ở việc học nhiều sự kiện, mà là luyện cho trí óc suy nghĩ”. Mục tiêu đó, giá trị đó khó lòng đạt được nếu học sinh, sinh viên không biết tự học.
Học ở đâu, học thế nào?
Cố giáo sư, thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc trong những lần nói chuyện với thanh niên thường hay nhắc lại một câu trong sách Trung dung: “Học nhi tri, hành nhi tri, du nhi tri, khốn nhi tri”, tức là ngoài việc học để biết, ta còn có thể biết qua thực hành, qua giao du và qua gian khó. Những bài học như vậy không có trong trường lớp, không có trong sách vở và chẳng thầy nào có thể dạy.

Khổng Tử, người được tôn xưng là “vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời) đã nói: “Kẻ nào chẳng gắng sức để hiểu thông, thì ta chẳng giúp cho hiểu thông được. Kẻ nào không cố gắng tỏ bày ý kiến, thì ta chẳng giúp cho phát triển được. Kẻ nào biết một góc mà chẳng chịu tìm hiểu thêm ba góc kia thì ta chẳng dạy cho”. Như thế, Khổng Tử đánh giá rất cao vai trò của tự học. Bản thân Khổng Tử thành tài cũng do tự học.
Để học tốt ở trường ở lớp, cũng cần biết tự học. Để thành công trong cuộc sống lại càng phải biết tự học. Nhưng tự học như thế nào? Theo thạc sĩ Dương Thị Thanh Huyền, bộ môn khoa học xã hội và nhân văn đại học Nha Trang, thì có bốn bước cơ bản: xác định động cơ học tập, xây dựng kế hoạch học tập, tự mình nắm vững nội dung tri thức và tự kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Quan trọng nhất là bước thứ nhất và thứ ba. Với bước thứ ba: muốn tự học phải biết nghe, biết đọc, biết ghi chép, biết đặt câu hỏi, biết trao đổi, biết xử lý thông tin và biết trình bày.
Cuối cùng, về sự học theo nghĩa rộng, chúng ta muốn học được ở đời thì trước hết phải thực sự cầu thị, thực sự muốn học và phải hiểu rằng ở đời có vô vàn thứ cần học.
Tại ai mà kém trong tự học?
Khi còn làm việc tại công ty FPT Software, tôi hết sức ấn tượng về khả năng tự học của một nhân viên phiên dịch người Nhật, cô Yuko Fujita. Khi chúng tôi phỏng vấn thì Yuko biết tiếng Anh khá ít và cũng không hiểu nhiều về công nghệ thông tin. Vậy mà sau chừng bốn tháng làm việc, Yuko viết email bằng tiếng Anh rất tốt, hơn nhiều bạn Việt Nam đã có bằng cấp tiếng Anh đàng hoàng. Tôi suy nghĩ khá nhiều về vấn đề này và thử đưa ra vài nguyên nhân: họ học nhanh vì có động cơ rõ ràng, có kỷ luật tốt, ham học hỏi và biết cách tự học.
Chúng ta kém trong tự học trước hết là vì động cơ học tập đôi khi chỉ là bằng cấp, chứng chỉ mà không phải là những kỹ năng, kiến thức để làm việc. Chúng ta kém trong tự học vì kỷ luật cá nhân kém. Có người lên những kế hoạch lớn lao nhưng rồi đầu voi đuôi chuột, không giữ được việc thực hiện kế hoạch. Chúng ta kém trong tự học vì chúng ta ngại hỏi, ngại học ở những người khác. Trong lớp học, khi giáo viên hỏi “Các em có thắc mắc gì không?”, rất hiếm khi có phản hồi. Cũng hiếm thấy hình ảnh một thầy giáo lớn tuổi ngồi nghe đồng nghiệp trẻ hơn giảng bài.
Và học sinh, sinh viên của chúng ta còn yếu trong khả năng tự học là bởi chúng không được khuyến khích tự học, không được dạy cách tự học. Không được khuyến khích tự học vì chúng phải học trên lớp quá nhiều (có những trường dạy nguyên ngày, rồi còn học thêm ở trung tâm, học với giáo viên ở nhà). Không được khuyến khích tự học vì làm toán theo mẫu, làm văn theo mẫu nên tự học sẽ không được điểm cao.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, việc chúng ta kém trong tự học có nguyên nhân nằm trong chính bản thân chúng ta. Và cũng đừng vội trách các em kém trong tự học. Lỗi này trước hết thuộc về người lớn, trong đó có cả gia đình, nhà trường và xã hội.
TS Trần Nam Dũng
Nguồn: SGTT

VIỆT NAM YÊU DẤU