Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

2/5/11

TẢN MẠN VỀ TỪ MỚI

Anh Ngọc
Người lính đích thực nào cũng muốn luôn trau dồi thứ vũ khí mà mình sử dụng trong chiến đấu, để không ngừng nâng cao tính năng tác dụng của nó. Vũ khí của nhà văn là ngôn từ và việc nhà văn nào cũng khát khao rèn rũa thứ vũ khí đó cho sắc bén, trong đó có nhu cầu sáng tạo ra những từ ngữ mới là một nhu cầu chính đáng và bức thiết. Từ xưa đến nay đều như vậy.

Tuy nhiên, sáng tạo được một từ mới thật sự có sức sống trong công chúng và thời gian để có thể bổ sung cho vốn từ vựng của dân tộc là một điều vô cùng khó khăn.


Trong hai câu thơ nhằm cực tả cảnh tù túng, quẩn quanh của Kiều ở lầu xanh khi mà trong lòng thì ngổn ngang trăm mối, Nguyễn Du viết:

"Song sa vò võ phương trời

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng"

Vào thời ấy mà dám lật ngược từ "hoàng hôn" thành "hôn hoàng" thì quả là một sự táo bạo chỉ có ở một bản lĩnh lớn.

Nhưng táo bạo nhất thì phải kể đến người đàn bà nổi loạn có cái tên dịu dàng Hồ Xuân Hương:

"Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm

Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom"

Giữa cái cảnh ao tù nước đọng ngày ấy, một từ như từ "phòm" ném ra ở đây thì đúng là một quả bom - như cách nói bây giờ đó còn là một quả bom sex nữa kia.

Đây là một từ thuần Việt trước Hồ Xuân Hương chưa ai dùng và sau bà cũng chẳng ai dám dùng. Vì nó độc quá, tức là nó đúng quá, nó theo nguyên tắc dùng cấu trúc phát âm để tượng hình, nó được dùng tuyệt đối đúng chỗ và đúng thần, nó là độc đắc, không thể tùy tiện nhấc sang chỗ khác. Cái tài của người dùng chữ ở đây là đặt nó lên ngai rồi lại phải bày ra tả phù hữu bật để giữ cho cái ngai ấy vững như bàn thạch: tả phù hữu bật ở đây là từ "nứt" và đặc biệt là cụm từ "hỏm hòm hom", một nhóm từ cũng độc đáo và tài tình không kém, như nét mực bổ sung tô đậm thêm cho lý do tồn tại của từ "phòm". Hãy thử hình dung, nếu không có cụm từ bổ trợ ấy thì từ "phòm" sẽ chân không bén đất, cật không bén giời, lơ lửng thế chưa chừng đổ cũng nên! Có lẽ chính vì thế mà mặc dù xưa nay thiên hạ đều bái phục cái cách dùng từ tài tình hy hữu này, nhưng từ sau lần ra mắt đó đến nay, chưa một ai dám dùng lại nó, vì nếu không thì phải dùng luôn cả cụm từ hỗ trợ sau đó, mà như thế thì bất tiện quá, thành ra "đạo văn" rồi còn gì.

Cũng tài tình và độc đáo như thế là hai câu:

"Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
Nó bảo nhau rằng: ấy ái uông"

Sự chính xác và giản dị đến mực hồn nhiên làm nên tính bất ngờ mà hợp lý không chê vào đâu được của cụm từ "ấy ái uông". Đấy là thứ của báu trời cho, là mẫu mực cho cái mà ta vẫn gọi là "xuất khẩu thành thơ" mà chỉ những thiên tài của nghệ thuật ngôn từ như Bà Chúa thơ Nôm mới có được mà trong đời cũng chỉ có được đôi ba lần thôi.

Gọi đây là "lăng xê" từ mới có thể chưa chính xác về khái niệm vì mấy tiếng "ấy ái uông" có thể chưa phải là từ mà chỉ là những âm thanh biến dạng của người ngọng, nhưng ít ra thì đó cũng là một cách diễn đạt bằng âm thanh tài tình thuộc loại độc nhất vô nhị, bởi nó vẫn hàm chứa ngữ nghĩa ở bên trong, nên không có cách gì khác hơn là phải coi đó như một cụm từ mới sáng tạo của thi sĩ.

Trong văn chương hiện đại, ta cũng thỉnh thoảng gặp những từ ngữ mới được sáng tạo khá tài tình. Những bậc thầy về chữ nghĩa như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao... trong văn xuôi; Tú Xương, Tản Đà, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử... trong thơ ít nhiều đã có những đóng góp trong lĩnh vực này, nếu không phải là khai sinh ra những từ hoàn toàn mới, thì chí ít cũng mở rộng đất đai sử dụng, thổi thêm sinh khí cho một số từ ngữ và như thế cũng có thể gọi là sáng tạo ngôn từ.

Đặc biệt, có vẻ như chính thế hệ nhà văn, nhà thơ đương đại mới là những người say sưa làm công việc này nhất, với một ít thành công và rất nhiều thất bại.

Trong truyện ngắn Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp, đoạn kết có một dòng nghe thật da diết:

"Trước mặt tôi, dòng sông đang thao thiết chảy".

Có thể kiến văn của tôi còn hẹp, nhưng trước Nguyễn Huy Thiệp, tôi chưa từng biết đến hai tiếng thao thiết - một từ đặt vào văn cảnh này thật tuyệt vời. Hình như nó được biến báo từ "tha thiết", nhưng chỉ thay đi một chút thôi mà nội hàm bỗng bao trùm hơn rất nhiều, sức biểu cảm cũng mạnh, mạnh mẽ hơn hẳn, nhờ vào sự mù mờ, không rõ ràng như chính tâm trạng con người vào những giây phút ấy. Tôi nghĩ, sức cuốn hút của những dòng sông trong văn Nguyễn Huy Thiệp ngoài sự lý thú của những câu chuyện, nhất định có sự đóng góp của vẻ đẹp những câu văn với những từ ngữ đầy chất thơ và giàu sáng tạo như thế. Phải chăng sức huyễn hoặc ấy đã lôi cuốn được cả một nhạc sĩ như Phó Đức Phương để ông cho ra đời một ca khúc mang đúng tên một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp - ca khúc "Chảy đi sông ơi" - một ca khúc cũng đầy cái chất "thao thiết" mà ta vừa nói tới.

Có một nguyên lý mà đến giờ này tôi vẫn tin là đúng: Hình thức mặc dù cũng có những giá trị tự thân, nhưng về cơ bản vẫn là để chở nội dung; và do vậy, cũng về cơ bản, chỉ những sáng tạo hình thức bắt nguồn từ nhu cầu có thực của nội dung mới hy vọng có sức sống - đương nhiên là với những sáng tạo thành công. Chính vì vậy, một cuộc sống tù đọng thì vốn từ ngữ cũng quẩn quanh.

Ngược lại, một cuộc sống sinh sôi, năng động như thời hiện đại thì buộc phải có những ngôn từ mới, để có thể chuyển tải những chất liệu sống ngày càng rộng hơn và sâu sắc, tinh vi hơn.

Dạo ở Trường Sơn tôi thường nghe lính tráng ca cẩm tình trạng "bang bách" để chỉ công việc bộn bề, ngổn ngang; lại có nhà văn hay nói từ "khảng tảng" mà thú thực tôi cũng không thật hiểu nghĩa là gì. Nhà thơ Trần Đăng Khoa thì nhắc lời Xuân Diệu chỉ sợ đến lúc mình như gái già không ai "ỏ ê" đến nữa.

Anh Khoa cũng hay diễu mấy ông phê bình tầm chương trích cú cứ thích "vạch vòi" câu chữ, hoặc một nhà văn khác thì bảo mấy vị ấy có ít thì cứ nói "vóng vót" lên thành nhiều, đến mức thành ra "vóng véo"! Rõ ràng ở đây có những nhu cầu thực sự đang cựa quậy bên trong khiến cho người nói khổ sở như người đau đẻ, phải cố mà rặn cho ra cái sinh linh đang đòi ra mà chưa biết hình hài sẽ như thế nào.

Nhà thơ Hữu Thỉnh viết:

"Chị không thể làm như con rắn que cời
Lột cái xác già nua dưới gốc cây cậm quẫy
"

Từ "cậm quẫy" có vẻ như là sáng tạo của nhà thơ này.

Nguyễn Du cũng thích nhào nặn từ ngữ, trong bài Vợ ốm, ông viết:

"Thình lình em ngã bệnh ngang
Phang anh xất bất xang bang thế này
"

Tôi không tin trong từ điển có cụm từ "xấc bất xang bang", nhưng đặt vào đây thấy được, không đến nỗi bật ra - nó có vẻ như là bà con xa với từ "bang bách" vừa nói ở trên.

Trong những thời khắc chuyển giao thiên niên kỷ, riêng tôi đặc biệt hứng thú với việc rút gọn cụm từ này thành chỉ hai tiếng - "thiên kỷ" - bởi vì về nội hàm, nó bảo đảm chở được một nội dung đầy đủ và duy nhất, tức là nó toàn quyền tồn tại độc lập, không cần đến từ "niên" ở giữa. Nói "thiên kỷ" thì cũng như nói "thập kỷ", tức chỉ khoảng thời gian mười năm, hoặc "thế kỷ", tức khoảng tồn tại của một kiếp người, một cõi thế, vì xưa nay kiếp người vẫn được ước lệ là một trăm năm ("trăm năm nào có gì đâu...").

Nhưng nhào nặn khác với vặn vẹo. Tôi muốn nói là có những người do quá khát khao "lăng-xê" từ mới, nên đôi lúc lạm phát lối cưỡng bức từ ngữ một cách tùy tiện, thiếu nội lực để đẻ ra những từ ngữ thiếu tháng oặt ẹo, nên tạm gọi là vặn vẹo.
Tạm lấy thí dụ như đã nói trên kia: Từ nói "vóng" lên (gốc từ "vống") mà đẻ ra "vóng vót" (liên tưởng đến "chót vót") hoặc thậm chí "vóng véo" (liên tưởng đến "véo von") thì còn khả dĩ chấp nhận, nhưng cứ đà ấy mà kéo thành "vóng vánh", "vóng vít", "vóng víu'... thì đích thị là vặn vẹo rồi.

Còn nhớ, khi đọc tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường tôi có bắt gặp một từ lạ - "hấp hoảng", liền hỏi anh Trường nghĩa là gì thì được trả lời: nghĩa của nó là chỉ trạng thái dưới "hốt hoảng" một chút! Tôi không rõ ở quê nhà văn có ai dùng từ này thật không, nhưng tôi thì từ bé chưa nghe qua bao giờ. Hay là ông ấy đấu "hốt hoảng" và "hấp tấp" lại mà thành? Chịu. Có điều là đọc một cuốn sách mà học thêm được một từ lạ cũng thấy sướng.

Trở lại với nhận xét chính cuộc sống phát triển năng động đẻ ra từ ngữ mới, xin lấy ngay thí dụ ở cái hoạt động vẫn khiến nhiều người ở xứ ta phát điên, tức là bóng đá, thì sẽ rõ. Tôi thực sự khâm phục cái cách mà những người yêu bóng đá ném ra hàng loạt những từ mới nhằm diễn đạt những gì diễn ra trên các chảo lửa, từ cách gọi những vị trí thi đấu trên sân như "hậu vệ thòng, hậu vệ dập, hậu vệ quét", rồi "tiền vệ trụ, tiền vệ lùi", cho đến "tiền đạo cắm"... đặc biệt là những từ mô tả các hành vi và động thái rất chính xác và đầy biểu cảm: dãn biên, chồng cánh, bắt người, rướn, nhịp, vuốt, lốp, vẩy, chọc khe, xâu kim, v.v... và v.v... Nhưng ấn tượng nhất là gần đây tôi đã nghe từ miệng một huấn luyện viên khen cầu thủ trụ cột của đội mình là: "Cậu ấy có khả năng "đọc" được trận đấu" Thật tuyệt vời - văn đấy chứ còn ở đâu nữa!

Anh Ngọc
(Báo Văn nghệ quân đội)
Nguồn: Vietsciences

VIỆT NAM YÊU DẤU