Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

22/3/12

CẦN XÉT LẠI VIỆC DẠY CON LỄ PHÉP QUA ĐỘNG THÁI "KHOANH TAY CÚI ĐẦU CHÀO"

Nguồn: Dân luận
Trung - Thanh
Đã có nhiều bài viết và nhận định về nét Văn hoá và con người Việt Nam, nêu lên ưu điểm cũng nhiều mà khuyết điểm thì cũng không ít. Bài Tham luận này chỉ tập trung vào việc truy tìm nguyên nhân sâu xa nhất trong sự cấu thành những đặc tính và tâm lý đã dẫn đưa con người VN tới những khuyết điểm, thói hư, tật xấu mà từ đó ảnh hưởng đến gia-đình, học đường và xã-hội (kinh-tế, chính-trị…) rồi đưa đến hệ lụy là chậm tiến và làm trì trệ sự phát triển quốc gia cho mãi đến ngày nay, 2012. Đây cũng là một bài viết nhằm thử trả lời câu hỏi “tại sao một người Việt thì làn nên chuyện mà 3 người Việt họp nhau làm thì hư chuyện?“, điều này có thể cải thiện lại được không? Và bằng cách nào?
Văn-hoá Việt-Nam là một đề tài quá rộng, ở đây chỉ bàn đến nét Văn-hoá lễ-phép trong giáo dục của VN thôi.
Hầu hết người VN đều công nhận là cần có lễ phép trong Gia đình, Học đường cũng như Xã hội, “lễ phép” là một từ ngữ chỉ sự tốt đẹp trong sự giao tế giữa con người với nhau nhưng thật ra từ ngữ này đã được dùng cho người tuổi nhỏ hơn, thứ bậc thấp hơn chào hỏi người lớn tuổi hơn hoặc thứ bậc cao hơn. Nếu lễ phép chỉ dừng ở mức này thì có lẽ nó không tạo nên những hệ lụy (sẽ bàn đến sau), đàng này nó kèm theo động thái “khoanh tay và cúi đầu chào” có tính áp đặt và bắt buộc. Đây chính là nguyên nhân phát sinh nhiều hệ lụy.
Đã từ hàng ngàn năm nay, từ thời phong kiến xưa cũng như thời gian Nước Việt bi đô hộ, có 2 thành phần quốc dân, thành phần thống-trị (là Vua, Quan) và thành phần bị trị là thứ dân. Thành phần thống trị (Quý tộc) vì muốn giữ vững quyền thế và ngôi vị trường trị cuả mình, nên thành phần này đã áp đặt thêm động thái “khoanh tay cúi đầu” vào thủ tục lễ phép để tạo thêm phần trịnh trọng nghi lễ và tạo cái cảm giác họ lúc nào cũng ở vị trí bên trên, kẻ bề trên, kẻ luôn được tôn thờ (đó là lý do cái “Ta” phát sinh) từ sự phân ngôi bậc cao thấp trong xã hội như vậy dễ nảy sinh sự cậy quyền thế mà hiếp đáp kẻ yếu thế hơn từ đó kẻ yếu thế, vì sự sinh tồn của họ, họ phải dút lót mua chuộc hoặc gian dối để được sống yên thân. Xã hội Việt Nam đã bị nhiểm truyền thống lễ phép này, nó tiềm tàng trong từng gia đình qua lối giáo dục lễ phép cho con cái cũng giống như người các đời trước đã từng được dạy phải lễ phép bằng cách khoanh tay, cúi đầu chào, cho nên tất cả mọi người cho đó là hành động tốt đẹp và đúng, không ai thắc mắc gì! Đây mới là thảm trạng, và thảm trạng này kéo dài tới ngày nay!
Đi sâu vào phân tích động thái “khoanh tay, cúi đầu chào” trước một người, chúng ta bắt đầu nghiên cứu từ đơn vị gia-đình, từ trưởng gia đình cho đến thế hệ tiếp là con cái và cháu chắc đều bị giáo dục “lễ phép” cộng với động thái phải khoanh tay cúi đầu đi kèm kể từ lúc mới chớm có trí khôn (6 - 7 tháng tuổi), động thái này được lập đi lập lại hàng ngày suốt trong đời sống con người VN. Điểm chính yếu cần nêu rõ ở đây là khi khoanh tay cúi đầu để chứng tỏ lễ phép thì trong suy nghĩ đơn thuần của trẻ thơ, nó xem nó nhỏ nhoi hơn đối tượng mà nó phải khoanh tay, cúi đầu chào; đây là khởi đầu của sự phát sinh tâm lý tự ti, tư tưởng giai cấp, sự phục tùng và sự sợ hải, đi dần vào tiềm thức của con người và khi lớn lên, cái tâm lý muốn thoát ly sự tự ti nhỏ nhoi đó luôn luôn hiện diện thường trực trong đời sống hàng ngày, do đó khi có điều kiện thì sự bức phá xuất hiện để họ trở thành tự cao, tự đại và có khuynh hướng tìm mọi cách để đè đầu ngươì khác lại, mà nếu không làm được vậy thì sinh ra oán thù! Sự phân biệt lớn nhỏ đó thành hình càng đậm nét theo thời gian lớn dần vì động thái này được lập lại quá nhiều lần trong đời sống giống như ăn, uống và hít thở, sự việc này tạo nên sự ẩn ức tâm-lý trong tiềm thức sâu thẳm của con người VN, và khi lớn lên đứa trẻ đó nó tự nhiên chấp nhận sự chào hỏi gọi là “lễ phép” qua động thái khoanh tay cúi đầu của người nhỏ, hoặc bậc thấp hơn nó, nhìn rộng ra toàn xã hội thì giai cấp lớn, nhỏ, nhỏ hơn, nhỏ nhỏ hơn… kéo dài! Từ đó, khi lớn khôn biết suy xét, con người VN có thể có khuynh hướng làm ngược lại (để thoát ra khỏi cái ẩn ức tâm lý là mình bị xem là nhỏ nhoi) hoặc phục tùng (vì nhút nhát, sợ hải) hoặc khi có điều kiện và quyền hành thì hiếp đáp, độc tôn ( bạo lực nảy sinh từ đây ) nếu cộng thêm với môi trường xã hội áp dụng bạo lực để cai trị thì sự áp bức hoặc dối trá để thu đoạt quyền và lợi ắt phải xảy ra từ đó dẫn tới những hệ lụy trong gia đình, học đường, và xã hội.
Để đào sâu thêm đề tài này và nhìn rõ mối nguy hại to lớn từ động thái (xem ra rất bình thường) “khoanh tay, cúi đầu”, hãy thử dẫn đi từ sự ẩn ức tâm lý do đông thái này tạo nên, đến những hệ lụy tiêu cực trong gia đình, học đường, xã hội như đã nói trên. {điều cần nhớ là những con người được bàn đến dưới đây đều đã được (hoặc bị) mang sự ẩn ức tâm lý này vì đã cùng ở trong một xã hội có nét Văn Hoá lễ phép qua động thái khoanh tay, cúi đầu (tạm viết tắt là “LPKTCĐ”)}. Có nghĩa là tôi, anh, chị, em, các cháu, hết thảy chúng ta đều đã bị mang trong người sự ẩn ức tâm lý này nếu đã bị dạy lễ phép theo lối cách này từ lúc mấy tháng tuổi cho đến bây giờ!
Trước nhất là môi trường gia đình, do truyền thống phụ hệ và “LPKTCĐ”, người cha, gia trưởng trong gia đình có cái cảm tưởng mình là trên hết và toàn quyền quyết định mọi việc trong gia đình theo ý mình, việc này dễ đưa tới tình trạng khắt khe với các thành viên trong gia đình, do đó sự bàn luận và lắng nghe nhau trong gia đình VN hầu như xa vắng, từ dó sự cảm thông nhau rất khó bộc lộ.Con cái trong gia đình VN ngoài việc bị dạy “LPKTCĐ” mà còn bị áp lực (không phải được khuyên nhủ, vì không vâng lời là bị hình phạt) là phải vâng lời Cha Mẹ nên từ đó sự chống đối thụ động phát sinh và tích luỹ dần thành sự đối kháng rõ nét, rồi đưa đến tật dễ gây nên xung đột!
Nói tới liên hệ Vợ Chồng, thì sự ẩn ức tâm lý trên làm mất đi sự bình đẳng nam nữ, dẫn tới cảnh “chồng chúa vợ tôi” trong đời sống vợ chồng từ đó dẫn tới tật độc đoán, cố chấp (nguyên nhân cuả độc tài) về phía người chồng và phần thua thiệt nghiêng về phiá yếu hơn đó là người vợ, nhân rộng ra toàn xã hội thành tật hiếp đáp người yếu thế, thấp bậc hơn! Từ hệ luỵ này dẫn đến những hệ lụy khác như tật tàn ác, tật thù dai, tật không nhận lỗi và vì lúc nào cũng muốn mình hơn người khác (mặc dù mình không có đủ tài) nên sinh ra tật đố kỵ khi thấy người ta hơn mình.
Sự liên hệ cứng ngắt trên, dưới trong gia đình làm mất đi sự sống hài hoà, sinh động và vui tuơi từ đó mất đi sinh khí của cuộc sống, mà khi phát hiện ra sự mất mác này, thành viên cấp dưới trong gia đình thường im lặng đối kháng bằng sự lừa dối, và cứ thế mà nhân rộng lên toàn xã hội thành tật dối trá để được yên thân!
Từ giáo dục của gia đình theo lối cách như vậy, tới tuổi đi học vào môi trường học đường cũng chấp nhận một cách tự nhiên văn hoá LPKTCĐ, đứa trẻ càng thấm nhuần hơn lối cách này, và dĩ nhiên là người Thầy cũng tự xem mình ở tầng lớp cao hơn học trò và tiêm vào đầu óc non nớt của trẻ thơ để nó phải biết là “Thầy nói cái gì cũng đúng và phải nghe theo” nhân rộng ra thành tật phục tùng, tật tự ti và tật nhút nhát, sợ hãi. Môi trường học đường tại VN xem người Thầy ở đẳng cấp cao hơn cả Cha mẹ, cha mẹ lại dạy con là phải “tôn sư, trọng đạo” bằng hành động LPKTCĐ cộng thêm với tư tưởng phục tùng, nghiêng mình kính cẩn, làm ông Thầy có cảm tưởng mình to lớn lắm khiến cho những học sinh mầm non thiếu điều không dám nhìn mặt thầy, vô tình cha mẹ làm cho áp lực cuả lễ phép nặng thêm, sự kính trọng thầy trong mối trường học đường VN được xem là “trầm trọng quá mưc” dẫn tời 2 hệ lụy trái ngược nhau, đó là tật khúm núm từ học trò và tật tự cao, tự đại từ Thầy giáo. Thật sự các bậc Quân, Sư Việt nam đã lợi dụng Khổng giáo một cách quá đà để tự tâng bốc mình, để thoả mãn cái ta ẩn ức tâm lý và để củng cố địa vị.
Đến khi trưởng thành và hội nhập vào đời sống xã hội thì với từng đó tính, tật ở con người Việt Nam, ở trong cùng một môi trường, sự giao tiếp, hành xử tất cả những sinh hoạt cho cuộc sống làm nảy sinh những hệ luỵ tiêu cực khiến xã hội không phát triển được. Chính học đường và môi trường xã hôi mà trong đó hầu hết con người bị nhiểm văn hoá LPKTCĐ làm căn bệnh “ẩn ức tâm lý” phát nhanh và trầm trọng hơn, nhưng điều nguy hiểm là chúng ta không nhận thấy được mình bị bệnh này! Do dó sự nhận biết nguyên nhân căn bệnh này là diều tối cấn thiêt để chữa dứt nó, vì nó là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đưa tới những tâm tính tiêu cực [như khoe khoang, kiêu ngạo, cố chấp, ngoan cố, độc tôn, tàn ác thiếu cao thượng, ưa chơi gác, ganh ghét, thích làm vua chuá, ưa nịnh bợ, tâng bốc, thích ăn hối lộ, tham lam… (những tâm tính tiêu cực này được trích trong bài viết: Hãy Vất Bỏ Khối Nặng Cuả Tính Ác & Sự xấu của Nhà Văn Phan Nhật Nam đăng trong Báo Việt Luận, số 2579 ngày Thứ Sáu 12-08-2011)] trong con người VN rồi ngày qua ngày dẫn đến những hệ lụy tiêu cực đến cho gia đình, xã hôị, và cao hơn nữa là quốc gia!
(Đã có nhiều bài viết nhận xét về những tật xấu của người Việt Nam và so sánh người VN với người Nhật, Đại Hàn, hoặc với người Tây phương v.v…(1) nên bài viết này mục đích chính là chẩn đoán nguyên nhân đưa đến hậu quả người VN có nhiều khuyết điểm trở thành bệnh mà cần phải chữa trị, do đó bài này chỉ nhắc lại một cách tổng quát những khuyết điểm này).
Nếu nhận định trên là đúng thì ngay từ bây giờ (năm 2012), trước nhất là chính mỗi con người VN bất cứ ở nơi đâu hãy nhìn soi lại chính mình, đưa tay vào tiềm thức cuả mình nắm lấy cái “Ẩn -Ức Tâm- lý bị- coi –là- thấp, nhỏ”, cầm nó trên tay và nhìn kỹ nó một lần chót , ném nó vào thùng rác và tự nhủ lấy mình là từ hôm nay sẽ không để sự tự ti chi phối mình vì mình luôn luôn bình đẳng trong bất cứ quan hệ nào giữa con người với con người, hãy dặn lòng mình là phải tôn trọng tất cả mọi người đúng mức cần thiết, hãy tập đứng thẳng người, nhìn thẳng vào mắt người đối thoại với lòng tự tin, không khoanh tay cúi đầu chào hỏi trước bất cứ ai dù người đó quyền thế cở nào, nhất là khi giao tiếp hoặc làm việc với người nhỏ tuổi hơn mình thì phải nhớ tự dặn mình là phải tôn trọng họ, (chỉ có chính mình mới trị bệnh này được cho mình thôi), và cùng nhắc nhở nhau nên làm như vậy; tiếp nữa là dạy những đứa trẻ đang tuổi lớn khôn hãy thôi, đừng khoanh tay cúi dầu chào ai cho dù là Ông Bà hoặc Cha mẹ (đìều này có thể gây dị ứng cho những người lớn tuổi , nhưng đây là một cuộc cách mạng triệt để về văn hoá lễ phép thì không tránh được sự tổn thương, đau đớn), nhưng, chữ nhưng rất quan trọng ở đây, phải dạy và hướng dẫn cho các em LỊCH SỰ VỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI, NGAY CẢ ĐỐI VỚI NGƯỜI NHỎ TUỔI HƠN qua việc nhìn thẳng vào mặt người với câu chào đủ nghe: CHÀO ÔNG hoặc CHÀO BÀ hoặc CHÀO CHA, CHÀO MẸ, CHÀO CHỊ, CHÀO ANH hoặc CHÀO EM (ngay cả với người thấp tuổi hơn nó) nhớ là dứt khoát không khoanh tay cúi đầu; nếu là trong gia đình, kèm thêm nụ cười hoặc sự ôm, hôn thì sự nồng ấm, hài hòa sẽ lan tỏa ra trong đời sống từ đó khơi mào sự yêu thương chân thật, sự hài hoà, bình đẳng sau này. Thêm nữa, đối với trẻ mới vừa tròn tháng có trí khôn thì tuyệt đối dạy cháu cách chào lịch sự qua câu nói “CHÀO ÔNG, CHÀO BÀ…”, và dạy chúng nhìn vào mặt người nó chào, khi nhìn như vậy nó từ từ nhận biết và gởi thông đìệp cảm thông, hoà hợp, yêu thương chân thật và lâu dần nó có được sự tự tin nên nó sẽ mạnh dạn đối đầu với thử thách, không dối trá và có được nhiều đức tính tốt cần thiết cho một xã hội tốt đẹp sau này.
Muốn cho cuộc cách mạng này hiệu quả thì phải có thêm sự cộng tác từ hệ thống giáo dục học đường. Các thầy giáo cần điều chỉnh lại phương thức dạy các em về đức dục trong đó lich sự chào hỏi nhau là chính trong giao tế nhân sự bỏ đi phần lễ phép nặng nề cũ xưa LPKTCĐ và mang nhiều hệ luỵ. Chính các Thầy Cô giáo cũng cần nhìn vào mình để nếu có bị “bệnh này” thì cũng phải tự chữa trước khi dạy các học sinh. Quý Thầy Cô cũng nên nhớ là dạy học cũng là một nghề vừa để mưu sinh vừa đóng góp sức mình vào công tác giáo dục cho Xã Hội, chứ không thể tự tạo cho mình vị thế đứng trên học trò, (dĩ nhiên là cần có thêm những cải cách quan trọng khác trong chương trình giáo dục đức dục nơi học đường nữa). Có như vậy mới gột rửa tận gốc căn bệnh trầm kha kinh niên “Ẩn Ức Tâm Lý Bị Coi Là Nhỏ, Thấp” này.
Động tác khoanh tay cúi đầu, xin nhắc lại, thoạt nhìn thì thấy tự nhiên quá đơn giản nhưng hệ luỵ của nó quá lớn lao và tầm ảnh hưởng của nó tiềm tàng sâu thẳm lên toàn dân tộc Việt Nam (và cả cho những dân tộc nào có văn hoá lễ phép theo lối cách này). Nói rộng hơn trên bình diện quốc gia, những vị lãnh đạo quôc gia mà mang trong người chứng bệnh “Ẩn Ức tâm lý” này thì nguy hại cho xã tắc biết chừng nào, vì các vị đó nào biết nghe ý dân, ngược lạị, tính độc tôn khiến họ tìm đủ mọi cách để lọc lừa mà cai trị dân và những hệ luỵ này nảy sinh những hệ luỵ khác tiếp nối đến các cấp thấp hơn cũng làm như vậy, và thấp hơn nữa cũng làm y như vậy…, từ đó kỷ cương quốc gia suy đồi, kinh tế lụn bại là điều tất nhiên phải đến. Sau đây là một ví dụ, vào giữa Thế Kỷ 19, Minh trị Thiên Hoàng của Nhật nhờ bỏ sự độc tôn của mình mà nghe lời dân bỏ cái văn hoá không thích hợp mà chọn nếp văn hoá hay cuả Tây phương, du nhập vào và giáo dục cho toàn dân Nhật, từ bước tiến đó mà bây giờ Nhật đứng vào hàng cường quốc. Cũng như vậy, người Hàn Quốc, cũng khoảng giữa Thế Kỷ 19, Đời Vua Jonseon đã áp dụng cải cách vì biết nghe ý dân, bỏ chế độ nô lệ, khơi mào ý niệm dân chủ, và tập trung chăm sóc đời sống của dân chúng, từ đó Hàn Quốc mới có được ngày nay, trái lại, cũng cùng thời đó, ở Việt Nam ta, dưới Triều Vua Nhà Nguyễn đã chủ trương bế quan toả cảng và bỏ qua bảng điều trần về việc cải cách đất nước của Đại thần Nguyễn Trường Tộ (vì cái tính độc tôn, thiển cận của Nhà Vua và các Đại thần khác!), và từ đó cho đến nay những nhà lãnh đạo VN đã vì ngôi vị độc tôn của mình hoặc của đảng phái của mình mà không thật sự vì dân vì nước đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội để mở mang dân trí , tạo ấm no cho người dân, hoặc theo thể chế chính trị trong sáng để quốc gia có thể theo kịp đà tiến phát triển của Thế Giới. Cũng chỉ vì “cái ta” của tầng lớp lãnh- đạo thiếu khả-năng - đầy- quyền- lực trong việc dùng bạo lực để cai trị dất nước. “Cái ta” nầy là hệ luỵ tiềm ẩn của tệ nạn khoanh tay cúi đầu mà họ bị nhiểm và họ có được điều kiện (được ở vị thế lãnh đạo) để bứt phá ra thành ý muốn độc tôn quyền lực.
Thêm nữa, hãy nhìn các nước Úc, Mỹ, Canada, họ chỉ có hơn 300 năm lập quốc thế sao họ tiến bộ vượt bực, nhân phẩm người dân nước họ dược tôn trọng tối đa còn Việt Nam chúng ta cho đến giờ phút của năm 2012, sau hơn 4000 năm văn hiến, đất nước và con người VN chúng ta như thế nào?
Không cần nói, tất cả chúng ta đều thấy rõ. Như vậy thì tại sao, và do đâu? Đây là câu hỏi lớn cần phải tìm lời giải đáp càng sớm càng tốt.
Trở lại, để trả lời câu hỏi “tại sao 3 người Việt Nam cùng họp nhau làm thì hư chuyện?” xin thưa rằng vì mỗi người VN là một ông vua (vì “cái ta”, hệ luỵ của LPKTCĐ) cho nên khi bàn luận công việc thì không ai nghe ai và không ai chịu thua lý của ai do đó mà rã đám và dĩ nhiên là hư chuyện. Đó cũng là lý do mà con người VN không chịu đoàn kết với nhau hoặc đố kỵ nhau hàng bao năm nay vì ai cũng muốn người khác sắp hàng sau đuôi mình, dẫn đến sự khó khăn trong việc mưu tìm dân chủ cho đất nước.
Tóm lại, nếu toàn thể người Việt Nam không phân biệt chức vụ cao hay thấp, trong nước hay ngoài nước, già hay trẻ, thành thị hay nông thôn đều từ bỏ thói khoanh tay cúi đầu chào một cách toàn diện và triệt để như là làm một cuôc cách mạng văn hoá Lễ phép tận gốc để bứng đi cái giai cấp thứ vị làm cản ngăn sự hài hoà, thông cảm, yêu thương thật sự sâu thẳm giữa con người với con người VN, không phân biệt lớn nhỏ, thì sự yêu thương nhau thật lòng mới nảy sinh từ đó và cũng từ đó những điều tốt đẹp khác sẽ nẩy sinh theo ví dụ như quý trọng sự bình đẳng, tôn trọng nhân phẩm, sẳn sàng rộng lượng, tha thứ, biết tự trọng, không thù ghét suốt đời, biết lắng nghe, không có tính ác, không đố kỵ, không dối trá v.v… có như vậy mới hy vọng là hai hoặc ba thế hệ sắp tới nước Việt Nam mới bắt đầu tiến lên được để góp mặt cùng thế giới. Còn giữ mãi LPKTCĐ thì thật khó mà mong con người Việt Nam thoát khỏi những hệ luỵ tiêu cực dây chuyền và xoáy vòng cuộn lấy con người Việt Nam, và ước mong đất nước thoát vòng tăm tối chỉ là mơ tưởng viễn vông.
Đây là một bài tham luận nên rất cần những ý kiến phê phán, vì chủ đích là đi tìm cái chung tốt đẹp cho toàn thể người Việt chúng ta, nên chúng tôi rất mong được lắng nghe những biện luận khác hợp lý hơn.
Melbourne, ngày 4-1-2012.

Ghi chú:

(1) Xin liệt kê một số bài viết có liên quan đến đề tài:
- Hãy vất bỏ khối nặng của tính ác và sự xấu.
Phan Nhật Nam – Báo Việt Luận 12 và 19-08--2011
- Giáo dục con cái qua hai thế hệ.
Nguyễn Hồng Phúc- Báo Việt luận 08-04-2011
- Vạch áo cho người cùng xem.
Phan Thanh Tâm- Báo Việt luận 24-9-2010
- Tại sao con chúng ta thua kém nhiều dân tộc trên Thế giới.
Psonkhanh – Internet
- Sự thông minh và sự “chậm lớn” cuả người Việt.
Kim Dung – Báo Viêt luận 27-08-2010
- Cách xưng hô và tính bình đẳng xã hội.
Phạm Phú Đức – Báo Việt Luận 17-10-2008
- Phan Chu Trinh Và ly khai văn hoá Hán tộc.
Trần gia Phụng – Báo Việt Luận 08-04-2011
- Tại sao có sự khác biệt quá lớn giữa người VN và người Nhật.
Phạm Hoài Nam – Báo Việt luận 20 và 27-05-2011.

VIỆT NAM YÊU DẤU