Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

29/5/11

"TỔ QUỐC TRÊN HẾT"

Đắc Trung
Tổ Quốc là giang sơn mà từng tấc đất đều thấm mồ hôi, xương máu của bao đời tổ tiên, ông cha chúng ta đã đổ để xây dựng, bảo vệ, giữ gìn cho con cháu.
      Tổ Quốc là nơi phát tích cội nguồn nòi giống kết nối gắn bó cuộc sống và tâm linh chúng ta với nhau cùng hồn thiêng sông núi.
      Các tổ chức, thể chế chính trị là của và chỉ đại diện cho một bộ phận cộng đồng xã hội, nhưng Tổ Quốc là của và đại diện cho mọi thần dân.

      Các tổ chức, thể chế chính trị có thể thoái hoá, biến chất, suy đồi, nhưng Tổ Quốc thì không.
      Tổ Quốc mãi mãi được tôn thờ, mãi mãi là tình yêu, là niềm tự hào, là người Mẹ vĩ đại nuôi dưỡng, đùm bọc, che chở cho chúng ta. Nước mất nhà tan và chúng ta cũng không tồn tại. Bởi thế mất Tổ Quốc là mất tất cả và ngược lại.
      Người Việt Nam đặt Tổ Quốc trên hết!, sẵn sàng xả thân vì Tổ Quốc là từ nhận thức sâu sắc ấy và đã trở thành tiêu chí cho mọi ứng xử của các thế hệ cha ông chúng ta, đặc biệt từ nhà Trần.
      Kết duyên đã 12 năm với Thái Tông Trần Cảnh mà Hoàng hậu Chiêu Thánh chưa sinh con. Sợ không có người nối dõi, triều đình khủng hoảng, xã tắc bất yên, ngoại bang đe dọa, lấy thế là chú, dùng quyền Thái sư, Trần Thủ Độ ép Trần Liễu phải nhường vợ của mình là Thuận Thiên khi ấy đang mang thai cho em trai là Trần Cảnh và giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa. Đó là việc làm nhẫn tâm, vô đạo. Nhưng suy xét kỹ thì động cơ quan trọng nhất khiến Trần Thủ Độ phải làm không chỉ vì sự tồn vong của nhà Trần mà là lo cho giang sơn đất nước.
      Đó chính là tinh thần Tổ Quốc trên hết!.
      Đau khổ bất bình, Trần Cảnh từ bỏ ngai vàng đang đêm cùng mấy người hộ giá rời Thăng Long lên vùng núi Yên Tử quyết chí đi tu. Ngày hôm sau Trần Thủ Độ cùng các quan đại thần đến đón vua về Kinh đô. Trần Cảnh khước từ không về. Nài xin không được Trần Thủ Độ bảo mọi người: Xa giá ở đâu thì triều đình ở đấy. Rồi truyền lệnh chuẩn bị xây dựng Kinh đô ở vùng núi non hiểm trở này. Trước tình hình đó Thái Tông Trần Cảnh phải trở về Kinh đô.
      Nguyên nhân dẫn đến việc Trần Cảnh bỏ đi Yên Tử là xung đột giữa ngai vàng quyền lực với đạo lý về tình anh em và ông đã đặt đạo lý lên trên ngai vàng quyền lực. Nhưng khi Trần Thủ Độ bất chấp tiền của và sức dân quyết định xây dựng Kinh đô ở vùng rừng núi ấy, thì xung đột lại diễn ra giữa tình anh em (việc nhà) với sự tồn vong của xã tắc (việc nước). Lần này ông đã đặt việc nước trên việc nhà. Có nghĩa đặt Tổ Quốc trên hết! mà đành chấp nhận nỗi đau cốt nhục.
      Năm 1257, đế quốc Nguyên - Mông đe dọa trực tiếp quốc gia Đại Việt. Với giặc phương Bắc nhà Trần chủ trương hoà hữu nhưng rất vững vàng cương quyết về chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Bởi thế cả nước được lệnh sắm, rèn vũ khí, tăng cường lực lượng, ngày đêm luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Cuối năm đó vua Nguyên cho sứ giả sang. Cậy thế nước lớn  y đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều lăng nhục triều đình, ỷ thân dê chó bắt nạt tể phụ (Hịch tướng sĩ văn - Trần Hưng Đạo) vừa dụ, vừa đe dọa ép vua Trần đầu hàng. Thể hiện khí phách anh hùng của dân Đại Việt, Trần Thái Tông xuống lệnh tống giam sứ giả. Đầu năm 1258 giặc Nguyên - Mông xâm lược nước ta. Chúng rất mạnh. Một số quan trong triều hoang mang. Vua Trần Thái Tông hỏi Thái sư Trần Thủ Độ. Vị lão tướng bình tĩnh nói: Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo. Lời nói đanh thép đầy bản lĩnh ấy càng làm Trần Thái Tông tự tin và có sức cổ vũ lớn đối với tướng sĩ, cùng thần dân Đại Việt tạo khí thế tấn công như vũ bão. Chỉ sau 12 ngày chúng phải tháo chạy về nước.
      Ôm mối nhục thảm bại, giặc Nguyên - Mông chuẩn bị cuộc chiến phục thù. Quân dân Đại Việt chủ động sẵn sàng đối phó. Cuối năm 1282 triều đình tổ chức Hội nghị Bình Than triệu tập các vương hầu cùng bá quan bàn kế sách phòng thủ. Tại hội nghị này Thái uý Trần Quang Khải được phong Thượng tướng Thái sư. Sau đó Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được phong  Quốc Công tiết chế thống lĩnh toàn bộ quân đội. Đó là hai nhân vật trụ cột của triều đình. Họ là anh em thúc bá nhưng trong lòng vẫn trĩu nặng mối bất hoà do tiền bối để lại. Trước khi qua đời Trần Liễu nói với Quốc Tuấn rằng: Sau này nếu con không vì ta mà lấy lại thiên hạ thì dẫu ta đã ở suối vàng cũng không nhắm mắt được. Quốc Tuấn nhớ điều ấy nhưng chưa cho là phải. Nay toàn bộ binh quyền ông đã nắm, thời cơ thực hiện lời trăng trối của cha đã có, nhưng xã tắc đang lâm nguy, sự tồn vong quốc gia ngàn cân treo sợi tóc. Trần Quốc Tuấn đem lời cha dặn ướm hỏi hai gia nô là Yết Kiêu, Dã Tượng. Cả hai đều can: Làm việc ấy được phú quý một thời nhưng mang nỗi nhục ngàn năm. Quốc Tuấn hỏi con trai cả là Trần Nghiễn. Nghiễn thưa: Dẫu khác họ cũng không nên làm, huống chi lại cùng dòng máu. Nhưng con trai thứ ba là Quốc Tảng lại khuyên cha nên lợi dụng cơ hội này để có thiên hạ. Quốc Tuấn nổi giận rút kiếm quát lên: Loạn thần là từ đứa con bất hiếu này. Ông định giết Quốc Tảng. Những người xung quanh quỳ lạy, khóc lóc van xin ông mới tha. Việc Trần Hưng Đạo sẵn sàng chém chết con trai cho dù trong đầu anh ta chỉ mới xuất hiện ý nghĩ loạn thần chứng tỏ ông đặt xã tắc cao và thiêng liêng hơn cả tình cốt nhục.
      Đó chính là tinh thần Tổ Quốc trên hết! .
      Cũng trong dịp Hội nghị Bình Than, Trần Hưng Đạo mời Trần Quang Khải sang thuyền của mình, sai nấu nước lá thơm, rồi hai người đích thân múc dội kỳ cọ cho nhau thật sạch sẽ. Từ đó tình cảm hai vị đứng đầu quan văn và tướng võ ngày càng thân thiết gắn bó khiến vua và các quan ai cũng cảm kích, thần dân biết càng tin tưởng triều đình. Để bảo vệ giang sơn Đại Việt thoát họa xâm lăng cần phải có sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng trên nền tảng thương yêu gắn bó từng con người, từng gia đình, từng dòng họ. Việc hai vị quan đại triều tắm cho nhau hàm ý xoá sạch thù nhà để lo việc nước.
      Đó chính là tinh thần Tổ Quốc trên hết!.      Tháng 12 - 1284 vua Trần Nhân Tông mở hội nghị tại điện Diên Hồng mời hàng trăm bô lão là những người giầu uy tín đại diện thần dân khắp thiên hạ về bàn quốc kế. Nhà vua hỏi: Nếu giặc Nguyên - Mông xâm lược, ta nên thế nào?. Tất cả đồng thanh đáp: Quyết đánh!. Đó là sự thống nhất và sức mạnh của lòng dân. Khí thế Hội nghị Diên Hồng càng hun đúc ý chí tướng sĩ. Mọi người đều thích vào tay hai chữ: Sát thát! (giặc Nguyên - Mông còn gọi giặc Thát) thể hiện tinh thần quyết tử với quân thù.
      Đó chính là sức mạnh tinh thần Tổ Quốc trên hết! .
      Tháng 5 năm 1285 năm mươi vạn quân Nguyên - Mông do Thoát Hoan chỉ huy tấn công  nước ta mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai. Thế giặc như chẻ tre. Quân ta liên tiếp thất bại. Một số triều thần hoang mang, có kẻ hèn nhát làm tay sai cho chúng. Vua ướm hỏi Trần Quốc Tuấn: Thế giặc mạnh, trẫm muốn hàng để cứu sinh mạng muôn dân?. Quốc Tuấn khảng khái tâu: Xin bệ hạ chém đầu thần trước rồi hãy hàng. Đầu thần còn, xã tắc còn. Bệ hạ đừng lo. Nhà vua yên tâm cùng bá quan bàn kế chống giặc. Bằng thiên tài quân sự Trần Hưng Đạo tổ chức phản công. Giặc Nguyên - Mông đại bại. Thoát Hoan hoảng sợ bỏ Thăng Long tháo chạy, phải chui vào ống đồng như con chuột mới thoát chết.
      Lời bất hủ của Trần Quốc Tuấn giữa lúc tình thế khó khăn nhất thể hiện khí phách dân tộc Đại Việt góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng.
      Đó chính là tinh thần Tổ Quốc trên hết! .      Trong cuộc chiến này, tướng trẻ Trần Bình Trọng bị bắt. Chúng dùng mọi cách dụ dỗ, tra khảo, ông im lặng không thèm trả lời. Giặc hỏi: Có muốn làm vương đất Bắc không?. Trần Bình Trọng dõng dạc: Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!. Bất lực chúng giết ông một cách hèn hạ, nhưng lời bất hủ ấy vẫn vang vọng mãi. Khí phách Đại Việt ta là thế, có thể thua (trong chiến tranh được thua là chuyện thường) nhưng quyết không chịu nhục.
      Đó chính là tinh thần Tổ Quốc trên hết! .
      Thời giặc Minh xâm lược nước ta, chúng xây thành Cổ Lộng rất kiên cố. Nhiều lần nghĩa quân Lam Sơn bao vây cô lập nhưng vẫn không hạ được. Bấy giờ ở làng Ngọc Chuế (thuộc xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên, Nam Định ngày nay) có người đàn bà tên là Lương Minh Nguyệt mở quán bán hàng gần thành Cổ Lộng mục đích để dò la tin tức và theo dõi hoạt động của giặc rồi tìm cách báo cho nghĩa quân Lam Sơn biết. Lê Lợi cử Lê Lễ, Lê Thạch đem theo 5.000 quân ra thực hiện kế công thành. Quan quân nhà Minh có thói quen tối đến chui vào nằm trong túi gai, vừa tránh muỗi, vừa ấm, sai người ở ngoài thắt nút để sáng dậy cứ việc đạp nhẹ chui ra. Bà Lương Minh Nguyệt bày mưu đưa các thanh nữ đến chuốc rượu cho bọn chúng say, giúp từng tên chui vào, buộc chặt lại rồi báo cho nghĩa quân tấn công. Thành Cổ Lộng bị hạ. Ngày khải hoàn Lê Thái Tổ khen: Sở dĩ trẫm chưa thể đánh Đông Quan được vì thành Cổ Lộng án ngữ. Nay nhờ có phu nhân lập mưu phá được, thật là kỳ công vậy (Địa chí Nam Định). Rồi phong cho bà Lương Minh Nguyệt là Kiến Quốc công trinh liệt phu nhân.
      Đó chính là kết quả tinh thần Tổ Quốc trên hết! .      Hoàng giáp Phạm Văn Nghị (1805 - 1880) quê Tam Đăng (nay thuộc xã Yên Thắng, huyện Ý Yên), chán cảnh quan trường, năm 1845 đang giữ chức Biên tu trong Quốc sử quán ông trả mũ áo về quê dạy học, hàng ngàn môn sinh tìm đến. Ông đặc biệt quan tâm giáo dạy về lòng yêu nước về Quốc gia hưng vong sĩ phu hữu trách. Năm 1858 giặc Pháp đánh chiếm Đà Nẵng  xâm lược nước ta. Phạm Văn Nghị dâng Trà Sơn kháng sớ thỉnh cầu vua quyết tâm chống giặc cứu nước, đồng thời chiêu mộ thành lập đội quân nghĩa dũng gần 400 người do đích thân ông dẫn đầu vào Kinh đô Huế tham gia đánh Pháp. Vua Tự Đức sợ giặc, chủ hoà không chấp nhận. Phạm Văn Nghị dẫn quân trở ra Bắc lập phòng tuyến tại vùng Núi Già tổ chức kháng chiến. Phạm Văn Nghị là người đầu tiên mở ra phong trào Nam tiến chống giặc cứu nước (1859), tạo tiền đề cho cuộc Nam tiến đánh Pháp năm 1946 và đội quân trùng trùng điệp điệp xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ thống nhất đất nước năm 1975.
      Đó chính là tinh thần Tổ Quốc trên hết! .
      Hoàng giáp Trần Bích San người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc. Ông từng được bổ giữ các chức: Hàn lâm viện tu soạn sung chức Nội các Bí thư sổ hành tẩu…Triều Nguyễn hèn nhát nhượng bộ Pháp cắt từng phần đất đai máu thịt của Tổ Quốc dâng cho chúng. Năm 1878 Tự Đức cử ông tham gia trong đoàn gồm năm người đi sứ sang Pháp để làm thủ tục cắt ba tỉnh miền Đông Nam Bộ cho chúng. Phải sang tận Kinh đô ngoại bang dâng đất đai, tài nguyên, khoáng sản mà tổ tiên, ông cha mình đã phải đổ bao mồ hôi xương máu mới có cho kẻ thù, đó là việc làm của kẻ thất phu, chí sĩ yêu nước Trần Bích San thấy uất hận và nhục nhã. Không thể làm cái việc đê hèn đắc tội với dân với nước để lịch sử muôn đời nguyền rủa, Trần Bích San nuốt giấy bản rồi uống nước cho vỡ dạ dầy tự vẫn để giữ trọn khí tiết.
      Đó chính là tinh thần Tổ Quốc trên hết! .
      Năm 1858 Pháp xâm lược nước ta. Ngày 27 - 3 - 1883 một lực lượng mạnh do đại tá Rieve chỉ huy đồng loạt pháo kích tấn công phá thành Nam Định. Đề đốc Lê Văn Điếm chỉ huy quân đội triều đình và dân binh chiến đấu ngoan cường. Đề đốc Lê Văn Điếm xông pha trong lửa đạn chỉ huy quân sĩ. Ông bị thương rất nặng vào bụng, rút khăn trên đầu xuống quấn chặt cho ruột không lòi ra ngoài và vẫn hiên ngang trên mặt thành kêu gọi mọi người quyết tử thủ cho tới khi gục ngã và trút hơi thở cuối cùng. Khí phách của ông không khác Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hoàng Diệu chỉ huy giữ thành Thăng Long.
      Đó chính là tinh thần Tổ Quốc trên hết!.
      Trong xu thế hừng hực ngọn lửa anh hùng, mọi người đều sẵn sàng hy sinh vì Tổ Quốc thì vẫn lạc loài những kẻ chỉ lo vinh thân phì gia cam tâm phản bội dân tộc bán mình cho giặc. Trần Ích Tắc con vua Trần Thái Tông, rất thông minh, giỏi kinh sử, nhưng quá kiêu ngạo, nhiều tham vọng và luôn khát khao quyền lực. Biết điều ấy giặc Nguyên - Mông cho gián điệp sang tiếp cận Trần Ích Tắc mua chuộc, dụ dỗ, phong ông ta làm An Nam quốc vương nếu giúp quân Nguyên - Mông đánh chiếm được Đại Việt. Trần Ích Tắc nhận lời bán rẻ Tổ Quốc. Tưởng thực hiện được mộng bá vương, nhưng ông ta không ngờ đại quân Nguyên - Mông vừa tràn sang đã phải đối đầu với quân dân Đại Việt và chỉ một tháng bị đánh tan phải tháo chạy về nước. Gia đình Trần Ích Tắc nhục nhã bám theo rồi sau này chết bỏ xác bên đó. Trần Di Ái là chú họ Trần Nhân Tông. Năm 1281 được nhà vua cử dẫn đầu một phái đoàn sang sứ Trung Quốc. Cũng như Trần Ích Tắc, Trần Di Ái lòng chứa đầy tham vọng. Biết được điều đó vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt lập tức tận dụng cơ hội, dụ dỗ phong cho Di Ái làm An Nam quốc vương thay Trần Nhân Tông, rồi sai Sài Thung đem theo 5.000 quân hộ tống bọn này về Đại Việt. Khi chúng vừa đến biên giới vua Trần sai quân chặn đánh, bắt Trần Di Ái và đưa Sài Thung về Thăng Long. Vua hạ chỉ giáng Trần Di Ái xuống làm lính hầu, tiếp đãi Sài Thung rồi tống tiễn y về nước. Trần Kiện là con Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang, anh cùng mẹ khác cha với vua Trần Thánh Tông. Cũng do mộng bá quyền mà hiềm khích với Trần Đức Việp con Thánh Tông, bất mãn bỏ về Tức Mặc. Năm 1285 quân Nguyên xâm lược nước ta, chia làm ba mũi tiến công. Toa Đô khi đó đã chiếm bắc Chiêm Thành đánh ra từ phía Nam. Trần Nhật Duật đem quân chặn chúng tại Nghệ An. Vua Trần Nhân Tông muốn tạo cơ hội cho Trần Kiện lập công, giao chỉ huy một vạn quân vào chốt giữ Thanh Hoá. Quân Toa Đô đánh mạnh Trần Nhật Duật không cản nổi phải rút lui. Giặc đánh ra Thanh Hoá. Trần Kiện không tổ chức chiến đấu mà đem cả một vạn quân ra hàng (8 - 3 - 1285), hèn hạ hơn hắn còn dẫn đường cho Toa Đô đánh Trần Quang Khải. Quân ta chủ trương rút lui chiến lược, củng cố lực lượng và chỉ một tháng sau trước sự chỉ huy của vị tướng thiên tài Trần Hưng Đạo cuộc phản công quy mô lớn được phát động. Quân ta đại thắng.
      Với tinh thần Tổ Quốc trên hết! từ triều đình đến muôn dân đều vô cùng ngưỡng mộ, tôn vinh những người xả thân cứu nước, nhưng với bọn nuôi tham vọng bất minh, chỉ lo vinh thân phì gia cam tâm cõng rắn cắn gà nhà tiếp tay cho giặc thì quyết trừng trị nghiêm khắc. Bất luận kẻ đó thuộc dòng tôn thất hay thứ dân đều bắt lưu đầy, xử chém, tịch thu điền sản, bỏ quốc tính, kết án vắng mặt cả những tên lưu vong ở nước khác.
      Tổ Quốc là của mọi người. Vì thế mọi người phải có trách nhiệm với Tổ Quốc. Đó là nền tảng của lòng yêu nước. Đó là cơ sở của khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là nguồn gốc sức mạnh tổng hợp quốc gia. Điều đó cũng lý giải tại sao nhà Trần đã đưa Đại Việt thoát khỏi suy thoái cả chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá ba lần đánh tan giặc Nguyên - Mông, đưa nước ta đến chói lọi vinh quang. Điều đó cũng lý giải vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc đã kế thừa tinh hoa truyền thống đó và sinh thời Người, tại các công sở, cơ quan, trường học, doanh trại quân đội khẩu hiệu Tổ Quốc trên hết! rất lớn luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất. Nhiều gia đình dùng bốn chữ đó thay đại tự trên hoành phi treo trước ban thờ gia tiên. Tổ Quốc trên hết! đã in sâu trong cuộc sống tinh thần mọi người dân Việt Nam thiêng liêng như một tín ngưỡng. Với khẩu hiệu: Tổ Quốc trên hết! Bác Hồ và Đảng ta đã tập hợp đoàn kết toàn dân tộc thành một khối thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng và thống nhất đất nước.
      TỔ QUỐC TRÊN HẾT! vô cùng quan trọng trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn. Không nhận thức đúng đắn, đầy đủ khái niệm này. Không đặt vị trí, mục đích, lợi ích quốc gia dân tộc cao hơn tất cả nhất định sẽ sai lầm và hậu hại khôn lường.

VIỆT NAM YÊU DẤU