Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

6/1/11

Những từ ngữ cần loại bỏ

Trần Nam Chấn
tnc 
Trong tiếng Việt của giai đoạn hiện nay, có những từ ngữ mà thoạt nghe có vẻ nói về những điều tốt đẹp, nhưng nếu để ý kỹ những tình huống mà chúng mô tả thì thấy thật đáng sợ hay chí ít cũng thấy ngán ngẩm.
Xin đơn cử hai trong những từ như vậy. Cả hai từ này đều nói về quan hệ “trên-dưới”. Trên-dưới theo thang địa vị xã hội.
Thứ nhất là từ “chỉ đạo”.
“Chỉ đạo” là nói về việc truyền đạt ý chí của cấp trên cho cấp dưới. Sự truyền đạt này thực chất mang tính áp đặt. Trong mọi trường hợp, nếu ý kiến “chỉ đạo” của cấp trên không được thực hiện, cấp dưới sẽ gặp những điều khó chịu đến mức không bao giờ dám tái phạm việc không theo “chỉ đạo”.
Khi toà xử án, người ta làm theo ý kiến chỉ đạo, thường là của bí thư cấp uỷ ngang cấp, ví dụ toà án huyện thì phải xử theo chỉ đạo của bí thư huyện uỷ. Ngang cấp (cùng là cấp huyện), nhưng trong xã hội một đảng toàn trị thì bí thư cấp uỷ ngang cấp lại là cấp trên của toà án. Nói cho cùng, bí thư cấp uỷ mới thực sự là người xử án. Ông “đồng chí” này có thể xử cả toà án. (Vì danh dự và để bảo đảm bí mật quốc gia, người nước ngoài hầu như không bao giờ hay biết về những chuyện như vậy.)
Đại hội đảng bộ ư? Về nhân sự, nhất thiết phải theo sự chỉ đạo của một đồng chí trong đảng bộ cấp trên. Nếu đó là đại hội cấp tỉnh thì đồng chí cấp trên về chỉ đạo là uỷ viên bộ chính trị.
Đưa tin về những vụ việc gây chấn động ư? Nếu bạn là nhà báo, bạn phải sử dụng tối đa tự do ngôn luận dưới sự chỉ đạo của ban tư tưởng văn hoá.
Trong cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện, thậm chí một đồng chí bí thư học lớp bốn có thể cho ý kiến chỉ đạo về chương trình nghiên cứu của một viện khoa học.
Đã có thời, chi bộ còn chỉ đạo cả chuyện yêu đương…
*
Thứ hai là từ “chăm lo”.
Nghĩa thông thường của từ này thì ai cũng hiểu. Cha mẹ chăm lo cho con cái tức là nuôi nấng, bảo ban chúng, cố gắng đáp ứng những nhu cầu chính đáng của chúng, quan sát từng hành vi của chúng để kịp thời uốn nắn hoặc ngăn ngừa những điều không tốt có thể xảy ra với chúng. Chăm lo là nghĩa vụ của người làm cha mẹ khi con cái chưa đủ trưởng thành để tự lo.
Cái nghĩa na ná như vậy cũng được hiểu khi nói đến việc thượng cấp “chăm lo” cho nhân dân.
Mỗi khi ta nghe thấy từ đó được phát ra giữa hai làn môi của một đồng chí lãnh đạo cao cấp, ta đều thấy một vẻ mặt xúc động, một giọng nói nghẹn ngào nhưng đầy vẻ quyết tâm, nhất là khi đồng chí ấy nói về những người dân đang phải chịu đói, chịu rét tại những vùng gặp thiên tai. “Không để một người dân nào bị đói!” Sau đó thì đa số sẽ có được một ít gạo hoặc mấy gói mỳ ăn liền để không chết được. Và cái “miếng khi đói” này sẽ ràng buộc người người ta suốt đời về tình cảm.
Không những tự mình luôn cho thấy sự chăm lo cho nhân dân, các đồng chí lãnh đạo cao cấp còn luôn nhắc nhở cấp dưới phải hy sinh cả cuộc đời vì dân. “Đừng nghĩ đến hạnh phúc của bản thân mình, của gia đình mình! Phải luôn nghĩ đến dân, làm mọi việc vì dân.”
Và các đồng chí chăm lo cho dân không phải chỉ để dân có miếng ăn, mà còn chăm lo sát sao cả cuộc sống tinh thần của dân nữa. Một trong những việc quan trọng mà các đồng chí ấy thường xuyên làm là ngăn chặn triệt để mọi luồng tư tưởng phản động, tức là những cách hiểu không phải do các đồng chí ấy nêu ra. Thật hạnh phúc cho dân là trong xã hội ta thì người dân không cần thắc mắc cái gì là đúng , cái gì là sai nữa. Đảng (nói chính xác là “bộ chính trị”) đã nghĩ hộ cả rồi. Mọi việc cứ làm theo chỉ đạo là sẽ ổn hết.
*
Nhưng tại sao lại phải “chỉ đạo”, lại phải “chăm lo”?
Nếu đã có luật, nhất là một bộ luật hợp lý, thì sao không làm theo luật mà phải làm theo sự chỉ đạo của một ai đó?
Vì nếu không có sự chỉ đạo thì cấp dưới sẽ làm sai luật ư?
Không thể có chuyện đó, nếu nhà nước thật sự văn minh. Trong một nhà nước như vậy, nói chung những kẻ làm trái luật sẽ bị xử. Và nếu chúng không bị xử thì người dân sẽ dùng những quyền hợp pháp của mình để đòi nhà nước phải xử.
Bạn có bao giờ xem thời sự thấy tổng thống Mỹ hay Pháp đứng phát biểu bên dưới một câu khẩu hiệu rõ to: “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí Tổng thống đến thăm và làm việc tại thành phố ta!” và trong buổi làm việc ông thị trưởng lên diễn đàn cung kính xin tổng thống “cho ý kiến chỉ đạo”?
Những việc làm như cứu đói vì thiên tai không nên gọi bằng từ “chăm lo”. Nhà nước thu thuế từ dân, khai thác tài nguyên thuộc quyền sở hữu của toàn dân, thì nhà nước phải có nghĩa vụ cứu trợ. Thu 10, 100, 1000,… chi 1, 2,… sao gọi là “chăm lo”? Việc “chăm lo cuộc sống tinh thần” càng không cần thiết, vì không phải cứ có vị trí cao hơn trong thang quyền lực thì hiểu biết hơn. Thực tế, những nhà hoạt động văn hoá, khoa học,… (chân chính) mới chính là những người có khả năng và nghĩa vụ phải giúp người dân bình thường định hướng tốt hơn trong sinh hoạt tinh thần.
Về phía người dân, chấp nhận sự “chăm lo” có nghĩa là tự đặt mình vào địa vị con cái của “lãnh đạo” và không bao giờ thoát khỏi tâm lý nô lệ.
*
Vì vậy, cần loại bỏ những từ như “chỉ đạo” và “chăm lo” ra khỏi ngôn ngữ sinh hoạt chính trị – xã hội.
Không thể loại bỏ chúng khỏi vốn từ vựng của tiếng Việt. Ở đây muốn nói đến việc loại bỏ chúng ra khỏi hệ thống từ ngữ nói về quan hệ giữa nhà cầm quyền với nhân dân.
TRẦN NAM CHẤN
Nguồn: Quoc Nguyen

VIỆT NAM YÊU DẤU