Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

26/8/10

Thơ Phùng Quán

Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy
1956 - Phùng Quán

Hôm trước ra hiệu sách cũ, tình cờ mua được quyển "Thơ Phùng Quán" NXB Hội Nhà văn phát hành năm 1995. Ba hôm nay ốm một trận "tơi bời khói lửa", nằm liệt giường liệt chiếu, không đi đâu được bèn lấy ra đọc. Sáng nay trời đẹp. "long thể" cũng có phần ổn ổn, tuyển mấy bài trong tập thơ, đưa lên blog ngõ hầu cùng bà con thưởng thức.

Phùng Quán sinh năm 1932, mất năm 1995, quê tại xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông bắt đầu viết trong khoảng thời gian của cuộc kháng chiến chống Pháp và được chú ý đến với tác phẩm Vượt Côn Đảo (giải thưởng Hội nhà văn Việt nam năm 1955) nhưng được chú ý đến nhiều hơn sau Đổi mới.

Ông là một trong những nhân vật nổi tiếng của phong trào Nhân văn - Giai phẩm. Vì lẽ đó, ông bị kỉ luật, phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi. Cho đến khi được đánh giá lại vào thời kì Đổi mới, hầu như không có một tác phẩm nào của ông được xuất bản. Ông phải tìm cách làm giấy khai sinh cho những đứa con tinh thần của mình dưới bút danh khác.

Ngoài Vượt Côn Đảo, ông còn được bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi biết đến với Tuổi thơ dữ dội (xuất bản năm 1988, giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam năm 1990).

Điều thú vị ít ai biết, Phùng Quán là cháu, gọi Tố Hữu bằng cậu (nhưng trong tác phẩm "Ba phút sự thật", thì ông nói rằng gọi "cậu" là do thói quen, thực ra Tố Hữu là bác của Phùng Quán theo cách nói của người miền Bắc - Wikipedia). Tuy vậy, giọng điệu và phong cách thơ hai người khác nhau như nước với lửa. Thơ Tố Hữu đã quá quen thuộc với bạn đọc, vì bạn đã được (!) học đi học lại trong SGK các cấp học. Dưới đây là những bài thơ nổi tiếng của ông.

Hồ Như Hiển
(Có tham khảo các thông tin, tư liệu trên Wikipedia) 

------------------------------------------------------------------------------------------

HÔN

Trời đã sinh ra em
Để mà xinh mà đẹp
Trời đã sinh ra anh
Để yêu em tha thiết!


Khi người ta yêu nhau
Hôn nhau trong say đắm
Còn anh, anh yêu em
Anh phải đi ra trận!

Yêu nhau ai không muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu!

Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn

Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ!
                         1954


LỜI MẸ DẶN

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm hôn tôi lên mái tóc
- Con ơi -
                 trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật
- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.

Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời,
In lên vết son đỏ chói.

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.

Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu

Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
                                    1957


ĐÊM NGHI TÀM ĐỌC ĐỖ PHỦ CHO VỢ NGHE

Ngoài trời trăng như tuyết
Trăng lạnh đến thấu xương
Trong nhà vách trống toang
Gió ra vào thoả thích...

Hồ khuya sương tịch mịch
Trộn nước lẫn cùng trời
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi...

Tựa lưng ghế cành ổi (1)
Vai khoác áo bông sờn
Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ
Vợ vừa nghe vừa đan... (2)

Đỗ Phủ tự Tử Mỹ
Thường xưng già Thiếu Lăng
Sinh ở miền đất Củng
Cách ta hơn ngàn năm
Thơ viết chừng vạn trang
Chín nghìn trang thất lạc
Người đời sau thu nhặt
Còn được hơn ngàn bài
Chỉ hơn ngàn bài thôi
Nỗi đau đã Thái Sơn
Nếu còn đủ vạn trang
Trái đất này e chật!...

Thơ ai như thơ ông
Lặng im mà gầm thét
Trang trang đều xé lòng
Câu câu đều đẫm huyết...
Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất
Thơ ai như thơ ông
Kể chuyện mái nhà tốc
Vác củi, làm chuồng gà...
Đọc lên trào nước mắt!

Giữa tuyết trong đò con
Đỗ Phủ nằm chết đói (3)
Đắp mặt áo bông sờn
Kéo hoài không kín gối

Ngàn năm nay sông Tương
Sóng còn nức nở mãi
Khóc chuyện áo bông sờn
Đắp mặt thơ chết đói!...

Giật mình, trên tay vợ
Bỗng nảy một hạt sương...
Hạt nữa rồi hạt nữa
Tôi nghẹn dừng giữa trang

Kéo áo bông che vai
Ngồi lặng nghe sương rơi
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi...

Vụng về... tôi dỗ vợ:
Em ơi đừng buồn nữa
Qua rồi chuyện ngàn năm
Bao nhiêu nước sông Tương...

Miệng nói lòng vẫn nghĩ:
Ôi thân phận nhà thơ
Khác nào thép không rỉ
Ngàn năm cũng thế thôi!...

Đã đi với nhân dân 
Thì thơ không thể khác 
Dân máu lệ khốn cùng 
Thơ chết áo đắp mặt! 

Em ơi, nếu Đỗ Phủ
Vai khoác áo lông cừu
Bụng no đến muốn mửa
Viết sao nổi câu thơ
Ngàn năm cháy như lửa:
Cửa son rượu thịt ôi 
Ngoài đường xương chết buốt 

Em ơi nếu Tử Mỹ
Nhà ở rộng mười gian
Rào sắt với cổng son
Thềm cao đá hoa lát
Chắc ông không thể làm
Mưa thu mái nhà tốc 

Em ơi, nếu Thiếu Lăng
Cặp kè vợ béo nứt
Một bước là ngựa xe
Đứng đi quân hầu chật
Đời nào ông lắng nghe
Tiếng gào và tiếng nấc
Bà cụ xóm Thạch Hào 
Gái quê Tân hôn biệt... 

Đã đi với nhân dân 
Thì thơ không thể khác 
Dân máu lệ khốn cùng 
Thơ chết áo đắp mặt!... 

Chính vì thế em ơi
Nhân loại ngàn năm qua
Máu chảy như sông xiết
Cũng là để cho thơ
Sẽ không còn phải viết

Những Hành qua Bành Nha
Vô gia Thuỳ lão biệt...
Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải chết
Giữa tuyết, trong đò con...
Đắp mặt áo bông sờn...

Đừng buồn nữa em ơi
Chuyện ngàn năm... ngàn năm...
-------
- Năm 1969. Tôi sống trong cái túp bên bờ Hồ Tây, thôn Nghi Tàm.
(1) Nhà không có ghế, tôi chặt mấy cành ổi chết, buộc lại thành cái ghế.
(2) Vợ tôi tháo chiếc áo cộc tay cũ mặc đã mười năm, nối lại từng mẩu len một, đan cho đứa con trai đầy năm một chiếc áo dài tay.
(3) Đỗ Phủ chạy giặc trong chiếc đò nhỏ trên sông Tương, nhịn đói đã mười ngày. Sau đó được chức sắc trong vùng biết tin, đem rượu thịt mời ông. Ông ăn uống no say rồi chết. Người Trung Quốc gọi là thương thực (bị thương vì ăn). Như vậy hình thức là chết no mà nội dung là chết đói.



HUYỆT

Tết không vào nhà tôi
Tết đi qua trước ngõ
Tim tôi tan nát rồi
Không còn lành được nữa!

Thi sĩ tôi cô đơn
Giữa đời tôi lạc lõng
Giữa chông gai cuộc sống
Trần trụi không hành trang...

Bạc đầu vẫn trẻ con
Dại khờ cho đến chết
Giữa nghiệt ngã trần gian
Trái tim thơ thấm mệt...

Tôi sẽ đào nấm huyệt
Cạnh mồ cha mẹ tôi
Tôi sẽ lăn xuống đó
Thế là xong một đời!

Đàn mối của quê hương
Sẽ thay phu đào huyệt
Bao nghiệt ngã trần gian
Chỉ dăm ngày vùi hết!

Căn hộ mới đáy huyệt
Rượu đất tôi uống tràn
Cụng ly cùng dòi bọ
Mừng trắng nợ trần gian!



CÂY XƯƠNG RỒNG

Cây chi cây lạ lùng
Không cành cũng không lá
Toàn những thân với thân!
Mà thân thì dựng ngược
Như gậy gộc nghĩa quân
Toàn những góc với cạnh
Lại tua tủa gai chông!

Nhựa độc hơn bọ nẹt
Gai buốt nhọn hơn gươm
Người nghèo đem luộc kĩ
Ăn lại lành thay cơm!


Mọc lên từ cát lửa
Hồn vẫn xanh mát trong
Che chở người lương thiện
Trộm cướp đều ngại ngùng
Tên như một biểu tượng
Đời gọi cây xương rồng...

Xương Rồng ơi Xương Rồng!
Anh có thật xương rồng?
Hay xương người nghĩa khí
Ngã xuống rồi hoá thân?...






SAY
Rượu là bậc thiên tài tạo nên ảo tưởng - P. Q


Tăm tăm tình bạn
Chếnh choáng tình đời
Líu lưỡi tình người
Nôn nao thân phận!...


Chiếu rách ta ngồi
Lắc lư thuyền sóng
Cái giường long mộng
Một giòng sông trăng...


Ta cũng Lý Bạch!
Vồ trăng đáy sông
Mạn thuyền vừa cúi
Râu tóc bỗng lừng
Mắm tôm, chanh, ớt...
Trăng ta vồ được
Một mảnh nilông!


Ta hơn Lý Bạch
Ta vồ được trăng
Trăng ta đêm gói
Nào dồi nào lòng...

Bên ta mĩ nữ
Mặt hoa che đàn
Ta Bạch - Cư - Dị!
 Khách bến Tầm Dương...
Tư mã Nghi Tàm
Lệ đầm áo rách
Câu thơ bị biếm
Mềm môi ngâm tràn

Giai nhân! Giai nhân!
Mặt hoa ửng đỏ
Vì cảm thơ ta
Hay vì men lửa
Nghiêng đàn tỳ bà
Trăng rọi mặt hoa...

Ta nhìn xuống mâm
Lòng dồi như vét...
Vừng trăng nhoe nhoét
Một đống tỳ bà!

Ta nhìn giai nhân
Té mụ nạ giòng
Ta quen biết cũ
Nghiêng đàn tỳ bà
Té ra bát đũa
Tay gắp miệng và...

Ha ha, ha ha!
Cười đâu ta khóc...
Ta cười Lý Bạch
Cười dòng sông trăng
Cười Bạch Cư Dị
Cười bến Tầm Dương
Ta cười giai nhân
Mặt hoa che đàn...
Ta cười thân ta
Thiên sinh ngã tài... (1)
Mà ta vô ích
Vô ích! Vô ích!
Ta cười rượu xoàng
Uống hoài vẫn tỉnh!...
---------
(1) Thơ Lý Bạch : Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng




THƠ ĐỀ TRÊN MỎ
Mười tám tuổi
Tôi phá thập tự làm nỏ
Năm mươi tuổi
Tôi đẽo nỏ làm thập tự

ĐÓI
Trong trăm nghìn nỗi đói
Tôi nếm trải cả rồi
Tôi chỉ kinh khiếp nhất
Là nỗi đói tình người


TRẦM
Thoạt nhìn tưởng củi mục
Cháy lên mới thấy thơm
Kiếp trước trầm đích thực
Anh hùng và thi nhân


TRĂNG
Trăng du đãng ngủ nhờ thềm lạnh
Muốn mời vào nhà không chiếu chăn
Tỉnh giấc Trăng đi còn để lại
Nước mắt đầy thềm tạ cố nhân!
(Phụ chú: Hai nhà thơ Tào Mạt, Vũ Quốc Am, một Hà Tây, một Hà Nam cùng dịch bài thơ Trăng ra chữ Hán.
Bản dịch của Tào Mạt:
NGUYỆT
Ngô gia vô tịch diệc vô chiên
Du đãng Hằng Nga tự tá miên
Giác hậu nguyệt đi lưu biệt tích
Mãn đường thế lệ tạ tương liên.

Bản dịch của Vũ Quốc Am:
NGUYỆT
Đăng nguyệt cô miên tá lãnh đình
Hiềm vô chiên tịch bất đương nghinh
Nguyệt di thảo thượng lưu dư lệ
Thâm tạ tri âm tống biệt tình.)


VIỆT NAM YÊU DẤU