Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

8/4/11

KIến thức pháp luật: Luật sư của Nhà nước và Luật sư của người dân

 http://www.smallbusinessassist.com/files/images/how-to-find-lawyer-small-business.jpg
Đoàn Tiểu Long
1. Bất bình đẳng giữa hai loại luật sư
Tại phiên toà hình sự, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố thường được gọi là luật sư của Nhà nước, đối lập với người bào chữa là luật sư của người dân. Về bản chất, một vụ án hình sự cũng là một vụ kiện, trong đó Nhà nước thông qua luật sư của mình kiện một công dân vi phạm một số điều khoản nào đó của Bộ luật Hình sự. Việc tranh tụng tại toà giữa công tố viên và bị cáo hay luật sư của bị cáo, vì thế, cũng không khác gì việc tranh tụng giữa bên nguyên và bên bị trong bất kỳ vụ kiện tụng nào khác. Trong tiếng Anh, công tố viên – prosecutor – có nghĩa gốc là “người đi kiện”, xuất phát từ động từ prosecute là “kiện”. Trước toà, hai bên nguyên - bị đều bình đẳng với nhau, và điều này được khẳng định trong điều 19 Bộ luật tố tụng hình sự.
Nói thì có vẻ đơn giản, nhưng hiểu thế nào là “bình đẳng trước Toà án” lại là cả một vấn đề. Từ trước tới nay, các chuyên gia pháp lý của ta đều nhất trí rằng “bình đẳng trước Toà án” chỉ là một nội dung của quyền “bình đẳng trước pháp luật” mà Hiến pháp quy định, tuy nhiên trước Toà án các bên chỉ bình đẳng về mặt tố tụng, tức là đưa ra chứng cứ, tài liệu, yêu cầu và tranh luận, chứ không bình đẳng về mọi mặt. Chính đây là điều đáng suy ngẫm.
Do không nhận thức được rằng một vụ án hình sự cũng chỉ là một vụ kiện, lại bị lối tư duy “suy đoán có tội” - cứ bị bắt, truy tố là chắc chắn có tội – chi phối, chúng ta thường coi đó là một vụ xét xử tội phạm để trừng phạt, răn đe. Do đó tư thế của các bên trong phiên toà hình sự khác nhau rõ rệt. Chưa hề có bản án, chưa biết đúng sai ra sao, người ta đã thấy bị cáo mặc áo tù, bị còng tay, bị cảnh sát kèm chặt dẫu chẳng hề có dấu hiệu phản kháng hay bỏ trốn; buộc phải đứng trước vành móng ngựa nghe công tố viên, rồi nhiều lúc cả hội đồng xét xử nữa, thi nhau mắng mỏ, quát nạt, trấn áp tinh thần. Luật sư bào chữa ngồi đâu đó phía sau, muốn nghe, muốn nhìn mặt thân chủ cũng khó. Trong khi đó công tố viên ngồi trên cao phía trước, sang sảng đọc cáo trạng, luận tội, thỉnh thoảng lườm xuống bị cáo và luật sư một cách đầy thị uy. Và lạ thay, một thời gian dài ai ai cũng coi đó là chuyện đương nhiên. Nó giống y như trong các bộ phim cổ trang của Tàu có cảnh xử án: đương sự quỳ mọp dưới đất, còn quan phụ mẫu, Bao Công chẳng hạn, ngồi trên cao đập bàn quát tháo. Hình ảnh này trái ngược hoàn toàn với hình ảnh ta thường thấy trong các bộ phim diễn cảnh phiên toà ở các nước có nền tư pháp phát triển, trong đó bị cáo ăn mặc rất lịch sự, chẳng mấy khi bị xiềng xích, còn luật sư thì tranh cãi nảy lửa với viên chưởng lý, tức công tố viên, và thường là thắng mới thú chứ! Phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” là một ví dụ.
Vì sao vậy? Vì trong ý thức của đa số chúng ta kiểm sát viên đại diện cho Nhà nước, còn luật sư chỉ đại diện cho một cá nhân, hơn nữa lại là cá nhân đang bị truy tố, mà đã truy tố là 99% đi tù, so thế quái nào được! Không thể có chuyện bình đẳng về tư cách, về vị trí ngồi, về trang phục, về khả năng tiếp cận hồ sơ, và cả về sự ưu ái của hội đồng xét xử giữa hai bên ở đây - người ta nghĩ thế.
Đó là biểu hiện rất rõ của quan điểm “Nhà nước cai trị”, sản phẩm của chế độ phong kiến châu Á hàng ngàn năm, trong đó vua là thiên tử, quan là cha mẹ, còn dân đen chỉ là con sâu cái kiến. Còn theo quan điểm “Nhà nước phục vụ” mà chúng ta đang nỗ lực tiến tới thì sao?
2. Bộ máy không thể cao hơn chủ nhân, và luật sư cũng thế
Trong một chế độ dân chủ, Nhà nước là bộ máy do nhân dân lập ra để quản lý xã hội, và những công chức làm việc trong bộ máy Nhà nước chỉ là những công bộc của dân, ăn lương của dân để thực thi những nhiệm vụ do người dân giao phó. Không lý nào bộ máy lại đứng cao hơn chủ nhân, công bộc đứng trên ông chủ. Vậy thì luật sư của bộ máy làm sao có thể đứng ngang hàng với luật sư của ông chủ, chứ đừng nói gì đến đứng trên. Ý tưởng sơ đẳng đó về một nền dân chủ đích thực tiếc thay không phải ai cũng nhận thức ra, kể cả trong số các chuyên gia pháp lý. Có lẽ vì thế mà trong Bộ luật tố tụng hình sự mới được sửa đổi tranh tụng vẫn chưa được công nhận như một nguyên tắc. Dường như nhiều người vẫn lo ngại rằng nếu chỉ hoàn toàn dựa vào tranh tụng thì các kiểm sát viên sẽ không đấu lại các luật sư chăng, và vì thế vẫn cần sự hỗ trợ của Hội đồng xét xử để giành phần thắng? Người ta có quyền đặt ra nghi vấn này, vì cho đến nay vẫn còn tồn tại một hiện tượng khá phi lý: trước khi vụ án được đưa ra xét xử bao giờ cũng có cuộc làm việc giữa ba bên: cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án, nhằm “thống nhất đường lối xét xử”. Luật sư không được phép có mặt trong cuộc họp này, và vì thế người ta rất dễ nghĩ rằng ba bên họp nhau là để bàn cách chống lại bị cáo cùng luật sư. Vậy thì còn cần đến phiên toà làm gì nữa?
Chúng ta đã có Nghị quyết 08 của Bộ chính trị về cải cách tư pháp; một số nơi đã tiến hành những phiên toà mẫu, trong đó chỗ ngồi của công tố viên và luật sư bào chữa được xếp đối xứng nhau thể hiện sự bình đẳng trước Toà. Mới đây đã có quyết định là bị cáo ra toà không phải mặc áo tù nữa (nhưng chuyện còng tay thì vẫn bỏ ngỏ). Tại nhiều phiên toà, việc tranh tụng được tiến hành dân chủ hơn. Đó là những nỗ lực sơ khởi đáng ghi nhận.
Mong sao những phiên toà mẫu đó không còn là mẫu nữa, mà sẽ trở thành thông lệ, để sau này con cháu chúng ta sẽ phải trợn mắt kinh ngạc khi nghe kể về những phiên toà xưa kia.
Nguồn: chungta.com

VIỆT NAM YÊU DẤU