Phan Hồng Giang
Trong đời mỗi người cũng như trong lịch sử mỗi dân tộc dường như lúc nào cũng dễ gặp những trắc trở, những chướng ngại vật bất ngờ hiện ra với lời thách đố: Phải vượt qua chúng, nếu như còn muốn vươn lên về đích.
Trong lịch sử nước nhà, kể từ khi các vua Hùng và con cháu khởi nghiệp dựng nước ở châu thổ sông Hồng, dân tộc ta đã đối diện với mối hiểm họa ngoại xâm từ người láng giềng khổng lồ phương Bắc. Rồi để tồn tại, không thể không khắc chế bão lũ thiên tai mùa hạ, giá lạnh rét mướt mùa đông... Gần ngàn năm Bắc thuộc như chỉ càng tô đậm thêm "phong tục Bắc Nam cũng khác"; và chúng ta vẫn là "Việt Nam" - nghĩa là "vượt về phía Nam" men theo bờ Biển Đông, dọc theo dãy Trường Sơn mà lớn mạnh thêm, mà mở rộng thêm bờ cõi...
Trong cuộc đấu tranh kéo dài hàng ngàn năm ấy hầu như chúng ta luôn bị đặt vào "cửa dưới": ta đất hẹp, họ rộng mênh mông; ta người ít, họ "đông như quân Nguyên"; ta nghèo cái ăn và vũ khí, họ dư thừa của cải và khí tài... Thế rồi, kỳ lạ thay, cái kết cục "châu chấu đá xe" ấy lại là: "tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng"! Bạch Đằng giang mấy lần cuộn sóng, sông Như Nguyệt còn lưu dấu tích oai hùng, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Đống Đa, Điện Biên Phủ dưới đất và trên không..., khó kể hết những địa danh rạng rỡ chiến công.
"Lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều" - điều gì đã làm nên chiến thắng? Ấy là sức mạnh của chính nghĩa, thuận "lẽ Trời", "lấy chí nhân mà thay cường bạo". Là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trên dưới một lòng. Là biết địch biết ta, lấy thủy khắc hỏa, lấy chậm đối với nhanh, tránh chỗ mạnh nhằm chỗ yếu, dùng mưu không dùng sức, bảo toàn lực lượng, chắc thắng mới ra đòn... Bài học lịch sử nói gọn lại thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế thì thật là cao diệu, đòi hỏi sự sáng tạo biết bao nhiêu! Đó là điều chẳng mấy xa lạ với mỗi người dân chúng ta...
♦
... Ngày xuân, hoa lại nở, cái lạnh dần qua, không muốn triền miên trong những điều to tát; từ chuyện nghiêm túc xa xưa lại muốn ghé sang chuyện ... bóng đá tầm phào. Thế rồi hóa ra trong trò chơi có vẻ như vô thưởng vô phạt này vẫn có thể tìm thấy những điều ... to tát.
Hai đội với 22 chàng trai quần đùi áo số ra sân, mỗi đội 11 người, sau tiếng còi của vị vua áo đen, bắt đầu lao vào cuộc tranh giành một quả bóng da duy nhất, cốt sao đưa được bóng vào khung thành đối phương. Cuộc đấu không khoan nhượng, bên nào cũng cố đè bẹp sự kháng cự của đối thủ, cố đưa được bóng vào lưới đối phương nhiều hơn ít nhất một lần. Cuộc đấu trên sân cỏ đã gợi nhớ đến một cuộc đối đầu ngoài chiến trận...
Và cũng như trong một cuộc chiến tranh, không phải cứ theo những tiêu chí định lượng bên ngoài mà "mạnh được, yếu thua". Không phải đội nào danh tiếng nổi như cồn, có nhiều cầu thủ cao to, lực lưỡng, sút khỏe, kỹ thuật cao cường, chạy nhanh, bền sức, hừng hực khí thế đánh nhanh thắng nhanh như muốn "ăn tươi nuốt sống" đối thủ... thì hễ vào sân là đương nhiên giành chiến thắng. Dự đoán đội nào giành thắng lợi chung cuộc là việc làm đầy rủi ro của các nhà cái . Bất ngờ là thuộc tính của bóng đá; nếu trận bóng nào cũng có thể biết trước kết quả thì bóng đá đã mất hết sự hấp dẫn y như là hậu quả của nạn "đi đêm", dàn xếp tỷ số.
Ký ức bóng đá không thiếu những cuộc đụng độ "châu chấu đá xe" như trong lịch sử chiến tranh đã nhắc ở trên. Hơn 60 năm về trước, tại World Cup đầu tiên sau Thế chiến lần II tổ chức tại Brazil, đội của nước chủ nhà - một siêu cường bóng đá - tưởng đã chắc chắn lên ngôi vô địch khi đã thắng như chẻ tre để nghênh tiếp "nạn nhân" cuối cùng là đội bóng đại diện cho nước láng giềng Uruguay đất nhỏ người thưa. Thế rồi hàng chục vạn khán giả của sân Marakana khổng lồ ở xứ sở lấy "túc cầu giáo" làm "quốc giáo" ấy đã phải ủ rũ lũ lượt bước theo sau vị Tổng thống nước mình cúi đầu đi bộ rời sân tiếp tục gậm nhấm nỗi đau bại trận 1-2 trước người hàng xóm tý hon!
Bốn năm sau sự kiện bất ngờ ấy, năm 1954 tại Thụy Sĩ, thế giới lại một lần nữa sửng sốt trước thất bại không tưởng của đội tuyển Hungary, đội tuyển tưởng chừng như vô đối, từng làm mưa làm gió mấy năm liền trên sân cỏ châu Âu trước đó. Ở trận chung kết, Hungary đã nhận phần thua đau đớn trước đội tuyển CHLB Đức, đội mà chỉ ít ngày trước, họ đã đè bẹp với tỷ số 8-3 ở vòng đấu bảng!
Gần đây hơn, tại Euro Cup 1992, lên ngôi vô địch là đội Đan Mạch, đội bóng "lót đường" phút chót được lọt vào vòng chung kết bằng vé vớt - với tư cách thay thế đội Nam Tư bị gạt bỏ vì lý do chính trị mà Phương Tây áp đặt.
Hàn Quốc, tại World Cup 2002, cũng đã khiến người hâm mộ hởi lòng hởi dạ khi lần đầu tiên là đội bóng châu Á - "vùng trũng" trên bản đồ bóng đá thế giới xưa nay - bỏ lại đằng sau những cường quốc bóng đá như Italia, Tây Ban Nha để chiếm vị trí thứ tư không kém phần danh giá.
Euro Cup 2004 chứng kiến một sự kiện còn bất ngờ hơn: vượt qua các đại gia của làng túc cầu châu Âu, đất nước nhỏ bé Hy Lạp đã đàng hoàng chiếm vị trí quán quân với lối chơi kiên trì, nhẫn nhịn, chậm chắc, biết chớp thời cơ - một chiến thắng mang đậm dấu ấn của nhà cầm quân lão luyện người Đức - "Thánh" Otto Rehhagen.
Năm 2010, đội FC Barcelona hùng mạnh, dù kiểm soát bóng tới 70% thời gian trong trận bán kết với Inter Milan của "người đặc biệt" Jose Mourinho, cuối cùng vẫn bị đội này loại, đành ngậm ngùi nhìn địch thủ vào chung kết và xứng đáng đoạt Cúp vô địch sau đó trước "Hùm xám" Bayern Munich.
Đội tuyển Việt Nam chúng ta, dù chưa bao giờ không là "thấp bé nhẹ cân", cũng đã nhiều lần gây bất ngờ trước các đối thủ mạnh. Năm 2006, họ từng hạ đo ván "đệ tứ anh hào" Hàn Quốc trong một trận đấu ở Tây Á khiến huấn luận viên đội này bị sa thải. Năm sau, họ hiên ngang lọt vào số tám đội mạnh nhất Giải vô địch châu Á. Năm 2008, họ thắng "ông kẹ" Thái Lan sau 2 lượt trận để đoạt chức vô địch Đông Nam Á - Cup Suzuki lần đầu tiên sau 50 năm!
Có một điểm chung trong tất cả các chiến thắng kể trên: Đội được coi là yếu hơn đã giành phần thắng trước các đội được đánh giá là mạnh hơn. (Tất nhiên sẽ là thú vị hơn rất nhiều nếu ta được coi là đội mạnh, là "cửa trên" và... chiến thắng. Nhưng đó còn là chuyện ở thì... tương lai, không dễ gì sớm đạt tới, nếu trước hết không biết vượt qua chính mình!).
Những đội được cho là yếu hơn ấy - và trên thực tế, nhìn tổng thể trong một thời gian đủ dài, họ cũng quả thật là yếu hơn - tại sao cuối cùng vẫn có thể giành thắng lợi?
Ấy là do, trước khi vào trận, họ không hề đánh mất sự tự tin vào sức mạnh đoàn kết của toàn đội; tất cả kết thành một khối sẵn sàng đứng vững trước mọi thử thách. Chấp nhận vị thế "cửa dưới", tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của huấn luyện viên, họ kiên nhẫn chịu trận, tổ chức chủ động phòng thủ tầng tầng lớp lớp, pressing áp sát đối thủ trên 2/3 phần sân nhà như kè đá tảng liên tục làm dội ngược trở ra mọi đợt sóng tấn công, làm phá sản chiến thuật "đá nhanh, thắng nhanh" của đối thủ, khiến "quân địch" phải nản lòng. Phòng thủ chặt mà không quên ra đòn "hồi mã thương", khi đối phương ỷ thế mạnh rất dễ rơi vào mất cảnh giác. Đòn phản công chớp nhoáng đó là tuyệt chiêu khiến "kẻ yếu" được ca khúc khải hoàn vào lúc không ai ngờ nhất.
Quả là "biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng"! Chủ động đón nhận thách thức, không ngủ quên trên vinh quang quá khứ, thấy và biết sửa cái dở của mình, - bằng tinh thần đoàn kết khoan hòa, bằng mưu trí và lòng kiên trì, bằng khát vọng sánh vai cùng thiên hạ, chúng ta có thể đi tới thành công.
Đó chắc không phải chỉ là những lời suông rỗng.
Đó chính là khả năng thích nghi với hoàn cảnh nghiệt ngã, tìm đúng cách khả dĩ biến thách thức thành cơ hội để có thể đạt tới cái đích hằng mong ước./.
Nguồn: Viet-studies