Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

16/6/10

PTT NGUYỄN THIỆN NHÂN LẠI HỨA!

Hồ Như Hiển

Theo Vietnamnet, bên hành lang phiên thảo luận kết quả giám sát chất lượng đại học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho hay, vừa rồi ông đã gửi tới Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân một số câu liên quan đến việc thực hiện lời hứa của ông Nhân. ĐB Thuyết đã nhận được câu trả lời bằng văn bản.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết hỏi PTT Nguyễn Thiện Nhân: "Một số cán bộ, viên chức trong ngành và cử tri băn khoăn về việc thực hiện lời hứa của Phó Thủ tướng. Ví dụ đến năm 2010, giáo viên sống bằng lương", PTT trả lời: "Ngay từ năm 2006, Bộ GD&ĐT đã xác định cần xây dựng đề án tăng thu nhập cho giáo viên. Bộ đề xuất phương án tăng hệ số ưu đãi trong tương quan với hệ số ưu đãi của lực lượng cũ trang (bộ đội, công an là 1,8).

Tuy nhiên, Chính phủ đã bàn bạc và chưa chấp thuận với lý do còn phải tính đến nhu cầu tăng thu nhập của lao động làm việc trong ngành y tế, văn hoá, giáo dục và các ngành khác.

Hiện nay giáo viên vẫn đang được hưởng hệ số phụ cấp đứng lớp ưu đãi với mức bình quân là 1,35. Chưa kể những ưu đãi cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, các cơ sở giáo dục đặc biệt...

Gần đây, lương giáo viên cũng đã được tăng, theo lộ trình tăng lương của Chính phủ.

Và như vậy, so với năm 2006, đến nay (2010), lương giáo viên đã tăng gấp 2,1 lần, vào khoảng 2,5 - 4 triệu đồng/tháng, cao hơn so với các ngành khác.



Tuy nhiên, với nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, mức lương này vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi tăng thu nhập thực tế cho giáo viên, nhất là khi đã có con nhỏ, đời sống của một bộ phận nhà giáo còn không ít khó khăn.



Theo đề án đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục, thu nhập của đội ngũ nhà giáo sẽ tăng trong thời gian tới".

Hay thật, câu hỏi rất rõ ràng "sống bằng lương", thì PTT lại trả lời "lương giáo viên đã tăng gấp 2,1". Ơ kìa, người ta có hỏi lương đã tăng mấy lần đâu? Hơn nữa, tăng thế nào thì tăng, phải căn cứ vào mặt bằng giá chứ thưa ngài. Lương tăng 2,1 nhưng giá tăng gấp 2, gấp 3,... thì lương tăng có ý nghĩa gì? PTT còn giải trình, "gần đây, lương giáo viên cũng đã được tăng, theo lộ trình tăng lương của Chính phủ". Tôi tưởng ông phải nói rõ ràng là: "gần đây, lương của giáo viên cũng đã được tăng, theo lộ trình tăng lương cho công nhân viên chức nhà nước, theo lộ trình tăng lương của Chính phủ" chứ? Phải chăng, ông cố tình mập mờ để an ủi giáo viên, à các thầy cô cũng được tăng rồi đấy, kêu ca mãi thôi? Và ông lại hứa: "thu nhập của giáo viên sẽ tăng trong thời gian tới". Ông đã rút kinh nghiệm lần trước, ông chỉ nói là "thu nhập tăng" thôi nhé, còn có sống được bằng nghề không thì... không biết. Mà "thời gian tới" nghe cứ thấy xa xôi diệu vợi, chắc ở thì "tương lai không xác định". Còn nữa thưa PTT, không phải "đời sống của một bộ phận nhà giáo không ít khó khăn" mà là: "đời sống của hầu hết nhà giáo rất khó khăn, trừ một số "nhà giáo" có chức quyền". Ở đây cũng xin mở ngoặc chua thêm thế này, cũng có một số ít giáo viên có thu nhập cao nhờ dạy thêm, nhưng số đó rất ít. Và nói thật, trong tình hình giáo dục hiện nay, việc dạy thêm, học thêm rất phản sư phạm. Bản thân người dạy cũng biết điều đó, nhưng vì "cơm áo không đùa với giáo viên" nên họ cũng chặc lưỡi, nhắm mắt, cam tâm cướp đi tuổi thơ của các em, những chủ nhân tương lai của dân tộc.

Nghe các ông "đầy tớ cao cấp" trả lời, chỉ muốn tắt máy tính và "đi luôn vào giấc điệp" cho đỡ tức. Cơ mà, câu trả lời của các vị này có hương vị cà fe nên đầu óc cứ chong chong. Muốn ngủ mà chẳng được!
HNH

VIỆT NAM YÊU DẤU