Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

27/12/11

GHẾ NHỰA, BỤC GIẢNG VÀ...

Hồ Như Hiển
1. Chiếc ghế nhựa, bục giảng và giáo đường
Chiếc ghế nhựa.
Cách đây mươi, mười lăm năm, học sinh tập trung chào cờ đầu tuần không có ghế để ngồi nên các em phải kê dép hoặc mang theo tờ giấy lót chỗ ngồi trên sân trường. Vài năm trở lại đây, sau khi "đổi mới" (tức là quay lại cách làm phù hợp với quy luật kinh tế mà thế giới đã làm từ đời tám hoánh), đời sống nhân dân có khá lên một chút. Với lá chắn "nhà nước và nhân dân cùng làm", "xã hội hoá giáo dục", dù đã đóng học phí; đóng tiền xây dựng (theo luật Giáo dục, học sinh không phải đóng tiền này; khi dư luận ồn ào về khoản này thì nó lại biến tướng dưới một hình thức khác là "tiền hỗ trợ cơ sở vật chất") nhưng các nhà trường đều buộc các em phải đóng thêm khoản tiền mua ghế nhựa.
Dù có ghế hay không có ghế thì quang cảnh chung của buổi tập trung, các buổi lễ kỉ niệm là: thầy cô giáo, quan khách, đại biểu ngồi bàn ghế cao, đàng hoàng, lịch sự (thậm chí có cả lán che nắng, mưa) còn học sinh thì ngồi chen chúc, gò bó, thấp tầm trên những chiếc ghế nhựa xanh đỏ, lùn tịt. Một cảnh tượng ngạo mạn và trịch thượng như cảnh thượng đế với chúng sinh.
Có người cho rằng, văn hoá phương Đông trọng người lớn tuổi, trọng bề trên. Nhưng trọng bề trên không có nghĩa là coi thường người dưới. Vì một nguyên tắc tự nhiên trong giao tiếp là "ta trọng người thì người trọng ta". Ở các nước tư bản giãy chết, khi người lớn nói chuyện với trẻ nhỏ, người ta quỳ xuống hoặc bế em bé lên ghế ngồi để chiều cao của hai người bằng nhau. Điều đó thể hiện sự tôn trọng, bình đẳng giữa con người với con người.
Bục giảng và giáo đường
Xem trên truyền hình, ở nước ngoài, mỗi lớp học chỉ có từ 20 đến 25 học sinh và thường không có bục giảng bài. Nếu lớp học đông, người ta sắp xếp bàn ghế học sinh theo hình bậc thang, bục giảng bài giáo viên là nấc thang thấp nhất. Ở ta thì ngược lại, bàn ghế được bố trí theo một kiểu cứng nhắc thành hàng thành lối, bục giảng bài được đặt cao hơn (người ta giải thích rằng để người học dễ nhìn thầy cô, dễ theo dõi bảng, để tạo ra sự thống nhất, chú ý cho người học). Ông thầy, trong một nền văn hoá còn nặng nề về tư tưởng phong kiến bước lên cái bục đó, tự nhiên thấy mình "cao" hơn, có uy quyền hơn và dường như chân lí nằm ở nơi ông. Còn học sinh, tự nhiên thấy mình nhỏ bé, thấy ông thầy là vĩ đại, cái gì thầy cũng biết, cái gì thầy cũng đúng. Thế là mọi suy nghĩ của học sinh bị cái bóng khổng lồ của một vị thánh o bế, họ rụt rè, thụ động trước một "tượng đài sừng sững" trong lớp học.
Cái cấu trúc của lớp học như ở VN ta đã góp phần phong thánh cho ông thầy. Còn lớp học như một giáo đường, học sinh chỉ việc nghe, tin theo những gì ông thầy nói.
Nhưng giờ đây, ông thánh đấy không thật sự có uy. Vì nhiều điều. Nhưng những cái có thể thấy ngay: ông thầy ít nhiều tham gia vào việc lạm thu, tham gia vào làm những ông giám thị - trọng tài bù nhìn trong các kì thi tốt nghiệp, thi nghề. Và khi ông thầy đổ lỗi, do xã hội bắt ông thầy làm như thế thì ông thầy chẳng còn tí ti sự tự trọng nào nữa. Ông là người hiểu biết hơn, ông không góp phần làm cho xã hội đó trong sạch hơn, ông lại a dua, phụ hoạ hoặc ít nhất là chấp nhận im lặng, làm ngơ. Rồi trăm dâu đổ đầu tằm, ông đổ xuống đầu học sinh. Và thế là, cái tư duy của bà mẹ chồng chiếm lĩnh, chế ngự đầu óc ông thầy: ngày xưa mình đi học cũng thế, ngày nay xã hội bắt mình phải làm thế, mình không có cách nào khác!
2. Chuyện gửi xe đạp
Học sinh ở Việt Nam, nếu đi xe đạp đến trường thì thường không được phép gửi xe đạp ngoài nhà trường. Lãnh đạo nhà trường làm đầy đủ các thủ tục cần thiết để ràng buộc phụ huynh, bắt phụ huynh ép con em mình phải gửi xe trong trường. Tất nhiên là nhà trường có thu tiền gửi xe, dù khoản này rất nhỏ so với nhiều khoản thu ngoài học phí mà phụ huynh phải đóng góp. Ở đây, nổi lên hai vấn đề:
Thứ nhất, nhà trường, thông qua hội cha mẹ học sinh (thực chất chỉ là chiếc bình phong để nhà trường dễ dàng thu các khoản khác), tước quyền tự do lựa chọn dịch vụ xã hội của các em.
Thứ hai, nếu yêu cầu các em gửi xe trong trường để tiện cho việc quản lí (ở cái xứ mình nó vậy, cứ không quản được là cấm. Càng cấm nhiều, càng thể hiện sự bất lực của quản lí) thì tại sao lại bắt các em phải đóng thêm tiền gửi xe. Vì tất cả các khoản đã nằm trong học phí (tức là chi phí cho việc học). Tại sao giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường gửi xe trong trường lại không phải đóng tiền gửi xe? Hay là lấy lí do vì số lượng học sinh đông hơn? Vậy số tiền "hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất" hàng năm các em đóng hết năm này qua năm khác đã đi đâu mà không đủ để xây dựng, tu bổ lán xe học sinh cho đàng hoàng, không đủ để xây dựng quĩ trả lương coi xe học sinh cho bảo vệ? Hay lấy lí do thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên là công chức nên được miễn phí? Nhưng xây dựng lên ngôi trường là từ tiền thuế, công sức đóng góp của nhân dân, trong đó có cả cha mẹ học sinh (thông qua học phí và các loại thuế khác), cả các thầy cô, cán bộ công nhân viên. Do đó, thầy cô và học trò cũng phải bình đẳng trong vấn đề này chứ. Nếu sự phân biệt như vậy cứ tồn tại, thì mặc nhiên, nhà trường đã thừa nhận, nhà trường là của thầy cô, của "người lớn" chứ không thể là của học sinh, của "nhân dân". Và hãy thôi đi những  chót lưỡi đầu môi, những lời chim chóc "mỗi ngày đến trường là một niềm vui", "trường học thân thiện"...
3. Đến những điều sâu xa hơn
Vào đầu năm học, nhà trường tổ chức cho học sinh học nội quy nhà trường, nội quy của lớp và đến mỗi kì thi tốt nghiệp hay tuyển sinh, nhà trường, các hội đồng thi lại tổ chức phổ biến quy chế thi cho thí sinh. Tuy nhiên, người ta đặt câu hỏi sao trong suốt quãng đời đi học, nhà trường không bao giờ tổ chức một cách nghiêm túc, bài bản, có hiệu quả việc phổ biến đến người học những điều luật, điều lệ như: Luật Giáo dục, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, điều lệ trường THPT, điều lệ hội cha mẹ học sinh... Đặc biệt trong các điều luật đó, có những điều liên quan đến quyền của người học như:
- Được nhà trường, cơ sở giáo dục khác tôn trọng và đối xử bình đẳng, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình (khoản 1, điều 86, luật Giáo dục),
- được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hóa, thể dục, thể thao của nhà trường, cơ sở giáo dục khác (khoản 5, điều 86, luật Giáo dục),
- giáo viên không được có các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh (trích khoản 1, điều 35, điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học),
- việc thu chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, báo cáo công khai tình hình thu chi và quyết toán kinh phí tại các cuộc họp cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường (khoản 4, điều 11 điều lệ hội cha mẹ học sinh)
- Mỗi lớp ở các cấp THCS và THPT có không quá 45 học sinh (điểm b, khoản 1, điều 15, điều lệ trường THCS và THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học).
...
Nhà trường chỉ "động' đến một số điều trong Luật Giáo dục, Điều lệ trường trung học khi cần phải "cảnh cáo", "răn đe", "xử lý" khi các em mắc lỗi. Vậy phải chăng, những điều luật, điều lệ đó chỉ là công cụ để nhà trường cai trị các em?
Nền giáo dục như vậy là vì người trên chứ không vì các em, vì tương lai đất nước!
HNH

VIỆT NAM YÊU DẤU