Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

27/10/13

NHÀ GIÁO... TÂU BẨM


Hồ Như Hiển

Trong hội đồng “Giàn giáo”, ngoài yếu tố chuyên môn phải cứng (đôi khi cũng không quan trọng lắm), cần phải có những điều kiện gì để đạt được danh hiệu “Nhà giáo tâu bẩm”?

1.     Điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất: gần gũi/thân cận/thân mật/thân thiết/gắn bó/… với “Biệt thự giáo”. Vì các cụ đã dạy “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Mà biệt thự thì lúc nào đèn điện cũng sáng choang, soi tâm rọi trí cho những người trung thành.

2.     Coi trường như ngôi nhà thứ hai (chứ không phải ngôi nhà thứ nhất nhé) của mình. Nghĩa là, không cần biết cơ sở vật chất ngôi nhà thứ hai của mình được tăng cường như thế nào, hết bao nhiêu tiền, tiền lấy ở đâu, có dư hay không. Mà giả sử có biết thì cũng phải giả mù câm điếc.

3.     Yêu thương học trò như những đứa con của mình. Nghĩa là:
-Không cần biết tiền nước uống của chúng được chi tiêu ra sao.
- Không cần biết tiền vệ sinh chúng đóng có được sử dụng sạch hay bẩn.
- Không cần biết số tiền chúng đóng học đề cao/phụ đạo được thanh toán như thế nào?
- Không cần biết tiền ghế nhựa của những đứa con mình được sử dụng như thế nào.
- Quan tâm, lo lắng đến manh áo đồng phục của chúng: giỏi khua môi múa mép, “sinh vận”, “phụ vận” (vận động học sinh, vận động phụ huynh) nhất trí trăm phần trăm, đồng lòng đồng phục mà không cần quan tâm đến số tiền mua đồng phục của những “đứa con” có xứng với tấm áo chúng đang khoác trên người hay không.
- Biết lấp lửng/lập lờ/mập mờ giữa “tự nguyện” và “bắt buộc” việc “bảo hiểm thân thể”  cho những đứa con… người khác đứt ruột đẻ ra.
- Tóm lại, biết hướng học sinh của mình đến những điều tốt đẹp. Tức là phải biết hướng học sinh, hướng phụ huynh đừng để ý đến những khoản tiền mình đóng góp đã được chi tiêu ra sao. Hướng học sinh lúc nào cũng nghĩ đến trách nhiệm, còn quyền lợi của chúng thì càng đánh trống lảng càng tốt.

4.   Biết “Nhẫn” khi mình chưa đạt được danh hiệu cao quí. Rèn “Tâm” mình thật sáng như bóng đèn… đứt dây, nhất định một ngày nào đó “biệt thự giáo” sẽ liếc con mắt xanh phát hiện ra vẻ đẹp/năng lực/lòng trung tiềm ẩn của mình.

Nếu không đạt được những điều đó, thì chỉ là “lều giáo”, thậm chí là “chòi giáo” mà thôi.

NHH

VIỆT NAM YÊU DẤU