Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

4/7/11

Kiến thức pháp luật: ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA KHÁI NIỆM BIỂU TÌNH TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM


Luật gia Trần Đình Thu
Khái niệm “biểu tình” đã được các nhà làm luật Việt Nam đưa vào Hiến pháp từ rất lâu. Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, đều có đưa ra khái niệm biểu tình và Quốc hội đều thông qua:
Hiến pháp 1959: Điều 25
Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.

Hiến pháp năm 1980:
Điều 67
Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân.
Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó.
Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.

Hiến pháp năm 1992: Điều 69
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Hiến pháp là cái vòng tròn lớn nhất khoanh vùng giới hạn tối đa về pháp lý. Trong vòng tròn lớn này, sẽ có những vòng tròn nhỏ khoanh vùng cụ thể. Lấy thí dụ vấn đề biểu tình, khi Hiến pháp công nhận công dân có quyền đó, thì các văn bản dưới Hiến pháp như Luật, Nghị định, Thông tư… sẽ cụ thể hóa việc thực thi thế nào. Chẳng hạn sẽ quy định về thời gian tối đa cho một cuộc biểu tình, địa điểm biểu tình, thủ tục xin phép biểu tình… Nếu công dân làm việc gì vượt ra ngoài các vòng tròn nhỏ nhưng vẫn ở bên trong “vòng tròn lớn” – “vòng tròn hiến pháp” thì sẽ bị coi là làm không đúng quy định chứ không phải là phạm pháp. Khi đó công dân chỉ có thể bị xử phạt, bị tạm đình chỉ, đình chỉ hành vi… để điều chỉnh cho đúng quy định chứ không thể bị bắt giam, bị truy tố. Chỉ khi nào vượt ra ngoài “vòng tròn hiến pháp” thì mới bị coi là phạm pháp. Chẳng hạn như Hiến pháp 1946 không công nhận quyền biểu tình cho công dân, thì hành vi biểu tình khi đó là phạm pháp.
Tuy vậy, từ khi Hiến pháp công nhận quyền biểu tình của công dân vào thời điểm tháng 12 năm 1959 cho đến nay, chúng ta chưa hề có một văn bản dưới Hiến pháp nào về biểu tình được ban hành. Như vậy thì chỉ mới có cái “vòng tròn lớn”. Vậy thì quyền biểu tình của công dân sẽ như thế nào đây?
Thực ra thì các quy định pháp luật cụ thể bao giờ cũng phải chạy theo sau đời sống xã hội, chứ không thể quy định trước cho công dân làm theo. Thí dụ quyền tự do cư trú của công dân có từ Hiến pháp 1946 nhưng mãi đến 2006 chúng ta mới ban hành Luật cư trú. Trong suốt quá trình đó, vấn đề tự do cư trú của công dân vẫn được tôn trọng, dù chưa rõ ràng minh bạch như sau khi có Luật cư trú. Vì một số lý do mà trong đó căn bản là cuộc sống chưa đòi hỏi một cách thật cấp bách, thì các văn bản dưới Hiến pháp chưa được ban hành nhưng quyền mặc định trong Hiến pháp vẫn có thể được thực thi một cách căn bản nhất mà không bị coi là phạm pháp.
Trở lại với quyền biểu tình. Thực sự thì nhu cầu chỉ mới xuất hiện một cách cấp thiết kể từ khi nảy sinh vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa. Dù khái niệm có từ rất lâu, nhưng không hiện diện trong đời sống nên nó đâm ra xa lạ, thậm chí “nhạy cảm”. Thật buồn cười khi mà quốc hội đã gật đầu thông qua nhẹ nhàng (dường như không có tranh cãi về vấn đề này trong nghị trường) thì trong đời sống lại coi nó như “người ngoài hành tinh”. Thậm chỉ người ta còn đi tìm những từ đồng nghĩa (tụ tập) để thay thế cho từ “biểu tình”. Tuy nhiên có lẽ đó chỉ là những “cú sốc pháp lý” ban đầu mà thôi. Tôi nghĩ chừng một thời gian rất ngắn nữa, báo chí chính thống sẽ chính thức dùng nó. Tại sao lại có thể không dùng từ “biểu tình”, khi mà nó được ghi sờ sờ trong 3 văn bản Hiến pháp liên tục từ mấy chục năm nay?  
Biểu tình chắc chắn sẽ trở thành một hiện tượng bình thường trong đời sống của xã hội chúng ta đang ngày càng văn minh hơn.    

VIỆT NAM YÊU DẤU