Hồ Như Hiển
Đồng phục

1. Trừ một số trường ở các thành phố lớn, nơi điều kiện kinh tế xã hội phát triển, người dân hiểu biết hơn, tiếng nói của hội cha mẹ học sinh đối với nhà trường còn có trọng lượng thì học sinh mới được lựa chọn mẫu đồng phục, chọn nhà thầu may áo. Ngoài ra, phổ biến là tình trạng nhà trường đưa ra chủ trương may đồng phục, tự quyết định mẫu (đơn điệu, nghèo nàn; không tham khảo, lấy ý kiến của người mặc) và lựa chọn nhà thầu (tất nhiên - hợp đồng nào chẳng có mùi vị thơm ngát của hoa hồng).
2. Hiện nay, mẫu đồng phục mùa hè của học sinh, chủ yếu là áo trắng đính tên trường, quần sẫm màu, áo bỏ trong quần (các em gọi là "đóng thùng"). Các nhà trường quy định một số ngày trong tuần, học sinh phải thực hiện đồng phục. Trong những ngày đó, bảo vệ và một số thầy cô trong đoàn thanh niên túc trực ở cổng để kiểm tra.
Người ta lấy lí do, đồng phục có tác dụng trong việc hạn chế các em quậy phá, nghịch ngợm; làm các em lớn hơn, chững chạc hơn. Điều đó không đúng. Về mặt tâm sinh lí, ở lứa tuổi dưới 18, với mẫu đồng phục như thế bắt các em sơvin - đóng thùng làm các em cảm thấy ngượng nghịu, gò bó trong hoạt động học tập, vui chơi. Vì trái với tự nhiên, nên khi qua cửa ải kiểm tra, các em lập tức rút áo ra khỏi... quần. Nhác thấy bóng của đoàn kiểm tra đột xuất, lớp học đang yên lặng bỗng rào rào như chạy loạn. Mặc kệ thầy cô trên bục giảng, các em thi nhau thò tay nhét áo, nhồi áo vào quần. Trong ý thức non nớt của em đã hình thành phản xạ đối phó (một cách chính đáng!).
Thật đáng buồn, những bông hoa học đường, ở cái tuổi hiếu động, bay nhảy ấy đã bị ép làm người lớn một cách méo mó và khiên cưỡng, trong khi không đối xử với các em như những con người độc lập, người trưởng thành (Thì đấy, bằng chứng rành rành: thu tiền may đồng phục của các em, nhưng lại tước của các em cái quyền rất tự nhiên: lựa chọn mẫu đồng phục, lựa chọn nhà may).
Thẻ học sinh

Lương không đủ sống (nhà trường tổ chức làm thẻ, cũng thêm được một khoản thu); bệnh hình thức, thói "con gà tức nhau tiếng gáy", nét "văn hoá làng", "địa phương chủ nghĩa" (đeo thẻ - có dán ảnh nhà trường làm các em thấy tự hào hơn, yêu quý ngôi trưòng hơn, có trách nhiệm với bản thân hơn! Sic!); sự yếu kém trong quản lý (đeo thẻ để phân biệt học sinh trong trường và người lạ trà trộn vào phá hoại nhà trường) đã đẻ ra, tròng vào cổ các em chiếc "thẻ học sinh". Lại thêm một việc làm không phải vì chính các em, cho các em, vì các em.

Chỉ qua hai dẫn chứng trên, có thể thấy mục tiêu "trường học thân thiện..." là rất xa vời. Thân thiện sao được khi đến trường, những tâm hồn trong sáng, nhạy cảm, vô tư và thánh thiện ấy đã mải đối phó với bao thứ kiểm tra không thực sự vì việc học của các em. Tâm hồn, tình cảm của các em bị cằn cỗi, bào mòn,trơ lì và xơ cứng vì những cái bề ngoài tưởng như tốt đẹp nhưng thực chất lại là sự tước đoạt những gì đẹp nhất của con người: sự hồn nhiên và trong sáng của lứa tuổi thần tiên.
Xin đừng tròng cổ các em. Xin đừng đóng thùng tâm hồn các em. Hãy thôi đi những trò phi giáo dục và trả lại các em những gì của các em. Tước đoạt tuổi thơ của các em thực sự là một tội ác!
HNH