Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

6/12/11

LUẬN CAO THẤP

GS.TS Nguyễn Đức Dân
clip_image002
SGTT.VN - Sau khi ông nghị phản đối luật Biểu tình phân bua yêu cầu công luận phải hiểu phát biểu của ông theo logic so sánh trong tiếng... Anh, nhiều bạn đọc có lẽ do dân trí “chưa cao” đã nhờ Không gian tiếng Việt giải thích. Chính vì vậy, Sài Gòn Tiếp Thị tiếp tục đặt hàng tác giả quen thuộc là GS.TS Nguyễn Đức Dân có đôi lời về phân bua trên ở góc độ ngôn ngữ học.
Ông A nói: “Khi trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới ban hành luật Biểu tình...” Ông B phản biện: “Nói dân trí thấp là hạ thấp nền dân trí Việt Nam”.
Ông A phản ứng: Với thói quen cố hữu của một giáo viên Anh văn về các thứ bậc so sánh của tồi tệ nhất – rất tồi tệ – khá tồi tệ – khá tốt – tốt – tốt hơn – rất tốt – xuất sắc và cực thấp – rất thấp – hơi thấp – thấp – khá cao – cao – cao hơn – rất cao – cao nhất nên ông rất yên tâm nói “khi trình độ dân trí cao hơn” nghĩa là dân trí Việt Nam đã cao sẵn rồi, hàm ý khẳng định dân trí Việt Nam đã ở mức cao.

Tương tự, ông không sợ bị chụp mũ phỉ báng Việt Nam kinh tế tồi tệ khi nói “kinh tế ổn định hơn” vì tin vào cái logic so sánh bắt chước kiểu tiếng Anh cực kỳ hỗn loạn – rất hỗn loạn – hơi hỗn loạn – hơi ổn định – khá ổn định – ổn định – ổn định hơn – ổn định nhất. Ông A cho rằng, nhận xét tiếp theo của ông B nói dân trí Việt Nam hiện “khá cao” nghĩa là theo bậc thang so sánh còn dưới chuẩn “cao”, tức “chưa cao”… (hết trích dẫn).

Xin có đôi lời về chuyện này.
Thang độ trong ngôn ngữ
Ngôn ngữ nào cũng có những phương tiện thể hiện sự so sánh hơn – kém. Nhiều từ so sánh được xếp trên một thang độ. Trong tiếng Việt, có nhiều cấu trúc từ ngữ thể hiện so sánh hơn – kém. Ví dụ: trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi có những câu như “Không nổi tiếng như ông Cồ mà họ khoẻ đến thế. Nếu là ông Cồ thì còn khoẻ đến đâu”, “Chồng mình tuy khờ dại nhưng cũng chưa đến nỗi này”...
Các từ cao nhất, nhỏ nhất, tốt nhất trỏ cực cấp (superlative). Có nhiều từ ngữ và cách nói cực cấp. Câu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” có nghĩa là độc lập tự do quý nhất. Vậy không có gì quý hơn, không có gì quý bằng hay quý đến thế là cùng… đều là những diễn đạt cực cấp quý nhất. “Không đâu có kiểu bệnh viện như ở Việt Nam” (lời bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến) là diễn đạt cực cấp về kiểu bệnh viện kỳ lạ trên thế gian; “Tím gan tím ruột với trời xanh” (thơ Nguyễn Khuyến) là diễn đạt cực cấp về sự tức giận.
Thang độ và từ đại diện
Mỗi thang độ được đặc trưng bằng một cặp đối lập trỏ hai vùng của nó: cao – thấp; tốt – xấu, khoẻ – yếu, ngoan – hư, giàu – nghèo, thông minh – ngu đần, ổn định – hỗn loạn… Các từ cao, tốt, khoẻ, ngoan, giàu, thông minh… lần lượt đại diện cho những thang độ đó. Nghĩa là chúng có thể trỏ bất kỳ điểm nào trên thang độ mà chúng đại diện.
Ví dụ 1: “Ngoan chán” không phải là ngoan. Một bà than phiền: “Thằng con tôi hư quá, chẳng học hành gì cả, suốt ngày chơi game…” Bà bạn thông cảm: “Nó chưa bỏ nhà đi hoang là còn ngoan chán!” Lời nói này không hề khen thằng con bạn ngoan mà chỉ là tuy nó hư nhưng “chưa hư bằng những đứa trẻ bỏ nhà đi hoang”
Ví dụ 2: “Khoẻ hơn” không phải là khoẻ. “Tháng trước ông cụ mình bị một trận thập tử nhất sinh” – “Cụ khoẻ hẳn chưa?” – “Chưa, đi lại vẫn phải có người dìu, cụ vẫn còn yếu lắm nhưng đã khoẻ hơn nhiều”. Vậy khoẻ hơn nhiều vẫn là yếu, có điều không còn yếu bằng lúc thập tử nhất sinh.
Ví dụ 3: “Ổn định hơn” không hẳn là ổn định. “Khi nghe tin tổng công ty làm ăn thua lỗ mấy chục ngàn tỉ đồng, mọi người hoang mang lo phá sản, lo thất nghiệp. Lãnh đạo trấn an thế nào tư tưởng cũng không ổn định hơn được”.
Ví dụ 4: “Cao hơn” có thể vẫn thấp. Mẹ: “Đàn ông gì mà cao mét rưỡi. Giá nó cao hơn mười phân nữa thì tạm được”. Tới đây chúng ta thấy ngay lập luận của ông A “khi trình độ dân trí cao hơn” nghĩa là dân trí Việt Nam đã cao sẵn rồi là không chuẩn. Nói cách khác: sắp xếp cao < cao hơn là không chuẩn. Nhìn hai người rất lùn, ta nói “người này cao hơn người kia một chút”. Cả hai đều vẫn rất lùn.
Vùng trung gian trên thang độ
Ngoài hai vùng đối lập, trên mỗi thang độ thường có vùng trung gian, được đặc trưng bằng từ trung bình. Tuy nhiên, còn có những từ khác cho vùng này. Để nói mình chẳng nghèo nhưng cũng không giàu, trong bài Tự trào, Nguyễn Khuyến viết “chẳng gầy, chẳng béo, chỉ làng nhàng”, nghĩa là “gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung” (Truyện Kiều). Vậy là, làng nhàng, thường thường bậc trung trỏ vùng trung gian trên thang độ giàu – nghèo. Chúng còn có thể trỏ mức độ trung gian cho nhiều thang độ: trình độ, năng lực, sức khoẻ, hình thức…
Trên thang độ cao thấp có ba vùng : cao – trung bình – thấp. Chuyển từ vùng này sang vùng kia phải qua vùng trung bình.
Trong mỗi vùng lại dùng những rất, khá, hơi… để sắp xếp mức độ: rất thấp < khá thấp < hơi thấp < trung bình < hơi cao < khá cao < rất cao.
Trong vùng thấp không có từ thấp, trong vùng cao không có từ cao. Tới đây các bạn thấy ngay cách sắp xếp của ông A “với thói quen cố hữu của một giáo viên Anh văn” và “cái logic so sánh bắt chước kiểu tiếng Anh” đã quên mất vùng trung bình, lại còn đưa thêm hai từ thấp, cao vào: cực thấp – rất thấp – hơi thấp – thấp – khá cao – cao – cao hơn – rất cao.
Lại nữa, lập luận “khá cao nghĩa là theo bậc thang so sánh còn dưới chuẩn cao” cũng không đúng nốt. Từ cũng mới tạo ra so sánh còn dưới chuẩn. Ví dụ: “Mẹ thấy anh ấy thế nào?”– “Cũng được” – “Cũng được thôi à?” (phim Chỉ còn lại tình yêu). Rõ ràng, cô gái không hài lòng với câu khen “dưới chuẩn” của mẹ nên mới hỏi lại. Ông A cũng phạm sai lầm tương tự khi đề cập đến chuỗi rất hỗn loạn – hơi hỗn loạn – hơi ổn định – khá ổn định – ổn định – ổn định hơn.
N. Đ. D.
Nguồn: sgtt.vn

VIỆT NAM YÊU DẤU