Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

4/11/10

Những vấn nạn trong giáo dục

chuotLâu nay đã định viết những điều chướng tai gai mắt trong giáo dục, nhưng vì lí do này lí do khác mà lần chần chưa viết. Hôm nay vào blog của thầy Đỗ Việt Khoa thấy bài viết rất đúng với những điều mình suy nghĩ. Đặc biệt, sáng nay trường mình lại thi nghề phổ thông và thời điểm này lại sắp đến 20.11 nên bài viết của thầy lại càng có tính thời sự. Tham nhũng, suy cho cùng là bóc lột. Thông qua giáo dục trá hình để bóc lột học sinh - những tâm hồn thánh thiện, bóc lột nhân dân là một tội ác khủng khiếp và man rợ. Bao nhiêu ban ngành với đầy đủ chức năng và nhiệm vụ lại không / không thể làm gì được là điều đáng suy nghĩ. Cái gốc của vấn đề nằm ở đâu? Kẻ nào sẽ là người chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc về tội ác man rợ này? 

Hồ Như Hiển

------------------------------------------------------------------------------ 

Trong phạm vi tôi biết, những vấn nạn của ngành GD hiện có rất nhiều, xin chỉ ra một số vấn nạn điển hình cụ thể sau:
1) Lạm thu:
Lạm thu thực sự bùng nổ quy mô lớn từ 2007, lây lan từ cấp phổ thông lên cấp đại học với số tiền thu trái phép càng ngày càng nhiều.
Bản chất nó là tham nhũng. Không phải tham nhũng nhỏ như 1 số cán bộ cấp Bộ trả lời mới đây, mà là quy mô lớn, thậm chí rất lớn: Mỗi năm, một trường THPT cỡ trung bình như trường tôi thu trái phép ngoài 1 tỉ đồng. Số tiền thu trái phép này  lớn hơn cả ngân sách chi cho nhà trường. Trường có quy mô lớn như THPT Sơn Tây HN thì con số đó phải nhiều tỷ đồng. Cả nước có trên 2.700 trường THPT, và gấp hàng chục lần con số đó trường THCS, tiểu học, mần non và hàng trăm trường ĐH CĐ... thì cộng lại, lạm thu mỗi năm của học sinh cả nước là con số khổng lồ, gấp nhiều lần con số vụ Vinashin.

Tại sao lạm thu là tham nhũng? Bởi vì các khoản thu đó không phải dùng cho học sinh hết mà phần lớn để chia chác nhau.
Ví dụ tại trường tôi: Chỉ riêng khoản thu 1 năm quỹ hội phụ huynh học sinh tới gần 300 triệu đồng. Khoảng 3/5 số đó được dùng để chia cho các thầy cô nhân ngày 20/11 hoặc tết âm lịch, lấy danh nghĩa quà tặng của hội phụ huynh. Chưa tới 1/10 số đó để chi cho thăm hỏi phụ huynh. Còn lại không ai biết đi đâu. Đó là tham nhũng.
Khoản thu có vẻ có lý là tiền giấy phô tô bài kiểm tra 80.000 đ/hs mỗi năm. Nếu dùng hết cho học sinh thì trung bình mỗi em phải được 400 tờ phô tô. Nhưng trên thực tế, mỗi em chỉ được dùng trung bình 20-30 tờ/năm.  Đặc biệt thanh tra sở đã chấp nhận việc đùn đẩy trách nhiệm cho hội phụ huynh về việc thu tiền phô tô đề thi và các khoản chi bịa đặt như: mua máy in hết 14 triệu, mua máy phô tô, mua mực, mua giấy...nhưng trên thực tế không hề có 1 máy in nào được mua. Vậy đó là tham nhũng.
Bí thư Đoàn trường cũng được giao trách nhiệm thu hơn 80 triệu đồng/năm, và chi vào việc gì không ai biết. Dù cho thanh tra kết luận là thu sai, thì các năm học sau họ vẫn tiếp tục thu.
Còn nhiều khoản thu trái luật khác tương tự như vậy.
Các trường học ngày càng sáng tạo ra những khoản thu lạ tai và chi thì rất bất minh.
Các giáo viên chủ nhiệm luôn là người trực tiếp thu. Không bao giờ có một thông báo tự nguyện thu. Các khoản đều đổ đầu bình quân mọi HS phải thu như nhau. Cách làm này mới đây Bộ GD có chỉ đạo cấm. Nhưng các trường vẫn thu. Trường tôi HS vẫn phải nộp, mức thu cao hơn năm trước.
Năm học này, trường tôi cũng như khắp nơi đều phổ biến 1 kinh nghiệm đối phó với báo chí: cấm in và phát giấy thông báo thu. Giáo viên chủ nhiệm chỉ được thông báo mồm tới học sinh.
Ngoại trừ miền núi, vùng sâu vùng xa là không có lạm thu, càng gần đô thị càng thu nhiều, đồng nghĩa với tham nhũng càng nhiều. Một thứ tham nhũng công khai, giữa ban ngày, được thực hiện bởi các nhà giáo.
Hà Nội là địa phương bị tố cáo lạm thu nhiều nhất. Cứ vào trang tìm kiếm của google, gõ cụm từ "lạm thu" thì sẽ thấy hầu hết các trường hợp bị tố cáo xảy ra ở Hà Nội. Theo tìm hiểu từ phía các thầy cô thì cá nhân tôi cho rằng: không có trường phổ thông nào ở Hà Nội mà không có lạm thu.
Thông qua việc thanh tra của sở tại trường tôi, trường Phạm Hồng Thái và các trường hợp khác thì dễ kết luận một điều: Lãnh đạo sở GD - ĐT Hà Nội luôn luôn bảo vệ cho tình trạng lạm thu đó.
Báo chí năm nào cũng phản ánh. Nhưng chưa bao giờ sự việc được các cấp lãnh đạo quan tâm chấm dứt. Người dân có con đi học vài năm nay mặc nhiên thừa nhận tình trạng qua sông phải lụy đò, phải mất tiền vô lý như thế mà không được mở miệng để nói.
Đa số nhà giáo im lặng trước sự việc. Rất đông nhà giáo ủng hộ việc lạm thu. Rất hiếm nhà giáo lên tiếng phản ánh sự việc. Công cụ pháp luật có. Đội ngũ luật sư thì thừa, Ban chống tham nhũng được thành lập có khắp các tỉnh do chủ tịch tỉnh đứng đầu,  nhưng không ai trổ nghề.
Tình trạng này xem ra còn tồn tại lâu dài bởi có sự im lặng hoặc bao che của các cấp lãnh đạo từ trung ương tới địa phương.
2) Tình trạng dạy thêm học thêm.
Từ năm học 2007 đến nay, tình trạng dạy thêm học thêm không hề giảm, không hề được quản lý dù cho có hẳn Quy định về dạy thêm học thêm do Bộ GD ĐT ban hành.
Không thể ngờ được dạy thêm học thêm lại biến thành ép buộc học thêm 1 cách công khai, lãng phí như hiện nay. Từ ép học hè, ép học văn hóa, ép  học nghề, ép học tin học, ép học ôn thi tốt nghiệp, ép đóng tiền thi thử. Có trường còn tự ý khai giảng sớm cả tháng rồi thu tiền như dạy thêm học thêm. Dạy thêm đa phần là sào xáo lại những gì đã có trong sách giáo khoa, có nâng cao thêm bằng một số dạng luyện thi học sinh giỏi, thi đại học, thi vào trường chuyên. Hiệu quả tốt thì ít mà lãng phí sức lực tiền bạc của học sinh thì nhiều. Không một trường học nào khuyên học sinh hãy hạn chế đi học thêm, hãy biết tiếc tiền học thêm bởi số tiền đó -12.000 đ/buổi như tại trường tôi- là rất đáng kể so với thu nhập của gia đình. Cá biệt có trường như trường tôi còn hô hào đẩy mạnh phong trào dạy thêm học thêm.
   Việc ép buộc học thêm ngày càng công khai trắng trợn. Tại trường tôi ban giám hiệu còn có hẳn thông báo: HS không học thêm thì bị mời phụ huynh. Có HS còn tố cáo là cô chủ nhiệm đe dọa sẽ hạ hạnh kiểm nếu không đi học thêm.
Ảnh: tư liệu của thầy Khoa.
 Dù có đầy đủ chứng cớ thì lãnh đạo sở GD ĐT Hà Nội cũng bảo vệ sai phạm hoặc làm ngơ để mặc cho vấn nạn này tiếp tục tồn tại.
   Số tiền thu từ dạy thêm học thêm của giáo viên rất lớn, mặc nhiên nằm ngoài mọi sự kiểm soát tài chính, không phải nộp thuế.
3) Chuyện học và thi nghề phổ thông:
 Từ ý tưởng tốt đẹp ban đầu của việc dạy nghề, hiện nay học nghề chỉ còn 1 mục đích: Học để được cộng điểm ưu tiên 1-2 điểm vào điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc thi vào lớp 10.
   Hiệu quả việc học rất nhỏ mà sự lãng phí thì rất to lớn. Quanh đi quẩn lại học sinh cả nước chỉ có 3 nghề để học: Làm vườn, điện, tin học. Đa số chọn học nghề vươn hoặc điện. Nghề tin học nghe oai thế nhưng cũng chỉ dạy qua quýt, hiếm khi được thực hành trên máy tính, và chỉ là học soạn thảo văn bản, thứ mà giáo trình môn tin học chính khóa có dạy. Người dạy nghề phần lớn là chưa bao giờ làm cái nghề đó hoặc chỉ là kiêm nhiệm, thuê mướn. Tôi cũng đã từng bị phân công kiêm thêm dạy vài lớp nghề và đi coi thi, chấm thi nghề rồi nên thất vọng về chuyện dạy - học nghề này từ ngay buổi đầu tiên.
  Tại trường tôi, học sinh bị ép buộc phải học nghề - trái với quy định của Bộ.
   Không biết đến bao giờ Bộ giáo dục mới chịu loại bỏ sự lãng phí này.
   Báo chí nói mãi về chuyện học nghề rồi cũng phát chán vì Bộ hoàn toàn làm ngơ.

Tạm viết thế. Tôi sẽ viết tiếp những vấn nạn khác như:
4) Tệ nạn đi thầy, vòi vĩnh người học.
5) Lãng phí về nội dung, chương trình, sách giáo khoa
6) Lãng phí trong xây dựng trường lớp.
7) Lãng phí trong việc cung ứng tài liệu thiết bị giáo dục.
8) Một nền giáo dục ngày càng nhiều dối trá.

VIỆT NAM YÊU DẤU