Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

6/7/11

NHỚ XUÂN DIỆU VÀ HUY CẬN

Trần Lệ Thu
Chuyến đi cuối cùng
Hè năm 1985 Xuân Diệu, Huy Cận và tôi du hành một chuyến vào mấy tỉnh phía Nam. Đây là chuyến cuối cùng trong đời, Xuân Diệu, Huy Cận đi với nhau. Các năm trước ngoài những lúc cùng dự Hội nghị thơ, văn tại các tỉnh phía Bắc, nói chuyện ở tuyến lửa Quảng Trị... Hè nào rảnh rỗi Xuân Diệu cũng đi nghỉ cùng với vợ chồng tôi và các cháu bé ở Sầm Sơn, Trà Cổ, Bãi Cháy, Đồ Sơn... nơi đến nhiều nhất là Đồ Sơn vừa gần, vừa tiện đường. Vài ba ngày thư giãn sau một năm làm việc mệt nhoài!
Lần này Huy Cận đến Phan Thiết và Nha Trang theo lời mời của Sở Văn hoá và Hội Văn nghệ địa phương. Sau buổi chiều tổng kết Hội diễn văn nghệ của Phan Thiết, chúng tôi đi tắm biển. Xuân Diệu đứng lại trên bãi cát hóng gió. Chỉ có tôi và Huy Cận xuống biển.
Bãi biển cuối hè vắng lặng. Chiều dần buông. Trời bắt đầu ngả sang thu. Những cơn gió từ ngoài khơi thổi vào mát rượi. Những chiếc lá vàng lìa cành lững lờ bay xuống mặt cát. Tôi và Huy Cận lên bờ, thấy Xuân Diệu đứng tựa gốc cây ngắm biển. Mái tóc xoăn phất phơ theo gió trông rất thơ mộng, rõ là một thi nhân đang thả hồn lâng lâng vào khung cảnh thiên nhiêu dìu dịu. Giá mà có ai chụp hay quay được hình ảnh này thật quý biết mấy! Chúng tôi tiến tới gần chỗ Xuân Diệu, anh vẫn không biết, cứ y nguyên như một pho tượng bất động. Nhìn vào nét mặt Xuân Diệu tôi giật mình: khuôn mặt anh mất hết thần sắc, nước da tái nhợt không còn sinh khí. Tôi có cảm tưởng như hồn anh xuất đi mà chưa kịp quay trở lại nhập vào thân xác. Một khoảnh khắc trôi qua. Khi Huy Cận hỏi chuyện, Xuân Diệu trả lời bình thường, không tỏ vẻ gì mệt mỏi. Lúc này Xuân Diệu đang khoẻ mạnh, không có bệnh nặng, chỉ bị "thiểu năng tuần hoàn não" - cái tật của người có tuổi. có thể vì ở tư thế đứng yên lâu, máu không lưu thông nên trông anh như người suy nhược toàn thân vậy thôi, nhưng tôi linh cảm thấy có một điềm gì báo trước.
Trên đường về nhà nghỉ, Xuân Diệu còn nhắc lại câu anh hay nói: "Nếu thật sự có số mệnh thì con người ta chẳng còn tự do nữa...".
Tôi nói riêng với Huy Cận nên nhắc Xuân Diệu làm việc vừa phải thôi, tránh căng thẳng. Cần chú ý nghỉ ngơi, bồi dưỡng để giữ được sức khoẻ bền lâu. Mấy tháng trước, thỉnh thoảng tôi thấy Xuân Diệu đứng lên ôm lấy đầu kêu "đau óc quá", sau khi ngồi viết lách một thôi một hồi. Sau đó anh lấy chiếc giường xếp mang ra vườn nằm một lúc, rồi trở lại vào viết tiếp. Xuân Diệu đang viết "Lời giới thiệu" cho tuyển tập Huy Cận.
Xuân Diệu uông đều thuốc Tanakan để tăng cường lưu huyết não. Tanakan đã có Huy Cận lo dự trữ đầy đủ. Mỗi lần đi Pháp về Huy Cận đều mua tích trữ thật nhiều. Ngoài ra Huy Cận còn hay mua may-on-ne (mayon-naise) mà Xuân Diệu rất ưa, và cũng không quên cả những gói kẹo nữa "để lúc nào viết mệt Diệu lấy kẹo ra ngậm cho tỉnh người...".
Có u Khang là người giúp việc thân cận luôn là món lươn và thịt bò là những thức ăn Xuân Diệu thích. Anh tự đi mua thịt cầy, tự tráng trứng ốp lết (Xuân Diệu có cái bếp điện nhỏ đặt ở góc phòng). Thỉnh thoảng anh tự làm thêm một vài món thết các chú em kết nghĩa. Người em gần nhất với Xuân Diệu là Phạm Hữu Nhuận, ở với anh 10 năm. Nguyễn Trọng Định, Hoàng Cát, Chử Văn Long, Bế Kiến Quốc... thường xuyên đến chơi và được Xuân Diệu góp ý thơ văn. Nguyễn Trọng Định và Hoàng Cát theo tiếng gọi của non sôn lên đường vào chiến trường B. Nhà thơ,  nhà báo Nguyễn Trọng Định đã hi sinh vì Tổ quốc trong khi tuổi đời còn đang rất trẻ. Hoàng Cát cũng hiến dâng một phần xương máu cho đất nước. Bóng câu qua cửa.  Chẳng mấy chốc đã gần 40 năm. Tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh đầy xúc cảm lúc Xuân Diệu tiễn Hoàng Cát ra trận dưới bóng cây hoàng lan.
Nhà thơ Hằng Phương (vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan) cũng hay đến thăm Xuân Diệu và nhờ anh chữa thơ. Bác Hằng Phương thường mang thứ này, thứ kia đến cho u Khang, thỉnh thoảng xuống sân nói chuyện với u. Có lần gặp tôi, bác Hằng Phương bảo: "Anh Diệu vừa nói với tôi: "cô Thu hiền nên anh Cận sống hạnh phúc". Có nhiều người nói như vậy nên chúng tôi rất mừng cho anh Cận đã kết duyên với chị". Tôi thấy ấm lòng nghĩ tới tình cảm anh em Xuân Diệu dành cho tôi.
Cuối tháng 8 năm 1985 Lệ Duyên hết hạn nghỉ hè quay trở lại Liên Xô tiếp tục học nhạc. Đầu tháng 9 tôi sang Liên Xô thực tập tại Kras-no-đar cách Mát-xcơ-va 2000km về phía nam, Xuân Bích đi Tiệp học vô tuyến điện. Sau đó Huy Cận cũng đi họp tại Đại hội đồng tổ chức văn hoá và kĩ thuật của 40 nước (ACCT) tại Dakar (thủ đô của Xê-nê-gan, Tây Phi). Lúc này Hà Vũ học tập ở Pháp, Thu Anh còn đang học phổ thông ở nhà.
Nhận được thư của Huy Cận gửi cho tôi từ Mát-xcơ-va (Huy Cận đi máy bay từ Pháp quá cảnh qua Mát-xcơ-va, giao cho Cù Lệ Duyên bỏ thư gấp cho mẹ) báo tin Xuân Diệu mất. Tôi đọc thư xong xúc động, bàng hoàng, chân tay bủn rủn, không cầm được nước mắt. Các bạn cùng phòng xúm lại an ủi và hỏi thăm. Ai cũng thương tiếc Xuân Diệu. Linh cảm của tôi trước đây 4 tháng đã đúng.
Sau khi về nước tôi được biết Xuân Diệu đã hoàn thành "Lời giới thiệu" cho tuyển tập thơ Huy Cận. Huy Cận viết trong Hồi ký song đôi tập 3: "Than ôi! Diệu đã để ra hơn một năm trời viết lời giới thiệu này, mà thật ra đã để cả một đời theo dõi bước đường thơ của tôi, và cảm thông sâu sắc, một cách máu thịt với tôi...".
Thì ra sau khi đi Phan Thiết về Xuân Diệu lại vẫn lao vào viết tiếp "Lời giới thiệu" cho tuyển tập thơ Huy Cận, không chịu nghỉ ngơi như Huy Cận đã khuyên anh. Xuân Diệu bắt đầu viết từ tháng 1 - 1984 và hoàn thành ngày 10 - 11 - 1985, đúng 38 ngày trước khi anh ra đi vĩnh viễn.
Con tằm đến chết
Vẫn còn vương tơ
Vẫn còn nhả kén...
Huy Cận
Cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Xuân Diệu vẫn rút ruột tằm của mình để nhả kén vàng cho Huy Cận.
Xuân Diệu với gia đình Huy Cận
Tôi và bạn tôi, Mai Phương quen Xuân Diệu năm 1958, lúc chúng tôi vừa thi đỗ vào ban Nga văn, khoa Ngoại ngữ trường Đại học sư phạm Hà Nội, trước khi quen Huy Cận 6 năm. Xuân Diệu đã đến chơi nhà tôi hồi đó ở Bà Triệu nên biết rõ gia đình tôi. Lúc thấy tôi sắp lấy Huy Cận, Xuân Diệu rất mừng, anh nói với tôi: "Anh Cận có một nghị lực phi thường, có linh tính báo trước hạnh phúc của đời mình, mà chị thì có một tấm lòng kiên trì chờ đợi, nên tất nhiên là hai người phải gặp nhau" Xuân Diệu còn bảo ban tôi như một người anh ruột: "Chị còn là con gái mà lại lập gia đình với người đã có con riêng, thật khó cho chị, nhưng "ta quý người, thì người quý ta", nếu chị thương yêu các cháu thì chúng sẽ yêu thương chị. Chị đừng ngại... ".
Tôi rất cảm động thấy thỉnh thoảng Xuân Diệu hay khuyên tôi điều này, điều kia. Không biết ai mách mà anh còn mua được quyển từ điển giải nghĩa (Tal-ka-vư-sla-var) rất quí của Nga, nặng mấy kilôgam, tặng cho tôi. Xuân Diệu còn hay đưa cho tôi những bài thơ tiếng Nga bảo tôi dịch ra tiếng Việt sát nghĩa từng câu, chữ, rồi từ đó anh dịch lại thành thơ. Xuân Diệu còn đưa cho tôi dịch những bài viết bằng tiếng Nga giới thiệu thơ của các tác giả thế giới để anh đưa vào sách, chẳng hạn như cuốn: Thơ Nicôla Ghiden Xuân Diệu giới thiệu và dịch thơ - Văn học hiện đại nước ngoài - NXB Văn học, Hà Nội 1981 v.v...
Xuân Diệu không có vợ con, anh xem gia đình Huy Cận là gia đình mình. Hơn nữa Xuân Diệu lại coi Hà Vũ như con nuôi nên anh cũng cảm thấy nguôi ngoai tấc lòng. Ngoài Hà Vũ ra Xuân Diệu còn yêu thương các cháu khác nữa. Huy Cận rất vui khi thấy Xuân Diệu hay chiều Thu Anh.
... Mơ ngâm bác để từ hè
Cu vào cứ việc lấy thìa khều ăn
Thu Anh thích ăn nhân hạt mơ, bác cũng chiều
... Bác dành trữ hạt đập dần cho cho Cu
Huy Cận
Lúc Thu Anh còn nhỏ, anh Vũ hay lên gác vẽ cho Thu Anh xem. Thu Anh bá cổ, vít đầu anh xuống, kéo tay bắt vẽ cái này, cái kia... anh Vũ đều chiều hết. Bích, Duyên thì quấn quýt nhau từ khi còn bé, cùng đi sơ tán. Thấy các cháu thương yêu nhau bác Diệu rất hài lòng.
Huy Cận hầu như tối nào cũng đi duyệt văn nghệ hoặc đi họp, ngoài ra anh còn bận nhiều công việc quan trường, sự vụ... nên Xuân Diệu gánh hết việc kèm cặp học hành cho các cháu. Xuân Diệu đã dạy văn và đổ nhiều công sức dạy tiếng Pháp cho Hà Vũ. Sau khi Hà Vũ đi học đại học, đến lượt Thu Anh lại được bác Diệu rèn giũa "tập làm văn". Bác ra đề, chấm bài bằng bút đỏ, khuyên tròn bên lề những ý hay, giải thích tỉ mỉ các khiếm khuyết của bài làm, hướng dẫn cách viết văn...
Xuân Bích rất "tồ", nhưng lại rất thảo. Bác Diệu bảo: "con Bích nó có cái tâm, sau này dù vất vả nó vẫn cứ thanh thản suốt đời".
Những năm tháng cuối đời mình, nhiều lần sau bữa cơm vui vẻ đầm ấm của gia đình, Xuân Bích, vợ chồng Lệ Duyên - Đức Lợi và Thu Anh còn đang cười đùa, chuyện tếu thì Huy Cận lặng lẽ lẳng về phòng, ngồi "thui thủi" một mình, ứa nước mắt. Anh thương con Bích "tồ" của anh luôn mở rộng tấm lòng người chị che chở đùm bọc cho các em. Xuân Bích lúc nào cũng vui như sáo. Câu nói của bác Diệu đã thành lời tiên tri. Dù cuộc sống còn khá khó khăn, Xuân Bích cũng không hề vì lợi ích trần tục mà vứt bỏ đạo lý làm người, không bao giờ nỡ để bố Cận phải đau lòng, xứng đáng là người con hiếu của Huy Cận, cháu ruột thân thương của Xuân Diệu.
Có một lần Xuân Diệu nói với Huy Cận: "Mình cần trau dồi cho các con nó thiết tha với văn học nghệ thuật. Chúng có thể không sáng tác, nhưng phải say mê văn chương để khỏi uổng cái "tú khí" của gia đình ta. Nhưng... trước hết phải biết làm người cái đã".
Huy Cận cũng viết trong bài thơ "Dặn con"
... Con, con của cha ông, đứng vững gót mà làm người
Con làm kinh doanh, con làm nghệ thuật
Làm gì con cũng đều có đất
Nhưng tính lại làm người là khó nhất
Cơ chế làm người hãy theo gót cha ông
Đạo sống cha ông nhớ lấy làm lòng.
Xuân Diệu và Huy Cận đều cho rằng cái quý nhất của con người là tình cảm. Huy Cận đã kịp lưu lại những lời nhắn nhủ các con trước khi ra đi:
... Giữ thắm tình quê hương
Giữ đẹp tình đời mặn nồng, trong suốt
Và tạc ghi tình bạn trong đời có một
Vũ ơi, Bích, Duyên, Anh ơi!
Sống như bố Cận, như bác Diệu tình nghĩa làm đầu
Thì ở bên kia đời bố sung sướng biết bao!
Khỏi phải xót đau nỗi nhân tình thế thái.
Bài viết này là một nén tâm hương tôi chân thành thắp lên để tưởng nhớ Xuân Diệu và Huy Cận nhân kỉ niệm 20 năm ngày Xuân Diệu từ giã cõi đời và sắp giỗ đầu Huy Cận.
(Văn nghệ - số 26, tháng 12/2005)

VIỆT NAM YÊU DẤU