Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

5/10/12

DẠY CON BIẾT ĐỌC - DỄ MÀ VUI

Nguồn: Sài Gòn tiếp thị
SGTT.VN - Như bất kỳ môn học nào khác, động lực – tức là nhu cầu muốn học của con – là yếu tố quan trọng nhất để con bạn bước vào thế giới của những con chữ. Do đó, bạn và thiên thần của mình không cần phải căng thẳng với những tập sách học vần hay ghép chữ khi con chưa đến lúc bắt đầu. Quan trọng hơn việc khuyến khích con mình tập đọc, bạn hãy giúp con thắp lên một ngọn lửa đam mê suốt đời đối với việc học hỏi nữa.
1. Bạn đừng thúc ép con
Thời điểm để mỗi đứa trẻ tập đọc là rất khác nhau. Một số em nhỏ có thể bắt đầu tập đọc từ ba tuổi, trong khi những em khác có thể chưa sẵn sàng trước bảy tuổi. Chưa biết đọc sớm không có nghĩa là con bạn có vấn đề gì, hoặc lớn lên sẽ học kém. Mà điều đó chỉ đơn giản có nghĩa là những phần nhất định trong não con vẫn còn đang phát triển mà thôi.
Để con tập đọc, thì những vùng khác nhau của não liên quan đến việc nghe, nhìn, thậm chí cả sự kiên nhẫn và tập trung, đều phải "giao tiếp" được với nhau. Những mối liên hệ này thường phát triển khi đứa trẻ từ 4 – 7 tuổi. Khi não con chưa sẵn sàng mà bắt con tập đọc, thì đó sẽ là cả một cuộc đấu tranh vất vả.
Điều tốt nhất bạn có thể làm là quan sát con mình để tìm những dấu hiệu của việc con sẵn sàng tập đọc, ví dụ: con bạn nhận ra một vài từ, con bạn có thể tự viết tên mình, gần như học thuộc được những cuốn sách mà con yêu thích, hoặc hay hỏi bạn về ý nghĩa của các từ. Nếu con bạn không có những dấu hiệu như thế, thì đừng thúc ép con, như thế sẽ khiến con sợ học.
2. Hãy để con nhìn thấy bạn đang đọc
Nhiều bậc cha mẹ hiện đại dành nhiều giờ mỗi ngày để đọc trên màn hình: tin nhắn, email, báo điện tử, blog, sách điện tử. Nhưng ít người có thời gian ngồi đọc một cuốn sách giấy; trong khi đọc sách giấy chính là làm gương cho con nhỏ – những cá thể luôn muốn bắt chước bố mẹ. Vậy bạn nên dành chút thời gian ngồi đọc sách hoặc tạp chí – bằng giấy – và để con nhìn thấy bạn đang thích thú với việc đó.
3. Đừng đưa phần thưởng
Trong thời đại mà con sẽ được chơi iPad nếu biết nghe lời, con sẽ được ăn pizza nếu đánh vần được hai trang sách, thì bạn sẽ rất dễ thoả hiệp để đưa ra phần thưởng cho con đọc. Nhưng nhiều nghiên cứu đã lặp đi lặp lại rằng bạn càng đưa phần thưởng cho người khác để làm điều gì đó, thì họ càng có xu hướng mất hứng thú với chính cái việc mà họ phải làm để có được phần thưởng. Tức là, khi bạn đưa ra phần thưởng nếu con chịu đọc, cũng là lúc bạn gửi cho con thông điệp rằng đọc không phải là việc mà con người thích làm. Đứa trẻ sẽ nghĩ: "Rõ ràng rồi, nếu đó là một việc hay ho, thì tại sao bố mẹ lại phải "hối lộ" mình để mình phải làm cơ chứ?"
4. Đọc cho con bạn nghe
Ngồi đọc cho con nghe là một trong những cách tốt nhất để xây dựng những kỹ năng trước-khi-đi-học và thiết lập tình yêu bền bỉ đối với việc đọc sách. Mặc dù đôi khi con bạn có thể không tập trung, nhưng một cách vô thức, con vẫn đang tiếp nhận những kỹ năng đọc quan trọng. Qua hành động đơn giản này, con bạn học được rằng đọc sách là như thế nào (rằng chúng ta đọc từ trái sang phải, rằng sách có bìa trước và bìa sau…) Bạn cũng sẽ giới thiệu cho con đến với phạm vi từ vựng rộng lớn hơn những từ con biết hàng ngày. Và cuối cùng, bạn đang giúp con hiểu được rằng những câu chuyện là thế nào (đặc biệt nếu bạn còn "thảo luận" với con – tuỳ theo lứa tuổi – về câu chuyện đó). Tất cả những kỹ năng này sẽ rất tốt cho con khi não con sẵn sàng để tập đọc.
5. Tìm những vần điệu
Bạn có thấy rằng con rất dễ thuộc những bài thơ và bài hát không? Nhờ vần điệu đấy. Vần điệu, vỗ tay, hát, nhún nhảy… tất cả những điều này giúp con có thêm những kỹ năng cần thiết cho việc đọc, bởi con nghe và hiểu mối liên hệ giữa âm thanh và từ ngữ. Ví dụ, con cần nghe ra được sự khác biệt giữa "lá" và "má" trước khi con hiểu được sự khác biệt giữa chữ "l" và "m".
Vậy, bạn nên dành chút thời gian cùng con đọc những cuốn sách có vần điệu và cả những bài thơ, bài hát, cùng vỗ tay để học theo cách "cổ điển" – và theo một cách rất vui nữa. Hãy cùng bé thử xem nhé!
Gia An

VIỆT NAM YÊU DẤU