Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

19/1/14

TÂM SỰ CỦA MỘT HỌC TRÒ GỬI THẦY GIÁO CŨ

Hồ Như Hiển

Thưa thầy, đêm đã về khuya nhưng em không thể nào chợp mắt. Vì trong em bộn bề suy nghĩ.

Thưa thầy, em đã rất hạnh phúc và tự hào khi được về công tác ngay tại ngôi trường mà thầy giáo chủ nhiệm của mình làm hiệu trưởng. Nhưng sau một thời gian về lại trường xưa với sứ mệnh thiêng liêng dìu dắt đàn em thì những háo hức, rạo rực trong em dần nguội lạnh…


Thưa thầy, em đã rất vui sướng khi các bạn báo tin người thầy kính yêu của chúng em lên chức. Khi đó em nghĩ, vậy là thầy mình sẽ có cơ hội để thực hiện những điều thầy vẫn dạy lũ trò chúng em khi xưa: sống thì phải có ước mơ, hoài bão; lời nói, việc làm phải đàng hoàng, ngay thẳng, rõ ràng và minh bạch…

Vậy mà, thầy ơi, giữa những ngày đông giá rét, cuối năm bộn bề công việc, phụ huynh một vài lớp lại phải họp lần hai để được giải thích một số thắc mắc chính đáng của họ về các khoản thu chi. Tại sao chúng ta lại để việc này xảy ra thầy ơi? Tại sao không công khai rõ ràng, chi tiết các khoản thu chi đến từng phụ huynh học sinh theo đúng quy định hả thầy? Vì mình có làm gì sai đâu thầy? Hơn ba mươi lớp trong trường, chỉ có một hai lớp thắc mắc, em không nghĩ rằng các lớp còn lại phụ huynh học sinh không có ý kiến. Chỉ vì họ không dám đó thôi thầy ạ. Họ sợ con em mình bị để ý (em biết, thầy cũng hiểu điều này phải không thầy?). Thầy ơi, thầy cũng có con đi học, nếu trường học của con thầy cũng có tình trạng như vậy, thầy sẽ lựa chọn cách thức ứng xử nào? Chấp nhận im lặng vì mình “có điều kiện”? Chấp nhận im lặng vì sợ con mình sẽ bị phân biệt đối xử? Hay chấp nhận không thắc mắc vì cả hai, thưa thầy?

Thưa thầy, sáng sớm đi làm, lúc trời đất còn chạng vạng và cái rét căm căm cứa vào da thịt em đã thấy hàng đoàn người áo quần nhàu nát, bàn chân nứt nẻ xỏ những đôi dép nhựa cứng ngắt đạp những chiếc xe đạp cọc cạch tỏa đi mọi ngõ ngách để thu mua đồng nát. Rồi những người đánh cá điện trên những con mương đã cạn kiệt cá tôm (thậm chí vẫn có người vẫn đánh dậm như ngày xưa thầy ạ). Những cụ già nhăn nhúm run rẩy gánh hàng rau… Những khuôn mặt hốc hác của người dân lam lũ không nguôi ám ảnh em thầy ạ. Và em nhớ đến những buổi tập trung đầu tuần, thầy làm công tác đoàn thanh niên, kể cho học sinh toàn trường nghe các câu chuyện về lòng trắc ẩn. Lúc này đây, em bàng hoàng nhớ lại. Ngày xưa, chúng em đóngtiền ghế nhựa để ngồi sinh hoạt tập thể, bố mẹ chúng em cũng không được biết thu chi thế nào, bao nhiêu chiếc hỏng, bao nhiêu chiếc được mua mới thay thế? Vậy mà năm nào 100% các em học sinh khối 10 cũng phải đóng tiền đó. Rồi tiền nước uống, tiền vệ sinh… Đến ngay bây giờ, khi em đã là một thành viên trong hội đồng sư phạm nhà trường, em cũng không biết các khoản đó thu chi thế nào. Đến cả các thầy cô chủ nhiệm – những người gần gũi học sinh và phụ huynh nhất, những người phải thu các khoản tiền đó cho nhà trường cũng không được biết thì các em học sinh, bố mẹ các em học sinh làm sao mà được biết. Thầy ơi, em là một người thầy, các em học sinh hỏi em về kiến thức, nếu chưa trả lời được, em tìm tòi tài liệu, trao đổi với đồng nghiệp rồi sẽ trả lời được các em. Nhưng các em ấy, cha mẹ các em ấy hỏi em “Thưa thầy, những khoản nhà trường thu của chúng em để phục vụ cho việc học của chúng em được chi ra sao?” thì em biết trả lời thế nào hả thầy? Em phải tìm câu trả lời ở đâu thưa thầy?

Kính thưa thầy, ra xã hội em hiểu, những chuyện như thế chẳng riêng gì trường mình. Em cũng hiểu, chỉ có một số rất ít những người thầy hiệu trưởng có thực tâm, thực tài mới dám làm khác những gì đang diễn ra trong xã hội ta. Dù đau đớn nhưng em muốn nói với thầy: có gì đó đang đổ vỡ trong em!

HNH

VIỆT NAM YÊU DẤU