Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

1/2/12

TẠI SAO PHẢI HỌC TÍCH PHÂN?

Hồ Như Hiển
Thằng cháu mình đang học lớp 12, hôm nay đến nhà mình thắc mắc: Cháu vừa học xong phần tích phân, nguyên hàm, bài nào thầy ra, dù lắt léo thế nào, mẹo mực đến đâu cháu cũng làm được nhưng chẳng hiểu học cái đấy để làm gì. Mình cười khà khà, bảo cháu còn trẻ người non dạ, xanh và non lắm, chưa hiểu hết những điều xâu xa huyền bí của Toán học, chưa nhìn thấy tầm nhìn xa trông rộng của các tác giả SGK, của các nhà hoạch định chiến lược giáo dục đâu. Rồi mình cặn kẽ nói cho ông cháu nghe những ứng dụng to lớn của tích phân:
Thứ nhất,
Việt Nam ta là nước thuần nông, ba phần tư dân số sống bằng nông nghiệp. Dù ta đã chủ trương "đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp" (nhiều người nói, hay nhất là cái chữ "cơ bản", nó là nhãn tự của khẩu hiệu) nhưng dù có công nghiệp đến đâu thì cũng phải dựa vào nông nghiệp. Mà nông nghiệp thì cái gì quan trọng ?
Các cụ đã chẳng bảo cho muôn đời con cháu "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Khoa học nước ta, dù đội sổ so với thế giới nhưng, giống không phải là điều lo lắng (nước ta còn thụ tinh nhân tạo được cho người cơ mà lị). Dân ta vốn hay lam hay làm, nghìn xưa đã mặt cắm xuống đất mông chổng lên giời, nay vẫn thế nên cũng chả ngại dân mình ỷ lại (chứ không như nhận định của một ông quan đầu tỉnh Thủ đô nghìn năm văn vật/văn hiến/văn vở sau khi ông xuống thăm dân lúc dân Hà Nội gặp nạn đại hồng thuỷ năm 2008: tôi thấy dân mình bây giờ ỷ lại vào Nhà nước lắm). Vậy cũng không lo về cần.
Anh Ba Sàm chọn đây là bức ảnh ấn tượng nhất minh họa cho thành quả của nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN"
Ảnh copy từ trang Ba Sàm
Cái khoản nước lại càng lạc quan. Trên toàn cõi Việt Nam ta, hầu như tỉnh nào, huyện nào, xã nào cũng có nhà máy cấp nước. Trước đây trăm người bán, vạn người mua giờ ngược lại vạn người bán... Lúc nhúc, lổn nhổn, đầy ứ bọn bán nước...
Vậy trong bốn thứ thiết yếu các cụ dặn lại chỉ còn cái khoản thứ hai là phiền hơn cả. Trước đây mót... ta cứ ra đồng ra bãi, ra cầu ao... thật là nhân cử ngô khoai, tôm cá tiện. Bây giờ nhà nào cũng tự hoại, khép kín sạch sẽ, thơm tho chẳng thua gì bàn trang điểm của các em chân dài. Thế là mất toi cái nguồn tự nhiên quý giá. Lường trước điều đó, nhằm giúp cho giới trẻ, cho thế hệ tương lai biết cách sản xuất thì phải nhắc nhở chúng. Bằng cách này hay cách khác, làm thế nào đó phải giữ được nguồn dinh dưỡng quý giá cho cây trồng. Thế nên, lớp 12 rồi, sắp vào đời, sắp bước vào cuộc sống rồi. Tích... phân con nhé. Tích là tích luỹ/tích tụ/tích trữ, phân là...
Người ta tích bạc tích vàng
Tích nhân, tích đức vẻ vang... cái thằng người
Thầy cô son phấn (1) cả đời
Tích... phân ngày tháng nỏ (2) thấy tươi ruộng đồng
(1): Xin đừng đọc ngược; (2) nỏ: không, bắt chước tiếng miền Trung
Hồ Như Hiển
Thứ hai,
Nếu cần tính diện tích  một hình phẳng được bao bởi các đoạn thẳng ta chỉ việc chia hình phẳng đó thành các hình quen thuộc như hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật... là những hình đã biết cách tính diện tích. Nhưng bây giờ ta cần tính diện tích hình phẳng mà đường bao của nó là các đoạn cong. Người ta cũng chia hình phẳng đó thành các hình nhỏ hơn, chúng bao gồm một số hình chữ nhật, hình tam giác... và các hình thang cong. Tích phân giúp ta tính diện tích hình thang cong đó.
Hình thang cong (màu xanh)
Các nhà giáo dục, các nhà hoạch định chính sách biết rằng, trên con đường tiến đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trên con đường tiến lên xã hội XHCN cần phải lấy rất nhiều đất đai để xây nhà máy, xí nghiệp, sân bay,  khu công nghiệp và cả sân gôn... Do đó, đất đai định cư càng trở nên khan hiếm. Lên đến thiên đường XHCN-làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu rồi, dân ta vẫn phát huy được bản sắc dân tộc đậm đà: thích sinh con trai để có người nối dõi, nhất nam viết hữu thập nữ viết vô... Ông nào cũng muốn đẻ nhiều con trai để sau này mình chết, càng nhiều đứa chống gậy càng tốt (năng lực thì hạn chế, nhu cầu thì thôi rồi: một đêm chỉ dám hợp tác với bà xã một bận, nhưng cứ đòi phát nào được phát đấy! He he..). Đã có con trai thì phải lo miếng đất xây nhà cho nó. Mà dải đất thì không phải bao giờ cũng vuông thành sát cạnh, phần lớn như hình thang cong ở trên. Nhà có hai ba thằng con trai, chia không đều chúng nó tị nạnh, hiềm khích rồi mâu thuẫn mất hết tình anh em ruột thịt. Đưa nhau ra toà phân xử thì còn gì là đạo lí, còn gì là thiên đường nữa. Vô phúc đáo tụng đình. Cứ đóng cửa bảo nhau, ai lại vạch áo cho người xem lưng. Với chương trình phổ cập giáo dục, ông bố với mấy đứa con đều biết tính tích phân liền đưa nhau ra mảnh đất cần chia, lập hệ trục toạ độ, tìm phương trình đường cong rồi áp dụng công thức tính tích phân tính diện tích để chia cho đều. Vậy là vấn đề được giải quyết êm ru.
Thằng cháu ngẩn mặt nghe chú giảng giải rồi cúi rạp người, chắp tay vái chú như tế sao: Lạy chú! Lạy chú!
HNH

VIỆT NAM YÊU DẤU