Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

28/8/10

NHỮNG KHÁC BIỆT

Hà Văn Thịnh, Khoa Sử, Đại học Khoa học Huế. 

Ý định viết bài này đã có trong tôi từ lâu rồi nhưng động lực (chính xác là liều doping) thật sự là sau khi được đọc một bài viết rất hay, rất sâu sắc của Nguyễn Đình Chú: Sự áp đảo của Phương Tây đối với Phương Đông trên phương diện văn hóa và tinh thần truyền thống (Viet-Studies, Dân Luận). Tuy nhiên, tôi chỉ tranh luận với Nguyễn Đình Chú một đôi vấn đề còn mong muốn thực sự là đưa ra vài suy nghĩ riêng để được các bậc thức giả bàn luận hầu làm rõ hơn những băn khoăn và không ít những lầm lẫn, mơ hồ...
1. Tất cả các nền văn minh lớn của phương Đông đều hình thành bên những dòng sông là điều hầu như ai cũng biết. Thế nhưng, rất ít người chú ý rằng tai họa bắt đầu từ đó. Khi công cụ sản xuất còn thô sơ và quan hệ sản xuất chưa phát triển thì nhu cầu tổ chức, liên kết đông người để đào kênh, đắp đê (trị thủy) đã buộc phương Đông đẻ non nhà nước. Không đủ hiểu biết – nhất là luật pháp để quản lý, nên các ông vua phương Đông chọn giải pháp ngắn nhất, hiệu quả nhất và, tàn nhẫn nhất: Chuyên chế hóa, thần thánh hóa vương quyền. Hãy cứ mở lịch sử ra sẽ thấy rằng 5.000 năm, cả phương Đông đều chỉ có một mô hình nhà nước duy nhất là chế độ chuyên chế(!) Đây quả là điều kỳ lạ, điều hiển nhiên nhưng lại là điều bí ẩn nhất của lịch sử. Tại sao lại thế? Lưỡng Hà, Ai Cập bên kia hay Trung Quốc bên này, có liên hệ gì với nhau đâu sao mô hình nhà nước lại được tuyệt đối hóa như nhau?

Việc nhà nước bị đẻ non quả là lỗi lầm lớn nhất của lịch sử phương Đông. Càng kém cỏi thì càng cố tỏ rõ uy quyền, càng mặc sức lộng hành và coi thường dân chúng, càng ăn chơi phung phí, xa hoa vì luôn nghĩ rằng cái ngày mai bất thường đó sẽ ập đến và, chẳng còn cơ hội nữa. Tất nhiên, “may mắn” là nhờ thế nên phương Đông mới có Kim Tự Tháp, Vạn Lý Trường Thành, Lăng Ly Sơn..., để suốt ngày phổng mũi trước phương Tây! Quả là đáng buồn khi sự vô ơn và vô cảm của con người thời văn minh chẳng cần nhớ đến mạng sống của hàng triệu người bị vùi trong các “kỳ quan” trên – ra đời từ sự hống hách ngang ngược của bạo quyền.
2. Ông Nguyễn Đình Chú trong bài viết của mình không hề nhắc đến hai nền văn minh Lưỡng Hà và Ai Cập, là điều thật khó chấp nhận. Đó là những nền văn minh đã sản sinh ra chữ viết và luật pháp trước các nền văn minh khác hàng ngàn năm(!) Bộ luật Hammurabie được làm trong khoảng thời gian từ 1792-1750 tr.CN có Điều 5 (trong số 282 điều) diệu tuyệt: “Nếu quan tòa, do thiếu công minh hoặc kém khả năng mà xử án sai, bị phạt số tiền gấp 12 lần nguyên án và bị cách chức vĩnh viễn”! 3.800 năm đã trôi qua không hề làm giảm tính bất tử của điều luật đó: Ngay cả bây giờ, quan tòa cứ xử án sai cũng không hề hấn gì, trong khi nhà nước phải xin lỗi, rồi lấy tiền thuế của dân ra để bồi thường? Chỉ riêng điều này, phương Đông – Đông Á xứng đáng để văn hóa phương Tây áp đảo. Tại sao chúng ta không thấy rằng mặc dù văn minh phương Đông ra đời trước phương Tây hàng ngàn năm lại bị phương Tây bỏ rơi và nô dịch? Câu trả lời nằm ở sự khác biệt giữa chuyên chế và dân chủ. Từ trước công nguyên, người La Mã đã đấu tranh để vua (rex) là của chung (publica) và nhờ thế mới có nền cộng hòa (Republic), có nghị viện (Sénato = > Thượng nghị viện, senate). Nhà nước Athènes có bồi thẩm đoàn (jurie = Jury), có polis (thành phố) để sinh ra người duy trì trật tự trong thành phố (police). Cho đến bây giờ, hàng chục nước phương Đông không hề có bồi thẩm đoàn – lạc hậu hơn phương Tây ít nhất là 2.500 năm(!) Không phải ngẫu nhiên mà trong bộ bài Tây ngoài vua (King, con Già), hoàng hậu (Queen, con Đầm) còn có nhân vật thứ ba là con bồi (J = Jury).
Nếu muốn nhìn rõ hơn một chút về văn hóa chính trị thì cứ so sánh cờ tướng và cờ vua sẽ thấy. Trong bàn cờ vua, quan hệ âm dương, nam nữ (vua và hậu) rất rõ; còn cờ tướng làm gì có âm? Ấy thế mà hầu như ai cũng ngộ nhận âm – dương là “đặc sản” của phương Đông. Đó là chưa nói chính phương Đông đã coi thường âm – dương khi người đàn ông có quyền có năm thê bảy thiếp, thậm chí hàng ngàn vợ trong khi phương Tây thực sự hài hòa với cái khung nghiêm ngặt một vợ, một chồng của văn minh Công giáo.
Trở lại với chuyện bàn cờ. Vua của phương Tây khi cần sẽ xông pha ra trận còn vua phương Đông cứ ru rú nấp dưới lâu đài của vạn sự tung hô. Con tốt mới là tuyệt kỹ của phương Tây về nhân cách: Chỉ là tốt thôi, nhưng nếu đi hết cuộc “chiến tranh” sẽ được phong thành con cờ mạnh nhất. Mới chơi cờ, hầu như người phương Đông nào cũng ngạc nhiên vì sao hậu lại là quân cờ mạnh nhất? Thực ra, đó mới đích thị là sự tư duy toàn diện, thực dụng, sâu sắc của phương Tây. Hậu chính là hậu phương, là tổ ấm – chỗ dựa của bất kỳ người lính nào (kể cả vua). Chiến tranh mà không có hậu phương thì chỉ có vất đi. Hậu còn là sự uyển chuyển và linh hoạt, khéo léo. Hậu nhắc nhở người chơi cờ rằng mạnh nhất không phải là sự đồng nghĩa với chuyện nên di chuyển (tấn công) đầu tiên. Nếu bàn thêm về chuyện sông trong cờ tướng (biên giới) và không có sông trong cờ vua, ta sẽ thấy cái biên giới tự nhiên (sông) của phương Đông nó kỳ quái, bảo thủ vì thực ra đã là chiến tranh - nhất là chiến tranh giữa thảo nguyên, với kỵ binh thì làm gì còn biên giới? Người phương Đông bảo thủ nên lạc hậu là đúng rồi: Con mã gặp cản thì không đi được trong khi với phương Tây, một trong những môn thể thao hay nhất, đáng kể nhất là phi ngựa vượt rào...
Tính dân chủ và linh hoạt; cách nhìn toàn diện; chấp nhận thách thức và sẵn sàng vượt qua nó, là 3 yếu tố quan trọng nhất để phương Tây hơn hẳn phương Đông.
3. Tất cả các tôn giáo lớn đều sinh ra ở phương Đông. Ông Nguyễn Đình Chú không thỏa đáng khi bàn về văn hóa và tinh thần truyền thống mà lại so sánh không đủ về sự khác biệt giữa các tôn giáo, đặc thù của mỗi tôn giáo. Chẳng hạn, phương Đông không chỉ có Nho gia (và chắc gì Nho gia ảnh hưởng nhiều hơn Phật gia?) và, nếu không hiểu Công giáo – Tôn giáo phổ quát cho tất cả mọi người (Catholique, Catholic), thì chẳng bao giờ hiểu nổi văn minh phương Tây.
Theo các số liệu mà chúng ta có (rất tương đối về độ chính xác, tin cậy), thì tôn giáo ra đời sớm nhất là đạo Do Thái (1225 tr.CN) ở Trung Đông; Ấn Độ giáo (Brahma = Bà La Môn) khoảng 1000 năm tr.CN; Phật giáo (Ấn Độ), Đạo giáo, Nho giáo (Trung Quốc) khoảng 500 năm tr.CN; Công giáo (Trung Đông), Thần Đạo (Nhật Bản) khoảng đầu công nguyên và Hồi giáo (Trung Đông) năm 622. Như vậy, tất cả mọi tôn giáo đều là của phương Đông như đã nói ở trên.
Cái hay của văn minh phương Tây là đã “chọn” ngay Công giáo để nhất thể hóa, tây phương hóa thành tôn giáo riêng của văn minh của người da trắng (sau này sẽ phát triển thêm sang các chủng tộc khác), tuy cái sự “ngay” đó cũng phải dài đến hàng trăm năm – chính thức là dưới thời của Hoàng đế Constantine (đầu thế kỷ IV). Công giáo nói riêng và các tôn giáo khác nói chung tại sao trường tồn bất chấp ý thức hệ, bất chấp sự thay đổi của các phương thức sản xuất, bất chấp mọi chế độ chính trị? Muốn nói gì đi nữa thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng “sản phẩm” bền vững nhất, có sức sống mãnh liệt nhất, đẹp và thiêng liêng nhất của mọi nền văn minh chính là tôn giáo.
Tại sao? Xin trả lời tàm tạm như sau:
1) Có những bí ẩn mà con người không bao giờ biết được buộc con người phải tin rằng có một Đấng Sáng Tạo thực sự và, nói như Bill Clinton tại Hà Nội (tháng 11.2000), “Con người phải được tự do tôn thờ Chúa theo cách riêng của mỗi người”. 2) Con người có quá nhiều nỗi đau nên họ nhất thiết phải tìm đến sự an ủi, sự đền bù từ ngày mai (kiếp sau) để sống thoát qua những đau khổ, dập vùi.
3) Khi chưa có nhà nước hoặc đã có thì nhà nước, tự nó, không bao giờ đủ khả năng để cưỡng chế dục vọng, duy trì đạo đức. Chỉ có tôn giáo mới làm được điều này (cũng xin mở ngoặc rằng mặc dù không thuộc về tôn giáo nào nhưng tôi tin người có đạo tốt hơn người không có đạo bởi người có đạo biết sợ, biết hối cải, biết ăn năn thường xuyên, biết làm điều tốt nhiều hơn...).
4) Chính các thầy tu hay các linh mục..., là những người có học vấn uyên thâm nhất (xưa nay hầu hết đều thế) nên có thể coi các đền, chùa hay nhà thờ đều là những trung tâm văn hóa – giáo dục, đảm trách việc di truyền văn hóa suốt hàng ngàn năm.
5) Sự phân hóa, chia rẽ, mất đoàn kết là thuộc tính tự nhiên của con người và, chỉ có thể giảm bớt bằng liên kết tôn giáo (dĩ nhiên nếu sự cố kết cộng đồng tôn giáo biến thành sự cực đoan thì sẽ trở thành cuồng tín, sai lạc).
6) Con người có xu hướng đi tìm thần tượng, sự thiêng liêng để dâng hiến, sáng tạo. Không có thần tượng nào đẹp hơn Chúa – Allah – Budha – Khổng Tử - Lão Tử - Thái Dương Thần Nữ. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà gần 70% các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc, hội họa, văn học... đẹp nhất, đáng kể nhất đều liên quan đến đề tài tôn giáo.
7) Nhu cầu giải thoát khỏi cuộc sống đơn điệu, nghèo nàn về tinh thần là khát vọng của hàng ngàn năm. Chính các lễ hội của tôn giáo đã làm phong phú thêm cuộc sống của con người.
8) Mong muốn quyền lực – dù “vô tình” hay cố ý là một điều kiện, một nhu cầu luôn luôn có trong tất cả các tôn giáo (các lãnh tụ).
9) Tôn giáo cần như một đối trọng, một quyền lực thứ hai (bây giờ là thứ 5, song hành cùng với lập pháp, hành pháp, tư pháp, báo chí) để thần quyền đối trọng với vương quyền nhằm hạn chế bớt sức mạnh của vương quyền.
10) Cuộc đời của con người luôn là sự mâu thuẫn, giằng xé của cuộc đấu tranh giữa tình cảm (trái tim) và trí tuệ (suy nghĩ). Không có bất kỳ một sự diệu tuyệt tư tưởng – đạo đức – ý chí nào có thay thế được tôn giáo vì trong đó, có cả hai điều quan trọng nhất ấy.
Từ những phác thảo trên đây, chúng ta mặc nhiên phải thừa nhận rằng Văn minh Công giáo (phương Tây) là thực nhất, đúng nhất, hiệu quả nhất với con người (ý kiến này chắc sẽ bị phản đối nhiều). Muốn nói gì đi nữa thì chế độ một vợ một chồng là đóng góp vĩ đại của nó. Nghịch lý văn hóa – tinh thần truyền thống (từ dùng của Nguyễn Đình Chú) xẩy ra: Công giáo bảo vệ phụ nữ (người đàn bà sợ nhất là bị chồng bỏ, quan niệm xưa); Hồi giáo bảo vệ đàn ông (cho lấy 4 vợ); còn Phật giáo cứ loay hoay ở giữa nên rất ít người theo (hơn 300 triệu tín đồ Phật giáo, gần 2 tỷ tín đồ Công giáo và hơn 1 tỷ tín đồ Hồi giáo).
4. Văn minh phương Tây coi thách thức là cơ hội (như đã nói) trong khi phương Đông cứ Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống... Tiếng chuông nhà thờ mỗi sáng là sự thúc giục "dậy đi, nhanh lên, vượt qua đi" còn tiếng chuông và tiếng mõ chùa là "ngủ đi, ngủ đi"... Nho giáo có không ít điều tích cực nhưng sự bảo thủ là vấn nạn khủng khiếp của nhận thức, “truyền thống” bị biến thành tiếng thở dài của chấp nhận và chịu đựng. Nhân danh “ổn định”, Nho giáo khước từ mọi thay đổi. Cứ nhìn vào câu đối, cách thi cử suốt hàng ngàn năm sẽ thấy, Nho giáo không chấp nhận bất kỳ sáng kiến nào – đồng nghĩa với sự hủy diệt sáng tạo. Làm sao có thể tin rằng Ba ông thợ da bằng Gia Cát Lượng? Napoléon Bonaparte nói (đại ý): “Một triệu kẻ ngu đần không thể tạo ra một thiên tài và một triệu kẻ hèn nhát không thể có được quyết định dũng cảm”. Cái lấp lánh của văn minh phương Tây chính là chỗ đó. Nó ghi nhận rằng chỉ có tài năng, sức mạnh thực sự mới xứng đáng cầm quyền. Tại sao cả nước cứ quỳ sụp xuống để tôn thờ một ông vua hai tuổi nằm trong nôi rằng thánh thượng anh minh vạn, vạn tuế? Sự ngu xuẩn, ươn hèn của người phương Đông trong suốt hàng ngàn năm dưới chế độ chuyên chế đã tự động, tự nhiên biến họ thành những kẻ luồn cúi và chấp nhận thực tại một cách thảm thương. Thử giở lịch sử La Mã ra làm ví dụ: Từ thời của Augustus (năm 30 A.D. – 14 B.C) đến thời của Commodus (180-192), hơn hai trăm năm đó chỉ có một trường hợp duy nhất cha truyền con nối làm vua nhưng thực ra cũng là do Commodus giết cha (triết gia, nhà thơ Eurelius) để tiếm quyền. Phương Đông hoàn toàn khác: Cứ con ông, cháu cha, bất kể ngu dốt cỡ nào, mặc sức có quyền thao túng vận mệnh giống nòi. Cách tư duy bất kể quy luật con đầu đàn – kẻ mạnh nhất, khôn ngoan nhất là kẻ đứng đầu, đã làm cho phương Đông với cách nghĩ “sống lâu lên lão làng” -chệch đường, liên tục sa vào những cái hố sâu của đau đớn, tủi nhục ê chề. Nói như thế để thấy rằng văn hóa phương Tây áp đảo phương Đông là đúng với quy luật của lịch sử. Cho dù phương Đông có không ít những điều tốt đẹp nhưng, thử một lần chúng ta nhìn quanh mình xem sẽ thấy trên 90% vật dụng hàng ngày liên quan đến văn hóa, văn minh đều được sáng tạo ra từ cách nghĩ, cách làm của phương Tây. Đóng góp cho nhân loại nhiều như thế không thể là xã hội – văn minh xấu xa, phải giãy chết, như chúng ta vẫn được nghe rao giảng đầy dối trá, mỗi ngày!
Hiện thực lịch sử - thực tiễn đó là không thể chối cãi. Đừng hoài niệm quá khứ quá nhiều bởi truyền thống nào chẳng có tính bảo thủ? Dù có muốn lập luận cách gì đi nữa thì từ mô hình nhà nước, các khái niệm dân chủ, cộng hòa, nền văn minh công nghiệp...; đều là những mô hình mà phương Tây đã phổ biến trên đa phần của thế giới. Hoài niệm cái cũ quá mức chỉ là cách kéo dài thêm một chút sự bất công, lận lầm, đau đớn và kém cỏi mà thôi. Tất cả những nước học theo, làm theo khuôn mẫu của văn minh phương Tây từ cổ đại đến hiện đại (Hy Lạp, Roma, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Mỹ...) đều giàu có, dân chủ, nhân văn. Có thể bạn sẽ đặt ngược câu hỏi rằng tại sao Hy Lạp bây giờ tai ương thế? Đó chỉ là sự trục trặc của cái biến tướng sai lầm của lãnh đạo - điều tiết nhất thời. Quy luật của muôn đời: Đất nước cũng chỉ là một gia đình mở rộng. Bố mẹ giỏi thì con cái đỡ cơ cực và ngược lại. Dân tộc lầm than chỉ có thể là do lãnh đạo ngu dốt và thiển cận mà thôi (nguyên nhân chủ yếu nhất). Cứ nhìn vào Nhật Bản sẽ thấy rất rõ: Tài nguyên chỉ có bão tố và động đất nhưng vẫn là cường quốc kinh tế số hai thế giới. Lý do: Lãnh đạo vì danh dự, vì giống nòi còn người Nhật luôn coi bổn phận, trách nhiệm là lẽ sống - cái lý cần phải có để tồn tại trong cuộc đời này. Tại sao không nhìn vào thực tế đó mà cứ chạy quanh để kiếm tìm những “giá trị” viển vông?
Huế - Gia Lai - An Giang, tháng 7.2010.
Hà Văn Thịnh
Tel: 0914.079.210.

Nguồn: http://www.zend2.com/So.php/7cd71f6a/72b9d48a/622aOi8v/ZGFubHVh/bi5vcmcv/bm9kZS81/NzE2/b5/

VIỆT NAM YÊU DẤU