Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

29/1/12

LẤY DÂN CHỦ LÀM TIÊU CHUẨN SỐNG VÀ CAI TRỊ

Nguyễn Chí Phương
Dân làm chủ vừa là một tiêu chuẩn sống, vừa là kết quả của sự đấu tranh giữa chính quyền cai trị với người dân trong quá trình phát triển, nhằm định rõ quyền công dân, quyền của các cơ quan trong chính quyền, bao gồm cả quyền của một chức danh trong bộ máy Nhà Nước.
Trước hết, Dân chủ là một tiêu chuẩn sống, thể hiện trong các văn bản đã được Liên Hiệp Quốc ban hành (Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người – năm 1948, Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị – năm 1966, Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa – năm 1966, các Hiệp ước, Công ước, Thỏa thuận Quốc tế cụ thể khác liên quan đến an ninh, an toàn, sức khỏe, vệ sinh, chống khủng bố, …). Các quốc gia thành viên được khuyến khích cam kết thực hiện theo.
Các văn bản quốc tế quy định về các quyền cơ bản của một con người vốn dĩ là sản phẩm đấu tranh đòi dân chủ của người dân với chính quyền trên mọi lĩnh vực, bắt đầu từ lĩnh vực tư tưởng và nhận thức, tiếp theo là các hành động – các cuộc cách mạng. Theo nghĩa này, các thể chế dân chủ là kết quả tất yếu trong tiến trình phát triển xã hội. Thêm vào đó, khi so sánh mức độ dân được làm chủ giữa những quốc gia phát triển cao (các nước Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, …) với những quốc gia có trình độ phát triển thấp (Bắc Triều Tiên, Cu Ba, Việt Nam, Miến Điện, …), hẳn  sẽ cho chúng ta thấy một thực tế: Một mặt, dân chủ là sản phẩm của phát triển; mặt khác, không có quốc gia phát triển nào mà thiếu dân chủ. Những quốc gia kém phát triển, mức độ dân được làm chủ rất thấp; chính quyền coi các thực hành dân chủ, coi việc truyền đạt lý thuyết dân chủ, … như là kẻ thù, thậm chí họ còn đặt tên cho các nỗ lực cải thiện dân chủ là một “thế lực thù địch”.
Trở lại câu chuyện về tiến trình dân chủ, trước hết về tư tưởng triết học, thế giới đã khởi tạo nó từ thế kỷ XVII:  Triết gia người Anh John Locke ( 1632 – 1704 ) được cho là người khởi đầu về nhận thức, cổ vũ dân chủ, chống chuyên chế và là người có công “biến các thần dân thành công dân” bằng khuyến cáo việc xây dựng và áp dụng pháp luật bằng “lý tính” – rõ ràng, thượng tôn pháp luật,…; Montesquieu (1689-1755); Voltaire (1694 – 1778); tiếp sau này là Alexander Hamilton (1757–1804) và Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ là Thomas Jefferson (1743-1826), ….
Những cuộc cách mạng lấy Dân chủ làm sức mạnh và đáng kể ra nhất, có: Cách mạng Tư sản Anh (1642 – 1688 ) là cuộc cách mạng sử dụng triết lý của John Locke để tập hợp sức mạnh; sự bùng nổ của Cách mạng Mỹ và bản tuyên ngôn độc lập do Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ George Washington (1732 –1799) đọc vào ngày 04/7/1776; Cách mạng Tư sản Pháp (1789-1799), …
Có thể nói rằng, những tư tưởng triết học và những cuộc cách mạng vừa nói trên đã phải trải qua những giai đoạn khó khăn, hứng chịu các tàn phá, máu đã đổ và hy sinh không ít mạng sống con người, để tạo ra các Chuẩn mực Quốc tế về dân chủ, nhân quyền. Vì vậy, các quốc gia sau này, nếu ký cam kết vào các tiêu chuẩn quốc tế về dân chủ, nhân quyền thì đơn thuần chỉ là sự thụ hưởng các thành quả sẵn có của nhân loại mà thôi.
Thật vậy, khi mà Tiêu chuẩn dân chủ đã sẵn có từ lâu, thì con đường tiến đến nền dân chủ là do từng quốc gia lựa chọn, trong số những con đường đó, con đường “phải đổ máu” không phải là lựa chọn thông minh.
Một chính quyền sẵn sàng triệt hạ mạng sống hay bắt giam những ai luận bàn về một thể chế dân chủ thì chính quyền ấy, thực chất, đã không thể bàn luận với người dân về dân chủ, dân quyền, họ vì bản thân mình, chứ nhất định không vì một thể chế dân chủ, một nền móng dân chủ.
Khi chính quyền không thể bàn luận với công dân của mình về dân chủ thì chính quyền ấy không thể sử dụng ý nghĩa có được từ “một thể chế dân chủ” làm phương tiện giải thích các hành động cai trị của mình nữa, chính quyền ấy cũng không thể “thượng tôn pháp luật” được, rất có thể chính quyền tự chọn cho mình con đường “phải đổ máu” để thiết lập một nền móng dân chủ?
Tuy nhiên, thực tế lịch sử các quốc gia trên thế giới đã chứng minh rằng “Vì cuộc sống dân chủ của bản thân, người ta sẵn sàng đổ máu”, đơn giản vì: Quyền được làm chủ, một mặt, là điều kiện không thể thiếu cho mưu cầu hạnh phúc, cho mưu sinh của các cá nhân; mặt khác, dân chủ còn là mục tiêu cuộc sống của hầu hết những công dân có ý thức xây dựng xã hội dân chủ, trong bất kỳ một quốc gia nào đã chót “mở cửa giao lưu với các chuẩn mực dân chủ quốc tế”.
Khi không thể sử dụng những ý nghĩa tốt đẹp của nền dân chủ để biện minh cho các quyết định, hành động của mình, thì chính quyền tất yếu tạo ra những hậu quả tai hại cho phát triển xã hội:
1. Chính quyền không thể chính danh, nếu thiếu bầu cử dân chủ
Khi không chính danh, rất sợ sự thật, rất sợ công khai, sợ các phản đối công khai, cho dù các phản đối nhỏ. Chính quyền sẽ phải chi tiêu rất nhiều tài nguyên quốc gia chỉ cho việc duy trì ổn định bộ máy cai trị – một lãng phí rất lớn.
2. Chính quyền không thể quản lý xã hội một cách có hiệu lực, hiệu quả
Khi một hệ thống chính quyền thiếu tuân thủ các chuẩn mực dân chủ, dân quyền thì chính quyền cấp cao nhất ở Trung ương cũng không thể giải thích thỏa đáng với người dân về các hành vi và quyết định của chính mình nữa. Khi đó, nhất định tạo ra sự thiếu thống nhất trong các quá trình ra quyết định, thiếu thống nhất và thiếu khả năng dùng lý lẽ để giải trình về hành vi và quyết định giữa các cơ quan và các cấp chính quyền với nhau:
• Các cấp chính quyền luôn tìm cách nào đó để hành động hoặc giải thích có lợi cục bộ cho cơ quan mình, cấp mình, … và tạo ra sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp, giửa các cơ quan có liên quan, hoặc gắng tìm kiếm được một tổ chức, cá nhân, hoặc tìm được một “lỗi kỹ thuật” nào đó để đổ tại nó. Chẳng hạn như vụ việc “không cho ca sĩ hải ngoại Chế Linh được trình diễn tại TP. Hồ Chí Minh” là do lỗi của Công ty Tổ chức sự kiện Bích Ngọc, do bài hát chưa được đăng ký, do…. Tuy nhiên, thực tế sẽ có nhiều sự việc không thể đổ lỗi cho ai, hay bất cứ thứ gì đã viết trong Từ điển tiếng Việt gây ra được. Ví dụ: “Bí thư lên nhầm giường vợ chủ hộ”; hay “Thẩm phán giải quyết công việc tại nhà nghỉ”; … thì biết đổ cho ai hay đổ vào đâu được?
• Người ta sẵn sàng sử dụng điều kiện cụ thể của cơ quan mình, địa phương mình để gạt bỏ đi những thực hành dân chủ. Do không tuân thủ các chuẩn mực và quy trình dân chủ, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đều không hề tuân thủ các quy trình cần thiết để thực hành dân chủ. Thể chế và các thực hành dân chủ phải xếp sau “danh dự và sự tồn tại của chính quyền”.
• Làm khó cho người thừa hành công vụ, đặc biệt là lực lượng công an, thi hành án. Bởi vì, mệnh lệnh của cấp trên thiếu lẽ phải, thậm chí thiếu cơ sở pháp lý, thiếu nghĩa tình. Đã có cán bộ công an phải giải thích “vì nhận lương” cho nên họ buộc phải đi bắt giam người biểu tình. Nếu vậy, hầu hết người dân đều nhận lương từ ông chủ nào đó. Giải thích như vậy, rẻ tiền và nguy hiểm quá! Nhưng không nói như thế thì biết nói ra sao ? Tuy nhiên, cả người nói và người nghe đều đã không đề cập đến ông chủ thực sự của những “đồng tiền trả lương ấy” là những người nộp thuế – người dân, chứ không phải chính quyền.
Những điều vừa nêu trên là nguồn cơn tạo ra những mâu thuẫn không có cách chữa, giữa các cấp, giữa các cơ quan trong một chính quyền chuyên chế.
3. Sự tồn tại của một chính quyền chuyên chế phải dựa trên các giả định về kẻ thù phá hoại mình
Nếu một ngày nào đó, người ta không thể trả lời được các câu hỏi về kẻ thù của mình, như: Ai, ở đâu, khi nào, như thế nào, tại sao phá hoại mình, thì đó chính là ngày chính quyền chuyên chế bị diệt vong. Một chính quyền chuyên chế luôn tự làm hạn chế cơ hội hợp tác, giao thương có lợi cho phát triển xã hội, do phải chuyển một số trong các cơ hội hợp tác thành “các thế lực thù địch”.
4. Đẩy mạnh phân quyền nhằm phi tập trung hóa quyền lực – con dao hai lưỡi?
Để tránh những lời đàm tiếu, những mũi dùi chĩa vào các cơ quan của chính quyền Trung ương, người ta tiến hành phân quyền quyết định, quyền giải thích cho các địa phương, đặc biệt là những vấn đề mà “bố của Trung ương” cũng không giải quyết thỏa đáng được. Chẳng hạn như: Chính quyền TP. Hà Nội ra quyết định thu hồi đất của Nhà thờ Lớn để làm vườn hoa, thu hồi đất của Nhà thờ Thái Hà để xây trạm xử lý nước thải cho Bệnh viện Đống Đa, … Nếu vậy, Chính quyền cấp TP. Hà Nội có quyền quyết định thu hồi đất của khuôn viên Phủ Chủ tịch để xây Bệnh viện quận Ba Đình không nhỉ?
Trong khi đó, theo Luật đất đai (13/2003/QH11) và Luật trưng mua, trưng dụng tài sản (15/2008/QH12) thì việc thu hồi đất của cá nhân, tổ chức phải là quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Có lẽ ai cũng hiểu được rằng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ Việt Nam cũng không thể hành xử theo đúng Hiến pháp, Pháp luật được, vì vậy Thủ tướng “ủy quyền” cho Chính quyền Hà Nội trực tiếp giải quyết, còn giải quyết như thế nào thì Thủ tướng đều bảo vệ. Vì vậy, nếu có chuyện gì tiếp theo thì hãy làm việc với Chính quyền Hà Nội. Chính quyền TP. Hà Nội được sử dụng như một lưỡi dao – bảo vệ uy tín cho Chính phủ.
Gần đây, trang tin điện tử yahoo.com, dantri.com,… có đưa tin về một dân phòng người Trung Quốc đã xông vào nhà một người dân và hãm hiếp vợ của chủ nhà. Có lẽ sự việc này là “kết quả” có được sau nhiều lần được “ủy quyền” làm những việc trái đạo lý, gạt bỏ thực hành dân chủ, coi thường những gì pháp luật viết, thượng tôn những gì cấp trên chỉ đạo miệng. Ví dụ về Dân phòng Trung Quốc chính là lưỡi dao thứ hai có thể làm “chảy máu tay Chính phủ”, hủy hoại uy tín của một Chính quyền.
Sẽ không có lời giải nào thỏa đáng cho một chính quyền chuyên chế, thiếu tôn trọng và thực hành dân chủ. Dân chủ là điều kiện cần cho phát triển, phải được ưu tiên hàng đầu. Vì mục tiêu dân chủ, người ta sẵn sàng đổ máu, sẵn sàng phế truốt một chính quyền chuyên chế, chứ dân chủ nhất định không thể là thứ phải tuân theo các Tiêu chuẩn cai trị của một chính quyền.
Thật vậy, trong thế giới ngày nay, một chính quyền biết “lấy dân làm gốc” cũng có nghĩa chính quyền đó phải nỗ lực kiến tạo ra một nền móng dân chủ, để dân làm chủ. Tất nhiên trình độ quản lý của chính quyền cai trị một xã hội dân chủ, một xã hội cho phép người dân sử dụng súng, vũ khí giết người,… phải hơn hẳn trình độ quản lý một xã hội thiếu dân chủ, một xã hội  “chỉ biết tuân lệnh, không được hỏi tại sao”.
May mắn thay, thứ dễ thay đổi nhất của con người chính là thay đổi trình độ hiểu biết nói chung, bao hàm cả trình độ quản lý xã hội. Trình độ hiểu biết chắc chắn dễ cải tiến hơn nhiều lần những thứ không thể biết là “cải tiến hay cải lùi” do không thể đo lường, như: cái tâm, cái đạo đức; Trình độ hiểu biết thậm chí còn dễ cải thiện hơn làm thẳng một cái chân vòng kiềng, việc chuyển đổi giới tính, việc nâng cao cả vú lẫn mũi, hay tẩy bỏ một mụn ruồi “phản trang sức” trên cơ thể
01/01/2012
N. C. P.

VIỆT NAM YÊU DẤU