Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

18/1/11

Thế nào là "toàn diện"?

Phạm Toàn

Đã có một thời, các nhà tân Nho học giải đáp, "toàn diện" nằm trong các tiêu chuẩn Trí dục (hiểu nôm là đạt điểm 10 tất cả các môn học chính khoá), Đức dục (là điểm 10 môn học Đạo đức và thể hiện thành hành vi đạo đức cũng phải không chê vào đâu được).
Các nhà giáo vốn không thích dài dòng gọi vắn tắt hai tiêu chuẩn đó là Trí, Đức, và tiếp tục còn có Thể (thể dục, thể thao), Mỹ (Mỹ dục), sau này lại thêm tiêu chuẩn Lao (lao động), tưởng đâu như toàn bộ việc học của trẻ em trong cuộc đời niên thiếu vẫn không được coi là lao động, dù thực chất là một lao động cực kỳ vinh quang!

Đừng tưởng ở Hoa Kỳ không có quan điểm "giáo dục toàn diện" đâu đấy! Cách đánh giá "con người toàn diện" ở Mỹ nằm rất kín đáo trong cách đo "thương số trí khôn" (chỉ số IQ), được chính người Mỹ mô tả có tính phê phán như sau:
Một bé gái được hỏi và phải trả lời, để đo khả năng tích luỹ thông tin (Ai tìm ra châu Mỹ? Dạ dày làm việc gì?), để đo vốn từ vựng ("Điều vô nghĩa" có nghĩa gì? "Tháp chuông" có nghĩa gì?), đo kỹ năng tính toán (Tám xu một thanh kẹo, vậy ba thanh kẹo giá bao nhiêu?), đo khả năng ghi nhớ dãy số (5, 1, 7, 4, 2, 3, 8), đo khả năng nhận ra chỗ giống nhau giữa hai phần tử (cùi tay và đầu gối, núi và hồ nước).
Em cũng được yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ khác nữa, như sắp xếp các hình vẽ cho thành câu chuyện hoàn chỉnh. Người khảo sát cho điểm các câu trả lời và đi tới một số nguyên - đó là thương số trí khôn của bé gái. Số này có tác dụng đáng kể đến tương lai em, ảnh hưởng đến cung cách các giáo viên của em nghĩ về em và quyết định xem em có đủ tư cách được những ưu tiên nào, coi đo nghiệm trí khôn đó sẽ thể tiên báo khả năng của con người trong cuộc sống về sau.
Theo nhà tâm lý học Mỹ Howard Gardner, muốn lập luận chống lại con số định mệnh IQ, chỉ cần mấy câu hỏi.
Hãy xem chú bé mười hai tuổi, tộc Puluwat trên quần đảo Caroline ở Thái Bình Dương, người được các bậc cha chú chọn ra để đào tạo thành thuỷ thủ thiện nghệ giữa trùng điệp những đảo và đảo...
Hãy xem xét chàng trai mười lăm tuổi người Iran đã học thuộc lòng cả bộ kinh Coran và nắm vững ngôn ngữ Arab...
Hoặc là, hãy xem xét chú thiếu niên mười bốn tuổi sống ở Paris học lập trình trên máy vi tính cá nhân và bắt đầu sáng tạo tác phẩm âm nhạc với sự trợ giúp của máy...
Những câu hỏi này sẽ dẫn đến câu trả lời: Con người có những cách tự tạo ra trí khôn của mình; nhà trường là một cách tạo ra trí khôn đó một cách chính quy, nhưng nếu vì vai trò to lớn đó mà nhà trường làm sai, thì lợi bất cập hại!
Nhà trường sẽ sai lầm nếu không thấy rằng trí khôn con người được tạo thanh bởi nhiều thanh phần; cho tới nay, người ta thống nhất, đó ít nhất là 7 thành phần (chứ không chỉ cắm cúi học cho giỏi Toán hoặc giỏi Văn):
Trước hết có trí khôn ngôn ngữ. Tiểu biểu của loại trí khôn này là các nhà văn.
Tiếp đó có trí khôn lôgic toán. Dĩ nhiên, nhà toán học tiêu biểu cho trí khôn này. Nhưng điều cần chú ý là hai yếu tố tạo thành: Lôgíc và toán, chứ không phải cái "năng lực" chúi mũi vào giải bài toán tập cho nhiều!
Rồi có trí khôn không gian. Đó là thứ trí khôn tiêu biểu ở những người giỏi nghề nghệ thuật thị giác và những nghề phải định hướng trong không gian.
Sau đó là trí khôn âm nhạc, cái này rõ ràng là dễ hiểu rồi, vì có nhiều người có một hoặc nhiều trí khôn khác, nhưng chịu chết không sao có nổi chút tài mọn về âm nhạc. Và đây cũng lạ: Trí khôn âm nhạc lại rất gần với trí khôn toán!
Tiếp theo là trí khôn cơ thể ở dạng động: Ta hãy hình dung trí khôn này ở các nghệ sĩ xiếc (cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư).
Còn lại loại trí khôn thứ sáu được tách làm hai, đó là trí khôn cá nhân hướng ngoại (rõ nhất ở các nhà chính trị, các nhà hoạt động xã hội và người hùng biện) và trí khôn cá nhân hướng nội (ở những con người đầy ưu tư, biết nhìn sâu vào lòng mình).
Những người chủ trương con người toàn diện sẽ vồ lấy lý thuyết bảy thành phần trí khôn này để bảo vệ quan điểm: Thì đấy, nhà tâm lý học Mỹ Howard Gardner cũng chủ trương trí khôn phải toàn diện những bảy thành phần đó chứ sao?
Xin thưa: Gardner đề ra lý thuyết trí khôn nhiều thành phần cốt để người lớn không ép học sinh phải toàn diện.
Và đó cũng có thể thành lập luận để mạnh dạn cho các trường chuyên nghiệp được tự chủ trong công cuộc đào tạo chuyên gia.
Thậm chí còn có thể cho họ mở các khoá "dự bị đại học" để bổ sung cái không cần toàn diện của một con người...
Ấy thế nhưng...
Ở đời đôi khi rất cần đến những cái "nhưng"!
Ấy thế nhưng, một con người được đào tạo ở nhà trường phổ thông tuy không thể toàn diện song lại không thể là con người méo mó. Chính trong việc xử lý cái mâu thuẫn này mà ta thấy một tầm sư phạm của nhà giáo đích thực.
Không toàn diện, không méo mó là gì đây?
Nhà sư phạm sẽ giải quyết yêu cầu đó khi tổ chức lao động học của trẻ em. Chiếm lĩnh đầy đủ một môn học theo phương thức nhà trường sẽ có nghĩa là: Một, có được kỹ năng đầy đủ đối với môn học ấy; Hai, có một tư duy tương ứng với kỹ năng đó (kỹ năng toán sinh ra tư duy logic; kỹ năng văn chương sinh ra năng lực biểu cảm và truyền cảm; kỹ năng thể dục thể thao sinh ra tinh thần tự tin có thể đi kèm với tính nghĩa hiệp...; và Ba, có khả năng tự mở rộng kỹ năng, có năng lực tự học mãi mãi...
Một con người học sinh như thế sẽ không méo mó ngay cả khi nó không "toàn diện" như tân Nho giáo đòi hỏi.
Cái khó nằm ở năng lực sư phạm của nhà giáo tổ chức công việc dạy học theo một đòi hỏi khác với cái cũ. Nó buộc các nhà cải cách giáo dục phải cẩn thận, không chỉ chữa chạy qua loa vài ba cuốn sách, mà phải hiểu cho kỹ mình đang cải cách cái gì và cải cách như thế nào. Nếu không, cải bất cập hại!
Nguồn: chungta.com

VIỆT NAM YÊU DẤU