Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

30/3/11

Thói hư tật xấu của người Việt: dân sợ quan, việc quan hỗn hào lẫn lộn

 http://files.chungta.com/Thumbnail.ashx/0/180/0/9070007AE3314E3CB2F9F30E0E9E9F92/Vuong_Tri_Nhan-Thoi_hu_tat_xau_nguoi_Viet_15.jpg
Vương Trí Nhàn

Dân quá sợ quan(Phạm Quỳnh, Phụ mẫu dân hay công bộc dân, Nam Phong, năm 1926)
Một cái thiên kiến rất trái ngược với đời nay và hiện còn phổ biến trong dân gian lắm, là cái thiên kiến coi quan là dân chi phụ mẫu, sợ quan như sợ cha mẹ, sợ thánh thần. Bởi dân sùng phụng mê tín quan như thế, nên quan mới có kẻ tác ác tác hại được như thế.
Cũng bởi dân sùng phụng mê tín quan như thế nên kẻ nào chưa được quan thì cậy cục cho kỳ được, kẻ nào đã được quan thì hết sức mà giữ lấy, củ quốc(1) xô đẩy nhau về một đường ấy, ngoại giả không còn có học vấn, không còn có tư tưởng, không còn có sự nghiệp, không còn có công danh gì nữa, bao nhiêu cái khôn cái khéo chỉ dùng để ăn quẩn lẫn nhau, diễn ra trong xã hội một cái bi kịch có thể gọi là "gà què ăn quẩn cối xay".
(1) củ: chữ Hán, nguyên nghĩa là kết hợp lại. Củ quốc như ngày nay nói cả nước

Việc quan hỗn hào lẫn lộn(Hoàng Đạo, Bùn lầy nước đọng, năm 1939 )
Các cụ ngày xưa quá tin vào sự nhiệm màu của đạo Khổng. Họ tưởng rằng lầu thuộc Tứ thư, Ngũ kinh, học hết mấy pho sử, làm được câu thơ bài phú là có đủ đức hạnh để dạy dỗ dân, đủ tài kinh luân để đưa dân đến cõi hạnh phúc. Họ tướng rằng đã là sĩ phu, thì là một người hoàn toàn, một đấng thánh hiền, nên họ mới phó thác cho trách nhiệm quá nặng.
Những quyền hành lớn ấy, từ xưa đến nay, quan trường vẫn nắm trong tay, tuy rằng cuộc sinh hoạt của dân chúng đã đổi thay nhiều lắm. Một ông huyện chẳng hạn, không biết rằng chức phận của mình là phải làm những việc gì nữa. Ông ta là một ông quan toà lúc xử việc kiện tụng, một ông cẩm(1) lúc coi sóc việc trị an, một viên chức sở lục lộ(2) lúc thúc dân hộ đê... Đó là không kể cai trị là công việc chính của ông ta. Bấy nhiêu nhiệm vụ hỗn hào lẫn lộn là một điều khó khăn cho ông quan mà cũng là cái mầm cho sự lạm quyền. Và đối với những ông quan không theo đuổi một lý tưởng gì cao siêu, đó lại là một cái mầm cho sự ăn tiền.
(1) cảnh sát.
(2) sở giao thông.

Đã thành bia miệng trong dân(Trần Huy Liệu, Một bầu tâm sự, năm 1927)
Khi chưa được làm quan thì lo lót luồn cúi để được làm quan, khi đã được làm quan thì cho rằng cái cầu phú quý đã tới nơi rồi, mất tất cả cái đức tính liêm sỉ, quên hết cả cái giá trị thanh cao. Mài dao cho sắc mà khoét xương dân, há họng cho lớn mà hút máu dân. Những câu cửa miệng "túi tham không đáy", “đèn trời thắp bằng mỡ dân", “cướp đêm là giặc cướp ngày là quan" đã là cái bằng cấp danh dự của đám quan trường kia vậy.
Nguồn: chungta

VIỆT NAM YÊU DẤU