Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

18/12/13

BỨC THƯ NGƯỜI CHA VIỆT NAM GỬI THẦY HIỆU TRƯỞNG CỦA CON MÌNH

Hồ Như Hiển: Đừng nên ảo tưởng về bản thân. Nguồn ảnh: Để trường học yếu kém hiệu trưởng nên thôi chức

(Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng nếu hiệu trưởng, hiệu phó yếu kém trình độ quản lý để nội bộ mất đoàn kết thì nên từ chức và chuyển công tác - Báo Tuổi trẻ online) 
Hồ Như Hiển
   Kính thưa thầy hiệu trưởng (và ban Giám hiệu)!

   Hôm nay, tôi đọc lại “Bức thư của tổng thống Lincoln gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình” và mạo muội có đôi lời gửi tới thầy hiệu trưởng kính mến của con tôi.

   Thưa thầy,

   Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu lòng trắc ẩn, nhưng cũng mong thầy biết suy tư, biết trăn trở, biết đặt mình vào hoàn cảnh của gia đình các cháu: các cháu đã có hai áo đồng phục, trong đó có cả những cháu cuối cấp mà thầy vẫn không tha, bắt các cháu may thêm chiếc nữa.

   Xin thầy hãy dạy cho cháu đừng gần gũi và thân mật với những kẻ gian dối, những kẻ luồn cúi nhưng trước hết thầy hãy tự tạo cho mình bức tường lửa với những kẻ cấp dưới xoen xoét đầu môi một điều “sếp”, hai điều “sếp”, những kẻ lúc nào cũng cười giả lả với thầy, những kẻ lúc nào cũng ton hót nịnh nọt thầy.

   Xin thầy hãy rèn rũa cho cháu tinh thần trách nhiệm, bảo cho cháu về nghĩa vụ của bản thân nhưng xin thầy hãy cho cháu biết quyền của cháu: cháu có quyền từ chối may áo đồng phục khi nó quá đắt so với giá thị trường, cháu có quyền từ chối may thêm áo đồng phục khi chiếc áo đồng phục của cháu vẫn sử dụng được và trong lúc ba mẹ cháu vất vả để kiếm từng đồng nuôi cháu ăn học.

   Xin thầy hãy dạy cho cháu biết tự bảo vệ mình nhưng xin thầy cũng dạy cho cháu biết, những kẻ dùng quyền lực để trù dập cấp dưới thực ra là những kẻ yếu đuối trong tinh thần và hèn kém về nhân cách.

   Xin thầy hãy dạy cho cháu về công bằng nhưng nhưng xin thầy cũng đừng kéo bè kết cánh, làm việc theo kiểu gia đình trị, địa phương chủ nghĩa.

   Xin thầy hãy dạy cho cháu biết dằn vặt khi nói dối nhưng xin thầy cũng chăm sóc hàm răng “con lương tâm” của thầy để nó còn có thể cắn rứt thầy mỗi khi thầy nói một đằng làm một nẻo với thế hệ trẻ, với đối tượng mà thầy đang giáo dục.


   Xin thầy phân tích cho cháu vẻ đẹp của tiếng Việt, dạy cho cháu biết yêu quý tiếng nói cha ông nhưng xin thầy hãy giải thích cho cháu “học phí” có phải là “chi phí cho việc học” hay không? Vậy các cháu có phải đóng khoản tiền vệ sinh, tiền nước uống, tiền ghế nhựa và nhiều khoản tiền khác nữa hay không?

  Xin thầy dạy cho cháu một đồng do chính sức lao động của mình làm ra còn đáng quý và vinh dự hơn món tiền hoa hồng nhận được từ các hợp đồng tước đoạt quyền tối thiểu của học sinh.

   Xin thầy dạy cho cháu biết đứng thẳng phát biểu chính kiến của bản thân nhưng xin thầy đừng cao giọng trên các diễn đàn khi bản thân thầy không dám đối thoại chân thành thẳng thắn với các em học sinh về những điều các em bức xúc.

   Xin thầy dạy cháu chớ nên coi thường người khác nhưng trước hết thầy hãy xem lại mình trong công tác, khi ra quyết định đã tôn trọng tập thể thầy cô, đồng nghiệp, đã thực sự lắng nghe tâm nguyện của học sinh và phụ huynh hay chưa?

   Xin thầy hãy dạy cháu biết sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật nhưng xin thầy hãy xem mình đã thực sự sống và làm việc theo tôn chỉ đó hay chưa?

   Xin thầy dạy cho cháu ăn mặc gọn gàng nhưng xin thầy hãy hỏi các cháu xem với lứa tuổi của các cháu, bắt các cháu sơ vin, áo bỏ trong quần hàng ngày có phù hợp với tâm sinh lí các cháu hay không?

   Xin thầy hãy dạy cho cháu biết tự hào về ngôi trường mình đang học nhưng xin thầy đừng giáo dục truyền thống nhà trường cho các cháu bằng cách bắt các cháu đằng đẵng giờ học nào cũng phải đeo thẻ học sinh.

   Xin thầy hãy dạy cho các cháu sự mạnh dạn, tự tin khi đối diện với người khác nhưng xin thầy hãy dành một chút thời gian vàng ngọc để suy nghĩ về hình ảnh những ngày lễ, tết các cháu cán bộ lớp rụt rè, khép nép, khúm núm (thật tội nghiệp các cháu, cứ như các cháu đang làm một việc gì gian dối!) bên cửa sổ phòng Hội đồng tìm thầy cô để tặng hoa, tặng quà.

   Xin thầy hãy hướng cho cháu đến lòng biết ơn chân thành, tự nhiên chứ đừng để cái luật bất thành văn hiện hữu trong môi trường giáo dục: học sinh phải có hoa, quà (phong bì) cho các thầy cô trong những ngày lễ, tết. Và xin thầy hãy làm gương: từ chối nhận phong bì của các lớp nhân những ngày lễ tết.
 
   Xin thầy hãy dạy cho cháu biết yêu lịch sử cha ông và cũng xin thầy hãy luôn nhắc cháu rằng, những gì ta đang làm hôm nay, lịch sử đều ghi lại, không ai có thể dối trá được mãi. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.
   …
  
  Thưa thầy, tôi biết, những điều này rất khó.

   Vâng, rất khó, nhưng nếu thực sự có tâm và bản lĩnh, tôi tin thầy sẽ làm được.

   Nếu không, xin thầy, còn chút lương tri, còn chút lòng tự trọng, còn biết xấu hổ, hãy từ chức. Vì còn nhiều người có tâm và có tài hơn thầy có thể đảm nhiệm được vị trí của thầy.

   Kính chúc thầy sức khỏe và thành công trong công việc nặng nhọc và vinh quang: Gieo những hạt giống tâm hồn!
HNH

VIỆT NAM YÊU DẤU