Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

17/5/11

VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA VẤN ĐỀ “BẠO LỰC… NGOÀI HỌC ĐƯỜNG” VÀ VIỆC “DẠY THÊM HỌC THÊM” TRÀN LAN

 http://www.maivoo.com/pictures_fullsize/65/xsewk1274320094.jpg
Nguyễn Trọng Bình
Nếu tôi nhớ không lầm, có lần trên viet-studies giáo sư Trần Hữu Dũng có đưa ra lời “bình luận” vui (đại khái) là ông không tìm thấy được “mối quan hệ” nào (hay điểm chung nào) giữa chuyện “bạo lực… ngoài học đường” và vấn đề “dạy thêm, học thêm” mà trong Hội nghị giao ban lần thứ nhất của Bộ giáo dục diễn ra cách đây không lâu đã nhìn nhận và đánh giá (đây là hai “vấn nạn” của ngành giáo dục hiện nay cần nhanh chóng khắc phục). Ở đây cũng xin mở ngoặc nói cho rõ là hầu hết các vụ học sinh đánh nhau và quay video clip tung lên mạng thời gian qua mà dư luận lên tiếng đều diễn ra ngoài phạm vi trường học (vì các em học sinh rất “thông minh” chẳng dại gì tổ chức đánh và quay phim trong trường) nên tôi gọi là “bạo lực ngoài… học đường” hay chính xác hơn là “bạo lực tuổi học đường” chứ không phải như cách nói “rút gọn” nhưng rất sai của chúng ta lâu nay là “bạo lực học đường” (thực ra chỉ một bộ phận học sinh thôi nhưng nó có nguy cơ đang lan rộng và khó kiểm soát). Lời bình luận ngồ ngộ này làm tôi phải trăn trở mãi, tại sao lại không có “mối quan hệ” nào chứ? Sau nhiều lần trăn trở như thế, cuối cùng tôi cũng đã tìm ra lời giải để chứng minh ngược lại lời “bình luận” vui của giáo sư Trần Hữu Dũng. Tôi quả quyết với giáo sư Trần Hữu Dũng là, giữa “bạo lực… ngoài học đường” và việc “dạy thêm, học thêm” là hoàn toàn có “mối quan hệ” với nhau (nếu không muốn nói là rất khắng khít nữa). Sau đây tôi sẽ chứng minh lần lượt các “mối quan hệ” (tôi gọi là những điểm chung của “bạo lực học…ngoài đường” và việc “dạy thêm, học thêm”) này.

Thứ nhất, cả hai vấn đề “bạo lực tuổi học đường” và “dạy thêm, học thêm” đều diễn ra ngoài phạm vi trường học chính quy nên rất khó kiểm soát và quản lý. Tôi tạm gọi, đây là điểm chung về “phạm vi và môi trường hoạt động” của hai vấn nạn trên.
Thứ hai, cả hai vấn đề trên đều là những vấn đề “nổi cộm” tồn tại như một sự “trêu ngươi” và đầy thách thức, gây nhức nhối đối với tất cả mọi người đặc biệt là với những người đứng đầu các cơ quan quản lý giáo dục thế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa tìm ra giải pháp căn cơ nhất để khắc phục vì lý do là chưa truy tầm được nguyên nhân mang tính “cội rễ” và cốt tử của nó. Ví dụ, rất khó “chấn chỉnh” hai vấn nạn này bằng những biện pháp kỷ luật đơn thuần (thông qua những văn bản pháp quy trong ngành giáo dục). Bởi suy cho cùng nếu một học sinh gây gỗ đánh nhau hay quay video clip tung lên mạng nếu nhà trường áp dụng biện pháp đuổi học sẽ là rất thiếu tinh thần nhân văn; đuổi các em này thì dễ nhưng vấn đề là các em này không được đến trường nữa, không được giáo dục nữa vậy các em sẽ đi đâu? Hay ngược lại việc đuổi học này, ở phương diện nào đó nói lên rằng môi trường giáo dục ở nhà trường phổ thông hiện nay đã hoàn toàn bất lực trong việc giáo dục những “học sinh thích bạo lực” đồng thời đã vô tình “tống khứ” ra ngoài xã hội một “phần tử” mang mầm móng “nguy hại”? Tương tự vậy, không thể xử lý kỷ luật đuổi ra khỏi ngành đối với một giáo viên nào đó trót “mở phòng” dạy thêm, học thêm nếu nhìn ở phương diện vì “có cầu nên mới có cung”; hay từ góc nhìn “miếng cơm manh áo” của các giáo viên vốn rất yêu nghề đang bằng mọi cách xoay sở để bám trụ với nghề vì thực tế đời sống nhà giáo (nhất là ở các cấp bậc phổ thông) hiện nay vốn rất gian nan và đầy khắc nghiệt. Tuy vậy, ngược lại chẳng lẽ không có biện pháp gì thì để giải quyết dứt điểm hai vấn nạn trên thì ngành giáo dục làm sao ăn nói với xã hội, với người dân đây? Rõ khổ!
Nói cách khác, tôi gọi đây là điểm chung về sự bất lực trong việc tìm ra “phương thuốc đặc trị” hai vấn nạn trên mà các chuyên gia quản lý ngành giáo dục đang rất đau đầu (nhưng nếu ai đó có chất vấn sẽ được trả lời: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!)
Thứ ba, cả hai vấn đề đều là vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành giáo dục nhưng như đã nói đều diễn ra ở ngoài phạm vi “trường học”. Điều này nói lên rằng có những tác động và ảnh hưởng qua lại từ những “môi trường” khác. Với chuyện “bạo lực tuổi học đường” là do sự tác động và ảnh hưởng từ những chuyện như: “bạo lực gia đình”, “bạo lực trên phim ảnh”; bạo lực và cách ứng xử của các “thần tượng” “ngôi sao” trên các hoạt động văn nghệ, giải trí (những câu nói và việc làm khi các “thần tượng” này khi ganh tị và hiềm khích nhau được phô bày và trình diễn đầy dẫy trên các trang báo mạng lá cải)… Với chuyện “dạy thêm học thêm” rõ ràng cách cư xử của toàn xã hội khi quá thiếu quan tâm đến đời sống của các thầy cô giáo; xã hội và mọi người cứ giao tất cả mọi chuyện cho thầy cô nhưng đáp lại quyền lợi (thể hiện qua lương và thu nhập) của các thầy cô hàng tháng không bằng một “chầu ăn sáng” của một “đại gia” nào đó với cô “bồ nhí” (lương một giáo viên cấp 3 công tác hơn 5 năm mà chưa đến 3 triệu đồng/tháng thử hỏi giáo viên sống như thế nào đây trong thời bão giá hiện nay? - Dĩ nhiên ở đây chúng ta không xem chuyện này là nguyên nhân duy nhất để biện hộ cho việc dạy thêm học, thêm nhưng nếu muốn giải quyết vấn nạn này thì nhất thiết phải nhìn nhận vấn đề này). Nhìn ở góc độ này để thấy xã hội đang cư xử rất thiếu công bằng, thiếu nhân văn, nhân ái đối với người giáo viên (nhìn vào sự chênh lệch trong việc thưởng Tết hàng năm giữa người giáo viên với những người làm việc ở các ngành nghề khác sẽ rõ).
Tóm lại, ở phương diện này tôi tạm gọi đây là điểm chung về sự tác động và ảnh hưởng qua lại giữa “môi trường giáo dục” và những “môi trường khác” vô tình đã tạo nên một cái vòng luẩn quẩn làm nảy sinh hai vấn nạn trên.
Thứ tư, cả hai vấn đề trên tuy khác nhau về bản chất nhưng hoàn toàn giống nhau về những hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trong tương lai. Tôi lại tạm thời gọi đây là điểm chung về những ảnh hưởng tiêu cực của hai vấn nạn trên đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Thử hình dung là ở “môi trường giáo dục” – môi trường vốn và lẽ ra phải rất nhân văn mà còn có những chuyện như thế thì nhìn rộng ra xã hội với những “môi trường” khác thì sẽ như thế nào nữa. Mới ở độ tuổi học đường thôi mà các bạn trẻ đã cư xử đầy bạo lực với nhau như thế đến khi lớn lên, ra khỏi “môi trường giáo dục” thì không biết những công dân này sẽ và còn cư xử với mọi người xung quanh theo kiểu nào nữa đây? (thật ớn lạnh khi tưởng tượng về chuyện này). Hay hàng ngày tiếp xúc với các em học sinh – những “tờ giấy trắng” mà có không ít thầy cô khi lên lớp chỉ dạy qua loa, khi về “phòng dạy tư gia” hay các “trung tâm luyện thi” mới truyền hết “bí kíp” thì thử hỏi các em sẽ nghĩ như thế nào về sự trung thực và tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân đối với xã hội và cộng đồng qua “bài học sinh động” từ chính những thầy, cô mình? Thật là một hệ lụy, một tác hại không thể lường trước đối với sự phát triển xã hội nếu không được khắc phục kịp thời.  
***
Nói tóm lại, qua những phân tích ở trên tôi đã chứng minh được “mối quan hệ” giữa vấn đề “bạo lực… ngoài học đường” và việc “dạy thêm, học thêm” tràn lan ở ta hiện nay - điều mà giáo sư Trần Hữu Dũng có lần băn khoăn! Rõ ràng hai vấn đề này có rất nhiều điểm chung trong đó có một điểm chung cực kì quan trọng tôi xin tạm gọi là sự thiếu trung thực và tính nhân văn của một nền giáo dục. Phải chăng nên giáo dục của chúng ta đang rơi vào sự khủng hoảng này và hai vấn nạn trên thực ra chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”? Qua những vấn đề trên cho chúng ta thấy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh (mà ai cũng biết)“hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ phần nhiều do giáo dục mà nên” là rất hay và rất sâu sắc.
Vậy nên, theo tôi, muốn giải quyết dứt điểm hai “vấn nạn” trên (và nhiều vấn nạn khác nữa) trước hết “những người có trách nhiệm” với ngành giáo dục phải xuất phát từ góc nhìn này chăng?
Cần Thơ, 14/52011
NTB
Nguồn: Viet-studies

VIỆT NAM YÊU DẤU