Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

15/7/11

ĐÔI ĐIỀU BĂN KHOĂN

Hồ Như Hiển
Trên Dân trí có bài "Báo cáo Quốc hội tình hình biển Đông tại kỳ họp tuần tới". Thấy có đôi điều băn khoăn.

Thứ nhất,
Theo báo cáo của Văn phòng QH, sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp về nội dung làm việc, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển đảo, nhất là những vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông.
Lịch sử nước ta, phần lớn liên quan đến Trung Quốc. Cụ thể là làm sao để giữ vững được chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng; giữ vững được độc lập, tự cường bên cạnh một Đại hán luôn có tư tưởng bành trướng, xâm lăng, đồng hoá. Vì lẽ đó, quan hệ với Trung Quốc là vấn đề thường trực, thường xuyên, liên tục, Chính phủ phải chủ động báo cáo trước Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho nhân dân. Gần đây, Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn trên biển Đông, đặc biệt nghiêm trọng hơn là xâm phạm lãnh hải, phá hoại các hoạt động kinh tế, cướp bóc, bắt giữ, đánh đập, thậm chí là giết hại ngư dân ta. Do đó biển Đông lẽ ra phải là vấn đề nóng bỏng nhất, cấp thiết nhất mà Quốc hội chủ động yêu cầu (chứ không phải khi có một vài ý kiến rồi mới "đề nghị") Chính phủ báo cáo trước quốc dân đồng bào. Vậy tại sao chương trình làm việc của Quốc hội lại "thêm" chứ không phải chương trình thường kì, liên tục về vấn đề này. "Thêm", có nghĩa là "đã có nhưng bổ sung", hoặc "chưa có nhưng đưa vào". Đọc đoạn đầu bài báo thì mới biết rằng, vì dư luận xã hội và nhân dân cả nước rất quan tâm, nên vấn đề này mới được bổ sung, bố trí thêm. Nghĩa là, trước đó không hề có dự định thông báo về tình hình cho nhân dân biết.

Thứ hai,
Tuy nhiên, bản báo cáo của Chính phủ sẽ được gửi để đại biểu tự nghiên cứu, không đưa ra thảo luận tại hội trường
Vì lẽ gì một vấn đề lớn như vậy, liên quan đến sự an nguy, sự tồn vong của cả dân tộc mà các đại biểu không được trao đổi, thảo luận? Có thể phiên thảo luận không truyền hình trực tiếp vì liên quan đến đối ngoại, hoặc bí mật quốc gia, nhưng Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất cơ mà? "... gửi để đại biểu tự nghiên cứu..." nghe cứ như ông giáo giao bài tập cho học sinh làm bài về nhà, gọi là cho có vậy thôi.

Chẳng lẽ nguy cơ Bắc thuộc lần thứ 5 không còn là nguy cơ?
HNH
-------------------------------
Báo cáo Quốc hội tình hình biển Đông tại kỳ họp tuần tới
(Dân trí) - Chương trình kỳ họp đầu tiên của QH khóa XIII khai mạc tuần tới được bổ sung báo cáo về những vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông. Nội dung này được bố trí thêm vì đang được dư luận xã hội và nhân dân cả nước rất quan tâm.
Tình hình biển Đông đang được dư luận xã hội, nhân dân cả nước rất quan tâm.
Buổi làm việc cuối cùng của UB Thường vụ khóa XII sáng nay đã thông qua chương trình kỳ họp đầu tiên QH khóa mới, bắt đầu từ 21/7 (thứ 5 tuần tới).
Theo báo cáo của Văn phòng QH, sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp về nội dung làm việc, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển đảo, nhất là những vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông.
Tuy nhiên, bản báo cáo của Chính phủ sẽ được gửi để đại biểu tự nghiên cứu, không đưa ra thảo luận tại hội trường.
Một nội dung khác UB Thường vụ thống nhất bổ sung là trình QH xem xét thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Chương trình dự kiến bố trí thêm 0,5 ngày để QH nghe và thảo luận về nội dung này.
Phần lớn thời lượng 14,5 ngày làm việc dự kiến của kỳ họp thứ nhất để QH quyết định vấn đề nhân sự cấp cao, hoàn thiện bộ máy lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
Nội dung thảo luận nhân sự Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch cũng như việc bầu Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn đại biểu QH sẽ được rút ngắn tối đa vì nhiều cơ cấu cứng đã được chuẩn bị từ khi lựa chọn ứng cử viên đại biểu QH.
Dự kiến QH dành trọn ngày 24/7 để bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ.
Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao sẽ được quyết định trong ngày 26/7.
Vì tình hình kinh tế xã hội đang diễn biến phức tạp, khó khăn, kỳ họp đầu tiên QH khóa mới dành thêm 0,5 ngày để thảo luận nội dung này tại hội trường. Nội dung thảo luận tập trung vào những khó khăn, các giải pháp tháo gỡ để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra.
Đề xuất miễn giảm giãn thuế của Chính phủ cũng sẽ được xem xét quyết định bằng một Nghị quyết riêng tại kỳ họp này.
P.Thảo

VIỆT NAM YÊU DẤU