Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

3/6/12

CÓ NÊN BỎ KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT?

Hồ Như Hiển
Hai bợm nhậu ngồi với nhau, sau vài vòng, rượu  còn nửa chai. Bợm thứ nhất than vãn: mới có tí chút mà đã đi tong nửa rồi, từ từ có hết mày ơi. Bợm thứ hai lạc quan hơn: còn những nửa chai, lo gì.
Chúng ta nên nhìn nhận về kì thi tốt nghiệp theo cách của bợm thứ hai.
Này nhé, có thi thì có ôn. Thời Pháp thuộc, lương của ông thầy không những nuôi được vợ mà nuôi được cả... bồ. Ngày nay, chung tay với khó khăn của đất nước, của suy thoái kinh tế thế giới, lương của ông thầy nuôi bản thân cũng không đủ. Ôn thi tốt nghiệp góp phần làm cho niêu cơm nhà ông thầy đầy đặn hơn. Có thế, ông thầy lên lớp cũng đỡ cau có hơn, đối xử với các em ân cần, hiền hoà hơn chứ không bẳn gắt như mắm tôm. Hơn nữa, các bậc phụ huynh không phải bận tâm  về việc quản lí con cái, chuyên tâm để kiếm miếng ăn trong thời buổi gạo châu củi quế người khôn của khó. Vả lại đến trường, dù chẳng được chữ nào vào đầu, nhưng tiếp xúc với bạn bè cùng lớp, với thầy cô giáo cũng đỡ hơn để các em lang thang cùng bọn tóc xanh môi trầm, bọn du thủ du thực ngày một nhiều như con diều trong buổi chiều lộng gió rồi bị lôi kéo, kích động, sa vào chát chít, web đen, thậm chí là “phản động”...
Đấy là mặt được khi ôn. Khâu tổ chức thi còn nhiều cái lợi hơn nữa.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, tri thức nhân loại sản sinh ra tăng theo cấp số nhân. Ông thầy bà cô phải chịu áp lực rất lớn. Họ vừa phải đọc, học, cập nhật những kiến thức mới mẻ, phong phú, hiện đại, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của phụ huynh, học sinh vừa phải lo miếng cơm manh áo cho vợ dại con thơ nên không có thời gian trao đổi, tiếp xúc với bạn bè, đồng nghiệp, không có điều kiện tìm hiểu phong tục tập quán địa phương nơi mình sinh sống, công tác. Trừ một bộ phận không nhỏ như Sầm Đứt Xương gi gỉ gì gi cái gì cũng biết, con gì cũng thông thì phần lớn giáo viên quèn lúc nào cũng lơ nga lơ ngơ như vào rừng mơ bắt con tưởng bở. Đi coi thi là dịp tốt để mỗi năm một lần đến hẹn lại lên họ được gặp những người chỉ nghe tên mà chưa biết mặt, ăn những món đặc sản địa phương chỉ mới nghe quảng cáo mà chưa một lần được thưởng thức, đến những miền quê lòng đã vấn vương mà chưa một lần được đặt chân... nhất là có cơ hội rèn luyện, nâng trình uống rượu chưa phê đâu nhưng còn lâu mới tỉnh lên một tầng cao mới qua những cuộc giao lưu đầy tình thương mến thương trong giáo giới, giữa giáo giới với phụ huynh, giữa giáo giới với các lực lượng khác...
Về mặt kinh tế, kì thi tốt nghiệp là cú... húc để sản xuất phát triển mạnh. Lượng giấy thi, giấy nháp, bút, thước, compa, chì, tẩy... tiêu thụ tăng vọt. Rồi nhang đèn, vàng mã phụ huynh sắm sửa bày biện dâng cầu cúng đền kia miếu nọ mong con làm bài tốt... Đồ ăn thức uống lưu thông mạnh phục vụ các lực lượng làm thi. Nhiều người bảo như vậy là tốn kém, lãng phí... Nhìn nhận như vậy là chỉ biết một mà không biết hai, nghĩ ba mà không suy ra bốn, thấy cây mà không thấy rừng. Trước đây, tiết kiệm là quốc sách. Nhưng chân lí là cái lí có chân, luôn thay đổi, vận động chứ không phải bất biến, ngày nay tiêu dùng mới là thượng sách. Không vậy, sản phẩm làm ra ứ đọng, sản xuất đình trệ nền kinh tế như con nghiện đói thuốc, ngồi đấy mà ngáp vặt.
Ngõ ngách không thể lách cách với mặt đường, tất cả những điều trên không thể nào so được với cái lợi mà kì thi tốt nghiệp mang lại cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.
Từ nhỏ cho đến lớn, các em chỉ có nghề... đi học, dân ta lại thương con nên không cho con em mình động chân động tay vào bất cứ việc gì. Việt Nam ta là nước nông nghiệp, học sinh ở thành phố không biết cái cày cái cuốc đã đành, học sinh nông thôn cũng chẳng khá hơn. Qua giám thị, thanh tra, phó chủ tịch, chủ tịch hội đồng thi các em biết, hiểu hơn về công dụng của bù nhìn rơm, một vật dụng quen thuộc giúp nhà nông đuổi chim chóc phá hoại mùa màng. Từ đó, các em càng hiểu hơn, thấm thía hơn giá trị hạt lúa củ khoai và trân trọng, khâm phục cha ông mình với sức sáng tạo tuyệt vời đã tạo ra một vật đơn giản mà công năng lại to lớn. Nguyên lí giáo dục “một hình ảnh có giá trị hơn nghìn lời nói” được phát huy một cách hiệu quả hơn bao giờ hết.
Còn nữa, Việt Nam chúng ta được biết đến là dân tộc thông minh, khéo léo nhưng tính kỉ luật, khả năng hợp tác không cao. Một người Việt Nam chả thua kém gì một người Nhật nhưng ba người Nhật lại ăn đứt ba người Việt Nam. Kì sát hạch trước khi ra trường là cơ hội bằng vàng để các em rèn luyện, bồi bổ, nâng cao phản xạ nhanh tay nhanh mắt, đặc biệt là kĩ năng làm việc nhóm - kĩ năng yếu nhất khi ta hội nhập với quốc tế. Không chỉ có thế, người Việt chúng ta luôn rụt rè, thụ động, tự ti nên những điểm 9, điểm 10 chót vót ngất ngưởng trong kì thi này giúp các em ưỡn ngực, ngẩng cao đầu, nhìn thẳng, cất những bước đi chững chạc tự tin trên con đường đầy khó khăn vất vả đang đợi các em ở phía trước.
Quan trọng hơn, kì vượt vũ môn này giúp các em hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn, thấm thía hơn thành ngữ “nói vzậy mà không phải vzậy”, “nói một đằng làm... muôn nẻo”. Dù học lên Đại học hay bước vào đời thì các em cũng không ngỡ ngàng hoặc bị sốc trước muôn lươn nghìn lẹo cuộc đời.
Tóm lại, không nên bỏ kì thi tốt nghiệp THPT!
HNH

VIỆT NAM YÊU DẤU