Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

10/5/11

TRIẾT LÝ "BA PHẢI"

Nhiều khả năng của lẽ phải trong văn học và mối quan hệ viết – đọc

TS Nguyễn Thế Việt
NGUYỄN THẾ VIỆT 
-Câu nói cửa miệng của dân gian:”Sư nói phải, vãi nói hay” thường được hiểu như là một loại triết lý xuề xòa, hòa cả làng, nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong. Người Việt đặt tên cho hạng người không có chính kiến, hay “theo đuôi” này là “đồ ba phải” hay “ông ba phải”. Đã có lúc tôi cũng đinh ninh là câu tục ngữ kia chỉ có một nghĩa như đã nói.
Cho đến một hôm nhàn rỗi, đọc lại câu trên một cách thảnh thơi và “trung tính”, tôi chợt giật mình và đặt câu hỏi: “Tại sao xưa nay ta cứ cả tin vào một cách giải nghĩa?”. Rõ ràng câu nói có hình ảnh trên có thể chứa cái nghĩa đã suy diễn, có thể không, hoặc còn hàm chứa các ý nghĩa khác? Tại sao ta không có quyền tin ngay vào cái nghĩa đen của nó: ” Sư nói (cũng) phải, vãi nói (cũng) hay” mà cứ nhất thiết phải suy diễn. Nghĩa hàm chứa trong câu nói giản dị này là khuyên người ta suy ngẫm, đừng vội cả tin ngay một phía Tự kiểm duyệt lại mình, tôi chợt nhận ra cái định kiến có sẵn không chỉ thuần túy là một cách suy diễn ngẫu hứng. Nó bắt nguồn từ truyền thống nhất nguyên trong tư duy: Lẽ phải chỉ có một.
Lối tư duy một đúng một sai , một phải một trái, một chính một tà, một ngụy một chân, một sáng một tối… đã làm hậu thuẫn vững chắc cho một lối suy diễn. Loại chân lý này chỉ đúng trong sách vở hoặc phòng thí nghiệm. Nó không có chỗ đứng trong cuộc đời muôn màu muôn vẻ. Khi muốn lược đồ hoặc đơn giản hóa vấn đề, người ta cứ mổ xẻ phân tích theo kiểu chú giải một nghĩa vừa dễ lọt tai lại đỡ rắc rối. Nhưng sự đời thường lại không đơn giản như thế.
Theo tôi, “sư nói phải, vãi nói hay” có thể hiểu như là một triết lý thông minh về “nhiều khả năng có thể của lẽ phải hoặc chân lý”. Trong cùng một vấn đề, đứng trên điểm nhìn này là phải, đứng trên điểm nhìn khác là trái; phải trong tình huống này, lại trái trong tình huống khác. Khả năng nhiều lẽ phải  hoàn toàn có thể hiểu là một cách nhận thức nghiêm túc. Nó được thừa nhận phổ biến hiện nay, và có mầm mống từ hàng ngàn năm trước trong lịch sử.Triết lý “ba phải” không chỉ được dùng để nhận thức chân lý mà còn đúng trong việc chuyển dịch để thẩm văn. Trong cái hay có cái dở, trong cái ngỡ như hoàn hảo có cái bất toàn, trong cái cao cả có cái thấp hèn, trong cái đạo đức có cái phi nhân và ngược lại.
Trước đây, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi vẫn thường được truyền dạy một cách hiểu về Truyện Kiều. Nó là bản “cáo trạng” chế độ phong kiến. Đó là lối tư duy nặng nề kinh viện của thói quen chỉ có một lẽ phải. (Xin được gọi tắt là “một phải”) Về sau, qua quá trình tìm tòi chúng tôi mới vỡ ra rằng dân gian không hiểu như thế. Các cụ già thì mê Kiều là mê cái đạo lý “trung hiếu tiết nghĩà”, cái hiếu thảo của cô Kiều. Lớp trẻ hơn thì mê cái “Xăm xăm băng lối vườn khuy một mình”, cái táo bạo, dạn dĩ vượt ra ngoài vòng lễ giáo. Trong lịch sử phê bình, nàng Kiều cũng lên bổng xuống trầm, kẻ khen hết mực người chửi hết lời.
Điều đáng ngờ dễ nhận ra là không ai có thể tiếp cận Truyện Kiều theo truyền thống “một phải” mà không phạm sai lầm. Bởi vì Nguyễn Du không sáng tác truyện Kiều theo những luận đề đạo lý hoặc triết lý có sẵn. Vẫn là đề tài đạo lý “trung hiếu tiết nghĩa” nhưng nó đã bị biến dạng dưới các điểm nhìn khác nhau giữa “thường” và “biến”, giữa sách vở và cuộc đời. Kiều trong cơn gia biến nếu cố chấp “chung tình” với Kim theo nghĩa đen chặt chẽ lại sẽ là bất hiếu với cha mẹ. Chọn chữ hiếu thì đành bội thề, là đánh rơi chữ “tiết”. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã chỉ có một lối chọn cho lẽ phải thì cuộc đối thoại giữa khả năng có nhiều cách hiểu về lẽ phải được đặt ra bàn cân và khả năng nào cũng có lý trong cái phi lý. Khả năng nào cũng có thể đúng mà không phải là ngụy biện. Cuộc đối thoại giữa những lẽ nghiệt ngã của đời và mực thước của đạo trong Truyện Kiều đã tạo ra nhiều tầng nghĩa trong tiếp nhận của công chúng qua các thời đại.
-Triết lý “ba phải” và hoạt động sáng tạo của nhà văn:
Trong sáng tạo nghệ thuật, triết lý “ba phải” (Nhiều khả năng của lẽ phải) cũng chi phối quá trình biến đổi quan niệm của nhà văn về cuộc sống. Trong văn học cổ trung đại Việt Nam, Truyện Kiều là tác phẩm hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất đưa lên bàn cân cái triết lý nhiều khả năng của lẽ phải. (Mầm mống của triết lý này có thể còn hiện diện trong tích cổ Mỵ Châu – Trọng Thủy hoặc một số tác phẩm khác chịu sự chi phối mạnh của đạo lý hồn nhiên dân gian). Dẫu sao , ở xứ ta, lối giãi bày cuộc sống như là những nghịch lý (so với đạo lý hoặc triết lý học thuyết) vẫn cứ xa lạ với cái cố chấp của truyền thống. Rốt cuộc thì người ta vẫn cứ đọc truyện Kiều theo lối tư duy “một phải”. Nghĩa là có bao nhiêu lượt đọc truyện kiều cũng không thể khép kín các cách hiểu và cách hiểu nào cũng tự tìm cho mình một kiểu thước đo để khẳng định chân lý.
Trong thời đại chúng ta, truyền thống “một phải” có cơ tái xuân và sinh sôi nẩy nở. Tư tưởng một chính một tà chính là mảnh đất mầu mỡ cho khả năng hồi sinh đó. Nhiều nhà văn xứ ta cứ đổ vấy cho kiểm duyệt nhưng lại quên rằng kẻ kiểm duyệt đắc lực và tin cậy nhất lại nằm trong chính mình. Trong truyện ngắn “Đi tìm cái đã có”  (Trần Hiệp,Tạp chí Hợp Lưu số 46 Tr.81) nhân vật “chị” được xây dựng dưới một hệ chuẩn của thước đo đạo lý. Ở đó, ngôn ngữ người kể chuyện dài dòng cắt nghĩa cho những “sa ngã” những “nhẹ dạ” những hành động thiếu suy nghĩ, những hối hận của nhân vật chính và được kết thúc bằng một thói quen dễ dãi: “Sự hối hận đạo lý”: “Chị tiếp tục đi tìm cái đã có. Tội nghiệp thân chị, cái đã mất làm sao có thể lấy lại trọn vẹn, chỉ có thể làm lại từ đầu với cái giá đắt hơn, cái giá của sự bội bạc”. Điều quan trọng là cách nhìn “một phải” trong truyện ngắn này đã chắn mất tầm nhìn, tầm phân tích sâu sắc hơn của nhà văn về cuộc sống. Nguyên nhân gì đã bứt người đàn bà nhẹ dạ đó ra khỏi tổ ấm gia đình để lăn lóc đầu đường xó chợ để kiếm sống? Hãy thử để tác giả nhập vai thật sâu sắc vào vị trí người đàn bà đẹp kia một mình phải đương đầu vớí đủ loại người trong chợ đời, xem tác giả lựa chọn ra sao? Con người ta ai chẳng lựa chọn sai, nhưng điều quan trọng khác nhau ở chỗ bản lĩnh trong lựa chọn và cái gan chịu trách nhiệm trước và sau sự lựa chọn.Theo tôi một truyện ngắn sẽ không gượng gạo khi nào nhà văn từ bỏ cái vai thái thượng hoàng đạo đức giả để mà chia sẻ, cảm thông và sống thực sự cùng nhân vật. Đến lúc đó tác giả sẽ phát hiện ra ngay mọi khuôn đạo lý đều chật chội và khập khiễng khi phải làm quan tòa phán xét cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Tương tự như thế, mọi quan hệ tình dục hoặc tình yêu ngoài hôn nhân trong văn học Việt Nam đều được các tác giả rào chắn cẩn thận, khi thì là một sự “sa ngã” đạo đức, khi thì một “hoàn cảnh” “bị” cưỡng ép. Hóa ra ngoài tấm giá thú, tình yêu, tình dục chỉ còn là những sa đọa thái hóa không thôi sao?
Một trong những nhà văn hiếm hoi tỏ ra “ranh mãnh”  trong lĩnh vực này là Nguyễn Huy Thiệp. Hầu như bất cứ truyện ngắn hay nào của anh cũng có sự phân tích sắc cạnh về triết lý “nhiều khả năng của lẽ phải”. Trong Con gái thủy thần, trò chơi tình yêu giữa cô giáo dạy nghề và nhân vật xưng tôi là một ví dụ. Kẻ thất tình nhìn thấy lẽ phải có cả trong sự “phản bội” của người tình. Đó là cái lý cao cả và có thể chia sẻ được. Trong “Không có vua” có cái nhìn đầy thương cảm của tình người của nhân vật nữ trước những hành vi “đê tiện” của đám đàn ông trong một gia đình không có “kỷ cương”, “không có vua”. Trong “Chuyện tình kể trong đêm mưa”, cái triết lý đó cũng chi phối cách nhìn đầy thơ mối tình giữa gã “thổ phỉ” Bạc Kỳ Sinh và cô Muôn. Nguyễn Huy Thiệp ý thức rõ về cái nhìn này.
Gần đây, Nguyễn Quang Thân và cuốn tiểu thuyết lịch sử Hội Thề của ông cũng gây không ít sóng gió cho dư luận công chúng đọc.
Nguyễn Quang Thân viết tiểu thuyết lịch sử theo cách nhìn „ba phải“. Cách nhìn này khác với cách nhìn „một phải“ quen thuộc là không thiên về minh họa chính sử, không lặp lại truyện „tấm gương“ kiểu người tốt việc tốt. Chính sử với ông là cái cớ để gợi cho độc giả cùng suy ngẫm chứ không phải là cái khuôn „luận đề“ đạo lý học thuyết có sẵn bất di bất dịch. Nhân vật lịch sử Lê Lợi, Nguyễn Trãi… và các tướng lĩnh khai quốc công thần dưới cách nhìn của Nguyễn Quang Thân đã gợi cho công chúng đọc suy ngẫm nhiều chiều về thân phận con người, về kiếp người trên cái phông lịch sử tưởng như không còn gì phải bàn cãi. Với tư cách là bạn đọc tôi thật sự tâm đắc với cách khai thác này. Nhân vật huyền thoại Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các công thần khai quốc…  cao siêu đấy mà cũng trần thế đấy. Nhân vật hàng tướng Thái Phúc có thể là nhân vật biết ứng xử văn hóa, tại sao không? Cái phần mà chính sử mọi thời hay „gọt giũa“ đi, lại là cái phần mà, với tư cách nhà văn không thể bỏ qua.Vấn đề là ở chỗ cách nhìn nhiều chiều này có tạo nên được cái nhất quán trong tính cách nhân vật lịch sử hay không?
- Triết lý “ba phải” trong bình giá tác phẩm.
Nhiều năm nay, các nhà nghiên cứu cứ loay hoay tìm một “đáp án” để tiện việc bình giá và xếp ngôi vị của các tác giả trong làng văn. Nạn công thức cứng đờ và giáo điều trong hoạt động nghiên cứu văn học gần đây được chính giới nghiên cứu gióng chuông báo động. Lý do thật dễ nhận ra mà cũng thật khó khắc phục: Đó là việc áp đặt một bảng định giá đơn điệu và quyền uy để làm thước đo cho cái đa dạng và phong phú của thực tiễn văn học nghệ thuật.
Trong quá trình văn học, lối phê bình „một phải“ tỏ ra ít có vấn đề phải bàn cãi khi tiếp cận những giai đoạn văn học hướng tới minh họa những giá trị có sẵn của chính thống. Trước hết để tránh sự quy chụp không cần thiết, chúng tôi xin mở ngoặc, văn học minh họa chính thống có giá trị thẩm mỹ không thể bác bỏ trong những giai đoạn lịch sử nhất định nào đó. Nhưng đó lại là vấn đề của một đề tài khác. Vấn đề chúng tôi muốn bàn ở đây, khi tiếp cận các dòng văn học có cách nhìn đa chiều, thiên về phân tích và suy ngẫm, nhà phê bình sẽ không thể tránh khỏi sai lầm nếu cứ khư khư với lối suy diễn „một phải“.
Nếu cứ theo lối suy diễn „một phải“ thì „Nỗi buồn chiến tranh“ của Bảo Ninh, „Cánh đồng bất tận“ của Nguyễn Ngọc Tư, „Hội Thề“ của Nguyễn Quang Thân và nhiều tác phẩm văn học thành công khác không có cơ để tồn tại. Trên thực tế những tác phẩm hay loại này vẫn được công chúng ngưỡng mộ và tồn tại ngoài ý muốn của những ai đó chưa từ bỏ nổi thói quen với cách nhìn „một phải“.
Triết lý “ba phải” và công chúng thưởng ngoạn tác phẩm văn học.
Có thể nói  rằng  không ít công chúng thưởng ngoạn văn chương thường đứng về phía truyền thống: Đó là cách thẩm văn“ một phải“. Lâu nay ta cứ hay than phiền về cái “tỳ vị”, cái “tạng” thẩm văn lạc hậu của số đông; vẫn không giải được bài toán về mối quan hệ giữa phổ cập và nâng cao. Thói quen thẩm văn cũng như khẩu vị trong ăn uống, cái lạ nào cũng có khả năng xâm nhập vào thói quen để gây nghiện, nếu nó đủ sức gây nghiện thực sự. Lỗi không phải ở công chúng thưởng ngoạn mà là ở những người đầu bếp. Nếu đầu bếp cứ chiều người hưởng thụ theo thói quen “một phải” chính thống (Tích cổ trong cải lương, hài gây cười thiếu thông minh mà rẻ tiền, viết các tác phẩm phụ họa cho  đạo lý học thuyết…) thì khi đói người ta vẫn cứ ăn, nhưng ăn mà vẫn thấy thèm thèm, thiếu thiếu một cái gì đấy. Xin được mở ngoặc thêm, như trên đã có dịp phân tích, không phải cái “một phải” nào cũng dở.Cái dở là cứ nhại đi nhại lại mãi một thói quen. Số còn lại của công chúng thưởng ngoạn là số có năng khiếu bẩm sinh hoặc có năng lực thưởng ngoạn do có tích lũy và học vấn đứng về phía đội ngũ “ba phải”. Đây chính là đội ngũ đáng tin cậy để kích thích sự đổi mới trong cảm thụ nghệ thuật. Bởi vì lối nghĩ “một phải” không những giẫm chân tại chỗ về mặt nhận thức mà còn là sự “cản mũi kỳ đà” trên lĩnh vực thẩm mỹ, là lĩnh vực không bao giờ được phép nhàm chán. Lối nghĩ “ba phải” nói gọn lại là có ưu thế dung hợp, thừa nhận cái khác mình để phát triển. Lối nghĩ “một phải” thì thường lười biếng “tự ngắm mình” và sống huyễn hoặc bằng giá trị tưởng tượng nên ngày càng xa lạ với tha nhân và tiến bộ xã hội.

VIỆT NAM YÊU DẤU