Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

10/11/10

NHỮNG DÂNG HIẾN LẶNG LẼ...

Những bông hoa dại không người hái
Lặng lẽ bốn mùa khắp mọi nơi
(Hoa dại - Hà Thiên Sơn) 

Trần Hữu Dũng
Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Tết Canh Dần (2010)

Tôi không được hân hạnh quen biết chị Võ Hồng Anh* hoặc gia đình chị, nhưng khi nghe tin chị đột ngột từ trần hôm 21 tháng 7, 2009, tôi buồn một cách lạ.  Thời bây giờ, sáu mươi bảy tuổi là còn quá trẻ để vĩnh biệt.  Rồi khi đọc tít trên một tờ báo “GS TSKH Võ Hồng Anh - Lặng lẽ dâng hiến, lặng lẽ ra đi”, tôi bàng hoàng.

Lặng lẽ dâng hiến, lặng lẽ ra đi...

Chị Võ Hồng Anh là một trường hợp dâng hiến mà nhiều người đã biết, nhưng tôi biết rằng ở nước ta hiện nay, và trong số những người Việt Nam ở nước ngoài, còn rất nhiều người như chị.  Họ là những người đang lặng lẽ bảo tồn và phát huy tinh anh của dân tộc, và phần nào, thay mặt dân tộc, đóng góp cho nhân loại.  Họ thầm lặng nghiên cứu, giảng dạy, sáng tác, chia sẻ kiến thức với người khác. Đa số họ không được sự biệt đãi nào của xã hội, và cũng chẳng bao giờ (hoặc luôn luôn từ khước) nhận “vinh danh”.

Bao nhiêu người như thế đã sống giữa chúng ta, đã đem lại cho chúng ta những niềm vui, những phút giây thoải mái, mà chúng ta không hề biết họ.  Họ là những nhà khoa học, những nhà nghiên cứu, những nhà văn, nhà thơ, những người soạn nhạc, những nhà văn hoá... họ ảnh hưởng đến chúng ta qua những trước tác, những công trình nghiên cứu, những thế hệ môn sinh, những tấm gương lao động mẫn cán, miệt mài.. . Họ làm việc vì chúng ta, trong im lặng, rồi lặng lẽ ra đi...  Có người thì sự dâng hiến được ghi nhận khi họ còn sống, song có người (rất nhiều người) mà khi họ đã ra đi chúng ta mới xót xa sự mất mát, mới ý thức những gì họ đã cho chúng ta thuở sinh thời.

Dâng hiến là hành động đặc thù của một cá thể ý thức vị trí của mình trong xã hội và lịch sử.  Trong lòng xã hội, họ luôn nghĩ đến những người cùng đang sống với họ.  Và trong dòng lịch sử, họ cảm khái món nợ với những thế hệ đi trước và trách nhiệm với những thế hệ đến sau.  Thiếu hai ý thức đó thì không thể “dâng hiến”.

Đối với nhiều người, “dâng hiến” có nguồn gốc tôn giáo, là hiến mình cho một thượng đế, một đấng thiêng liêng, nhưng dâng hiến không nhất thiết hàm ý tôn giáo.  Thực vậy, một sự dâng hiến thế tục, phần nào đó, lại đáng cho chúng ta (những người trần tục) ngưỡng mộ hơn, bởi vì đó là hoàn toàn cho đồng loại, không với ước mơ lên thiên đàng hay được cứu rỗi cho bản thân. Đó là tặng phẩm cho một cái gì ngoài mình, hoàn toàn không nghĩ đến mình.

Đa số những người dâng hiến có hành động này chẳng phải để thoả mản nhu cầu vật chất (hoặc danh vọng) cho bản thân hoặc gia đình họ.  Nói thẳng ra: họ bị thúc đẩy bởi một sự đam mê! Chính vì thế mà họ không dám nhận là họ đang “hi sinh” bởi vì họ có một sự thoả mãn, sung sướng trong hành động của mình. Cái sung sướng ấy là sự chia sẻ kiến thức, là niềm vui khi nhìn thấy việc họ làm là có ích cho người khác, đem đến cho người khác một nụ cười, hoặc vài phút giây thanh thản.  Dâng hiến, nhìn như thế, vừa là cao thượng vừa là nhân bản....  Sự “cho kẻ khác”  này tạo cho cuộc đời họ tính chất của người nghệ sĩ: niềm vui không vụ lợi, một sự đam mê, một sự vượt phóng ra ngoài những cái thông thường.  Họ có thể là những nhà khoa học chuyên nghiệp, những nhà nghiên cứu chỉnh chu... nhưng sự “dâng hiến” của họ lãng đãng “tính tài tử”.  Trong tâm hồn, họ là những “nghệ sĩ” trong nghĩa cao quý nhất của nó.  Họ là những nhà thơ “danh dự”!

Đóng góp của những người đó lớn vô cùng.  Không chỉ ở sự thành nhân của những đứa con, đứa cháu, những người học trò, sinh viên, gần gủi họ, nhưng còn ở những người chỉ quen biết họ, hay chỉ nghe về họ qua một mẫu tin trên báo.  Chính họ làm những người khác tin vào cuộc đời hơn, vào sự tốt đẹp của đồng loại hơn.  Không đòi hòi “trả công” cho cá nhân mình, người dâng hiến có thể xem như đã nhận, rồi hoàn ngay lại những “thù lao” ấy cho xã hội.  Bản chất công việc của họ (“phục vụ người khác”) xem sự thăng tiến trong đời sống của kẻ khác như là ý nghĩa của đời họ.  Qua việc họ nghĩ đến “người khác” trong cộng đồng của họ, người dâng hiến trở thành chất keo kết nối cộng đồng ấy. Và chính người thụ hưởng những dâng hiến ấy sẽ cảm thấy sự gắn bó, thậm chí trách nhiệm, của mình với người khác đậm đà hơn, thắm thiết hơn.  Nói cách thời thượng, người dâng hiến vừa đóng góp vào “vốn xã hội”, vừa khích dụ sự đóng góp của kẻ khác vào vốn ấy. Tuy rằng sự tôn vinh cuả xã hội là không cần thiết, sự lặng lẽ của dâng hiến, nhất là của những người họat động văn hoá, chỉ có ý nghĩa khi có người thụ huởng những hiến dâng đó.


Nếu “dâng hiến” đã là đáng tri ân vì tác dụng của nó ở người thụ hưởng, thì chính sự “lặng lẽ” của sự dâng hiến làm nó trở nên cao thượng.  Mọi dâng hiến đều không đòi hỏi “trả công”, nhưng chính sự thầm lặng của nó bảo đảm rằng sự không đòi hỏi ấy là thực tâm. Chính vì thế mà sự dâng hiến đúng nghĩa là sự dâng hiến không ồn ào, không cần ai biết “tác giả” của nó.

Lặng lẽ khác với im lặng. Một nhạc sĩ có thể sáng tác nhiều bài ca đem lại niềm vui cho bao nhiêu người, và có thể không ai biết tên người nhạc sĩ ấy.  Đó là một người lặng lẽ nhưng không im lặng. Lặng lẽ có nghĩa là không phô trương.  Có những người đóng góp một cách... ồn ào, để được nổi danh.  Không nên chê trách họ (vì dù sao họ cũng đóng góp, còn hơn không!), song những đóng góp ấy khó được gọi là “dâng hiến”.  Sự “ồn ào” làm mất “tính dâng hiến” của chúng đi. 

Người dâng hiến trong thầm lặng còn đáng ngưỡng mộ hơn nữa khi người ấy xem sự thầm lặng như đương nhiên. Chẳng những không ồn ào, họ cũng không tự mãn, tự hào về sự lặng lẽ ấy.  Họ cho đó là bình thường, như ăn uống, như hít thở, như chăm sóc luống hoa trước nhà, hay như dạy con vào buổi tối. Họ không là thần thánh, và họ cũng muốn được nổi danh. Song họ không nghĩ những việc họ làm là để được nổi danh.  Đó là thứ yếu, không có cũng chẳng sao.  Trong thâm tâm, họ hiểu rằng sự “ồn ào” là không cần thiết.

Ngược lại, nhiều khi chính sự “lặng lẽ” mới là cần thiết nếu “thế giới công khai” không thuận lợi cho đóng góp của họ.  Trong trường hợp này người dâng hiến còn phải trả một giá đắt cho sự thầm lặng của họ, bởi họ có thể bị hiểu lầm, vu cáo, thậm chí “chụp mũ”, mà không thể thanh minh hay biện hộ cho mình.  Sự dâng hiến ấy càng đáng trân trọng.

Khi còn sống, người dâng hiến đã có một phần thưởng vô giá ở chỗ biết rằng họ có ich cho xã hội, thậm chí cho cả loài người.  Chỉ rằng khi họ không còn nữa thì một lỗ hổng sâu hoắm mới lộ ra cho những người ở lại.  Và nỗi tiếc nuối, thậm chí muộn sầu, là ở những người còn sống, khi người dâng hiến đã vĩnh viễn ra đi.  Hầu như mỗi chúng ta, đã nhiều lần, một hôm thức dậy, bổng thấy một sự thiếu vắng vô cùng, và nhận ra rằng sự thiếu vắng ấy chỉ vì một người nào đó không còn nữa. Hoặc vài tháng, hay đôi năm, chực nhớ: sao không đọc được bài nào mới của ông X, bà Y nào đó nhỉ, và được cho biết: người ấy đã qua đời.  Bùi ngùi, và buồn biết bao nhiêu!  Ôi, những sự ra đi lặng lẽ ấy!

Chúng ta cũng không nên quên những người, đa số rất trẻ, đã chết trong chiến tranh, vì quê hương, đất nước.  Họ đã dâng hiến sự sống của họ, sự sống duy nhất của họ.  Họ còn quá trẻ để để lại một vết tích gì (một công trình khoa học, một cuốn tiểu thuyết, hay một bài thơ...) nhưng khi đi qua những cánh rừng, những khúc sông mà trước đây là chiến địa, tôi ngắm những cành cây, những bãi cát... và tôi tự hỏi... nhánh hoa dại ấy, làn sóng xanh kia... có phải là sự dâng hiến tuyệt vời của họ không? Tôi nghĩ rằng, trong cái tích tắc cuối đời của người chiến sĩ ấy, họ còn nhìn thấy bầu trời xanh của đất nước, ngửi mùi bùn đỏ của quê hương, và cảm giác mãn nguyện của dâng hiến đã ngập tràn trong lòng họ, vì họ biết rằng họ sẽ nhập vào trong đó, cho thiên thu... Rồi họ lặng lẽ ra đi.  Cái đẹp là ở chỗ “lặng lẽ” ấy bởi vì, cuộc đời họ, từ lúc ấy, trở thành một bài thơ.

Nhân dịp xuân về, tôi xin nghiêng mình và thầm cảm ơn những người đã và đang lặng lẽ hiến dâng, cảm ơn tất cả...

Trần Hữu Dũng
Tết Canh Dần (2010)

* Chú thích của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn: GS. TS. Võ Hồng Anh (1941-2009) là con gái duy nhất của bà Nguyễn Thị Quang Thái (em gái nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1965, bà Võ Hồng Anh tốt nghiệp khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Lomonosov (Liên Xô). Năm 1982, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán – lý tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna. Năm 1988, GS. TS. Võ Hồng Anh trở thành người phụ nữ đầu tiên của ngành vật lý được tặng giải thưởng Kovalevskaia – giải thưởng cao nhất của Việt nam về khoa học kỹ thuật dành cho các nhà khoa học nữ. Những năm cuối đời, GS. TS. Võ Hồng Anh đã dành nhiều thời gian cho công việc ở Hội Khuyến học Việt Nam.

VIỆT NAM YÊU DẤU