Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

11/3/11

10 quyền không xóa bỏ được của người đi học

Quyền của người đi học - nền tảng của nguyên lý giáo dục (bài 1)

Quyền không xóa bỏ được của người đi học” được đăng trên các tạp chí khoa học năm 1995, không phải để bảo vệ học sinh mà thực ra là đề cập đến những lý do rất sư phạm - để dạy hữu hiệu hơn - tại sao phải tôn trọng người đi học.
LTS Dân trí - Philippe Perrenoud được mệnh danh là “Cây Đại thụ” của ngành sư phạm tại Đại học Genève (Thụy Sĩ) qua thực tế nghiên cứu và giảng dạy hơn 30 năm, ông đã đề ra 10 quyền của người đi học. Đấy là những quyền không thể chối bỏ đối với trẻ em, giúp cho các em không phải khổ hạnh trong học tập, mà tự tìm thấy nguồn vui và hạnh phúc trong học tập, từ đấy tạo ra sự  hưng phấn của bộ não để chủ động tìm đến với những kiến thức mới mẻ và hấp dẫn. Vì vậy, những “Quyền không thể xóa bỏ của người đi học” chính là nền tảng của những nguyên lý và phương pháp sư phạm mà người thầy cần tuân thủ để đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất.Với sự quan tâm và thiết tha với nền giáo dục nước nhà, Nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai (Bỉ) viết bài giới thiệu về 10 quyền của người đị học. Hy vọng rằng thiện chí đó của tác giả sẽ giúp ích thiết thực cho các nhà giáo dục Việt Nam cũng như các bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến tâm lý trẻ em, biết tôn trọng các em nhiều hơn và từ đấy có phương pháp giáo dục phù hợp và đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình giáo dục con em chúng ta.

Dân trí xin giới thiệu bài viết được đăng hai kỳ của Nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai (Bỉ):
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn
Qua bài này, Perrenoud cho ta thấy những khía cạnh rất khoa học phải tôn trọng học sinh và đồng thời, ông thể hiện cả triết lý và tấm lòng của một người đi dạy suốt đời cặm cụi hy sinh cho lý tưởng sư phạm, cho học trò,...

Philippe Perrenoud, sinh năm 1944, là một đại thụ của ngành sư phạm của Đại học Genève (Thụy sĩ) từ hơn 30 năm nay và là bậc thầy của hai thế hệ nhà giáo - thế hệ của những năm 1975 và thế hệ 2000 -  ở châu Âu từ đó. Ông đã nghiên cứu và xuất bản hàng trăm công trình về phương pháp giảng dạy, xã hội học về giáo dục, nghề đi dạy, tâm lý trẻ em trong quá trình học tập, ...
Dưới đây là tóm lược  10 quyền không xóa bỏ được của người đi học:

Qua bài viết này tác giả mong muốn giúp ích thiết thực cho các nhà giáo dục Việt Nam cũng như các bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến tâm lý trẻ em, biết tôn trọng các em nhiều hơn và từ đấy có phương pháp giáo dục phù hợp (nguồn ảnh internet)

1. Quyền không phải chuyên cần chăm chú suốt buổi học: Làm sao ngồi yên suốt 6 giờ học mỗi ngày ở trường ? Khả năng chú ý, y khoa đã chứng minh là tùy theo tuổi các em,  từ 20 đến 40 phút, sau đó phải giải trí, phải chạy nhảy, đi chơi rồi mới tiếp tục học được. Nếu không, các em ngồi đấy mà trí óc lãng du ở chốn nào khác chứ không thể chăm chú nghe thầy. Học là một công việc trí tuệ mà không ai có khả năng làm việc trí tuệ suốt 4 hay 6 giờ liên tục. Thế giới bên kia cửa sổ, cây cối mặt trời ngoài sân, chim hót, ... đều rất hứng thú. Nếu các em đãng trí nhìn ra sân thì cũng dễ hiểu thôi. Nhiều trường trên thế giới tổ chức những sinh hoạt thể thao, giải trí, đi ngoài trời, ... xen kẽ với việc học. Ngay trong mỗi tiết học, có những giáo viên thỉnh thoảng dừng lại để trò có thể hát, tán gẫu trong hai ba phút, xong lại tiếp tục bài giảng.

2. Quyền có thế giới riêng của mình: mà không ai được xâm phạm, cái "vườn bí mật" của em mà em có quyền bảo vệ, không phải giải thích chia sẻ cho ai cả. Thầy giáo không được gạn hỏi về cái riêng tư của em. Lớp học là một nơi công cộng, dưới sự kiểm soát của bạn bè và nhất là của giáo viên. Nhưng mỗi em có quyền có những xúc cảm riêng. Việc học là một thao tác cá nhân. Dĩ nhiên, giáo viên phải biết một số chi tiết đặc thù của học trò mình để có thể “tùy cơ ứng biến”, uyển chuyển áp dụng những phương pháp thích hợp nhất. Nhưng vẫn phải tôn trọng xúc cảm, thế giới riêng của các em. Không bị “xâm phạm” giúp các em học nhanh hơn, học tốt hơn, nhớ dai hơn và giữ những kỷ niệm đẹp của thời đi học. Sống chung, học chung là một chuyện, không ai chối cãi. Nhưng có những giới hạn : phần riêng tư của các em cũng phải được tôn trọng.

3. Quyền chỉ học những điều có ý nghĩa: Có những giáo viên bảo rằng “nếu tôi phải giải thích hết, thương lượng với các em cho từng tiết mục thì sẽ mất biết bao là thì giờ, làm sao dạy hết chương trình ?” Nhưng không thể nào cho vào đầu trẻ bất cứ điều gì. Giải thích từ trước mỗi tiết mục có vẻ làm mất thì giờ thật đấy nhưng khi đã gây hứng thú cho các em, khi các em hiểu rõ “nguyên nhân, hậu quả” của tiết học,  các em sẽ hấp thụ nhanh hơn.  Muốn cho các em học tích cực  thì  phải cho các em thấy ý nghĩa, lợi ích, cho các em thích, để các em “vào cuộc”, học cho chính mình, tích cực học... Người xưa vẫn nói phải làm sao tạo cho học trò có những cái đầu biết suy nghĩ chứ không nhét đầy vào đó những kiến thức không xài được (Montaigne, une tête bien faite plutôt qu'une tête bien pleine).

4. Quyền không phải vâng lời sáu tiếng mỗi ngày ở trường.: Trật tự và kỷ luật rất cần để sống với tập thể nhưng cái trật tự và kỷ luật  phải được thấu đáo, phải có đền bù , ...Nếu thỉnh thoảng các em không "ngoan" thì phải được cảm thông. 6 giờ học mỗi ngày ở trường đã được tổ chức bởi người lớn, vì nhu cầu của sinh hoạt xã hội, các em học cách sống cùng với xã hội nhưng xã hội cũng phải tôn trọng cá thể của các em. Người lớn đâu có bị bắt buộc phải vâng lời ai suốt ngày ? Vâng lời, bị cho vào tình trạng thụ động thì làm sao các em phát triển và trở thành tự lập được? Ngược lại, khi “được quyền thỉnh thoảng không vâng lời”, các em sẽ  tự thấy được kính trọng và từ đó ý thức rõ hơn bổn phận phải sống với tập thể. Cái chế tài “uyển chuyển” ở trường tránh phát sinh những “phương sách trốn chế tài” gây ra thói quen không chân thật, dối trá kiểu “không có cảnh sát giao thông bắt phạt thì tha hồ vi phạm luật đi đường” ...

5. Quyền được cử động, di chuyển: Tại sao bắt các em ngồi một chỗ?  Và giữ im lặng nữa. Trong khi thầy giáo thì có quyền đứng dậy, ngồi ở góc bàn, đi tới lui trong lớp? Bị gò bó, không được chạy nhảy, thậm chí không được đụng tới hay “chơi” với vật để trên bàn như bút, thước kẻ, ...Còn trẻ, các em đầy sinh khí. Phải kìm hãm cái sinh khí ấy trong suốt giờ học. Thảo nào đến lúc nghe chuông cuối giờ các em ào ào tranh nhau ra sân như vừa ... thoát nợ. Tổ chức sinh hoạt trong lớp một cách sống động sẽ trả lời được nhu cầu này của các em. Chấp nhận việc các em “táy máy” với các đồ vật ở tầm tay hay nghịch vặt với bạn ngồi gần là tôn trọng quyền được cử động của các em.
(Còn nữa)
                                              Nguyễn Huỳnh Mai
                                                  (Liège, Bỉ)
Nguồn: Dân trí

VIỆT NAM YÊU DẤU